Bài 125: Ê-sai – Vai Trò Của Lời Chúa Và Bản Tuyên Ngôn Của Đấng Mê-si

2707

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Chương 55 cho thấy ơn giảng dạy của Ê-sai, cũng như quan niệm của ông về chức vụ hầu việc Chúa và việc giảng dạy Lời Chúa. Vì là nhà giảng thuyết thực tiễn, Ê-sai đã đề cập đến những nhu cầu căn bản của con người.

Chúa Giê-xu cũng hành động tương tự như vậy trong Tân ước. Ngài có sứ điệp dành cho những người đói và khát. Ê-sai đã mở đầu bằng cách kêu gọi rằng, “Hỡi những ai đang đói và khát”. Ngay những người ăn uống nhiều nhưng vẫn có thể bị thiếu chất dinh dưỡng. Ê-sai ngụ ý rằng, “Các ngươi có biết là nhiều người đang ăn nhưng không có chất  bổ dưỡng. Nó làm cho các ngươi mập nhưng không có chất. Ta có một loại thức ăn làm bổ dưỡng tâm linh ngươi, ta có loại nước làm cho ngươi không còn khát nữa. Nếu các ngươi không muốn bị đói và khát nữa, thì hãy đến và nghe sứ điệp của ta. Hãy tìm kiếm Chúa và kêu cầu đến danh Ngài đang khi còn có cơ hội.” Đây là sứ điệp mời gọi của Đức Chúa Trời qua Ê-sai, “Hãy đến cùng ta.” Lời mời gọi này thường xuyên được lặp lại trong Kinh Thánh. “Hãy tìm kiếm Chúa.” Ê-sai đã công bố sứ điệp căn bản của Tin Lành là điều mà các tiên tri khác cũng làm như vậy. Ông kêu gọi mọi người hãy ăn năn và từ bỏ lối ác mà đến cùng Đức Chúa Trời. Ê-sai cho biết Đức Chúa Trời là Đấng giàu lòng tha thứ và Ngài sẽ đáp ứng nhu cầu của những người tìm kiếm Ngài.

Khi công bố sứ điệp nầy, Ê-sai đã cho thấy vai trò của Lời Đức Chúa Trời trong chức vụ của một tiên tri. Trọng tâm của sứ điệp Ê-sai là Lời Chúa. Như chúng ta biết tiên tri là người tiếp nhận và công bố Lời Chúa. Mọi tiên tri trong Cựu ước đều giảng Lời Chúa. Lời Chúa được Ê-sai nói trong đoạn nầy rằng có một nan đề đối với người muốn tìm kiếm và đến cùng Chúa. Nan đề đó là Đức Chúa Trời thì vô hạn mà con người thì hữu hạn.

“Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu” (câu 8-9)

Vì lý do đó mà Sa-lô-môn đã đặt câu hỏi trong Châm ngôn 20: 24 rằng, “Các bước của loài người do nơi Đức Giê-hô-va nhứt định; Vậy, loài người hiểu đường lối mình sao được?”

Nếu Đức Chúa Trời không hành động và suy nghĩ như con người thì làm sao tôi lại mong hiểu cách mà Ngài đang dẫn dắt tôi vì Chúa đã phán trước rằng Ngài không suy nghĩ và hành động giống như tôi.

Vậy làm sao để đem lại sự hòa hợp giữa ý tưởng của Đức Chúa Trời và suy nghĩ của con người? Làm sao để đem lại sự hòa hợp giữa việc làm của Đức Chúa Trời và việc làm của con người? Ê-sai cho biết đây chính là tác dụng quan trọng nhất của Lời Chúa. Lời Chúa là một phương tiện Ngài dùng để đem lại sự hòa hợp giữa Ngài và con người. Ê-sai nói về Lời Chúa như sau,

“Vả, như mưa và tuyết xuống từ trên trời và không trở lại nữa, mà đượm nhuần đất đai, làm cho sanh ra và kết nụ, đặng có giống cho kẻ gieo, có bánh cho kẻ ăn, thì lời nói của ta cũng vậy, đã ra từ miệng ta, thì chẳng trở về luống nhưng, mà chắc sẽ làm trọn điều ta muốn, thuận lợi công việc ta đã sai khiến nó” (câu 10-11)

Ê-sai trình bày nguyên tắc của sự giảng dạy, ông khẳng định rằng Lời Chúa được quí vị rao giảng sẽ làm trọn mục đích mà Đức Chúa Trời mong muốn. Lời Chúa luôn luôn đem lại kết quả, nếu người nghe đáp ứng với Lời Chúa thì Lời của Ngài sẽ tạo nên sự hòa hợp giữa Đức Chúa Trời và con người. Một khi điều đó xảy ra, Ê-sai cho biết quí vị sẽ kinh nghiệm  được niềm vui và sự bình an cũng như kinh nghiệm  được kết quả qua Lời Chúa.” Đối với Ê-sai thì đây là một phép lạ.

Dầu không muốn đi sâu vào những chi tiết lịch sử, nhưng chúng tôi thấy cần thiết để trình bày thật ngắn gọn để quí vị hiểu được nội dung sách dễ dàng hơn. Những dữ kiện lịch sử được ghi ngay trong câu đầu của sách. Cách thông thường là tác giả cho biết những vua nào đã cai trị trong thời gian hành chức của vị tiên tri. Đây là lối trình bày căn bản của Cựu ước và Tân ước nhằm cung cấp khái quát về bối cảnh lịch sử. Đôi khi câu đầu tiên của sách nêu lên chi tiết nầy, nhưng không phải mọi sách tiên tri đều giống như vậy. Câu đầu tiên của sách Giô-na chẳng hạn, không đề cập gì cả đến yếu tố lịch sử. Khi một tiên tri mở đầu sách của mình với các dữ kiện lịch sử, họ ngụ ý rằng bối cảnh lịch sử là phần quan trọng trong sứ điệp của họ. Đó là lý do vì sao những chi tiết lịch sử được nêu lên. Khi đối chiếu về những vua và sứ điệp của các tiên tri, chúng ta sẽ hiểu tại sao họ đã công bố những sứ điệp nầy. Trong trường hợp của Giô-na thì không có một dữ kiện lịch sử nào, nên sứ điệp của sách nầy không cần phải được hiểu dựa vào bối cảnh lịch sử. Sứ điệp được tìm thấy ngay trong sách và bối cảnh lịch sử không quan trọng trong trường hợp nầy.

Nhưng sách Ê-sai thì khác, câu đầu của sách cho biết ông hành chức tiên tri dưới triều Ô-xia, Giô-tham, A-cha, Ê-xê-chia và cuối cùng là Ma-na-se. Dựa vào chi tiết nầy mà chúng ta biết Ê-sai đã giảng dạy khoảng 60 năm. Dưới thời của Ô-xia, quốc gia được phồn thịnh. Ô-xia là vị vua rất thành công và giàu có. Ông là người tốt và được Đức Chúa Trời ban phước. Bỏi vậy dưới thời vua Ô-xia, sứ điệp của Ê-sai dành cho những người giàu có và sung túc. Điều nầy xảy ra ở những năm đầu trong chức vụ của Ê-sai. Nhưng phần chính chức vụ ông không nằm ở thời gian nầy. Chính lúc vua Ô-xia qua đời cũng là thời điểm Ê-sai trải qua một kinh nghiệm đặc biệt với Chúa. Từ đó nó ảnh hưởng sâu xa đến chức vụ của Ê-sai, những bài giảng đầy ơn đến sau kinh nghiệm gặp Chúa.

Sau khi Ô-xia qua đời thì Ê-sai đã rao giảng Lời Chúa dưới triều vua A-cha. A-cha là người rất gian ác. II Sử Ký 28 ghi về A-cha như sau: “người đi theo đường lối của các vua Y-sơ-ra-ên, lại cũng làm những hình tượng đúc cho thần Ba-anh,

 đốt hương trong trũng con Hi-nôm, và thiêu con cái mình nơi lửa, theo sự gớm ghiếc của các dân tộc mà Đức Giê-hô-va đã đuổi khỏi trước mặt dân Y-sơ-ra-ên”

 Giai đoạn thứ ba, cao điểm trong chức vụ của Ê-xê-chia là dưới triều vua Ê-xê-chia. Ê-xê-chia là vị của tốt, dưới thời của Ê-xê-chia là cao điểm trong chức vụ của tiên tri Ê-sai.

Ê-sai đã nói về Đấng Mê-si nhiều hơn hẳn những vị tiên tri khác. Sách của ông được trích trong Tân ước cũng nhiều hơn các vị khác. Khi đọc sách Ê-sai, chúng ta cần lưu ý về những lời tiên tri về Đấng Mê-si. Có những phần trong sách Ê-sai rất quen thuộc với nhiều người chẳng hạn khi ông nói về Đấng Mê-si rằng, “Ngài sẽ được xưng là Đấng lạ lùng, Đấng mưu luận, là Đức Chúa Trời quyền năng, là Cha đời  đời  là Chúa bình an, là Em-ma-nu-ên nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”. Những danh xưng nầy đã được nhấn mạnh cho biết rằng Đấng Mê-si là Thiên Chúa thành người, là Đức Chúa Trời ở cùng với chúng ta. Ê-sai cũng cho biết là Thánh linh sẽ được thể hiện qua Đấng Mê-si.

“Thần của Đức Giê-hô-va sẽ ngự trên Ngài, tức là thần khôn ngoan và thông sáng, thần mưu toan và mạnh sức, thần hiểu biết và kính sợ Đức Giê-hô-va.” (Ê-sai 11:2)

Câu nầy liên quan đến Khải Huyền khi nói về 7 linh của Đức Chúa Trời. Khi đọc sách Khải Huyền, chúng ta cần hiểu vì sao nó được đặt vào cuối Kinh Thánh. Đây là một trong những sự mặc khải của Chúa. Một trong những lý do khiến Khải Huyền khó hiểu vì là sách chứa đầy các biểu tượng, và những biểu tượng nầy đều có nguồn gốc trong Kinh Thánh. Mỗi biểu tượng trong Khải Huyền đều có thể được tìm thấy ở một nơi nào đó trong Kinh Thánh. Vì vậy để hiểu Khải Huyền chúng ta cần phải học 65 sách còn lại. Đây là lý do vì sao sách Khải Huyền được xếp sau cùng trong Kinh Thánh. Khải Huyền chương 4 cho biết khi cửa Thiên đàng mở ra, thì có một ngôi xuất hiện và từ ngôi đó là bảy vị thần của Đức Chúa Trời. Chương năm cho biết Chiên con đã bị giết ngồi trên ngôi. Chiên con có 7 sừng và 7 mắt, biểu tượng cho bảy linh của Đức Chúa Trời trên khắp thế giới nầy. Theo ngôn ngữ biểu tượng của Khải Huyền và hai sách Ê-xê-chi-ên, Đa-ni-ên thì sừng chỉ về quyền lực và mắt chỉ về khôn ngoan. Do đó sách Khải Huyền muốn nói rằng Chiên con hay Đấng Mê-si là sự thể hiện toàn hảo về quyền năng và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Theo Kinh Thánh thì số 7 là số chỉ về sự trọn vẹn hay toàn hảo. Do đó ý nghĩa biểu tượng của Khải Huyền đoạn 4 & 5 là quyền năng và sự khôn ngoan tuyệt đối của Đức Chúa Trời đã được bày tỏ khi Chiên con bị giết chết.

 

(còn tiếp)

Bài trướcĐắk Lắk: Bồi Linh – Huấn Luyện Trại Xuân Cho Đặc Trách Và Người Hướng Dẫn Thiếu Niên
Bài tiếp theoPhục Vụ Thầm Lặng – 27/11/2020