Bài 115: Sách Châm Ngôn

7266

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Đây là Châm Ngôn của Sa-lô-môn, con trai của Vua Đa-vít. Những gì ông viết nhằm dạy người ta biết cách sống, biết làm thế nào để hành xử trong mọi tình huống vì ông muốn họ có sự hiểu biết và chính trực trong mọi việc họ làm. Mục đích là khiến kẻ ngu muội được khôn ngoan, người trai trẻ biết đối phó với những khó khăn họ sẽ gặp, người khôn ngoan sẽ được khôn ngoan hơn, và trở nên người lãnh đạo bằng cách học hỏi ý nghĩa sâu nhiệm của những sự dạy dỗ này. Làm thế nào để trở nên khôn ngoan? Bước đầu tiên là tin cậy và kính sợ Chúa. Vì kính sợ Chúa là nền tảng cho mọi khôn ngoan. Hiểu biết Chúa là căn bản cho những hiểu biết khác. 

Trên đây là những lời mở đầu của sách Châm Ngôn được viết bởi Sa-lô-môn. Châm Ngôn là một trong năm sách Văn thơ gồm có Gióp, Thi Thiên, Châm Ngôn, Truyền Đạo và Nhã Ca. Gióp được viết cho những người chịu khổ. Thi Thiên được viết cho những người thờ phượng. Châm Ngôn là sách chỉ dạy con cái Chúa có sự  khôn ngoan thực tế nhằm giúp họ đối phó với những áp lực trong cuộc sống hằng ngày. 

Sa-lô-môn không phải là người viết toàn bộ sách Châm Ngôn. Sa-lô-môn sưu tầm một số Châm Ngôn được viết bởi những nhà thông thái khác và ngược lại họ cũng sưu tầm những Châm Ngôn được viết bởi Sa-lô-môn. Về bố cục thì chín chương đầu nói về mục đích của sách, được trình bày như một tiểu luận bàn đến chủ đề khôn ngoan. Từ chương 10 đến 22:16 là các Châm Ngôn của ông. Từ đây cho đến chương 24:24 được viết bởi những người khác. Những Châm Ngôn của Sa-lô-môn được sưu tầm bởi Ê-xê-chia bắt đầu từ chương 25 cho đến 29. Chương 30 là Châm Ngôn của A-gu-rơ, chương 31 là Châm Ngôn của Vua Lê-mu-ên đã học được từ mẹ mình. Như vậy không phải Sa-lô-môn đã viết hết cả sách Châm Ngôn. Theo 1 Các vua 4:31 và 32 thì Sa-lô-môn viết ba ngàn Châm Ngôn và một ngàn bài hát. Sách Châm Ngôn có ít hơn một ngàn câu Châm Ngôn và chỉ có một Nhã Ca của ông trong các sách Văn thơ. Sách Châm Ngôn có thể được phân chia như sau: Mười chương đầu là Châm Ngôn dành cho những người trẻ. Chương 11 đến 20 là Châm Ngôn dành cho mọi người. Chương 21 đến 31 là Châm Ngôn dành cho những người cai trị.

Chúng ta có thể đặt vấn đề, “Tại sao Sa-lô-môn, tác giả của sách Châm Ngôn, sách khuyên dạy người khác sống thành công mà chính ông là người thất bại trong cuộc sống?” Sa-lô-môn là người khôn ngoan nhất đã từng sống, sự khôn ngoan của ông được thể hiện qua sách Châm Ngôn. Sách chứa đựng những lời khuyên dạy hết sức khôn ngoan thiết thực. Làm thế nào một người thất bại như Sa-lô-môn lại viết sách để chỉ dạy người khác? Có một số câu trả lời cho câu hỏi này. Sự khôn ngoan trong sách Châm Ngôn không tùy thuộc vào việc tác giả có áp dụng cho mình hay không. Châm Ngôn là những lời khôn ngoan được linh cảm bởi Chúa. Bên cạnh đó, qua sách Châm Ngôn và Thi Thiên 127, Sa-lô-môn muốn nói các bạn trẻ rằng, “Đừng làm theo những gì mà ta đã làm, hãy học từ những kinh nghiệm thất bại của ta thay vì đem chính các ngươi ra mà học, kinh nghiệm đó sẽ trở thành người thầy cho các ngươi.” 

Một câu trả lời khác đó là Sa-lô-môn là một triết gia, một người yêu thích kiến thức. Nhiều người hiểu biết nhưng không luôn luôn áp dụng những gì họ hiểu biết. Trong phần mở đầu của Châm Ngôn, Sa-lô-môn cho biết vì sao ông viết sách này. Ông nói, “Ta muốn các ngươi biết phải sống thế nào.” Xin nhớ rằng Kinh Thánh được ban cho để con người biết cách sống. Môi-se nói trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 8:3 rằng, “loài người sống chẳng phải nhờ bánh mà thôi, nhưng loài người sống nhờ mọi lời bởi miệng Đức Giê-hô-va mà ra.” Môi-se nhắn nhủ rằng con người sống bởi tuân giữ Lời Đức Chúa Trời. Điều này có nghĩa là Lời Chúa và cuộc sống đi đôi với nhau. Càng hiểu biết Lời Chúa, chúng ta càng hiểu biết về cuộc sống; và càng hiểu biết về cuộc sống, chúng ta càng hiểu biết Lời Chúa. Điều đó đúng trong sách Châm Ngôn. 

Mục đích của Sa-lô-môn khi viết sách Châm Ngôn là nhằm dạy chúng ta biết làm thế nào để sống, để người khôn ngoan được khôn ngoan hơn và trở nên người lãnh đạo. Ông đặc biệt chú ý đến giới trẻ. Sa-lô-môn khuyến cáo các thanh niên về những cám dỗ mà họ phải đương đầu. Vì lý do đó các bạn trẻ nên đọc Châm Ngôn mỗi ngày. Có 31 đoạn, như vậy mỗi ngày đọc và suy gẫm một đoạn.

Vì có nhiều Châm Ngôn, chúng ta sẽ không học tất cả, nhưng chỉ tập trung vào một số Châm Ngôn tiêu biểu. Với sách Thi Thiên, chúng ta cũng chỉ phân tích một số Thi Thiên điển hình để giúp độc giả có ý niệm nhằm tìm hiểu phần còn lại. Cùng một cách đó, chúng ta sẽ phân tích một số Châm Ngôn điển hình, qua đó, chúng tôi hy vọng rằng quý vị sẽ được trang bị và khích lệ để học hết sách Châm Ngôn.

Chúng tôi sẽ diễn tả lời của Sa-lô-môn nhằm giúp chúng ta dễ hiểu hơn và áp dụng vào cuộc sống. Sau phần dẫn nhập Sa-lô-môn nói rằng, “Tôi muốn quí vị học biết chân lý quan trọng này, người khôn ngoan nhất là người làm điều đúng, bằng không quí vị phải gặt lấy bông trái của sự cay đắng khi đi theo ý riêng và trải qua những nỗi kinh hoàng về con đường mà quí vị đã chọn.” Phát biểu này có thể tóm tắt cuộc đời của Sa-lô-môn. Ông biết mình đã thất bại. Nhưng ngay trong trang đầu, ông cho biết một trong những cách  để học khôn ngoan là thông qua thất bại. Một người đã nói, “Sớm muộn gì rồi ai cũng phải gặt những gì mình đã gieo.” Một cách để lĩnh hội khôn ngoan là qua thất bại. Khi trải qua những nỗi hãi hùng vì chọn con đường sai, chúng ta học được những bài học quí giá. Các bậc phụ huynh thường làm hỏng cơ hội khi mà con họ sắp học những bài học này. Khi thấy con cái chuẩn bị gặt lấy hậu quả mà do chúng gieo ra và đối diện với những hãi hùng thì họ lập tức ra tay cứu giúp chúng. Các bậc phụ huynh đánh mất cơ hội để con họ học những bài học khôn ngoan từ các hậu quả do chúng gây ra. Sa-lô-môn đã tiên đoán rằng một khi trải qua những nỗi đắng cay vì sự chọn lựa sai trật, chúng ta sẽ học biết rằng, “Người làm điều đúng là người khôn ngoan nhất.” 

Vì yêu chúng ta nên Chúa phán dạy chúng ta những gì là đúng qua Lời của Ngài. Chúa muốn chúng ta làm điều đúng vì Ngài biết rằng điều đúng cuối cùng sẽ đem lại kết quả tốt. Khi Ngài cấm một điều gì đó hoặc cho biết điều gì là sai quấy, không phải vì Ngài khắc nghiệt  muốn làm cho chúng ta đau khổ. Nhưng Chúa biết rằng những điều sai quấy cuối cùng sẽ đem lại những hậu quả đắng cay. Ngài không muốn chúng ta đau khổ vì những hậu quả đó. Như vậy ngay trong những dòng đầu, Sa-lô-môn muốn chúng ta học rằng “Người làm điều đúng là người khôn ngoan nhất.”

Châm Ngôn 5:15 – 19 là lời khuyên dành cho những người trẻ khi họ đối đầu với những cám dỗ từ những người đàn bà quyến rũ. Dĩ nhiên vấn đề này có hai mặt. Những người nữ cũng được khuyến cáo trước những quyến rũ của những người nam. Tuy nhiên sách Châm Ngôn chỉ nói đến những người nam cần phải thận trọng trước sự cám dỗ của người nữ. Người nam ở đây là những người đã có gia đình. Những gì Sa-lô-môn nói trong 5 câu này được tóm tắt như sau, “Cách bảo vệ tốt nhất là tấn công. Điều này có nghĩa là để bảo vệ khỏi sự cám dỗ ngoại tình thì phải có một hôn nhân vững mạnh”. Sa-lô-môn nói rằng người chồng phải luôn tìm sự vui thỏa với vợ của mình để dù có những sự cám dỗ bên ngoài thì người chồng vẫn không bị sa ngã vì nhu cầu tâm sinh lý đã được đáp ứng. Đó là lời khuyên khôn ngoan. Sa-lô-môn cảnh cáo về những người nữ lẳng lơ cũng như những người đàn bà ngoại tình. Ông nói, “Bất cứ người nam nào phạm tội tà dâm là hoàn toàn ngu muội vì người đó hủy diệt linh hồn mình. Nếu ngươi muốn tìm con đường xuống âm phủ thì nó ở nơi nhà của dâm phụ.”

Trong khi theo học tại trường Kinh Thánh thì một sinh viên thần học đã lưu tâm đến một số người vô gia cư sống tại một công viên gần trường. Sinh viên này dùng thời gian rảnh của mình đến tại công viên để nói chuyện với họ và tìm hiểu vì sao họ bị cách ly với xã hội và sống lầm lũi như vậy. Anh sinh viên đã làm điều này trong suốt hai năm, và một trong những kết luận mà anh thấy đó là vì phụ nữ. Những người vô gia cư này đã bắt đầu bằng những vụ ngoại tình lăng nhăng với các phụ nữ, từ đó dẫn đến sự tan vỡ gia đình, rồi rượu chè, nghiện ngập và cuối cùng là sống đầu đường xó chợ. Hầu như hậu quả này cứ lặp đi lặp lại thường xuyên. Tất cả bắt đầu bởi một người phụ nữ đầy quyến rũ rồi dẫn đến chỗ mất cả gia đình. Họ lâm vào con đường nghiện ngập nên mất công ăn việc làm và cuối cùng là mất mọi sự. Từ nhận xét trên chúng ta thấy rằng những gì Sa-lô-môn khuyên bảo là khôn ngoan và thực tế. “Ngôi nhà của dâm phụ dẫn đến âm phủ.”

Những lời khuyên dạy trong sách Châm Ngôn về cùng một chủ đề được trình bày rải rác trong khắp cả sách. Cách học sách Châm Ngôn tốt nhất là dùng một trang giấy kẻ ra nhiều cột, trên mỗi cột ghi các đề mục như gia đình, hôn nhân, liên hệ với con cái, liên hệ với cha mẹ, vấn đề tiền bạc, phụ nữ … Khi tìm thấy một câu Kinh Thánh nói về một chủ đề nào đó thì quí vị xếp vào chung một cột thích hợp. Đó là cách học Châm Ngôn theo chủ đề. Đây là cách rất tốt để học về sách Châm Ngôn vì sau khi tổng hợp những câu trong Châm Ngôn quí vị sẽ thấy sách này nói đến các đề tài đó cách toàn diện và sâu sắc. Chẳng hạn sau khi tìm hiểu những câu nói về đề tài như “Kỷ luật đối với con cái” hoặc “Kỷ luật bản thân” quí vị có thể soạn thảo thành những bài chia sẻ có giá  trị.

 Sa-lô-môn đã nói về “Kỷ luật bản thân” như sau: “Hỡi kẻ biếng nhác, hãy đi đến loài kiến; khá xem xét cách ăn ở nó mà học khôn ngoan. Tuy nó không có hoặc quan tướng, hay quan cai đốc, hay là quan trấn, thì nó cũng biết sắm sửa lương phạn mình trong lúc mùa hè, và thâu trữ vật thực nó trong khi mùa gặt”.

Sa-lô-môn cho biết chúng ta có thể học về kỷ luật bản thân từ loài kiến. Khi tốt nghiệp trường học chúng ta phải bắt đầu tự lập. Ở mức tiểu học hoặc trung học, thầy cô giáo ra bài tập và chúng ta làm bài với sự giúp đỡ của cha mẹ. Nhưng khi lớn lên, chúng ta tự làm lấy, tự đặt mình vào khuôn khổ kỷ luật. Đây là sứ điệp mà chúng ta học được từ loài kiến. 

Châm Ngôn nhấn mạnh rất nhiều đến lời nói, “Hễ lắm lời, vi phạm nào có thiếu; Nhưng ai cầm giữ miệng mình là khôn ngoan”.

Các vị giáo phụ khi xưa dường như đồng ý với sách Châm Ngôn về chủ đề này. Trong nhiều chủng viện, các tu sĩ chỉ được phép nói chuyện 30 phút sau bữa ăn tối mà thôi vì những người lãnh đạo của họ cho rằng, “nói nhiều thì phạm tội nhiều.”

Bài trướcĐức Giê-hô-va Cai Trị – 27/12/2019   
Bài tiếp theoThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến MS Huỳnh Duy Linh