Bài 56: Nỗi Thống Khổ Của Sự bội Đạo (TT)

1383

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

 

 

Chúng ta đang lược khảo sách Các quan xét. Sách nầy kéo dài một thời gian 400 năm lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên. Có rất nhiều biến cố xảy ra trong thời gian đó. Từ cuối sách Sáng thế ký cho đến đầu sách Xuất Ê-díp-tô ký là 400 năm. Khoảng thời gian giữa Cựu ước và Tân ước cũng là 400 năm. Sách Các quan xét cũng chiếm một thời gian giống như vậy, tức là 400 năm. Sách Giô-suê bắt đầu với sự qua đời của Môi-se và sự ủy thác nhiệm vụ thừa kế cho Giô-suê. Mở đầu sách Các quan xét ghi lại sự qua đời của Giô-suê và sự khủng hoảng lãnh đạo xảy ra sau sự chết của ông. Giô-suê đã không thành công trong việc huấn luyện người thừa kế ông về vai trò lãnh đạo. Theo một khía cạnh, sách Các quan xét mô tả tình trạng không có người lãnh đạo dân sự như là kết quả của việc Giô-suê đã không quan tâm đúng mức đến vấn đề nầy. Giô-suê là một nhà lãnh đạo tầm cỡ, đã đóng góp lớn lao cho công việc của Đức Chúa Trời, nhưng về điểm nầy, ông đã không thành công. Dường như, ông đã không đào tạo người kế vị. Xuyên suốt cả sách Các quan xét, hầu như họ không đào tạo những người kế vị trong vai trò lãnh đạo. Khi những quan xét còn sống, thì dân sự yên ổn dưới quyền lãnh đạo của họ; nhưng khi các vị nầy qua đời, thì sự khủng hoảng lãnh đạo lại xảy ra.

 

Chúng ta không biết tác giả sách Các quan xét là ai, một số sách khác trong Kinh Thánh cũng vậy. Giai đoạn lịch sử tính từ sau cái chết của Giô-suê cho đến Sa-mu-ên kéo dài thời gian 400 năm. Câu chìa khóa phản ánh tình trạng không có vua trong giai đoạn nầy là, “dân sự làm mọi điều mình cho là phải.” Câu nầy được lặp lại 4 lần trong sách Các quan xét và được xem là lời phát biểu cô đọng cho sách Các quan xét. Có lẽ, sách được viết khi dân Y-sơ-ra-ên ở dưới chế độ quân chủ, tức là đã có vua, vì sách đề cập đến vua. Tác giả nhìn lại khoảng thời gian mà đất nước không có ai cai trị. Nhiều học giả cho rằng, Sa-mu-ên là tác giả của sách Các quan xét đã viết sách nầy dưới thời của các vua.

 

Sách Các quan xét ghi lại giai đoạn lịch sử của người Hê-bơ-rơ sau cái chết của Giô-suê cho đến thời điểm của hai sách Sa-mu-ên 1 & 2. Giai đoạn nầy được xem là một giai đoạn đen tối trong lịch sử. Nó là một giai đoạn trước khi vương quốc bị chia đôi và bị bắt lưu đày.

 

Sách Các quan xét trình bày một sứ điệp thật nghiêm trọng. Sứ điệp nầy liên quan đến nan đề căn bản, một loại ung thư thuộc linh đã gây ra bao nhiêu hậu quả kinh hoàng. Nan đề đó chính là tình trạng bội đạo. Chữ bội đạo chỉ về việc lìa bỏ niềm tin và giao ước với Chúa. Chúng ta nhắc lại vào cuối sách Giô-suê, con dân Y-sơ-ra-ên đã xác quyết một lập trường của đức tin. Họ nói rằng, “Chúng tôi sẽ phụng sự Chúa, tôn thờ Ngài và vâng lời Ngài.” Thật ra, trước đó Giô-suê đã chọn lập trường nầy. Ông nói, “Các ngươi hãy tự quyết định, nhưng ta và nhà ta sẽ phụng sự Đức Giê-hô-va.” Sau đó, dân sự đồng một lòng mà nói rằng, “Chúng tôi sẽ phụng sự Đức Giê-hô-va.” Họ xác định một lập trường  phụng sự Chúa. Thế nhưng, sau đó họ đã bội đạo, có nghĩa là họ đã thay đổi lập trường, từ bỏ lập trường ban đầu. Các quan xét cho biết, họ đã 7 lần bội đạo trong giai đoạn lịch sử nầy.

 

Xin minh họa chu kỳ nầy như sau. Xin tưởng tượng mỗi chu kỳ được ví sánh như bề mặt của chiếc đồng hồ. Khi bắt đầu, họ tôn Đức Chúa Trời lên trên hết, được xem như cây kim đồng hồ chỉ tại thời điểm 12 giờ. Họ có mối liên hệ đúng với Chúa, phụng sự Đức Chúa Trời và tôn Ngài trên tất cả. Tuy nhiên, sau đó cây kim giờ chạy đến vị trí 1 giờ, điều nầy chỉ về tình trạng bội đạo của họ. Họ quay lưng khỏi lập trường ban đầu, tức là lập trường mà họ đã xác quyết vào cuối sách Giô-suê. Sau khi họ đã từ bỏ vị trí ban đầu, tức là vị trí có mối liên hệ đúng đắn với Chúa, tôn Ngài trên hết và vâng lời Ngài, thì tại thời điểm 2 giờ, họ gặt lấy hậu quả của việc bội đạo từ bỏ Chúa. Tình trạng đạo đức bị suy đồi. Vào lúc 3 giờ, họ đi đến chỗ chính trị bị suy sụp. Lúc 4 giờ, Đức Chúa Trời dấy lên kẻ thù của họ. Kẻ thù có thể là người Ca-na-an, hoặc người Mi-đi-an, hoặc người Mô-áp, hoặc người Phi-li-tin. Ngài dấy lên một kẻ thù rất tàn bạo. Sở dĩ Chúa làm điều nầy vì Ngài muốn họ thức tỉnh, nhưng rất tiếc, dân Y-sơ-ra-ên vẫn không quan tâm. Tại thời điểm 5 giờ, kẻ thù tấn công và dân Y-sơ-ra-ên bị thảm bại. Vào lúc 6 giờ, tức là điểm tận cùng của chu kỳ, thì họ bị thống trị hà khắc bởi kẻ thù. Một số người bị giết, một số người khác bị bắt làm nô lệ. Họ đã bị bắt làm nô lệ trong những khoảng thời gian khác nhau. Có khi 7 năm hoặc 8 năm, nhưng đôi khi, thời gian kéo dài đến 40 năm, như trong trường hợp họ bị thống trị bởi người Phi-li-tin. Sau khi sống dưới cảnh đọa đày một thời gian, họ quay trở về với Đức Chúa Trời. Họ kêu van cùng Chúa tại thời điểm 7 giờ. Lúc 8 giờ chỉ về việc họ ăn năn. Lúc 9 giờ, họ được phục hưng. Sau khi họ hết lòng kêu cầu cùng Chúa, ăn năn và được phục hưng, thì Đức Chúa Trời khiến một vị quan xét xuất hiện vào lúc 10 giờ. Quan xét nầy trở nên người giải phóng dân tộc hay vị cứu tinh. Đến lúc 11 giờ, là thời điểm các quan xét nầy ra tay để giải cứu dân tộc mình ra khỏi ách thống trị của quân thù. Cuối cùng, kim đồng hồ chỉ 12 giờ là đỉnh của chu kỳ, chỉ về việc họ có mối liên hệ tốt với Đức Chúa Trời, phụng sự và tôn thờ Ngài.

 

Dân Y-sơ-ra-ên hưởng được cảnh thanh bình trong những khoảng thời gian khác nhau. Mọi sự trở nên tốt đẹp vì các quan xét đã thực hiện những công tác lớn lao, đem họ trở về với Đức Chúa Trời và là công cụ Chúa dùng để đem lại sự phục hưng. Trong vài trường hợp, họ được thái bình trong thời gian dài đến 80 năm, nhưng cuối cùng, căn bịnh ung thư thuộc linh lại âm thầm tái diễn. Sau đó, họ quay trở lại chu kỳ ban đầu. Sách Các quan xét cho biết, cứ như vậy, họ trải qua chu kỳ nầy đến 7 lần.

 

Có hai ứng dụng căn bản được rút ra từ sách Các quan xét. Thứ nhất là sự ứng dụng cá nhân. Chúng ta hãy quay trở lại với hình ảnh về sự cứu rỗi được bắt đầu với sách Sáng thế ký và Xuất Ê-díp-tô ký. Việc được giải cứu ra khỏi Ai-cập là hình bóng cho sự giải cứu ra khỏi tội. Việc tiến chiếm Ca-na-an chỉ về sự sở hữu vùng đất hứa thuộc linh, hay hưởng được các phước hạnh thuộc linh. Vậy, một người khi được giải phóng ra khỏi Ai-cập thuộc linh để tiến đến một đời sống phước hạnh trong Chúa thì vấn đề được đặt ra, liệu người đó bị sa ngã không? Liệu người đó có tái phạm không? Sách Các quan xét cho biết, điều đó có thể xảy ra. Sách Các quan xét có cùng một sứ điệp như sách Phục truyền luật lệ ký, hoặc lời căn dặn của Phao-lô, “Ai tưởng mình đứng hãy giữ kẻo ngã.” Như vậy, sách Các quan xét nhắn nhủ, mỗi chúng ta hãy thận trọng vì chúng ta có nguy cơ bị sa ngã, bị tái phạm. Khi chúng ta đã bước vào trong vùng đất hứa không có nghĩa là không bao giờ chúng ta bị tái phạm. Sách Các quan xét cho thấy, người Y-sơ-ra-ên đã phạm điều nầy trên phạm vi quốc gia. Bài học tại đây là chúng ta có thể đi vào trong chu kỳ bội đạo như người Y-sơ-ra-ên trên phương diện cá nhân. Tại một thời điểm nào đó, chúng ta quyết định tôn Đức Chúa Trời lên hàng đầu trong đời sống mình; nhưng sau đó, chúng ta lại sa ngã. Khi điều nầy xảy ra, chúng ta thấy các hiện tượng như đã trình bày xảy ra. Chúng ta trải qua một loạt từ hậu quả nầy đến hậu quả khác vì sự bội đạo của mình.

 

Một số người tin rằng, sự áp dụng thứ hai của sách Các quan xét là trên phương diện quốc gia. Phải chăng dân Y-sơ-ra-ên đã từng đi qua chu kỳ nầy nhiều lần cho biết rằng, ngày nay có những quốc gia cũng lâm vào trong một quỹ đạo tương tự? Điều nầy rất hiển nhiên, nước Đức là một trường hợp điển hình. Thật khó mà tưởng tượng nổi rằng nước Đức đã từng là cái nôi của Tin Lành. Ngày nay, mỗi lần nhắc đến tên nước Đức, chúng ta liên tưởng đến Hitler. Chúng ta không nên liên tưởng đến Hitler, nhưng nên nhớ đến Martin Luther là nhà lãnh đạo cuộc cải chánh Giáo hội cũng như các vị lãnh tụ khác. Tin Lành đã bắt nguồn tại Đức. Đã có một thời, nước Đức được xem là trung tâm Tin Lành của Đức Chúa Trời. Thế nhưng, nước Đức đã đi vào con đường bội đạo. Khi bắt đầu xây dựng các đại học danh tiếng, thì họ đã đi đến chỗ đánh đổi Đức Chúa Trời để lấy chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa nhân bản. Từ đó, họ đã đi vào chu kỳ của sự bội đạo và gặt lấy những hậu quả của nó. Nhiều người tin rằng, hiện tượng nầy cũng đang xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nó đã xảy ra tại vùng đất thánh, tại nước Anh. Những nơi nầy đã từng là trung tâm của Tin Lành, nhưng rồi lại đi vào tình trạng bội đạo. Nhiều người tin rằng, Chúa đang dùng Hoa Kỳ như là trung tâm truyền giảng Tin Lành trong thời đại chúng ta. Có lần Chúa Jêsus đã nói với các nhà lãnh đạo tôn giáo đương thời rằng, “Nếu các ngươi không kết quả cho nước của Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ cất nước của Ngài khỏi các ngươi để ban cho một dân tộc khác có kết quả.” Điều Chúa muốn nói là thế nầy: Đức Chúa Trời sẽ di chuyển trung tâm truyền giảng Tin Lành nếu chúng ta không đem lại kết quả cho vương quốc của Ngài. Nhiều người ngày nay tin rằng, những quốc gia Âu Mỹ đã có một thời đặt Đức Chúa Trời lên hàng đầu, những người sáng lập Hoa Kỳ đã xem trọng giá trị thuộc linh cho quốc gia của họ, nhưng ngày nay, họ ở trong giai đoạn đi xuống, đạo đức suy đồi, chính trị khủng hoảng.

 

Chúng ta không cần phải đợi đến khi lâm vào cảnh cùng khốn rồi mới kêu cầu cùng Chúa. Tại sao không quay trở về với Ngài càng sớm càng tốt, khi mà những dấu hiệu của sự sửa phạt hầu như đã sẵn sàng? Tại sao không ăn năn trước khi những hậu quả kinh khiếp sẽ xảy ra? Đây chính là sứ điệp của Các quan xét. Ngày nay, Hoa Kỳ là một siêu cường quốc trên thế giới, nhưng những người tin kính Chúa cho rằng, nước Mỹ cần một cuộc phấn hưng tâm linh để tránh đại họa có thể xảy ra. Nếu không có sự phấn hưng tâm linh, Hoa Kỳ sẽ đi vào con đường của sư suy sụp toàn bộ, từ xã hội, kinh tế cho đến chính trị. Đó là một bài học thật nghiêm trọng. Hãy áp dụng điều nầy cho cá nhân cũng như trên phạm vi quốc gia. Đức Chúa Trời muốn chúng ta ở tại vị trí của 12 giờ, tức là vị trí mà chúng ta có mối liên hệ đúng đắn với Đức Chúa Trời, phục vụ và tôn Ngài trên hết trong đời sống của mình. Đây là sứ điệp của sách Các quan xét.

 

 

Bài trướcGiới Thiệu Sách: Bộ Truyện – Thảo Đồi Gió
Bài tiếp theoThánh Kinh Hè Cho Các Tín Hữu Huyện Bắc Trà My, Tỉnh Quảng Nam