Bài 60: Mỗi Người Ở Tại Vị Trí Của Mình (tt)

1532

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

 

Trước khi Đức Chúa Trời dùng Ghê-đê-ôn để giải phóng Y-sơ-ra-ên ra khỏi ách thống trị, Chúa đã bày tỏ chính mình Ngài cho ông bằng nhiều cách khác nhau. Câu chuyện của Ghê-đê-ôn nói lên hai điều, thứ nhất là Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài cho Ghê-đê-ôn và thứ hai là Ngài thử nghiệm ông.

 

Chúng ta có thể gọi đây là những thách thức cho đức tin của Ghê-đê-ôn. Ví dụ, một trong những điều trước nhất mà Chúa bảo Ghê-đê-ôn phải làm để chứng tỏ đức tin đó là phá đổ các thần tượng ngoại giáo. Lúc bấy giờ, cha của Ghê-đê-ôn là một trong những người bội đạo, quay lưng với Đức Chúa Trời. Ông xây một bàn thờ cho thần Ba anh, đây là một trong những thần ngoại bang. Chúa phán với Ghê-đê-ôn rằng,

 

Hãy bắt con bò đực tơ của cha ngươi, và một con bò đực thứ nhì bảy tuổi, rồi phá dỡ bàn thờ thần Ba-anh tại nhà cha ngươi, và đánh hạ hình tượng A-sê-ra ở trên đó. Đoạn, tại nơi chót hòn đá nầy, ngươi sẽ lập một bàn thờ cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, và sắp đặt mọi việc; rồi hãy bắt con bò đực thứ nhì, dâng làm của lễ thiêu với gỗ hình tượng A-sê-ra mà ngươi đã đánh hạ.

 

Thách thức ở đây là gì? Một số người cho rằng gia đình phải có kỷ cương trật tự mà theo đó con phải luôn luôn vâng lời cha. Thật ra, Kinh thánh có dạy cho con trẻ  rằng, “Hỡi kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ mình.” Tuy nhiên, khi con cái trưởng thành thì thái độ của họ đối với cha mẹ là “Hãy tôn kính cha mẹ mình.” Điều nầy không nhất thiết là họ phải vâng lời cha mẹ tuyệt đối trong mọi trường hợp. Trong các sách Tin lành, Chúa Jêsus nói rằng, “Nếu các ngươi không đặt ta lên trên hết, ngay cả đối với cha mẹ, thì các ngươi không xứng đáng để theo ta.” Chúa đã thách thức chúng ta hãy tôn Ngài lên trên cha mẹ mình. Đức Chúa Trời đã phán Ghê-đê-ôn phá đổ thần tượng của cha. Dĩ nhiên, đây là một thách thức rất lớn cho ông. Thế nhưng, Ghê-đê-ôn đã làm theo điều Chúa truyền bảo một cách tuyệt đối. Sáng hôm sau, dân chúng thấy bàn thờ các thần của họ bị đập phá tan tành nên điều tra để xem ai là thủ phạm. Họ phát hiện người đó chính là Ghê-đê-ôn. Họ quyết định giết Ghê-đê-ôn vì ông đã xúc phạm đến thần Ba anh. Điều lý thú là cha của Ghê-đê-ôn đứng ra để binh vực con mình. Ông nói với họ rằng: Các ngươi há có ý binh vực Ba-anh sao? Há có phải các ngươi muốn tiếp cứu nó ư? Ai theo phe của Ba-anh sẽ bị xử tử kể từ sáng nay. Nếu hắn là chúa, thì chính hắn hãy tranh luận lấy chớ, bởi vì người ta đã phá dỡ bàn thờ của hắn.

 

Cũng từ đó, Ghê-đê-ôn có một tên khác là Giê-ru-ba-anh, nghĩa là “Ba anh phải tranh luận lấy.”

 

Điều thứ hai mà Chúa thử nghiệm Ghê-đê-ôn liên quan đến việc thanh lọc đội quân của ông. Đây là một trong những câu chuyện hay nhất trong Cựu ước. Sau khi đã được Chúa xác quyết làm cho vững mạnh đức tin, thì Ghê-đê-ôn cầm đầu một đoàn quân đến 32,000 người để tấn công Ma-đi-an. Trên đường tiến quân, Chúa phán, “Ghê-đê-ôn, binh sĩ của ngươi đông quá, nếu ngươi chiến thắng người Ma-đi-an với lực lượng hùng hậu nầy, ngươi sẽ nghĩ rằng do binh hùng tướng mạnh mà ngươi làm được việc. Ta muốn ngươi hãy nói với binh sĩ của mình rằng, “Ai trong vòng các ngươi lo sợ, hãy đi về nhà. Ta không cần các ngươi.””

 

Trong Phục truyền đoạn 20:1-8, Môi-se dạy rằng,

 

Khi nào ngươi ra giao chiến cùng thù nghịch mình, nếu thấy ngựa, xe và binh đông hơn mình, thì chớ sợ; vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ở cùng ngươi. Các quan trưởng sẽ nói cùng dân sự mà rằng: Ai đã cất một nhà mới, mà chưa khánh thành? Hãy đi trờ về nhà mình, e chết nơi chiến trận, rồi một người khác sẽ khánh thành chăng. Ai đã trồng một vườn nho và chưa hái trái? Hãy đi trở về nhà mình, kẻo chết nơi chiến trận, rồi một người khác sẽ hái trái chăng. Ai đã làm lễ hỏi một người nữ, mà chưa cưới? Hãy đi trở về nhà mình, e chết nơi chiến trận, rồi người khác sẽ cưới nàng chăng. Các quan trưởng sẽ cứ nói tiếp cùng dân sự mà rằng: Ai là người sợ và nhát? Hãy đi trở về nhà mình, e lòng của anh em mình tán đởm như lòng mình chăng.

 

Thánh Linh đã dùng Lời của Ngài để dạy Ghê-đê-ôn, nên ông tuyên bố giữa đội quân rằng, “Ai trong vòng các ngươi sợ hãi, hãy đi về nhà.” Hai mươi hai ngàn người rút lui. Chúa phán tiếp với Ghê-đê-ôn rằng,

 

Hãy còn đông quá, phải biểu chúng xuống nơi mé nước, rồi ta sẽ vì ngươi thử chúng nó tại đó. Hễ kẻ nào ta phán với ngươi rằng: “Nó khá đi với ngươi,” thì nó sẽ đi theo ngươi; còn kẻ nào ta phán cùng ngươi rằng: “Nó chớ đi với ngươi,” thì kẻ đó không đi. Vậy, người biểu dân sự xuống mé nước; rồi Đức Giê-hô-va phán cùng Ghê-đê-ôn rằng: Phàm kẻ nào dùng lưỡi liếm nước như chó, và kẻ nào quì gối cúi xuống mà uống, thì ngươi phải để riêng ra. Số người bụm nước trong tay rồi kê miệng liếm là ba trăm, còn lại bao nhiêu đều quì gối cúi xuống mà uống. Bấy giờ, Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Ghê-đê-ôn rằng: Ta sẽ dùng ba trăm người đã liếm nước đó mà giải cứu các ngươi, và ta sẽ phó dân Ma-đi-an vào tay ngươi. Còn những người  khác, ai nấy đều phải trở về nhà mình!

 

Ba trăm người còn lại là con số ít hơn 1% so với lúc ban đầu. Một bài học rất hay được rút ra tại đây. Đức Chúa Trời không cần một số đông nguội lạnh, nhưng Ngài cần một thiểu số nóng cháy. Chúa không dùng số đông hâm hẩm nhưng Ngài dùng một số ít đầy nhiệt tâm. Chất lượng quan trọng hơn số lượng. Chúa Jêsus cũng đã áp dụng nguyên tắc nầy khi Ngài kêu gọi những môn đồ theo Ngài. Đó là bài học từ việc cắt bớt quân số từ 32,000 người còn lại chỉ có 300 người.

 

Đức Chúa Trời cũng thử nghiệm đức tin của Ghê-đê-ôn qua kế hoạch để chinh phục người Ma-đi-an. Việc chinh phục người Ma-đi-an không phải là một phép lạ siêu nhiên như trong trường hợp chiến đấu với người Ca-na-an do Đê-bô-ra lãnh đạo. Trong trận chiến với người Ma-đi-an, Chúa đã can thiệp một cách siêu nhiên để gây rối loạn trong hàng ngũ 900 xe ngựa bọc sắt của tướng Si-sê-ra. Chúng ta tin nơi sự can thiệp trực tiếp của Đức Chúa Trời. Chúng ta tin nơi phép lạ. Việc Biển Đỏ rẽ nước ra để dân Y-sơ-ra-ên băng qua bình an vô sự như đi trên đất khô là một phép lạ, là một biến cố mang tính chất siêu nhiên. Khi đọc Kinh thánh, bạn sẽ phải quyết định hoặc là tin vào những yếu tố siêu nhiên hoặc là không. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đều mang tính chất siêu nhiên. Ghê-đê-ôn đã chiến thắng người Ma-đi-an không phải bởi một phép lạ siêu nhiên. Nhưng việc chiến thắng của ông đòi hỏi đức tin lớn, lòng can trường và một kế hoạch được chuẩn bị chu đáo.

 

Người Ma-đi-an đóng trại tại thung lũng và nơi đó hết sức tối vào ban đêm. Tối đến nỗi nếu để bàn tay trước mặt chúng ta vẫn không thể nhìn thấy. Chúa bảo Ghê-đê-ôn dẫn theo 300 người, chia ra ba nhóm, mỗi nhóm 100 người ở hướng bắc, hướng đông và hướng tây của trại quân Ma-đi-an. Ghê-đê-ôn nhận được những chỉ thị rất rõ ràng và ông cũng truyền đạt lại cho binh sĩ của mình.

 

Đây là bài học rất quý báu trong việc lãnh đạo. Ghê-đê-ôn nói, “Các anh em hãy làm y như những gì tôi sẽ làm.” Đó chính là lãnh đạo. Những người theo Ghê-đê-ôn đều là những người đầy quyết tâm. Tay trái của họ cầm cái bình, phía trong đựng cây đuốc. Tay phải họ cầm cây kèn. Khi Ghê-đê-ôn ra hiệu, họ đập vỡ bình để  bày ra hằng trăm cây đuốc. Đồng thời họ cùng nhau thổi kèn vang dội và hét lên, “Gươm của Đức Giê-hô-va và gươm của Ghê-đê-ôn.” Điều nầy xảy ra ở 3 nơi, 3 hướng khác nhau. Giả sử, bạn là người Ma-đi-an, đang ngủ say giữa đêm tối, đen mịt, bạn sẽ nghĩ gì và cảm thấy thế nào khi bị đánh thức vì nghe hằng trăm cái bình đập vỡ, và thấy hằng trăm ngọn đuốc bao quanh cùng với tiếng hò hét vang rền tứ phía? Hẳn bạn sẽ nghĩ rằng, có một đội quân rất đông của Ghê-đê-ôn đang vây quanh bạn. Nhưng sự thật, thì chúng ta biết rằng, chỉ có 300 người mà thôi. Điều Môi-se nói trong Lê vi ký rằng, “Chỉ vài người trong các ngươi sẽ rượt đuổi hàng ngàn người” đã ứng nghiệm chính xác tại đây. Quân Ma-đi-an nghĩ rằng, họ đang bị bao vây. Vì trời tối đen như mực nên họ đâm ra kinh hoàng đâm chém lẫn nhau. Binh sĩ của Ghê-đê-ôn rượt đuổi họ ra khỏi thung lũng. Quân Ma-đi-an chạy bán sống bán chết. Những người mà trước đây đã rút lui khỏi đội quân của Ghê-đê-ôn thì nay thừa thắng xông lên. Họ quay trở lại gia nhập vào đội ngũ để tận diệt người Ma-đi-an, chấm dứt ách thống trị của ngoại bang.

 

Việc chinh phục người Ma-đi-an được mô tả bởi một câu rất hay: Chúng đứng vây quanh trại quân, ai cứ chỗ nấy; cả trại quân bèn vỡ chạy, cất tiếng la và trốn đi.

 

“Ai đứng chỗ nấy.” Lý do khiến Ghê-đê-ôn phải thanh lọc để loại ra đa số thiếu nhiệt tâm, giữ lại một thiểu số nhiệt thành vì ông cần có sự tham gia trọn vẹn 100%. Giả sử 75% những người nầy vì một lý do nào đó không đập bình, thổi kèn và hét vang. Giả sử chỉ có 30 người hành động thì điều gì sẽ xảy ra? Chắc chắn, họ sẽ bị tiêu diệt hết thảy. Để cho kế hoạch được thành tựu, cần 100% quyết tâm của 100% những người tham gia.

 

Điều nầy có ý nghĩa quý báu cho Hội thánh của Đấng Christ ngày nay. Đức Chúa Trời không cần số đông nguội lạnh. Ngài cần một số ít nhưng bám trụ kiên cường ngạy tại chỗ của mình. Nếu chúng ta có thể huy động mọi con cái Chúa trong Hội thánh đứng tại chỗ của mình và phát huy bất luận ân tứ nào Chúa đã ban cho,  100% quyết tâm và trung thành với Chúa Jêsus Christ thì thưa Hội thánh đó có sức mạnh để đánh tan quyền lực của địa ngục. Đây là bài học áp dụng từ chiến thắng của Ghê-đê-ôn đối với người Ma-đi-an. Đây có lẽ là cách cuối cùng Chúa dùng để thách thức đức tin của Ghê-đê-ôn. Nhắc đến Ghê-đê-ôn, chúng ta liên tưởng đến đức tin của ông. Xin hãy để ý, Đức Chúa Trời đã làm cho vững mạnh đức tin của ông bằng cách khích lệ và giúp đỡ. Chúa cũng đã thử nghiệm ông bằng cách, cho ông đối diện với những thách thức. Thách thức cuối cùng đó là kế hoạch chiến đấu mà đã đem lại chiến thắng cho dân Y-sơ-ra-ên.

 

Bên cạnh Ghê-đê-ôn, sách còn đề cập đến các vị quan xét khác. Giép-thê là một trong những người đó. Ông là đứa con rơi bị các anh em khinh ghét. Đến khi dân Y-sơ-ra-ên bị xâm lăng bởi người Am-môn thì họ cầu cứu Giép-thê, vì ông là một người có khả năng chiến đấu. Họ thỉnh cầu ông làm người lãnh đạo giải phóng họ. Chúng ta có thể rút ra vài bài học áp dụng qua những gì Giép-thê đã hành xử. Thứ nhất là lời thề nguyện của Giép-thê. Trước khi ra trận, ông đã lập một lời hứa nguyện với Đức Chúa Trời rằng, “Nếu con thắng trận, thì con sẽ dâng lên Chúa  bất cứ điều gì đầu tiên con gặp trên đường về nhà.” Oái ăm thay điều đầu tiên mà ông nhìn thấy lại chính là cô con gái duy nhất của ông. Ông ngậm đắng nuốt cay vì lời thề nguyện của mình với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không chịu trách nhiệm gì cả về những điều đó. Đức Chúa Trời không đòi hỏi lời hứa nguyện của Giép-thê.

 

Trong cuộc nội chiến, Giép-thê đã tàn sát người Ép-ra-im. Một số người Ép-ra-im trốn thoát và băng qua sông Giô-đanh. Giép-thê bắt họ. Tuy nhiên, ông không thể phân biệt bạn hay thù vì họ đều là người Hê-bơ-rơ. Bởi vậy, ông bảo họ hãy phát âm chữ “Si-bô-lết.” Nhưng người Ép-ra-im không thể phát âm “Si-bô-lết”, họ chỉ có thể nói “Xi-bô-lết.” Và như thế ông đã giết 42,000 người vì không thể nói “Si-bô-lết.” Nhiều người cho rằng, ngày nay con dân Chúa cũng hành động như vậy về phương diện thần học. Chúng ta bảo người khác hãy nói “Si-bô-lết” – những điều không quan trọng – nếu họ không nói được thì chúng ta coi thường họ. Chúng ta có một quan niệm thần học riêng của mình; hễ ai không có cùng một quan điểm thì chúng ta gạt họ qua một bên. Kinh thánh căn dặn, chúng ta phải biết Đấng chúng ta đang tin hơn là những gì chúng ta tin. Chúng ta thường nhấn mạnh quá đến việc biết những gì chúng ta tin. Phaolô nói rằng: “Ta biết ta đã tin Đấng nào, chắc rằng Đấng ấy có quyền phép giữ sự ta đã phó thác cho đến ngày đó.”

 

Bài trướcGiới Thiệu Sách: Chiếc Tủ Chè Mất Tích
Bài tiếp theoBài 60: Gia-Cốp Chúc Phước Cho Các Con Trai