Bài 110: Phước Hạnh Của Sự Tha Thứ (tiếp theo)

1727

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Trong phần kết của bài học trước, chúng ta đã có một câu hỏi để suy gẫm, đó là “nếu Đức Chúa Trời cho phép chúng ta sống 5 phút dưới địa ngục và 5 phút trên thiên đàng thì 5 phút nào sẽ tạo nên ảnh hưởng lớn nhất trong đời sống chúng ta?” A-sáp là người viết Thi Thiên 73 cho biết rằng nhận thức về số phận cuối cùng của kẻ ác khiến ông thay đổi thái độ từ ganh ghét sang thương xót. Sau khi ông bước vào đền thờ thì thái độ ganh ghét kẻ ác không còn và thắc mắc cũng được giải quyết.

Nhận thức được số phận cuối cùng của kẻ ác đã ảnh hưởng lớn lao trên A-sáp. Sau khi cáo buộc Đức Chúa Trời không công bình trong cách đối xử của Ngài, ông nói,

22  Bấy giờ tôi ở ngu muội, chẳng hiểu biết gì; trước mặt Chúa tôi ở khác nào một thú vật vậy.
23  Song tôi cứ ở cùng Chúa luôn luôn: Chúa đã nắm lấy tay hữu tôi.
24  Chúa sẽ dùng sự khuyên dạy mà dẫn dắt tôi, rồi sau tiếp rước tôi trong sự vinh hiển.

Nói cách khác, A-sáp cho biết, “Tôi sẽ lên thiên đàng còn kẻ ác sẽ đi vào trong địa ngục.” Sau đó A-sáp đặt một câu hỏi: “Ở trên trời tôi có ai trừ ra Chúa?”

Câu trả lời thật rõ ràng, không có ai cả. Với cái nhìn về giá trị trong cõi đời đời, A-sáp nhanh chóng đi đến kết luận, “Còn dưới đất tôi chẳng ước ao người nào khác hơn Chúa”.

Theo A-sáp điều có ý nghĩa nhất về thiên đàng đó là Đức Chúa Trời ở tại đó. Giống như A-sáp, động cơ khiến chúng ta muốn lên thiên đàng là vì Chúa ở tại đó. Điều quan trọng nhất trên thiên đàng không phải là những phước hạnh chúng ta sẽ nhận lãnh nhưng là Chúa. Nhận thức đó sẽ ảnh hưởng mạnh trên đời sống chúng ta. Chúng ta sẽ đồng ý với A-sáp mà nói rằng, “Ở trên trời tôi có ai trừ ra Chúa? Còn dưới đất tôi chẳng ước ao người nào khác hơn Chúa.” Ưu tiên lớn nhất của chúng ta là biết Chúa ngày càng hơn.

Thi Thiên 73 là một Thi Thiên cầu nguyện giúp chúng ta đối phó với nghi ngờ và ganh ghét. A-sáp cho biết nan đề đã được giải quyết khi ông vào trong đền thờ của Chúa. Một Mục sư cho biết khi còn học tại trường thần học, ông có nhiều thắc mắc. Sau nhiều năm trao đổi với các giáo sư, ông nghiệm rằng các thắc mắc nầy được giải quyết khi ông đến với Chúa hơn là do kiến thức thần học đem lại.

Bây giờ chúng ta bước sang một Thi Thiên cầu nguyện khác, Thi Thiên 139. Đây là một trong những Thi Thiên cầu nguyện hay nhất. Giống như Thi Thiên 19, Thi Thiên 139 kết thúc với câu:

23 Đức Chúa Trời ơi, xin hãy tra xét tôi, và biết lòng tôi; hãy thử thách tôi, và biết tư tưởng tôi;
24 Xin xem thử tôi có lối ác nào chăng, xin dắt tôi vào con đường đời đời.

Đa-vít thưa với Đức Chúa Trời tra xét lòng ông vì ngay chính ông cũng không biết được những động cơ kín giấu trong lòng. Giê-rê-mi đã nói rằng, “Lòng người ta là dối trá và xấu xa hơn mọi vật. Ai có thể biết được?” Câu trả lời là chỉ có một mình Đức Chúa Trời mới biết được.

Tấm lòng chỉ về những động cơ thúc đẩy chúng ta nói hoặc làm. Đa-vít thưa với Đức Chúa Trời, “Con biết rằng có những động cơ xấu đang tiềm ẩn trong lòng con. Xin Chúa hãy chỉ nó ra. Con muốn nhìn thấy nó, con muốn thú nhận nó với Ngài vì con muốn được bước đi trong con đường đời đời.” Đa-vít cũng cầu nguyện rằng, “Xin Chúa xét tâm trí con vì có những suy nghĩ, những ký ức Chúa không đẹp lòng vẫn còn ở đó. Con muốn giải quyết vấn đề nầy vì con ước mong bước đi trong con đường đời đời.” Đa-vít ở trong tình trạng không biết rõ chính mình vì ông không biết những gì ông đang suy nghĩ và những gì đang thúc đẩy ông. Mỗi chúng ta đều trải qua kinh nghiệm tương tự. Quý vị làm gì khi chúng ta nghi ngờ, không hiểu chính mình? Lời dạy của Thi Thiên nầy là chúng ta nên đem những điều đó đến với Chúa và thưa với Ngài rằng, “Đức Chúa Trời ơi, xin hãy tra xét tôi, và biết lòng tôi; hãy thử thách tôi, và biết tư tưởng tôi”.

Kinh Thánh có dạy chúng ta về việc tự xét mình, nhưng một điều lưu ý là sự phân tích nội tâm quá đáng sẽ gây ra phản tác dụng. Chúng ta cần nhớ rằng tự mình không thể hiểu hết chính mình, chỉ có Chúa mới là Đấng hiểu chúng ta trọn vẹn mà thôi.

Điểm quan trọng là chúng ta cần hiểu bối cảnh của Thi Thiên nầy cũng như những Thi Thiên cầu nguyện khác của Đa-vít. Nói cách khác chúng ta sẽ xem xét điều gì đã dẫn Đa-vít đến lời cầu nguyện nầy.

Thi Thiên 139 được chia ra làm một số các phân đoạn. Mỗi phân đoạn nói về Đức Chúa Trời là Đấng mà Đa-vít dâng lên lời cầu nguyện. Ví dụ trong phân đoạn đầu tiên, Đa-vít cầu nguyện với Đức Chúa Trời là Đấng thấu hiểu ông.

Khi quý vị gặp một nhà phân tâm học, họ chỉ có thể hiểu được quý vị tùy theo mức độ quý vị cởi mở thổ lộ. Nhưng Đức Chúa Trời thì khác, Chúa biết chúng ta, Chúa biết hoàn cảnh, xuất thân của chúng ta cách rõ ràng tuyệt đối. Đa-vít nói rằng,

2 Chúa biết khi tôi ngồi, lúc tôi đứng dậy; Từ xa Chúa hiểu biết ý tưởng tôi.
4 Vì lời chưa ở trên lưỡi tôi, kìa, hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã biết trọn hết rồi.

Riêng trong phân đoạn thứ hai thì Đa-vít cầu nguyện với Đức Chúa Trời là Đấng mà ông không thể nào chạy trốn được.

7 Tôi sẽ đi đâu xa Thần Chúa? Tôi sẽ trốn đâu khỏi mặt Chúa?
8 Nếu tôi lên trời, Chúa ở tại đó, ví tôi nằm dưới âm-phủ, kìa, Chúa cũng có ở đó.
9 Nhược bằng tôi lấy cánh hừng đông, bay qua ở tại cuối cùng biển,
10 Tại đó tay Chúa cũng sẽ dẫn dắt tôi, tay hữu Chúa sẽ nắm giữ tôi.
11 Nếu tôi nói: Sự tối tăm chắc sẽ che khuất tôi, ánh sáng chung quanh tôi trở nên đêm tối,
12 Thì chính sự tối tăm không thể giấu chi khỏi Chúa

Đa-vít cầu nguyện với một Đấng mà ông không thể chạy trốn được. Có nhiều điều trong cuộc sống chúng ta không thể chạy trốn được. Chằng hạn chúng ta không thể chạy trốn với chính mình. Cho dầu bất cứ đi đâu thì quý vị vẫn là quý vị.

Nếu không thể chạy trốn chính mình, chúng ta cũng không sao tránh khỏi ma quỉ. Đây là lý do vì sao Phao-lô dạy phải trang bị khí giới của Đức Chúa Trời để chiến đấu với kẻ thù. Chúng ta phải đứng vững để đương đầu với ma quỷ vì không ai có thể chạy trốn khỏi nó. Tiên tri Giô-na đã sai lầm khi ông nghĩ rằng ông có thể chạy trốn Đức Chúa Trời. Thử tưởng tượng chúng ta phải đi nhanh bao nhiêu để trốn khỏi sự hiện diện của Chúa? Chúng ta phải đi bao xa để khuất mặt Ngài? Đa-vít đã sáng suốt hơn Giô-na khi ông biết rằng ông không thể chạy trốn khỏi Chúa.

Cũng trong bối cảnh của lời cầu nguyện mà Đa-vít đề cập về Đức Chúa Trời là Đấng đã tạo dựng nên ông. Một câu đáng chú ý trong Thi Thiên 139 là câu thứ 16: “Mắt Chúa đã thấy thể chất vô hình của tôi; số các ngày định cho tôi, đã biên vào sổ Chúa trước khi chưa có một ngày trong các ngày ấy”.

Ý của Đa-vít có thể được diễn tả lại như sau: Trong một cái “gien” nhỏ bé mà chúng ta không thấy được bằng mắt trần, nó chứa đựng mọi yếu tố di truyền để xác định con người chúng ta, từ chiều cao cho đến cách đi, từ môi miệng cho đến cách nói  . . . Thật kinh ngạc khi khám phá rằng mọi yếu tố di truyền đều hiện hữu trong “gien” mà chúng ta sẽ không thể nhìn thấy nếu không có kính hiển vi. Nhưng tại đây, Đa-vít còn đi xa hơn khi nói rằng trước khi chúng ta hiện hữu trong cái “gien” đó thì Đức Chúa Trời đã ghi vào sổ của Ngài mọi yếu tố cấu thành chúng ta. Như vậy việc chúng ta được sinh ra và sống động trên trái đất nầy không phải là điều ngẫu nhiên nhưng có một bàn tay tể trị của Đức Chúa Trời.

Có một nhân viên làm công tác xã hội, một lần kia nói với vị lãnh đạo tinh thần rằng, “Thưa ông, phân nửa những đứa trẻ nầy là do ngẫu nhiên mà được sinh ra.” Vị lãnh đạo tinh thần liền nói, “Không có cái gọi là ngẫu nhiên ở đây.” Quý vị nghĩ sao, có cái gọi là yếu tố ngẫu nhiên do con người tạo nên hay không, nếu Kinh Thánh dạy rằng, Đức Chúa Trời đã định các thành phần cấu tạo nên chúng ta trong cuốn sổ của Ngài trước khi chúng ta hiện hữu. Đây là lập luận mạnh mẽ chống lại sự phá thai. Nếu Đức Chúa Trời đã có một chương trình cho cuộc đời của một người thì ai có quyền để hủy phá chương trình đó? Ai có quyền để giết một em bé nếu Đức Chúa Trời đã có một chương trình cho em bé đó trước khi nó được sinh ra? Thi Thiên 139:16 cho biết rằng không có điều gọi là tình cờ do con người tạo nên.

Còn có những phân đoạn khác vào phần cuối của Thi Thiên nầy hỗ trợ chúng ta hiểu về lời cầu nguyện của Đa-vít. Đa-vít đề cập đến Đức Chúa Trời là Đấng bảo vệ ông. Ngài là Đấng suy nghĩ về ông. Khi đọc những phần còn lại của Thi Thiên nầy, nó sẽ giúp chúng ta hiểu những gì Đa-vít đã thưa cùng Chúa:

23 Đức Chúa Trời ơi, xin hãy tra xét tôi, và biết lòng tôi; hãy thử thách tôi, và biết tư tưởng tôi;
24 Xin xem thử tôi có lối ác nào chăng, xin dắt tôi vào con đường đời đời.

Điều cần ghi nhớ là Đa-vít dâng lời cầu nguyện nầy lên một Đấng biết ông, Đấng mà ông không thể nào chạy trốn được, Đấng đã tạo dựng nên ông, Đấng suy nghĩ về ông suốt ngày đêm. Câu thứ 17, 18 Đa-vít cho biết,

17 Hỡi Đức Chúa Trời, các tư tưởng Chúa quý báu cho tôi thay! Số các tư tưởng ấy thật lớn thay!
18 Nếu tôi muốn đếm các tư tưởng ấy, thì nhiều hơn cát. Khi tôi tỉnh thức tôi còn ở cùng Chúa.

Câu “các tư tưởng Chúa quý báu cho tôi thay” thật ra có nghĩa là “các tư tưởng của Chúa về tôi thật quý báu thay.” Và Chúa cũng suy nghĩ thật nhiều về Đa-vít. Cuối cùng Đa-vít cầu nguyện với Đức Chúa Trời là Đấng bảo vệ ông. Đó là Đức Chúa Trời mà Đa-vít đã dâng lên lời cầu nguyện ở cuối Thi Thiên 139.

Kinh Thánh có dạy về sự tự xét lấy mình, nó là điều tốt. Nhưng Kinh Thánh cũng dạy rằng sự phân tích nội tâm sẽ đem lại kết quả tốt nhất khi Đức Chúa Trời là Đấng phân tích nội tâm chúng ta. Ngài là Đấng làm công việc nầy tốt nhất vì Ngài là Đức Chúa Trời hiểu biết chúng ta hoàn toàn. Không có một điểm nào trong chúng ta mà Ngài không hiểu. Chúng ta được khuyến khích là cần hiểu chính mình, nhưng làm sao chúng ta tự hiểu mình được. Nếu chúng ta không hiểu về chính mình mà chúng ta lại cần một hướng đi trong cuộc sống thì chúng ta phải đến với ai? Đa-vít trả lời câu hỏi đó bằng chính gương của ông. Theo Đa-vít, nếu chúng ta ngờ vực chính mình, nếu chúng ta cần sự giúp đỡ về  một nan đề thuộc linh, hãy đến với Đức Chúa Trời và thưa rằng,

23 Đức Chúa Trời ơi, xin hãy tra xét tôi, và biết lòng tôi; hãy thử thách tôi, và biết tư tưởng tôi;
24 Xin xem thử tôi có lối ác nào chăng, xin dắt tôi vào con đường đời đời.

Muốn hiểu chính mình, chúng ta hãy đến với Chúa vì Ngài là Đấng hiểu thấu mọi sự, thấy cả mọi sự. Chúa đã tạo nên chúng ta, Ngài biết suy nghĩ của chúng ta, Ngài biết được những ám ảnh lo âu mà chúng ta đang mang. Ngài biết rằng những mặc cảm tội lỗi của chúng ta chỉ có thể giải quyết thông qua sự thú tội để được thanh tẩy và khôi phục tâm linh.

Bài trướcPhép Màu Vùng Ven Biển (Phần 2)
Bài tiếp theoCông Bố Thành Lập Điểm Nhóm Buôn Chung, tỉnh Phú Yên