Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới
Truyền Đạo 3:1-3 chép: “Phàm sự gì có thì tiết; mọi việc dưới trời có kỳ định. Có kỳ sanh ra, và có kỳ chết; có kỳ trồng, và có kỳ nhổ vật đã trồng; có kỳ giết, và có kỳ chữa lành;có kỳ phá dỡ, và có kỳ xây cất”. Những câu này khẳng định rằng Chúa có thời gian cho mỗi sự việc. Ý này giống như trong Thi Thiên 1 nói về “Bông trái theo thì tiết.” Chúa làm việc trong một người nào đó theo thời gian biểu của Ngài.
Cũng trong chương 3 câu 10, “Ngài khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người”. Con người có tấm lòng hướng về cõi đời đời. Đó là lý do vì sao họ đặt những câu hỏi như Gióp rằng “Nếu người chết, họ có sống lại được chăng?”
Sa-lô-môn bày tỏ một chút yếm thế khi ông viết: “Nầy một người cô độc, chẳng có ai hoặc con trai hay là anh em; dầu vậy, lao khổ nó không thôi, mắt nó không hề chán của cải; nó không hề nghĩ rằng: Vậy ta lao khổ, ta bắt linh hồn nhịn các phước là vì ai? Điều đó cũng là hư không, thật là công việc cực nhọc” (Truyền Đạo 4:8). Đây là một nhận xét khá lý thú, Sa-lô-môn nói đến những người mải mê làm việc và quên lãng những người chung quanh mình. Sau khi phạm tội, Chúa đến với con người và hỏi họ trong Sáng Thế Ký 3 rằng, “Ngươi ở đâu?” thì con người đã thưa rằng, “Tôi đang lẩn trốn.” Câu trả lời nầy nói lên bản chất của con người, chúng ta trốn Đức Chúa Trời bằng nhiều cách: ăn uống quá nhiều, ngủ quá nhiều, giải trí quá nhiều và làm việc quá nhiều. Làm việc quá nhiều đôi khi cũng là cách chạy trốn Đức Chúa Trời.
Cũng trong chương 4, Sa-lô-môn dạy chúng ta những điều quí báu về hôn nhân,
9 Hai người hơn một, vì hai sẽ được công giá tốt về công việc mình.
10 Nếu người này sa ngã, thì người kia sẽ đỡ bạn mình lên; nhưng khốn thay cho kẻ ở một mình mà sa ngã, không có ai đỡ mình lên!
11 Cũng vậy, nếu hai người ngủ chung thì ấm; còn một mình thì làm sao ấm được?
12 Lại nếu kẻ ở một mình bị người khác thắng, thì hai người có thế chống cự nó; một sợi dây đánh ba tao lấy làm khó đứt.
Sa-lô-môn dùng hình ảnh “một sợi dây đánh ba tao lấy làm khó đứt” để nói về hôn nhân. Những kiến trúc sư và những người xây dựng cho biết rằng sợi dây cáp gồm 3 sợi đánh lại là rất chắc chắn. Sa-lô-môn đang suy nghĩ về mối quan hệ hôn nhân. Theo ý định của Đức Chúa Trời thì quan hệ hôn nhân giữa con người khác với loài thú vật. Khi những con vật đến với nhau để sinh sản, chúng không bao giờ trở nên một trong tâm hồn. Nhưng Chúa định cho con người trở nên một trong tâm linh qua hôn nhân. Tâm linh là một phần của sợi dây ba tao.
“Tao” thứ hai là vợ chồng sẽ trở nên làm một trong tâm trí, họ cần đối thoại với nhau và được hiệp nhất trong xúc cảm và lý trí. “Tao” thứ ba là sự hiệp nhất về thể xác để biểu lộ sự hiệp nhất trong tâm linh và trong tâm trí. Như vậy trong trường hợp không có sự kết hợp về thể xác vì bịnh tật hay tuổi tác thì vẫn có sự hiệp nhất trong tâm linh và tâm trí, đây chính là phần quí báu nhất, quan trọng nhất và bền bỉ nhất trong hôn nhân.
Điều sai trật trong nhiều hôn nhân ngày nay đó là nó chỉ thiên về khía cạnh thể xác. Khi bịnh tật hoặc sự hấp dẫn bên ngoài không còn nữa, thì hôn nhân cũng tan vỡ. Đức Chúa Trời muốn con người có sự đồng cảm trong hôn nhân. Ngài cũng cho phép sự liên hệ về thể xác để bày tỏ niềm vui của sự kết hợp về tâm linh và tâm trí.
Chương 7 của sách Truyền Đạo giống như sách Gióp thu gọn,
2 Đi đến nhà tang chế hơn là đến nhà yến tiệc; vì tại đó thấy sự cuối cùng của mọi người; và người sống để vào lòng.
3 Buồn rầu hơn vui vẻ; vì nhờ mặt buồn, lòng được vui.
4 Lòng người khôn ngoan ở trong nhà tang chế, còn lòng kẻ ngu muội ở tại nhà vui sướng.
14 Trong ngày thới thạnh hãy vui mừng, trong ngày tai nạn hay coi chừng; vì Đức Chúa Trời đặt ngày nầy đối với ngày kia, hầu cho người đời chẳng thấy trước đặng điều xảy ra sau mình.
Thông thường trong những đám tang, người ta nghĩ về số phận đời đời và nhận thức rằng đó là khía cạnh quan trọng nhất của cuộc sống. Họ biết rằng một ngày kia họ sẽ nằm xuống vĩnh viễn. Mọi người đều phải chết, chỉ có điều khác nhau là chết khi nào, ở đâu, chết như thế nào và cho mục đích gì. Chúng ta nhận thức điều nầy khi đến nhà tang chế.
Đó là lý do Chúa phán dạy qua Sa-lô-môn rằng đến nhà tang chế hơn là đến nhà yến tiệc vì tại đó, cái nhìn của chúng ta về giá trị giống như Chúa. Chúng ta được lớn lên về mặt thuộc linh tại nơi tang chế hơn là tại nơi yến tiệc. Vì vậy người khôn ngoan suy nghĩ nhiều về sự chết. Nó không có nghĩa là người nầy có suy nghĩ không lành mạnh hoặc muốn chết, nhưng họ nhận thức rằng họ sẽ chết và phải chuẩn bị cách khôn ngoan cho cõi đời đời.
Câu 10 trong đoạn 7 ghi: “Chớ nói rằng: Nhơn sao ngày trước tốt hơn ngày bây giờ? Vì hỏi vậy là chẳng khôn”. Con người thường nhạy cảm với những quá khứ vàng son là điều khiến họ sống trong mộng tưởng. Khi nhìn về những người quá cố, chúng ta có khuynh hướng chỉ nhớ đến những ưu điểm và quên những khuyết điểm của họ. Khi nhìn về quá khứ chúng ta cũng hồi tưởng những ngày vàng son. Thật ra khi nhìn sự việc các thực tế, chúng ta sẽ thấy không phải lúc nào nó cũng tốt đẹp. Phải chăng chúng ta mơ tưởng về quá khứ vì cái nhìn thực tế thường đem lại sự đau đớn. Sứ đồ Phao-lô nói trong chương 3 của sách Phi-líp rằng hãy quên những việc trong quá khứ. Có lúc mà nhiều người trong chúng ta phải học để quên đi những điều trong quá khứ.
Sa-lô-môn cũng nói trong chương nầy rằng, “Chớ cho mình là tốt và khôn ngoan quá.” Có lẽ Sa-lô-môn đang nói về những người cho rằng mình tốt và khôn ngoan mà coi thường người khác. Nếu chúng ta tạo một ấn tượng nơi con cái chúng ta rằng mình là người mẫu mực hoàn toàn thì chúng ta trở nên thiếu thực tế vì đó là điều không thể đạt được. Sa-lô-môn nói rằng “Không có một người nào là trọn vẹn và không hề phạm tội.” Vì vậy đừng để người khác đánh giá chúng ta tốt hơn con người thật của mình. Chúng ta nên vất đi cái mặt nạ bên ngoài, không cần phải đạo đức giả nhưng sống với con người thật của mình.
Trong chương thứ 9, Sa-lô-môn viết:
11 Ta xây lại thấy dưới mặt trời có kẻ lẹ làng chẳng được cuộc chạy đua, người mạnh sức chẳng được thắng trận, kẻ khôn ngoan không đặng bánh, kẻ thông sáng chẳng hưởng của cải, và người khôn khéo chẳng được ơn; vì thời thế và cơ hội xảy đến cho mọi người.
Vì tin nơi sự tể trị của Đức Chúa Trời, nên chúng ta không cho rằng mọi việc xảy ra ngẫu nhiên, tình cờ. Sa-lô-môn có một nhận định khôn ngoan và nó minh họa ý nghĩa của chữ “ân sủng” trong Kinh Thánh . Những người theo chủ nghĩa nhân bản nói rằng, “Tôi có thể làm được mọi sự.” Nhưng Kinh Thánh dạy rằng “Không phải vậy, nhờ Chúa tôi mới có thể làm được việc.” Chúng ta làm được việc vì Chúa là Đấng có quyền, Ngài ở với chúng ta và ở trong chúng ta.” Khái niệm nầy được gọi là “ân sủng của Đức Chúa Trời.” Vì vấn đề hoàn toàn không phải là do nỗ lực bản thân nên người nhanh nhẹn không luôn luôn thắng cuộc đua, người mạnh sức không luôn luôn thắng trận đấu.
Chương 9, Sa-lô-môn nói về một thành phố được giải cứu nhờ vào lời khuyên của một người khôn ngoan:
14 Có thành nhỏ kia được một ít dân sự, một vua cường thạnh đến vây hãm nó, đắp những lũy cao lớn cùng nó.
15 Vả, trong thành ấy có một người nghèo mà khôn, dùng sự khôn ngoan mình giải cứu thành ấy; song về sau không ai nhớ đến người nghèo đó.
Sa-lô-môn nghĩ về sự bất công khi người nầy không được ghi nhớ và tưởng thưởng. Chân lý được rút ra tại đây là làm cho xong việc quan trọng hơn là được khen thưởng.
Chương 10 Sa-lô-môn viết, “Cái rìu lụt mà không mài lưỡi nó lại, ắt phải rán sức càng nhiều; nhưng sự khôn ngoan có ích đặng dẫn dắt”.
Một số người bước vào cuộc sống với cái lưỡi rìu lụt. Chúng ta cần làm cho bén lưỡi rìu của mình. Chúng ta cần có thì giờ đến với Chúa cũng như chuẩn bị cho tương lai bằng cách học hành chăm chỉ khi còn trẻ tuổi.
Sa-lô-môn cũng nói, “Dầu trong tư tưởng ngươi cũng chớ nguyền rủa vua; dầu trong phòng ngủ ngươi cũng chớ rủa sả kẻ giàu có; vì chim trời sẽ đến ra tiếng ngươi, và loài có cánh sẽ thuật việc ra”.
Đây là thái độ thận trọng trong lời nói. Có người diễn tả câu 20 bằng những lời sau: “Bạn làm chủ những lời chưa nói, nhưng những lời đã nói ra sẽ làm chủ bạn. Vậy đừng để những lời bạn ước gì đừng nói ra làm chủ bạn.”
Có một minh họa rất hay trong chương 11,
1 Hãy liệng bánh ngươi nơi mặt nước, vì khỏi lâu ngày ngươi sẽ tìm nó lại.
4 Ai xem gió sẽ không gieo; ai xem mây sẽ không gặt.
5 Người không biết đường của gió đi, cũng không biết xương cốt kết cấu trong bụng đờn bà mang thai thể nào, thì cũng một thể ấy, ngươi chẳng hiểu biết công việc của Đức Chúa Trời, là Đấng làm nên muôn vật.
6 Vừa sáng sớm, khá gieo giống ngươi, và buổi chiều, chớ nghỉ tay ngươi; vì ngươi chẳng biết giống nào sẽ mọc tốt, hoặc giống nầy, hoặc giống kia, hoặc là cả hai đều sẽ ra tốt.
Đây là những lời khuyên rất quí báu cho những người đang hầu việc Chúa với giới trẻ. Kết quả rồi sẽ đến. Đặc biệt là đối với việc hướng dẫn giúp đỡ các em thiếu niên. Các em thường tỏ thái độ bất cộng tác hoặc không nghe lời. Điều này dễ làm nản lòng chúng ta, nhưng Sa-lô-môn khuyến khích ném bánh nơi mặt nước và gieo giống. Sau nhiều ngày bánh sẽ quay trở lại và hạt giống sẽ đâm bông kết trái. Chúng ta không biết hạt nào sẽ kết quả, hạt nào không. Kết quả là việc của Đức Chúa Trời, việc của chúng ta là trung tín gieo giống.
Tôi được nghe kể về một một thiếu niên hết sức nghịch ngợm bướng bỉnh, thiếu niên nầy lại là con của một Mục sư có uy tín ngoài miền Trung. Thế nhưng sau đó thiếu niên nầy đã đầu phục Chúa và dâng mình đi học trường Kinh Thánh trở nên Mục sư nối gót cha mình. Không ai có thể tin được những chuyện như vậy xảy ra. Nhưng Chúa sẽ dùng những hạt giống đã gieo trong lòng các em để khiến nó kết quả một ngày nào đó chúng ta không biết được.
Sách Truyền Đạo kết thúc với câu rất ý nghĩa, “Trong buổi còn thơ ấu hãy tưởng nhớ Đấng Tạo hóa ngươi, trước khi người ngày gian nan chưa đến”.
Đây là sứ điệp quan trọng của Sa-lô-môn cho giới trẻ. Ông nói, “Thật là tuyệt vời khi còn những ngày tháng trẻ trung, hãy tận hưởng nó.” Nhưng ông nói thêm, “Hãy tưởng nhớ Đấng tạo hóa ngươi khi còn thơ ấu.” Sau đó Sa-lô-môn dùng bài thơ để mô tả tuổi già, lứa tuổi mà mọi bộ phận trong cơ thể đều xuống cấp. Ông nói, “Trong buổi còn thơ ấu hãy tưởng nhớ Đấng Tạo hóa ngươi, trước khi người ngày gian nan chưa đến, trước khi kẻ giữ nhà run rẩy” điều này chỉ về bàn tay và cánh tay. “Người mạnh sức cong khom” chỉ về đôi chân, “kẻ xay cối ngừng lại bởi vì số ít” nói về hàm răng, “kẻ trông xem qua cửa sổ đã làng mắt” chỉ về cặp mắt, “hai cánh cửa bên đường đóng lại chi về lỗ tai, tiếng xay mỏn lần; lúc ấy người ta nghe tiếng chim kêu bèn chờ dậy chỉ về giấc ngủ ít đi và không còn ca hát được, lúc ấy cây hạnh trổ bông chỉ về tóc bạc. Thế rồi Sa-lô-môn đề cập thẳng đến sự chết: trước khi dây bạc đứt, và chén vàng bể. Ông đã cận kề với sự chết, đây là bài giảng rất hay của bậc lão niên.
Chắc Sa-lô-môn xúc động khi kết thúc bài giảng như sau: “hãy tưởng nhớ Đấng Tạo hóa trước khi dây bạc đất, và chén vàng bể, trước khi vò vỡ ra bên suối, và bánh xe gãy ra trên giếng; và bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó”.
Đây là lời giảng của một vị vua già cả, một người giàu có nhất trong những người giàu, khôn ngoan nhất trong những người khôn ngoan, hưởng lạc thú nhiều nhất trong những người hưởng lạc thú, một người có đến 700 hoàng hậu và 300 cung phi. Hãy tưởng tượng Sa-lô-môn ngồi đó nói với các bạn trẻ rằng, “Các ngươi hãy lắng nghe lời ta nói, kinh nghiệm không những là vị thầy mà còn là vị thầy giỏi. Kinh nghiệm đã dạy ta nhiều điều, hãy để ta truyền những kinh nghiệm nầy lại cho các ngươi. Hãy tưởng nhớ Đấng Tạo hóa khi ngươi còn thơ ấu. Ta đã đi tìm ý nghĩa của cuộc đời trong giàu có, khôn ngoan và lạc thú, nhưng thất bại. Nó chỉ tìm được khi các ngươi kính sợ Chúa và giữ các điều răn của Ngài khi còn trẻ tuổi. Hãy dâng cho Đức Chúa Trời một thân thể sống chớ không phải một của lễ chết.