Bài 17: Ngươi Là Ai?

2026

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Hôm nay chúng ta sẽ học về một nhân vật khác trong Kinh thánh, đó là Gia-cốp. Sự ra đời của Gia-cốp được Kinh Thánh ghi lại trong Sáng thế ký 25:23-26 như sau:

 

“Đức Giê-hô-va phán rằng: Hai nước hiện ở trong bụng ngươi, và hai thứ dân sẽ do lòng ngươi mà ra; dân nầy mạnh hơn dân kia, và đứa lớn phải phục đứa nhỏ.

 

Đến ngày nàng phải sanh nở, nầy hai đứa sanh đôi trong bụng nàng ra.

 

Đứa ra trước đỏ hồng, lông cùng mình như một áo tơi lông; đặt tên là Ê-sau.

 

Kế em nó lại ra sau, tay nắm lấy gót Ê-sau; nên đặt tên là Gia-cốp. Khi sanh hai đứa con nầy thì Y-sác đã được sáu mươi tuổi.”

 

Cuộc đời của Gia-cốp chiếm nhiều chương trong sách Sáng thế ký giống như cuộc đời Áp-ra-ham. Các chương nầy chiếm khoảng 20 năm trong cuộc đời của ông. Sau khi lìa La-ban để hồi hương, Gia-cốp đã phải đối diện với sự lo sợ từ phía Ê-sau.  Trong chương 32:9-11 ông cầu nguyện rằng,

 

“Hỡi Đức Chúa Trời của tổ phụ Áp-ra-ham tôi! Đức Chúa Trời của cha Y-sác tôi, tức là Đức Giê-hô-va! Ngài có phán dạy tôi rằng: Hãy trở về xứ ngươi và nơi bà con ngươi, rồi ta sẽ làm ơn cho ngươi!

 

 Tôi lấy làm hèn mọn không đáng chịu các ân huệ và các điều thành thực mà Ngài đã làm cho kẻ tôi tớ Ngài; vì lúc trước khi qua sông Giô-đanh chỉ có cây gậy tôi, mà ngày nay tôi lại trở nên hai đội quân nầy.

 

Vậy, cầu xin Đức Chúa Trời giải cứu tôi khỏi tay Ê-sau, anh tôi, vì e người đến đánh tôi và đánh luôn mẹ với con nữa.”

 

Câu 24-30 ghi lại cuộc vật lộn giữa người với thiên sứ:

 

“Vả, một mình Gia-cốp ở lại; thì có một người vật lộn với mình cho đến rạng đông.

 

Khi người đó thấy mình không thắng nổi, bèn đánh vào xương hông Gia-cốp; xương hông liền trặt trong khi vật lộn.

 

Người đó bèn nói: Trời đã rạng đông rồi; thôi để cho ta đi; nhưng Gia-cốp đáp rằng: Tôi chẳng cho người đi đâu, nếu người không ban phước cho tôi.

 

Người đó hỏi: Tên ngươi là chi? Đáp rằng: Tên tôi là Gia-cốp.

 

Người lại nói: Tên ngươi sẽ chẳng làm Gia-cốp nữa, nhưng tên là Y-sơ-ra-ên, vì ngươi đã có vật lộn cùng Đức Chúa Trời và người ta; ngươi đều được thắng.

 

Gia-cốp hỏi: Xin cho tôi biết tên người. Đáp rằng: Làm sao ngươi hỏi tên ta? Rồi người nầy ban phước cho Gia-cốp tại đó.

 

Gia-cốp đặt tên chỗ đó là Phê-ni-ên, và nói rằng: Tôi đã thấy Đức Chúa Trời đối mặt cùng tôi và linh hồn tôi được giải cứu.”

 

Đức Chúa Trời dùng cuộc đời của Áp-ra-ham cũng như Gia-cốp để dạy chúng ta về đức tin. Với Áp-ra-ham, Ngài dạy chúng ta qua các bàn thờ ông đã xây. Với Gia-cốp, Ngài dạy chúng ta qua chính tên của ông. Gia-cốp được sinh đôi. Khi chào đời, cậu bé đã nắm lấy gót anh mình là Ê-sau. Bởi vậy, ông được đặt tên là Gia-cốp, nghĩa là ‘kẻ chiếm đoạt’, hay ‘kẻ lừa gạt’.  Tên của ông đã phản ánh con người của ông vậy. Khi bước vào cuộc sống, Gia-cốp là một kẻ chiếm đoạt. Có hai điều giá trị trong gia đình của ông: thứ nhất là quyền trưởng nam và thứ hai là phước lành. Gia-cốp chiếm đoạt cả hai. Ông đã được gán cho một cái tên chính xác tức Gia-cốp hay kẻ chiếm đoạt.

 

Sự ra đời của Gia-cốp là một câu chuyện đầy lý thú. Phao-lô đã viết trong Rô-ma 9:12-13 rằng,:

 

“Chúa phán Ta yêu Gia-cốp và ghét Ê-sau. và Đứa lớn sẽ làm tôi đứa nhỏ;”

 

Cần lưu ý, Chúa phán trước khi Ê-sau và Gia-cốp được sinh ra. Xin đừng vì thế mà tội nghiệp cho Ê-sau. Kinh thánh nói rằng, Ê-sau là một người mang tinh thần phàm tục. Ê-sau coi thường quyền trưởng nam. Ông không quan tâm đến các vấn đề thuộc linh. Ê-sau là tiêu biểu cho mẫu người phàm  tục.

 

Con cháu Ê-sau là Ê-đôm. Chúng ta sẽ học nhiều hơn khi đến sách Áp-đia. Người Ê-đôm sống trong các hang động. Họ dùng những sợi dây thừng để leo trèo và tấn công, cướp bóc các đoàn lữ hành rồi ẩn trú vào các mỏm đá. Họ cho rằng, không ai có thể tiêu diệt họ được. Người Ê-đôm thích nhập bọn với những đoàn quân để cướp phá Giê-ru-sa-lem. Họ là kẻ thù truyền kiếp của Y sơ ra ên. Đừng tội nghiệp họ. Vì Chúa là Đức Chúa Trời, Ngài biết hết mọi sự. Khi nhìn xuống thai đôi trong bụng Rê-be-ca, Ngài biết điều gì sẽ xảy ra. Không có gì ngạc nhiên đối với Đức Chúa Trời. Biết được điều sẽ xảy ra, Ngài phán rằng “Ta yêu Gia-cốp và ghét Ê-sau.” Đức Chúa Trời biết tất cả mọi điều mà con người phàm tục Ê-sau sẽ làm.

 

Điểm nổi bật để học hỏi qua cuộc đời của Gia-cốp là ân điển, cũng như điểm nổi bật trong cuộc đời của Áp-ra-ham là đức tin.  Chữ “ân điển” chỉ về sự ban cho của Chúa mà chúng ta không xứng đáng để nhận lãnh. Chúa ban ân điển cho chúng ta vì tình yêu của Ngài. Không phải do chúng ta làm một điều gì để đạt được. Ân điển nghĩa là phước lành của Đức Chúa Trời dành cho kẻ không xứng đáng.

 

Gia-cốp là kẻ chiếm đoạt. Ông nghĩ rằng, mọi phước lành ông có là do ông chiếm đoạt. Nhưng Tân ước khẳng định rằng, Gia-cốp không có được các phước lành nầy do tinh quái hay xảo quyệt. Ông nhận các phước lành do ân điển của Đức Chúa Trời. Trước khi Gia-cốp được sinh ra, Đức Chúa Trời đã có ý định ban cho Gia-cốp các phước lành nầy.

 

Qua cuộc đời của Gia-cốp mà Đức Chúa Trời dùng để giúp chúng ta nhận diện chính mình, Tôi là ai? Tôi là gì? Lẽ ra tôi nên ở tại đâu? Con người vẫn trăn trở để tìm câu trả lời; nhưng Kinh thánh cho biết, chúng ta được tạo nên bởi ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời tạo nên chúng ta, mỗi người cách đặc thù, không ai giống ai cả. Không ai giống tôi và tôi cũng không giống ai. Mỗi chúng ta là một đơn vị cá nhân duy nhất. Chữ “đặc thù ” theo tự điển nghĩa là tính chất, mà chỉ người đó mới có và nó khiến họ khác biệt với những người khác.

 

Đức Chúa Trời muốn chúng ta khám phá nét đặc thù mà Chúa ban cho riêng mỗi người để chúng ta sống thuận theo chương trình của Ngài. Trong lá thư Rô-ma 12:1-2, Phao-lô dạy rằng:

 

Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em.

 

Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.

 

Gia-cốp đã không nhận biết chính mình, không biết mình là ai, mình là gì. Vì không biết chương trình của Đức Chúa Trời dành cho ông nên ông cố tìm cách để tranh đấu, lường gạt để chiếm đoạt những điều ông khao khát, ước mơ.

 

Một số các nhà tâm lý cho rằng, nếu quí vị có 3 đứa con sinh rất gần nhau, thì cá tính của đứa được hình thành phần lớn tùy thuộc vào vị trí của nó trong gia đình. Đứa con đầu có khuynh hướng trở thành người điều khiển bởi vì nó luôn luôn sai bảo em nó. Những đứa bé nầy sẽ lớn lên và trở thành các nhà quản trị. Bởi vì nó thường đóng vai chủ động, sai khiến; do đó, nó có khuynh hướng trở nên người quản trị.

 

Người ta cho rằng, đứa thứ nhì vì tìm cách thoát khỏi sự kiềm chế của đứa thứ nhất nên nó trở thành người hay vận dụng mưu kế. Những đứa trẻ nầy lớn lên trở nên những nhà ngoại giao, luật sư hay làm những việc mang tính chất thương lượng.

 

Đứa thứ ba bị mắc kẹt bởi hai người anh hoặc chị, là người cầm đầu và người thương lượng; nên nó có khuynh hướng giận dữ và tìm cách tranh đấu. Những đứa trẻ nầy khi lớn lên trở nên các binh sĩ dũng cảm hoặc các vận động viên tranh tài quyết liệt. Theo các nhà tâm lý, đứa thứ tư thì không thể biết được nó là người thế nào. Nó có thể là một sự kết hợp của 3 đứa trên.

 

Gia-cốp là em nhưng khi chào đời đã nắm gót của anh mình; cho thấy, ông là sự kết hợp của mọi điều trên. Ông là con người chủ động, mưu trí và có tinh thần tranh đấu. Đó chính là con người Gia-cốp chúng ta gặp trong Kinh thánh. Ông lèo lái cả cha lẫn anh. Ông đầy mưu trí và có tinh thần tranh đấu. Ông nghĩ rằng, do những điều đó mà ông chiếm hữu được các phước lành. Nếu đọc từ đoạn 25 đến 32 và sau đó, chúng ta sẽ thấy Đức Chúa Trời liên tục can thiệp vào cuộc đời của ông và nói với ông rằng, “Gia-cốp, ngươi không nhìn lên để thấy ta đang hành động trong đời sống của ngươi sao?”

 

Có 3 cái nhìn mà chúng ta cần phải học. Thứ nhất là nhìn lên. Qua cuộc đời của các nhân vật trong Kinh thánh, chúng ta thấy rằng, nhiều khi Đức Chúa Trời phải tốn một thời gian dài để khiến những người nầy nhìn lên. Họ phải nhìn lên thì mới mong giải quyết được những khủng hoảng trong đời sống của mình. Đức Chúa Trời tạo dựng nên họ, có chương trình cho họ. Họ sẽ không bao giờ tìm được câu trả lời cho những câu hỏi như: họ phải là con người như thế nào, họ phải ở đâu trong chương trình của Đức Chúa Trời cho đến khi họ nhìn lên.

 

Cái nhìn thứ hai mà chúng ta phải có nếu muốn trở nên con người Chúa muốn đó là nhìn vào. Nhìn vào chính con người của mình để thấy những điều mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải thấy về chính mình. Đavit đã cầu nguyện rằng,

 

Đức Chúa Trời ơi, xin hãy tra xét tôi, và biết lòng tôi; Hãy thử thách tôi, và biết tư tưởng tôi;

 

Xin xem thử tôi có lối ác nào chăng, Xin dắt tôi vào con đường đời đời.

 

Tất cả chúng ta đều phải dâng lên lời cầu nguyện như vậy. Chúng ta phải nhìn vào con người của mình mà thưa rằng, “Chúa ơi, Ngài biết lòng con, xin chỉ cho con thấy những động cơ sai trật trong con, xin chỉ cho con thấy những ý tưởng xấu trong con vì con muốn đi theo đường lối ngay thẳng của Ngài.” Đây là cái nhìn vào, nhìn vào chính mình.

 

Một người đã nhìn lên Chúa thì sẽ luôn luôn nhìn vào chính mình. Và một người đã nhìn lên Chúa và nhìn vào mình thì sẵn sàng để nhìn ra, nhìn chung quanh, quan hệ với mọi người và trở nên người giải quyết các nan đề cho thế giới quanh họ. Để dạy Gia-cốp nhìn chung quanh, Đức Chúa Trời dẫn dắt ông vào các mối quan hệ với người khác. Gia-cốp là kẻ lừa đảo, để chữa trị căn bịnh nầy Đức Chúa Trời khiến ông gặp một kẻ lừa đảo cao tay hơn. Đó là cách mà Ngài đối phó với tính lừa đảo. Ngài đã đặt ông sống với La-ban suốt 20 năm.

 

Trước khi chấm dứt bài học về cuộc đời Gia-cốp. Tôi xin quí vị đặt những câu hỏi nầy với chính mình. Có bao giờ trong cuộc đời, quí vị lâm vào bước đường cùng khiến quí vị không còn cách nào khác hơn là nhìn lên Chúa như là hy vọng duy nhất, là cội nguồn của các ơn thiêng? Quí vị có nhìn vào chính mình để thấy những điều mà Đức Chúa Trời muốn quí vị thấy về con người của mình không ? Cuối cùng, quí vị có nhìn ra chung quanh để áp dụng trong mối quan hệ với người khác sau khi đã nhìn lên Chúa và nhìn vào chính mình?

 

Tôi tin rằng, Chúa muốn quí vị và tôi kinh nghiệm ân điển của Ngài khi áp dụng lời Chúa dạy về ân điển của Đức Chúa Trời trên đời sống của Gia-cốp.

 

 

Bài trướcHiệp Nguyện Hai Tỉnh Bạc Liêu – Cà Mau.
Bài tiếp theoBài 17: NÔ-Ê vào Tàu