Bài 13: Thắng Căng Thẳng Nội Tâm

1488

 

Nguyễn Sinh biên soạn

 

 

 

Thắng Căng Thẳng Nội Tâm

 

 

Nhiều người sống trong đời đã gặp những khó khăn đến nỗi phát sinh ra những chứng bệnh căng thẳng trong nội tâm.  Trong toàn bộ Kinh thánh có một đoạn nói về phương cách thắng được tình trạng căng thẳng và nỗi khổ tâm đó, đó là Gióp 22:21-29.  Đây là lời của một trong mấy người bạn thân của ông Gióp đến an ủi ông trong hoàn cảnh khuynh gia bại sản của ông, xin đọc:

 

21 Ấy vậy, ông hãy hòa thuận với Chúa. Hãy ở bình an: nhờ đó phước hạnh sẽ giáng cho ông. 22 Hãy nhận lãnh luật pháp từ nơi miệng của Chúa. Và để các lời Ngài vào lòng mình. 23 Nếu ông trở lại cùng Đấng Toàn năng, tất ông sẽ được lập lại. Nếu ông trừ bỏ sự gian ác khỏi trại mình, 24 Ném bửu vật mình vào bụi đất, và quăng vàng Ô phia giữa các hòn đá của khe, 25 Thì Đấng Toàn năng sẽ là bửu vật của ông, Ngài sẽ là bạc quí cho ông. 26 Vì bấy giờ, ông sẽ được vui sướng nơi Đấng Toàn năng, và được ngước mắt lên cùng Đức Chúa Trời. 27 Ông sẽ cầu khẩn cùng Ngài, Ngài sẽ nghe lời mình, và ông sẽ trả xong lời khẩn nguyện mình.28 Nếu ông nhứt định việc gì, việc ấy chắc sẽ được thành; ánh sáng sẽ chói trên đường lối mình. 29 Khi người ta gây cho mình bị hạ xuống, thì ông sẽ nói rằng: Hãy chổi lên! Còn kẻ khiêm nhường Đức Chúa Trời sẽ cứu rỗi; Gióp 22:21-29.

 

Ông Gióp có nhiều nan đề trong đời sống đến nỗi sinh ra khổ tâm và đau đớn tâm hồn. Tài sản bị mất hết vào tay kẻ cướp, con cái chết vì tai nạn, từ bàn chân đến đỉnh đầu đều bị lở lói đau đớn, trong khi đó bà vợ còn lên giọng trách móc.  Các bạn tìm đến nhưng thay vì an ủi ông, họ nghi ngờ về lòng tin của ông khiến cho ông càng đau khổ. Thế mà Gióp vượt qua được những nan đề và đạt đến đắc thắng.  Bí quyết thành công của Gióp là gì? Hãy nghe lại lời ông bạn của Gíóp nói:

 

“Ấy vậy, ông hãy hòa thuận với Chúa. Hãy ở bình an: nhờ đó phước hạnh sẽ giáng cho ông”

 

Thường thì trong cảnh ngộ ai cũng rõ các vấn đề của mình. Tâm trí chúng ta cứ diễn đi diễn lại những cảnh tượng xẩy ra cho đến nỗi mọi chi tiết đều rõ ràng minh bạch. Trí óc chúng ta còn có thói quen phóng lớn những cảnh tượng này, và nan đề trông như cũng lớn hơn, chúng ta còn thêm thắt vào những cảm nghĩ của mình như chán ghét, tủi thân, sợ sự tệ hại hơn sẽ phát sinh, tuyệt vọng và chán chường v.v. Cuối cùng chúng ta đưa mình vào tình trạng căng thẳng trong nội tâm.

 

Nhưng giả như bạn có thể chắc chắn rằng dù những gì đã xảy ra cho mình hay là hoàn cảnh hiện tại như thế nào chăng nữa, thì những điều sau đây trong tương lai sẽ đưa đến cho bạn như thường, những điều đó là:

 

Sự tốt lành,

Bạn sẽ có đủ tài chính cung ứng cho mọi nhu cầu,

Bạn sẽ có đời sống sung sướng dễ chịu,

Bạn sẽ hoàn tất những việc đã quyết định làm,

Lời cầu nguyện của bạn sẽ được Chúa nghe và trả lời,

Bạn sẽ có ánh sáng dọi vào những lối đi trong đời,

và Khi những giây phút tuyệt vọng chán nản tới, bạn có thể thắng hơn được.

 

Nếu bạn thật sự tin rằng những việc vừa kể sẽ xẩy ra cho mình thì bạn còn lo lắng và căng thẳng nữa hay không? Dĩ nhiên là không.

 

Trong khi đó thì lời Chúa trong Kinh thánh hứa ban những điều ấy.

Ngay trong khúc Kinh thánh Gióp 22:21-29 ta thấy ghi rõ những điều này:

 

Câu 21: Phước hạnh sẽ giáng trên ông

Câu 23: Ông sẽ được lập lại

Câu 25: Đấng Toàn Năng sẽ là bửu vật của ông

Câu 26: Ông sẽ được vui sướng nơi Đấng Toàn Năng

Câu 27: Ông sẽ cầu khẩn cùng Ngài, Ngài sẽ nghe lời ông

Câu 28: Nếu ông nhứt định việc gì, việc ấy chắc được thành

Câu 28: Ánh sáng sẽ chói trên đường lối ông.

 

Một trong những quy luật sâu xa nhất của đời sống là chúng ta nhận được điều mà mình trông mong. Chúa Giê-xu từng nói: Mọi điều các ngươi xin trong lúc cầu nguyện, hãy tin đã được, tất điều đó sẽ ban cho các ngươi. Mác 11:24.

 

Nhưng câu hỏi quan trọng là: Làm sao tôi tin được?

Niềm tin phải đặt căn cứ trên một nền móng vững bền. Đó là niềm tin vào Chúa. Đó cũng chính là câu Kinh thánh trong Gióp: Hãy làm hòa với Chúa, hay là hãy trở lại xưng tội và tin nhận Chúa.

 

Nguyên văn câu này có thể dịch là: Hãy làm quen với Chúa. Làm quen với Chúa nghĩa là trở lại tương giao với Chúa trao đổi cùng Ngài. Càng làm quen với Chúa bao nhiêu thì căng thẳng trong nội tâm càng thư giãn bấy nhiêu và ta sẽ hưởng được an bình quý giá.

 

Kết luận cho phần lý luận này, là câu: Kẻ khiêm nhường Đức Chúa Trời sẽ cứu rỗi.

 

Dale Carnegie tác giả quyển sách nổi tiếng: Quẳng Gánh Lo Đi Mà Vui Sống đã trả lời câu hỏi về bí quyết thành công trong cuộc đời của ông như sau:

 

Mỗi ngày tôi cầu nguyện. Tôi hạ mình trước Chúa, nhưng mối lo âu, những căng thẳng ra khỏi tâm hồn tôi và an bình với năng quyền vào chiếm chỗ.

 

Đó là bí quyết của một người thành công trong đời. Nhưng nan đề của nhiều người là tự coi mình quá quan trọng đến nỗi không cần tới Chúa nữa.

 

Nhưng làm thế nào để Làm quen với Chúa? 

 

Có nhiều cách.

Thử tưởng tượng bạn lên một vùng núi và ngồi ngắm nhìn một ngọn núi rất lớn ở xa xa. Đỉnh núi đó bị che mờ vì một trận bão thổi qua.  Gió đánh vào đủ mọi hướng, nước mưa tuôn xuống làm thành nhiều dòng suối và những lằn sét quất vào mạnh kinh khủng như xé núi ra. Ngọn núi tưởng chừng khó đứng nổi. Nhưng trong ít giờ sau đó, mây tan đi và ngọn núi lại sừng sững cao ngất dưới ánh sáng chói chan của mặt trời.

Cuộc đời nhiều khi trải qua những trận bão táp dữ dội không thua gì cơn bão phủ trên ngọn núi cao ấy.  Không khác gì giông bão, động đất, núi lửa gây cho lạnh lẽo mùa đông, tuyết giá phủ khắp. Những cơn chiến tranh trong đời đến rồi qua đi; nhưng cảnh đau buồn tuyệt vọng xẩy ra với những triều vua lên xuống, nên văn minh xuấ hiện rồi biến mất đi, nhưng ngọn núi vẫn đứng  ở đó.  Nhìn ngọn núi ta cảm thấy mạnh hơn và an toàn hơn. Như tư tưởng trong Thi Thiên 95 như sau:

 

1 Hãy đến hát xướng cho Đức Giê-hô-va, Cất tiếng mừng rỡ cho vầng đá cứu rỗi chúng tôi. 2 Chúng tôi hãy lấy lời cảm tạ mà đến trước mặt Chúa, Vui mừng mà hát thi ca cho Ngài.  3 Vì Giê-hô-va là Đức Chúa Trời rất lớn, Là Vua cao cả trên hết các thần.Các vực sâu của đất đều ở nơi tay Ngài; Những đỉnh núi cũng thuộc về Ngài.  5 Biển thuộc về Ngài, vì chính Ngài đã làm nó; Còn đất khô, tay Ngài cũng đã nắn nên nó.  6 Hãy đến, cúi xuống mà thờ lạy; Khá quì gối xuống trước mặt Đức Giê-hô-va, là Đấng Tạo hóa chúng tôi! 

 

Thi thiên này kêu gọi mọi người ca ngợi mừng rỡ trước mặt Chúa. Làm sao người ta có thể ca ngợi mừng rỡ? Tác giả bảo rằng, vì Chúa là chân thần vĩ đại chủ tể từ vực sâu đến đỉnh núi, biển cũng như đất khô. Chúa sáng tạo nên tất cả. Vì Ngài là Đức Chúa Trời chúng tôi: Chúng tôi là dân của đồng cỏ Ngài, Và là chiên tay Ngài dìu dắt. Chính vì vậy mà dân Chúa ca hát mừng rỡ.

 

Một trong những lý do mà con người bị căng thẳng và khổ tâm là nghĩ rằng không có đủ những nhu cầu cần thiết cho đời sống. Chúng ta thường bị đẩy vào thái độ thua bại và sợ hãi. Chúng ta co rút lại khiếp sợ kinh hoàng. Nhưng nếu chúng ta biết được rằng có Chúa là chân thần, và Ngài là Chúa mà chúng ta tin tưởng thì cảm thấy an tâm và bình thản như trẻ thơ trước hiện diện của cha mẹ đầy thương yêu vậy.

 

Nhìn vào ngọn núi cao ta cũng có thể nhớ đến một câu Kinh thánh khác, đó là Ma-thi-ơ 17:20:

 

Ngài đáp rằng: Ấy là tại các ngươi ít đức tin: vì ta nói thật cùng các ngươi, nếu các ngươi có đức tin bằng một hột cải, sẽ khiến núi nầy rằng: Hãy dời đây qua đó, thì nó liền dời qua, và không có sự gì mà các ngươi chẳng làm được.

 

Đây là lời Chúa Giê-xu trách các môn đệ của Chúa ngày xưa cũng như chúng ta ngày nay.  Vì ít đức tin nên mới thấy nhiều trở ngại cao như núi ngăn chặn sự sống của mình: nợ nần không thể trả, nan đề không lối giải quyết, trở lực không sao vượt qua.

 

Nếu các người có đức tin  đức tin nào? Tự tin hay là tin vào người khác chăng?

Đức tin dời được núi phải khởi đầu từ một Đấng vĩ đại hơn núi. Phần Kinh thánh trong sách Gióp dạy rằng: Khi ta làm quen với Đấng Toàn Năng, ta sẽ có an bình.  Hãy ngưng tập trung vào tính yếu đuối của mình, và bắt đầu chú trọng vào sức mạnh của Chúa. Chúa lúc nào cũng ở đó đầy quyền năng và sức mạnh.

 

Sứ đồ Phao-lô từng nói: Không phải tôi muốn nói đến sự cần dùng của tôi; vì tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy.Phi-líp 4:11

 

Từ thỏa lòng trong câu này nói về thái độ bình tĩnh, không xao động nhưng thích ứng với hoàn cảnh. Sứ đồ Phao-lô không thỏa lòng vì hoàn cảnh, nhưng đó là sự yên tĩnh trong tâm hồn, một loại yên tĩnh không bị ngoại cảnh làm cho thay đổi.

 

Phao-lô vốn là một thanh niên tài giỏi uyên bác về đạo Do thái, hăng say trong việc trừ diệt thứ đạo mới của môn đệ Chúa Giê-xu. Nhưng trên một chuyến công tác tự nguyện này, Chúa đã làm cho ông ngã gục và cho ông hay việc ông đang làm là chống lại chính Chúa. Cuộc gặp gỡ Chúa quá đặc biệt này đã thay đổi con người Phao-lô toàn diện.  Khi ấy ông hỏi: Chúa là ai? Sau khi biết Chúa, Phao-lô đã trở thành người mới và thỏa lòng với mọi cảnh ngộ. Ông nói: Tôi làm được mọi việc nhờ Chúa ban thêm sức cho tôi.  Phi-líp 4:13. Phao-lô không còn bị chứng căng thẳng dày vò trong nội tâm nữa.

 

Đa-vít cũng thế. Một thời Đa-vít nghĩ rằng mình là lực sĩ, là anh hùng của đất nước, không cần đến Chúa nữa.  Nhưng qua những khó khăn trong cuộc đời, Đa-vít biết rằng: Chúa là Đấng chăn dắt ông ta và Đa-vít tin rằng: Phước hạnh và thương xót của Chúa sẽ theo ông mãi mãi, ông quyết tâm trở về nhà Chúa và ở tại đó suốt đời.

 

Ta thấy rõ, việc tin nhận Chúa tức khắc làm cho ta không còn sống căng thẳng và khổ tâm nữa, lúc ấy tâm hồn ta được bình lặng và hưởng hạnh phúc Chúa ban.

 

 

Bài trướcUỷ Ban CĐGD TLH Huấn Luyện Tại Tỉnh Phú Yên
Bài tiếp theoV/v: Lễ Cảm Tạ Chúa – Kỷ Niệm 85 Năm Tin Lành Truyền Đến Diên Khánh