Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới
Hôm nay, chúng ta sẽ khảo sát chương thứ hai của một câu chuyện tình rất đẹp được ghi lại trong sách Ru-tơ. Chương thứ nhất đề cập đến lời hứa nguyện tuyệt đối trung thành của Ru-tơ đối với bà gia là Na-ô-mi. Sau lời hứa nguyện sắt son đó thì cả hai đã lên đường trở về Bết-lê-hem. Khi họ đến nơi, dân trong thành đều xúc động và nói với nhau “Có phải đây là Na-ô-mi không?” Lý do khiến họ quan tâm vì trong bài trước chúng ta đã biết rằng, người Y-sơ-ra-ên, tức tuyển dân của Đức Chúa Trời, không thể chấp nhận được việc rời đất nước để định cư tại Mô-áp. Xét theo một khía cạnh, gia đình nầy đã lầm lạc khi quyết định như vậy. Bà Na-ô-mi là người mẹ đã đi hoang giống như đứa con trai hoang đàng trong câu chuyện của Chúa Jêsus.
Khi một người đi hoang trở về, người ta thường nói, “Có phải đây là người đã rời bỏ vùng đất ấm no và trù phú cách đây 10 năm không?” Kinh thánh dạy rằng, “Con đường của những kẻ phạm tội lắm khổ đau.” Một trong những sự lừa bịp nguy hiểm đó là người ta cho rằng, kẻ phạm tội tận hưởng được niềm vui trong cuộc sống. Nhưng Kinh thánh cho biết, “Không, không phải như vậy, xin đừng ngây thơ mà tin điều đó, vì con đường của kẻ phạm tội lắm đau thương.” Ngay cả con cái của Đức Chúa Trời, khi đi hoang rồi trở về, trên khuôn mặt họ sẽ hằn lên những nếp nhăn khổ đau trong thời gian dong ruổi khỏi nhà cha mình. Người ta đã xúc động và thương hại khi nhìn thấy Ru-tơ và Na-ô-mi khăn gói về lại Bết-lê-hem. Họ tự hỏi, “Có phải đây là Na-ô-mi ngày nào không?” Na-ô-mi trút hết sự oán than lên Đức Chúa Trời. Riêng trong chương 1, năm lần Na-ô-mi oán trách Chúa. Bà nói, “Xin đừng gọi tôi là Na-ô-mi, mà hãy gọi tôi là Ma-ra.” Na-ô-mi nghĩa là “ngọt ngào” hay “vui thỏa”, còn Ma-ra nghĩa là “cay đắng.” Bà muốn nói rằng, “Xin đừng gọi tôi là ngọt ngào nhưng hãy gọi tôi là cay đắng vì Đấng toàn năng đã đối xử tôi đầy cay đắng vậy. Khi ra đi, tôi có đầy đủ mọi sự, nhưng khi trở về chỉ còn lại hai bàn tay không. Vậy gọi tôi Na-ô-mi làm chi. Tay Chúa đã nghịch lại cùng tôi, Đấng toàn năng đã làm cho tôi khốn khổ.” Bà trút đổ lòng oán than lên Đức Chúa Trời.
Tại điểm nầy khiến chúng ta liên tưởng đến việc A-rôn đã làm bò con vàng. Xuất Ê-díp-tô ký cho biết rằng, A-rôn là một người khéo léo và tinh xảo trong việc chế tạo nên bò con vàng. Khi Môi-se từ núi Si-na-i xuống và thấy bò con vàng, ông nói với A-rôn, Dân nầy làm chi anh, mà anh xui cho chúng phạm tội nặng dường ấy?
A-rôn trả lời rằng, Xin chúa tôi đừng nổi giận, chúa biết rằng dân nầy chuyên làm điều ác!
Họ có nói cùng tôi rằng: Hãy làm các thần đi trước chúng tôi; vì về phần Môi-se nầy, là người đã dẫn chúng tôi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, chúng tôi chẳng biết có điều chi xảy đến cho người rồi.
Tôi bèn nói cùng chúng rằng: Ai có vàng hãy lột ra! Họ bèn đưa cho tôi, tôi bỏ vào lửa, và bởi đó thành ra bò con nầy.
Có phải sự thật là như vậy không? Có phải bỏ vàng vào lửa thì nó thành ra bò con vàng không? Không! Nó là kết quả một công trình nghệ thuật của A-rôn. Ông đã làm bò con vàng vì muốn làm vừa lòng dân sự.
Na-ô-mi đã hành động giống như vậy khi bà trút đổ hết những bất hạnh lên Đức Chúa Trời. Bà ngụ ý muốn nói rằng, “Tôi đã bỏ vàng vào trong lửa, cuối cùng thì nó lại hiện ra bò con vàng, đó chính là lỗi của Đức Chúa Trời. Tôi không hiểu tại sao Đức Chúa Trời lại đối xử với tôi cách đầy cay đắng, tại sao Ngài lại làm cho tôi khốn khổ.” Thật ra Na-ô-mi gặt những gì đã mình gieo. Những khốn khổ là kết quả của những gì bà đã lưạ chọn và quyết định. Tuy nhiên, bà không chấp nhận trách nhiệm của mình việc nầy.
Câu cuối của chương 1 ghi rằng:
Na-ô-mi và Ru-tơ, người Mô-áp, dâu của Na-ô-mi, từ ở xứ Mô-áp trở về là như vậy. Hai người đến Bết-lê-hem nhằm đầu mùa gặt lúa mạch.
Chi tiết về thời điểm khi họ trở về Bết-lê-hem nhằm đầu mùa gặt lúa mạch rất có ý nghĩa tại đây. Na-ô-mi là hình ảnh về người con trong gia đình của Đức Chúa Trời sau một thời gian lầm lạc, nay trở về nhà Cha. Theo diễn tiến của câu chuyện, chúng ta sẽ thấy ân sủng của Đức Chúa Trời đang đợi chờ bà, giống như trường hợp người Cha chạy ra để ôm lấy đứa con trai hoang đàng trở về. Trước đó, khi đứa con trai quyết định đi phương xa thì người Cha không cầm giữ con mình lại. Ông cho phép đứa con đi ra để kinh nghiệm mọi nỗi đắng cay tại đó.
Có một điểm thất bại đó là khi con cái của chúng ta đang nếm trải những kinh nghiệm khốn khổ vì lầm lỗi, thì chúng ta vội ra tay can thiệp, cứu giúp. Khi đứa con trai hoang đàng còn phải chăn heo đói khát, khốn khổ, Kinh thánh ghi rằng, “Không ai cho nó điều gì cả.” Dĩ nhiên, trong đó có người cha. Chính lúc gặt lấy những hậu quả thống khổ tại chuồng heo là lúc mà đứa con quyết định trở về nhà Cha. Đó là lúc đứa con thấy rằng, nó không phải là kẻ chăn heo bẩn thỉu, nó là một đứa con trong một gia đình đường hoàng, nó thuộc về cha của nó.
Lúc đứa con đứng dậy quay về thì Kinh thánh ghi rằng,
Khi còn ở đàng xa, cha nó thấy thì động lòng thương xót, chạy ra ôm lấy cổ mà hôn.
Người cha chạy ra ôm con mình. Có bao giờ bạn thấy một người già chạy chưa? Chắc chắn đây là một hình ảnh hiếm khi xảy ra và không được dễ xem cho lắm nhất là trong bối cảnh đông phương. Tuy nhiên, đây là một trong những bức tranh đẹp nhất nói lên tình yêu của Đức Chúa Trời trong Kinh thánh. Nó biểu lộ tình yêu của người cha dành cho đứa con trai hoang đàng nay đã trở về nhà. Tình yêu của Đức Chúa Trời được mô tả bởi hình ảnh của một cụ già đang chạy. Khi cụ già ôm choàng lấy người con, thì đứa con thổn thức thưa rằng,
Cha ơi, tôi đã đặng tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con của cha nữa.
Người cha để việc đó qua một bên mà nói rằng,
Hãy mau mau lấy áo tốt nhứt mặc cho nó; đeo nhẫn vào ngón tay, mang giày vào chơn.
Hãy bắt bò con mập làm thịt đi. Chúng ta hãy ăn mừng,
vì con ta đây đã chết mà bây giờ lại sống, đã mất mà bây giờ lại thấy được. Đoạn, họ khởi sự vui mừng.
Na-ô-mi đã kinh nghiệm giống như vậy khi trở về Bết-lê-hem xứ Giu-đa. Ân sủng của Đức Chúa Trời đang đón chờ bà. Đó là những gì chúng ta học được qua đời sống của Na-ô-mi. Và từ đây, Ru-tơ trở thành nhân vật chính của câu chuyện. Ru-tơ hình bóng cho những người không thuộc về gia đình của Đức Chúa Trời. Nàng là dân ngoại chớ không phải người Hê-bơ-rơ. Đức Chúa Trời có ơn phước nào dành cho những người không phải là con dân của Ngài không? Chắc chắn có. Ân sủng của Ngài được gói ghém trong luật pháp và ngay cả giải pháp của Ngài dành cho Na-ô-mi và Ru-tơ cũng được tìm thấy trong luật pháp.
Luật đầu tiên của Đức Chúa Trời bày tỏ sự quan phòng dành cho Ru-tơ và Na-ô-mi được chép ở Lê-vi ký 19:9-10. Luật nầy đề cập về việc mót lúa, được trình bày như sau,
Khi các ngươi gặt lúa trong xứ mình, chớ có gặt đến cuối đầu đồng, và chớ mót lại những bông còn sót;
các ngươi chớ cắn mót nho mình, đừng nhặt những trái rớt rồi, hãy để cho mấy người nghèo và kẻ khách: Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi.
Vì sao luật nầy có ý nghĩa quan trọng? Na-ô-mi hay Mạc-lôn, người chồng đã qua đời, đã dạy Ru-tơ về luật nầy. Chương hai cho biết, ngay khi đến Bết-lê-hem thì Ru-tơ quyết định áp dụng luật nầy để đi mót lúa. Kinh thánh cho biết, chồng của Na-ô-mi có một người bà con rất quyền thế và giàu có, tên là Bô-ô. Ru-tơ nói với Na-ô-mi rằng,
Xin để cho con đi ra ngoài ruộng, đặng mót gié lúa, theo sau kẻ sẵn lòng cho con mót.
Na-ô-mi đáp:
Hỡi con, hãy đi đi.
Ru-tơ ra đi, theo sau những người mót lúa khác nhằm vào cánh đồng của Bô-ô, là người bà con với Ê-li-mê-léc.
Có một luật khác của Môi-se liên quan tại điểm nầy. Phục truyền luật lệ ký chương 25 đề cập đến luật chuộc sản nghiệp. Luật nầy được phát biểu như sau,
Khi anh em ruột ở chung nhau, có một người chết không con, thì vợ của người chết chớ kết đôi cùng người ngoài; anh em chồng phải đi đến cùng nàng, cưới nàng làm vợ, y theo bổn phận của anh em chồng vậy. Con đầu lòng mà nàng sanh ra sẽ nối danh cho người anh em chết, hầu cho danh của người ấy chớ tuyệt khỏi Y-sơ-ra-ên. Ví bằng người kia không đẹp lòng lấy nàng, nàng phải lên đến cửa thành, tới cùng các trưởng lão mà nói rằng: người anh em chồng tôi không chịu lưu danh anh em người lại trong Y-sơ-ra-ên, và không muốn cưới tôi y theo phận sự anh em chồng. Các trưởng lão của thành ấy sẽ gọi người và nói cùng người; nếu người cứ nói rằng: Tôi không đẹp lòng cưới nàng, thì chị em dâu người sẽ đến gần, trước mặt các trưởng lão, lột giày khỏi chân người, khạc trên mặt người, đoạn cất tiếng nói rằng: Người nào không lập lại nhà anh em mình sẽ bị làm cho như vậy! Trong Y-sơ-ra-ên sẽ gọi nhà người là nhà kẻ bị lột giày.
Luật nầy được áp dụng cho Ru-tơ như thế nào? Dẫu là người thuộc dân ngoại nhưng Ru-tơ đã cưới một người Hê-bơ-rơ, và kết quả là được trở nên một thành viên trong gia đình của Đức Chúa Trời. Bây giờ, chồng nàng đã qua đời mà họ không có đứa con nào cả. Như vậy, Ru-tơ không còn là thành viên của tuyển dân Chúa nữa. Hiển nhiên, Đức Chúa Trời thấy điều nầy là không đúng nên Ngài lập luật nầy để nàng đi đến với người bà con của người chồng quá cố và nói rằng, xin hãy cưới tôi làm vợ. Nếu người đó nói, “Cho dầu chỉ còn 1 người đàn bà cuối cùng trên trái đất nầy, tôi cũng không cưới bà đâu.” thì người góa phụ sẽ đáp rằng, “Được rồi, tôi sẽ gặp ông tại tòa án.” Người nữ sẽ làm thủ tục và người nam sẽ bị đem ra tòa nếu không chịu cưới nàng. Các trưởng lão sẽ tiến hành một nghi thức mà qua đó người đàn ông bị tẩy chay, sỉ nhục và có lẽ không làm ăn gì được vì từ chối cưới người phụ nữ đó.
Nếu người đàn ông đồng ý cưới, thì có hai việc ông ấy sẽ làm cho nàng. Trước nhất, ông sẽ trả hết mọi khoản nợ của nàng. Các trưởng lão có một cuộn hồ sơ ghi mọi khoản nợ của nàng và được niêm lại. Người đàn ông phải công khai tuyên bố ý định chuộc người phụ nữ. Toàn bộ tiến trình nầy gọi là sự mua chuộc. Người đàn ông đứng ra làm việc nầy được gọi là “Người mua chuộc.” Ông phải tuyên bố ý định mua chuộc người phụ nữ trước khi biết được những khoản nợ của nàng. Điều lý thú là ông không biết ông sẽ phải chi ra bao nhiêu cho đến khi ông quyết định làm người mua chuộc của nàng.
Điều thứ nhì là người mua chuộc thành hôn với người được mua chuộc. Bởi việc thành hôn mà ông đem nàng bước vào trở lại trong gia đình của Đức Chúa Trời. Như vậy, cứu chuộc là “mua lại” hay “đem trở về.” Người đàn ông thực hiện việc nầy gọi là “người mua chuộc.” Theo tiếng Hê-bơ-rơ người mua chuộc được gọi là “Go-el” , bởi vì họ đã mua và đem người phụ nữ trở về. Người đó đã mua người nữ bằng cách trả hết mọi khoản nợ của nàng. Người đó đã đem người phụ nữ trở về bằng cách cưới nàng.
Đây chính là hy vọng của Ru-tơ khi nàng trở về Bết-lê-hem xứ Giu-đa. Đó là lý do vì sao chương hai bắt đầu với tin ‘sốt dẻo’: cha chồng của Ru-tơ có một người bà con quyền thế và giàu có tên là Bô-ô.
Trong những diễn tiến tiếp theo của câu chuyện, chúng ta sẽ thấy ân sủng của Đức Chúa Trời dành cho đứa con đi hoang và ân sủng dành cho người đến với Ngài qua sự cứu chuộc là thế nào.