Bài 64: Ai Là Người Cầu Hôn? (TT)

1443

 

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

 

 

Sáng hôm đó, Bô-ô gặp người thân cận nhất của gia đình Na-ô-mi để trình bày vấn đề. Ông cũng mời 10 trưởng lão chứng thực theo cơ cấu về giáo luật của người Do Thái để các thủ tục được hợp pháp. Bô-ô trình bày sự việc cho người bà con gần nhất của gia đình Na-ô-mi rằng, “Anh có nhớ Ê-li-mê-léc không? Ông ấy xuống Mô-áp và qua đời tại đó. Họ có những sản nghiệp cần được chuộc lại, mà anh là người gần nhất để làm việc nầy. Nếu muốn, anh hãy đứng ra chuộc sản nghiệp họ lại, bằng không xin cho biết để tôi chuộc.” Người đó trả lời, “Tôi sẽ chuộc.” Bô-ô nói tiếp, “Có vài điều anh cần biết, nếu quyết định chuộc sản nghiệp của Ê-li-mê-léc thì anh cũng phải cưới một người nữ Mô-áp.” Một cách dí dỏm, có người cho rằng Bô-ô trình bày thế nào đó để người nầy có một ấn tượng rằng người phải cưới là một phụ nữ Mô-áp già cả. Có lẽ đây là lý do vì sao ông bảo Ru-tơ hãy về nhà của mẹ chồng nàng. Ông không muốn người nầy thấy Ru-tơ, vì nếu thấy Ru-tơ thì không dễ gì Bô-ô còn cơ hội để cưới được nàng.

Nhắc lại Ru-tơ sau khi trở về nhà, đoạn 3:16 Na-ô-mi hỏi nàng, “Có phải con gái ta chăng?” Điều Na-ô-mi muốn hỏi là, “Có phải con là bà Bô-ô không? Con đã đám cưới chưa?” Na-ô-mi là bà mẹ chồng điển hình của người Do Thái. Ru-tơ thuật lại mọi điều đã và đang xảy ra. Na-ô-mi nói: Hỡi con gái ta, hãy ở đây, để đợi xem cho biết công việc xoay thế nào vì nếu ngày nay việc nầy chưa rồi, thì người ấy chẳng nghỉ đâu.

Na-ô-mi muốn nói rằng, Bô-ô sẽ giải quyết xong mọi công việc tại tòa án. Bà trấn an Ru-tơ, “Cứ tin mẹ và an tâm vì Bô-ô sẽ lo liệu đâu vào đó.” Đúng vậy, Bô-ô đã hoàn thành xong công việc. Khi Bô-ô nói với người đàn ông thân thuộc của gia đình Na-ô-mi rằng, “Anh phải cưới một góa phụ người Mô-áp,” người đàn ông liền đáp,

Nếu vậy, tôi không chuộc lại được, e phải hủy hoại sản nghiệp của mình; xin hãy lấy về cho anh quyền chuộc lại của tôi, vì tôi không thế chuộc được.

Bô-ô lập tức nói với các vị trưởng lão rằng, “Xin quý ông hãy ghi vào hồ sơ, tôi là người chuộc mọi điều thuộc về Ê-li-mê-léc, tôi sẽ chuộc Ru-tơ người nữ Mô-áp.”

Đây là một bức tranh rất đẹp về sự cứu chuộc. Cứu chuộc nghĩa là “mua lại” hay “đem về lại.” Khải huyền đoạn 5 cũng mô tả bức tranh về sự cứu chuộc. Sứ đồ Giăng được cho thấy quang cảnh của thiên đàng. Ông thuật lại, Vì không có ai đáng mở quyển sách ấy hoặc nhìn xem nó nữa, nên tôi khóc dầm dề.

Quyển sách được đề cập tại đây thật ra là một cuộn giấy được niêm với 7 ấn. Vấn đề là không ai xứng đáng để tháo ấn và mở cuộn giấy. Các học giả tin rằng, cuộn giấy nầy giống như cuộn giấy nhỏ ghi các món nợ cần được chuộc trong trường hợp của sách Ru-tơ. Xin nhớ rằng người bà con đứng ra để chuộc phải chứng tỏ mình đủ khả năng và sẵn lòng chuộc người phụ nữ trước khi họ có thể mở cuộn giấy có ghi các món nợ của nàng. Họ không hề biết là họ phải tốn bao nhiêu cả. Sứ đồ Giăng khóc lóc vì không ai đủ tư cách và thiện chí để tháo các ấn và mở cuộn giấy trong đó ghi món nợ của cả nhân loại.

Thế nhưng tin mừng đã được công bố! Khải huyền ghi tiếp:

Chớ khóc, kìa, sư tử của chi phái Giu-đa, tức là Chồi của vua Đa-vít, đã thắng, thì có thể mở quyển sách ấy và tháo bảy cái ấn ra.

Tôi lại thấy chính giữa ngôi và bốn con sanh vật, cùng chính giữa các trưởng lão, có một Chiên Con ở đó như đã bị giết; Chiên Con có bảy sừng và bảy mắt, là bảy vì thần của Đức Chúa Trời sai xuống khắp thế gian.

Chiên Con bước tới, lấy sách ở tay hữu đấng ngự trên ngôi.

Khi lấy sách,  Chúng hát một bài ca mới rằng: Ngài đáng lấy quyển sách mà mở những ấn ra; vì Ngài đã chịu giết lấy huyết mình mà chuộc cho Đức Chúa Trời những người thuộc về mọi chi phái, mọi tiếng, mọi dân tộc, mọi nước,

Sự cứu chuộc mô tả trong sách Khải huyền chương 5 đã được ngụ ý nói đến qua sách Ru-tơ.

Tại phiên tòa được đề cập ở Ru-tơ đoạn 4, Bô-ô đã chính thức mua chuộc Ru-tơ. Thứ nhất, ông trả xong mọi khoản nợ của nàng. Xét theo khía cạnh nầy, ông đã mua nàng lại. Trên căn bản đó, ông tiến hành bước thứ hai là thiết lập mối liên hệ với nàng hay cưới nàng làm vợ. Thông qua hôn nhân với Ru-tơ mà Bô-ô đã đem nàng trở về trong gia đình của Đức Chúa Trời. Sự mua chuộc Ru-tơ hình bóng hai điều cho sự cứu chuộc của chúng ta. Việc chúng ta được cứu chuộc dựa trên sự chết và sự sống lại của Chúa Jêsus Christ. Sự chết của Ngài có ý nghĩa gì trong việc cứu chuộc chúng ta? Đó là giá mà Chúa Jêsus phải trả để đem chúng ta trở về trong gia đình của Đức Chúa Trời.

Lúc ban đầu, Đức Chúa Trời và loài người có mối quan hệ hoàn toàn tốt đẹp. Sáng thế ký cho biết, Đức Chúa Trời đã dựng nên con người  với ý chí tự do để chọn lựa. Nhưng rồi xưa cũng như nay, con người đã quay về với Đức Chúa Trời và chọn một con đường riêng cho mình. Điều nầy làm gãy đổ mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Lập tức, Chúa mua chuộc con người và đem họ về trong mối liên hệ với Ngài. Kinh thánh gọi đây là sự cứu chuộc. Đức Chúa Trời đã chuộc con người bằng cách nào? Chúa mua chuộc họ bởi sự chết của con Ngài trên thập tự giá. Phi-e-rơ nói rằng, “Không phải bởi những vật hay hư nát như bạc hay vàng mà anh em đã được chuộc.” Khi đọc chỗ nầy, những người Do Thái hiểu ngay chữ “chuộc” có nghĩa gì. Nó giống như việc chuộc sản nghiệp trong Cựu ước. Phi-e-rơ tiếp rằng, không phải bởi bạc hay vàng nhưng bởi huyết quý báu của Chúa Jêsus Chrsit mà chúng ta đã được mua chuộc trở về với Đức Chúa Trời.

Dẫu vậy, đây chỉ là một nửa của sự cứu chuộc. Hôn nhân giữa Bô-ô và Ru-tơ diễn tả phương diện thứ hai của sự cứu chuộc. Đó là mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa Jêsus. Chúa đã sống lại từ kẻ chết. Ngài đang sống và hiện diện trên trái đất nầy. Chúa gõ cửa lòng của chúng ta và muốn chúng ta mở cửa lòng mình, mời Ngài bước vào và ngự trị. Cứu Chúa Phục sinh muốn có mối liên hệ với chúng ta. Mối liên hệ đó là mối liên hệ yêu thương. Chúa Jêsus là chàng rể, còn chúng ta là cô dâu hay vợ hứa của Ngài. Nói cách khác, trong sự cứu chuộc chúng ta tin nơi sự chết đền tội của Chúa Jêsus Christ và tiếp nhận Ngài vào đời sống mình. Đó là khía cạnh thứ hai của sự cứu chuộc.

Ru-tơ là hình ảnh của mỗi chúng ta. Khi đến với Đức Chúa Trời bởi đức tin nơi Chúa Jêsus Christ, chúng ta đặt hy vọng trên điều gì để được cứu chuộc? Hy vọng của chúng ta chính là ân sủng của Đức Chúa Trời. Ân sủng đó được tìm thấy qua những điều luật Ngài đặt ra và được áp dụng trong sách Ru-tơ. Luật của Đức Chúa Trời liên quan đến sự cứu chuộc cho chúng ta được gọi là “Tin lành của sự chết và sự sống lại của Chúa Jêsus Christ.” Thông qua sự chết, Chúa Jêsus mua chuộc chúng ta trở về; thông qua sự sống lại và mối quan hệ với chúng ta, Chúa đem chúng ta trở về với Đức Chúa Cha và ban cho chúng ta quyền năng để sống với danh phận làm con của Ngài.

Một lẽ thật khác trong Ru-tơ được bày tỏ qua việc cầu hôn. Thông thường, người nam sẽ lựa chọn và cầu hôn người nữ. Nhưng theo luật chuộc sản nghiệp, Ru-tơ phải cầu hôn với Bô-ô. Nàng phải nói với Bô-ô trong chương 3 rằng, “Xin ông hãy làm người chuộc sản nghiệp cho tôi.” Điều nầy cũng tương tự với sự cứu chuộc của chúng ta. Tất cả những gì mà Bô-ô có thể làm là bày tỏ rằng, ông yêu Ru-tơ và muốn chuộc nàng. Nhưng nàng phải là người nói, “Tôi muốn ông làm người chuộc sản nghiệp.” Bô-ô không thể tuyên bố về điều nầy.

Kinh thánh cho biết, Chúa Jêsus đang đứng trước cửa lòng chúng ta.  Ngài đứng đó, gõ cửa và tiếp tục gõ cửa. Tiến sĩ John Stott nói rằng, đó là hình ảnh chỉ về mối quan hệ giữa một tín hữu hâm hẩm với Chúa Jêsus. Người nầy làm mọi sự ngoại trừ điều mà Chúa muốn họ làm. Tất cả những gì Chúa muốn là họ mở cửa, mời Ngài bước vào đời sống để làm Chủ và có mối quan hệ mật thiết với Ngài. Nhưng người tín đồ hâm hẩm không chịu làm như vậy. Họ chỉ cầu nguyện chút đỉnh chiếu lệ mà thôi.

Chúng ta phải thưa với Chúa rằng, “Con xin Ngài làm Đấng Cứu chuộc con. Xin Ngài mua chuộc con qua sự chết của Ngài và đem con trở về trong mối liên hệ với Ngài.” Điều nầy cũng có nghĩa là chúng ta thưa với Chúa rằng, “Con thấy Ngài đang đứng đó và kiên nhẫn gõ cửa. Con hiểu rằng Ngài muốn chuộc con bằng cách bước vào và có mối liên hệ với con, khắng khít giống như liên hệ trong hôn nhân. Nhưng con phải đáp ứng lời mời gọi của Ngài bằng cách mở cửa lòng con. Con phải mời Ngài làm Đấng Cứu chuộc con. Chúa Jêsus ơi, Con mời Ngài làm điều đó ngay giờ nầy. Xin mua chuộc con bởi dòng huyết của Ngài và đem con về nhà Cha qua mối liên hệ giữa Ngài và con.”

Một sự áp dụng khác được rút ra từ đời sống của Na-ô-mi. Xét theo một khía cạnh, Na-ô-mi làm cho chúng ta liên tưởng đến Ma-thê trong Tân ước, bà là một người thực tế. Trong chương đầu, Na-ô-mi oán trách Đức Chúa Trời về những đau khổ trong cuộc đời của bà. Tuy nhiên đến chương 4, Na-ô-mi không còn thái độ đó nữa, nhưng bà ngợi khen Chúa, nhất là khi ẵm bồng đứa cháu do Ru-tơ và Bô-ô sinh ra. Có thể nói Na-ô-mi là hình ảnh chỉ về Hội thánh của Đức Chúa Trời; qua đó, người khác biết được chương trình cứu chuộc của Ngài dành cho họ.

Phải có ai đó nói cho người khác biết về ơn cứu chuộc. Làm sao họ biết được về ơn cứu chuộc nếu không ai nói, không ai giải thích? Làm sao có những người rao giảng trừ khi có người sai phái họ ra đi? Phải có ai đó nói về tin mừng của sự cứu chuộc. Na-ô-mi chính là hình ảnh về những người như vậy. Bà đã giải thích cho Ru-tơ biết về luật chuộc sản nghiệp; qua đó, Ru-tơ nhận được tình yêu và ân sủng của Đức Chúa Trời. Bà đã nói với Ru-tơ rằng, “Con biết về luật chuộc sản nghiệp rồi, bây giờ hãy làm đi bằng cách xuống sân đạp lúa, gặp Bô-ô.” Ru-tơ làm theo những gì Na-ô-mi nói. Nàng xin Bô-ô làm người chuộc sản nghiệp cho mình. Vì vậy, Na-ô-mi là hình ảnh cho Hội thánh đang làm công việc rao giảng tin mừng về ơn cứu chuộc cho cả thế giới.

Chữ “ân sủng” trong sách Ru-tơ là một khái niệm rất quý báu mà chúng ta nên xem xét cách chi tiết hơn. Sau khi thành hôn với Bô-ô, nàng sinh một bé trai tên là Ô-bết. Ô-bết là ông nội của Đa-vít. Thử tưởng tượng, một hôm nào đó Ru-tơ đang dẫn con đi mua sắm thì nàng gặp một trong những người đã từng làm việc trong ruộng của Bô-ô. Họ nói, “Ồ! Rutơ đó à! Còn đây là bé Ô-bết phải không? Tôi biết là trước sau gì cô cũng chinh phục được Bô-ô. Cô thật tài tình. Đó là lý do vì sao ngày hôm nay cô được như vậy. Cô thật là thông minh, Ru-tơ.” Bạn có cho rằng, Ru-tơ sẽ đồng ý với lời nhận định đó không? Ru-tơ hẳn sẽ trả lời, “Sở dĩ tôi được như ngày hôm nay vì đã có một người yêu tôi rất nhiều, yêu đến nỗi sẵn sàng chịu hao tốn gia sản mình để mua chuộc tôi và đem tôi trở về trong gia đình của Đức Chúa Trời. Tôi mắc một món nợ yêu thương của Bô-ô và của Đức Chúa Trời.”

Tưởng tượng mỗi chúng ta được đem lên thiên đàng, tại đó vài người bạn gặp chúng ta và nói, “Ồ! Tôi biết cách gì anh cũng sẽ lên đây vì anh rất khôn ngoan để định hướng cho cuộc đời của mình. Tôi biết anh đã làm bao nhiêu việc tốt đẹp để được như ngày hôm nay.” Bãn có cho rằng chúng ta sẽ chấp nhận những lời khen ngợi đó không? Dĩ nhiên là không. Không một ai có thể bước vào thiên đàng ngoại trừ bởi ân sủng của Đấng đã yêu thương mua chuộc chúng ta.

Ru-tơ đã được cứu chuộc bởi ân sủng của Đức Chúa Trời. Cũng vậy, chúng ta được hưởng nước Đức Chúa Trời bởi tình yêu và ân sủng của Ngài.

Qua sách Ru-tơ, một câu hỏi được đặt ra: Bạn đã được cứu chuộc chưa? Bạn đã được mua chuộc về với Đức Chúa Trời thông qua huyết của Chúa Jêsus Christ và đức tin nơi huyết của Ngài chưa? Bạn đã được  đem về với Đức Chúa Trời qua mối liên hệ với Chúa Jêsus Christ chưa? Có bao giờ bạn đã mời Chúa làm Đấng Cứu chuộc cho cuộc đời của mình chưa?

Bài trướcBồi Linh – Thông Công Các Hội Thánh Khu Vực Bắc Bình Thuận
Bài tiếp theoBài 64: Chúa Giê-Xu Giáng Sanh