Bài 137: Sách Ê-xê-chi-ên, Những Điều Huyền Nhiệm

3069

Trước tiên là những nét khái quát về tiên tri Ê-xê-chi-ên và người cùng thời với ông là Đa-ni-ên. Ê-xê-chi-ên và Đa-ni-ên trạc tuổi nhau. Khi Giê-ru-sa-lem bị thất thủ thì Đa-ni-ên bị bắt đem qua Ba-by-lôn, lúc nầy Đa-ni-ên chỉ là một cậu bé khoảng 14 tuổi. Chín năm sau, Ê-xê-chi-ên, khoảng 25 tuổi, cũng bị đem qua Ba-by-lôn. Tiên tri Giê-rê-mi đã rao giảng tại Giê-ru-sa-lem vào lúc thành phố nầy bị sụp đổ, thậm chí chức vụ ông còn kéo dài sau đó. Vào lúc nầy Đa-ni-ên đã bị đem sang Ba-by-lôn, Đa-ni-ên đã trải qua những kinh nghiệm rất khác thường và giữ chức vụ vô cùng quan trọng dưới triều của Nê-bu-cát-nết-sa. Nếu Đa-ni-ên sống trong hoàng cung sang trọng và làm việc với những người quyền cao chức trọng thì Ê-xê-chi-ên sống giữa vòng đồng bào mình trong những trại tập trung lao động. Ông rao giảng cho những người Giu-đa đang bị lưu đày tại Ba-by-lôn. Ê-xê-chi-ên là vị tiên tri duy nhất công bố Lời Chúa trực tiếp cho dân sự của Ngài vào lúc nầy. Mọi sứ điệp của ông đều nhắm đến những người Giu-đa đang sống tha hương.

Thi Thiên 137 nói về tình trạng của những người Giu-đa vào lúc đó. Tác giả cho biết trong khi dân sự của Đức Chúa Trời bị lưu đày tại đất khách quê người thì những kẻ thống trị họ yêu cầu rằng, “Chúng ta nghe nói các ngươi là những người ca hát rất hay, các ngươi muốn hát và ngợi khen về Chúa của các ngươi. Vậy hãy hát những bài ca về Chúa của các ngươi để chúng ta thưởng thức.” Nhưng người Giu-đa từ chối mà nói rằng, “Chúng tôi treo đờn cầm chúng tôi trên cây dương liễu của sông ấy. Trên đất ngoại bang, Chúng tôi làm sao hát được bài ca của Đức Giê-hô-va?”

Đây chính là bối cảnh đầy khó khăn mà Giê-rê-mi, Đa-ni-ên và Ê-xê-chi-ên đã thi hành chức vụ. Ê-xê-chi-ên cũng sống cảnh lưu đày với đồng bào của mình, sứ điệp của ông nhằm đối phó với những khó khăn mà họ phải đương đầu. Dân sự của Chúa không biết ngày mai sẽ thế nào, họ không có đền thờ và cũng không có sứ điệp từ Đức Chúa Trời.

Ê-xê-chi-ên được Chúa kêu gọi để rao giảng cho dân sự của Ngài trong tình thế đó. Chúa không muốn dân của Ngài trong hoàn cảnh lưu đày lại không có tiên tri. Vì thế Chúa sai phái chàng thanh niên trẻ tuổi Ê-xê-chi-ên đến với họ và chăm sóc đời sống tâm linh của họ. Câu chìa khóa của sách Ê-xê-chi-ên là câu 30 của chương 22: “Ta đã tìm một người trong vòng chúng nó, đặng xây lại tường thành, vì đất mà đứng chỗ sứt mẻ trước mặt ta, hầu cho ta không hủy diệt nó; song ta chẳng tìm được một ai.”

Chúa muốn tìm một người giữa vòng những người lưu đày bằng lòng “đứng chỗ sứt mẻ”, nhưng Chúa không tìm được ai nên Ngài sai phái Ê-xê-chi-ên. Câu này dầu ngắn gọn nhưng đã tóm tắt về công tác của Ê-xê-chi-ên.

Có người đã đặt đề tựa sách Ê-xê-chi-ên là “Những điều huyền bí và kỳ diệu.” Đây là một đề tài thích hợp vì sách chứa đựng những lời tiên tri thật huyền nhiệm và kỳ diệu.

Khi tìm hiểu về các vị tiên tri, chúng ta sẽ thấy rằng Đa-ni-ên, Ê-xê-chi-ên và Sứ đồ Giăng đã viết các sách Đa-ni-ên, Ê-xê-chi-ên và Khải Huyền khi họ bị lưu đày. Đa-ni-ên và Ê-xê-chi-ên bị lưu đày tại Ba-by-lôn, Giang bị lưu đày tại Bát-mô. Những sách của ba tác giả nầy thuộc về loại sách mang tính chất giống như trước tác mạc khải. Mạc khải hiểu nôm na là cất đi cái màn che. Giả như có một cái màn che khiến chúng ta không thể nhìn thấy những gì phía sau cái màn đó thì chỉ khi cái màn được vén lên chúng ta mới thấy được mà thôi. Chữ “mạc khải” nghĩa là vén bức màn lên để thấy được những gì sau đó.

Những sách thuộc loại trước tác mạc khải vén bức màn để chúng ta thấy được trong cõi tương lai. Cả ba tác giả Đa-ni-ên, Ê-xê-chi-ên và Giăng đều hướng về tương lai. Sách của họ còn được gọi là sách nói về những việc sau cùng xảy ra cho thế giới nầy. Các vị tiên tri cất bức màn và chỉ cho chúng ta những gì sẽ xảy ra khi Đức Chúa Trời kết thúc lịch sử của nhân loại.

Ê-xê-chi-ên, Ê-sai và Giê-rê-mi là các tiên tri đề cập đến ba ngôi Đức Chúa Trời. Ê-sai viết nhiều về Đấng Mê-si hay Đức Chúa Con hơn hẳn bất cứ tiên tri nào khác trong Kinh thánh. Giê-rê-mi đề cập nhiều về Đức Chúa Cha. Qua các bài giảng dùng hành động làm biểu tượng, Giê-rê-mi giảng về Đức Chúa Trời. Khi dân sự bị bắt đi đày thì ông nhắn nhủ họ rằng, “Hãy tôn vinh Đức Chúa Trời và nhận biết Ngài.” Giê-rê-mi liên tục giảng về Đức Chúa Trời cho người Giu-đa. Ê-xê-chi-ên là vị tiên tri nói nhiều về Đức Thánh Linh. Ê-xê-chi-ên được mệnh danh nầy không chỉ vì ông trình bày những lời tiên tri huyền nhiệm và lạ lùng về Thánh Linh, mà ông đã liên tục đề cập về Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Ông đã đưa ra những kinh nghiệm về Thánh Linh trên chính đời sống cá nhân của ông. Ê-xê-chi-ên mô tả thế nào Thánh Linh đã đến trên ông, ngự trong ông, nâng ông lên và ban sức mạnh để ông gánh vác chức vụ hết sức khó khăn.

Chức năng và công tác của Thánh Linh là hai khía cạnh khác nhau. Khi nghe nói về công tác của Thánh Linh là chúng ta nghĩ đến việc Ngài ngự trị trong đời sống Cơ Đốc nhân. Tuy nhiên không những Ngài ngự trong mà còn ngự trên chúng ta nữa. Sách Công vụ thường dùng giới từ “trên” để chỉ về việc Thánh Linh đến với con cái Ngài “Khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép.” Việc Thánh Linh ngự trong chúng ta liên quan đến bông trái Thánh Linh, việc Thánh Linh ngự trên chúng ta liên quan đến công việc chúng ta phục vụ Chúa.

Một đời sống được Thánh Linh ngự trị sẽ sinh ra bông trái của Thánh Linh. Có chín trái của Thánh Linh được đề cập trong Ga-la-ti 5: 22 – 23. Đây là bằng chứng của một đời sống được Chúa ngự. Tân ước cũng nói đến bằng chứng của việc Thánh Linh ngự trên một người nào đó. Bằng chứng đó được thể hiện qua điều được gọi là ân tứ Thánh Linh. Có nhiều ân tứ Thánh Linh được đề cập trong Tân ước. Thánh Linh không những ngự trong, ngự trên mà còn ngự giữa chúng ta. Khi hai ba người nhóm lại nhân danh Chúa Giê-xu thì Ngài ngự giữa họ. Tóm lại Thánh Linh có nhiều chức năng khác nhau.

Giống như Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên dùng hành động làm biểu tượng cho bài giảng. Nhiều học giả tin rằng Đa-ni-ên và Ê-xê-chi-ên chịu ảnh hưởng sâu sắc của Giê-rê-mi. Chắc chắn Giê-rê-mi lớn tuổi hơn nhiều so với Ê-xê-chi-ên và Đa-ni-ên. Hai vị tiên trẻ có lẻ đã nghe Giê-rê-mi giảng nhiều lần. Chúng ta không biết chắc về điều đó nhưng một điều rất rõ ràng là Giê-rê-mi ảnh hưởng trên Đa-ni-ên và Ê-xê-chi-ên rất nhiều vì họ trích dẫn ông và bắt chước ông nhiều điểm.

Lối giảng bằng hành động biểu tượng là một trong những cách mà Ê-xê-chi-ên áp dụng, nó là bằng chứng để tin rằng ông được huấn luyện bởi Giê-rê-mi. Chắc chắn đây là một lối trình bày khác thường. Và một sự khác thường nào cũng dễ bị những người chung quanh lên án. Trong thời Tân ước, Chúa Giê-xu và Phao-lô bị cáo buộc là người mất trí. Phao-lô đã biện minh trước lời cáo buộc nầy. Lời cáo buộc thật ra có nghĩa là Chúa và Phao-lô đã lệch tâm. Lệch tâm vì tâm điểm của Chúa và tâm điểm của Phao-lô không giống như những người đương thời. Con người theo bản chất tự nhiên đặt mình làm trung tâm của cuộc sống, mọi sự việc đều xoay quanh cái tôi là trung tâm. Nhưng Chúa Giê-xu và Phao-lô không lấy mình làm trung tâm, mà trung tâm là Đức Chúa Trời. Ngài là trung tâm của mọi hành động, mọi kế hoạch. Khi con người làm tâm điểm thì câu hỏi được đặt ra là, việc này đem lại lợi ích gì cho tôi? Người khác sẽ nghĩ gì về tôi? Nhưng khi Đức Chúa Trời là tâm điểm thì vấn đề là, việc nầy đem lại ích lợi gì cho Đức Chúa Trời? Người khác sẽ nghĩ gì về Ngài? Chúa Giê-xu và Phao-lô bị cáo buộc là mất trí vì Chúa và Phao-lô xem Đức Chúa Trời là tâm điểm. Các tiên tri trong Cựu ước cũng bị cáo buộc giống vậy. Nếu một người như Ê-xê-chi-ên sống vào thời đại chúng ta thì nhiều người cho rằng ông nên vào bệnh viện tâm thần. Ê-xê-chi-ên không những có lối giảng bằng các hành động làm biểu tượng mà ông còn thực hành các biểu tượng nầy nữa. Ông có thể được xem là vị tiên tri diễn vở kịch câm. Ông diễn vở kịch chỉ có một vai để công bố sứ điệp của mình. Khi nghe hoặc khi nhìn những gì Ê-xê-chi-ên làm nhất là khi thủ vai của một diễn viên câm chúng ta có thể cho rằng ông không còn bình thường hay một chút nào đó gàn dở.

Chủ đề của sách Ê-xê-chi-ên được trình bày rất chặt chẽ đó là Giê-ru-sa-lem sẽ bị tiêu diệt. Ê-xê-chi-ên biết chắc rằng mình sẽ bị lưu đày. Có lẽ ông mạnh mẽ phản đối những lời công bố của các tiên tri giả là cuộc lưu đày rất ngắn rồi người dân sẽ được trở về cố quốc. Ha-na-nia người chống đối sứ điệp của Giê-rê-mi nói rằng cuộc lưu đày không kéo dài đến bảy mươi năm mà chỉ có hai năm thôi. Rất nhiều tiên tri giả đã cùng công bố với luận điệu như vậy.

Trong hai mươi bốn chương đầu, Ê-xê-chi-ên đã bác bỏ ý tưởng nầy bằng cách nhấn mạnh rằng Giê-ru-sa-lem sẽ bị phá hủy. Giống như Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên cho biết là không có cách gì để thay đổi tình thế sẽ xảy ra, nghĩa là người Ba-by-lôn sẽ tấn công và Giê-ru-sa-lem sẽ bị san bằng thành bình địa. Ê-xê-chi-ên không chỉ nói tiên tri cho dân Do Thái mà ông còn nói tiên tri đến những quốc gia đã tấn công Giê-ru-sa-lem từ chương 25 cho đến 32. Chương 33 cho đến 40, ông loan báo một tin vui là Giê-ru-sa-lem sẽ được khôi phục. Ê-xê-chi-ên cùng với Giê-rê-mi trình bày sứ điệp hy vọng. Ê-xê-chi-ên nói trước về những phước hạnh của Đức Chúa Trời ban cho dân sự của Ngài. Từ chương 40 đến 48, Ê-xê-chi-ên nói tiên tri về ngày sau rốt. Lời tiên tri nầy vén lên bức màn tương lai và ông cho biết ngay tại đền thờ Giê-ru-sa-lem, một đền thờ khác sẽ được dựng lên.

Ngày nay tại xứ thánh, một phía của đền thờ do Sa-lô-môn xây cất gọi là vòm đá, chúng ta thấy có ngôi đền thờ Hồi giáo đồ sộ, lớn vào hạng thứ ba trên thế giới. Nó đứng sừng sững nơi đã từng một thời là đền thờ do Sa-lô-môn xây dựng. Khi viếng thăm khu vực nầy, chúng ta phải lấy giày ra vì chúng ta là người lạ đang ở trên đất của người Hồi giáo.

Một số người hiểu đền thờ mà Ê-xê-chi-ên đề cập theo nghĩa đen, họ tin rằng Ê-xê-chi-ên thật sự công bố rằng sẽ có sự khôi phục đền thờ tại ngay địa điểm đó. Nếu vậy thì khu vực vòm đá phải bị phá đi. Nhưng một số người khác tin rằng những gì Ê-xê-chi-ên nói mang ý nghĩa hình bóng. Theo họ thì đây là sứ điệp rất phổ thông trong Kinh thánh, nhất là Tân ước. Tân ước dạy rằng Chúa xây dựng Hội Thánh của Ngài và đền thờ mà Ê-xê-chi-ên nói đến chính là Hội Thánh Chúa. (xin đọc Ê-xê-chi-ên 40 đến 48).

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới 

Bài trướcHTTL NHỊ MỸ – Thư Mời & Thông Báo Lễ Cảm Tạ Chúa Kỷ Niệm 100 Năm Tin Lành Truyền Đến Nhị Mỹ
Bài tiếp theoThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Cụ Bà NGUYỄN VĂN BA