Bài 11: Đức Tin Dời Núi

2752

Nguyễn Sinh biên soạn

 

 


 

Đức Tin Dời Núi

 

Đức Chúa Jêsus cất tiếng phán rằng: Hãy có đức tin đến Đức Chúa Trời.  23 Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai sẽ biểu hòn núi nầy rằng: Phải cất mình lên, và quăng xuống biển, nếu ngươi chẳng nghi ngại trong lòng, nhưng tin chắc lời mình nói sẽ ứng nghiệm, thì điều đó sẽ thành cho. Mác 11:22,23.

 

Mỗi khi gặp một nan đề hay hoàn cảnh khó ai cũng muốn thấy mình làm chủ được tình hình, chứ không phải là nạn nhân. Không ai muốn cảm thấy mình yếu đuối hay bị thua bao giờ. Nhưng trên thực tế chúng ta phải nhận rằng mỗi người đều có những giới hạn trong khả năng, trong trở lực và cần đến một sức mạnh bên ngoài mình cứu giúp.  Nhiều hoàn cảnh đưa đến trong đời ta khiến ta thấy mình vô quyền và dễ bị đè bẹp. Chúa Giê-xu biết rõ cảm nghĩ của loài người chúng ta và lời Chúa nói đã ghi lại trong phúc âm Mác mà chúng ta vừa đọc.

 

Câu Kinh Thánh này rất ngắn gọn nhưng có thể giúp ta thấy một công thức về cầu nguyện:

Chúa nói: Hãy có đức tin đến Đức Chúa Trời. Nghĩa là đừng tự tin, đừng tin ở khả năng hay sức mạnh của mình.

Chúa nói tiếp:  Quả thật ta nói cùng các ngươi. 

 

Trước khi phát biểu một điều quan trọng, Chúa thường nói như thế.  Nghĩa là việc đó chắc chắn sẽ xẩy ra và là điều có thực, mặc dù có thể khó hiểu.

 

Chúa còn xác nhận là bất cứ ai cũng có thể làm được, nghĩa là ra lệnh cho hòn núi. Ai đó có thể là bạn hay là tôi hoặc người nào khác.

 

Đối tượng hiển nhiên là một hòn núi lớn, rõ ràng và cụ thể như hoàn cảnh khó khăn hay nguy hiểm mà ta đang đối diện.

 

Hãy nói với trở lực trước mắt rằng: Hãy dời chỗ đi, đừng cản bước ta nữa, đừng làm khổ ta nữa.

Hãy cất mình lên và tự quăng xuống biển. Nghĩa là hãy chấm dứt gây khó khăn và đau khổ cho ta và biến mất đi.

Cuối cùng là: Đừng nghi ngại nhưng tin chắc việc sẽ xảy ra.  Việc đó sẽ xẩy ra.

Có ba thái độ đối với lời Chúa dạy mà chúng ta nghiên cứu hôm nay:

Thứ nhất, bạn có thể nói: Chuyện đó khó lòng lắm, tôi không tin đâu?

 

Nhưng khi bạn phát biểu hay nghĩ như thế là bạn đang mâu thuẫn với cuốn sách đáng tin nhất trong đời.  Bạn cũng dám chống lại vị giáo sư vĩ đại nhất từng có mặt trên mặt đất này. Thường thì khi một ngưòi có tư tưởng chống lại một ai, thì người đó cho rằng mình hiểu biết hơn người đó. Bạn có hơn vị thầy của các vị thầy ấy không? Chắc chắn là không có ai biết hơn Chúa được phải không bạn?

 

Gần 60 năm trước đây, khoa học gia David Sarnoff, người từng làm việc với các nhà khoa học lỗi lạc của thế giới,  đã phát biểu:

 

Vào những giai đoạn đầu, khoa học hiện đại dường như tương phản với đạo Chúa, nhưng đó chỉ là lúc khoa học chưa trưởng thành. Trong hiện tại, câu chuyện quen thuộc mà ta hay nghe kể lại là các nhà khoa học càng ngày càng ý thức được cái bí mật của vũ trụ và đến với đạo Chúa qua hiểu biết nhiều giới hạn của khoa học. Đó là khi những con người chơi những hình khối bằng gỗ xây dựng vũ trụ, với những nguyên tử, những electrons và những genes bỗng thấy kinh hoàng. Mỗi một thắng lợi trong khoa học cho thấy rõ có một mẫu mực trong tự nhiên, một sự đồng bộ đáng lưu ý trong mọi sự vật từ hình thái siêu vi cho đến vô định.

 

Như thế khi tôi tuyên bố rằng: Tôi không tin vào sức mạnh của Đức Tin. Là tôi đã chống lại lời chứng của khoa học hiện đại.

 

Khoa học nói rằng: “Máy truyền hình hoạt động” và ai tin thì mua máy về xem và thấy TV chạy thật. Chúa và khoa học đều xác nhận:  “Đức tin nơi Chúa hoạt động” ai tin và thực nghiệm sẽ thấy.

 

Chúa Giê-xu nói rằng nếu bạn có đức tin nơi Chúa bạn có thể dời được ngọn núi cản đường bạn. Có người không tin như thế.  Đó là thái độ thứ nhất.

 

Thái độ thứ hai đối với sức mạnh của đức tin có thể phát biểu là: “Tôi không hiểu, điều này vượt quá tâm trí của tôi.” Nghĩa là không tin mà cũng không phủ nhận. Tức là không làm gì cả.

 

Thái độ này là chịu thua hoàn cảnh và bảo rằng: “Tôi không thể làm gì được cả.” Nghĩa là nhận rằng mình yếu đuối, bất lực và không đưa mình vào thứ sức mạnh mà mình có thể sử dụng.  Thường thì thái độ này đưa ta đến chỗ phê phán và nghi ngờ.

 

Một vị bác sĩ chuyên môn tâm lý đến nhà thờ mở cuộc khảo sát về những người đi nhà thờ và thấy nhà thờ nào cũng có những người như sau:

 

Có người đi nhà thờ với thái độ không tin. Ông ta nhìn người ngồi trong nhà thờ và nghĩ rằng họ chỉ là những kẻ giả hình. Ông ấy cũng cho rằng hội thánh hát dở quá và không muốn hát. Khi mục sư giảng, ông ta không chịu tiếp thu mà nghĩ rằng chính mục sư cũng giảng thế thôi chứ có áp dụng gì đâu.  Khi thấy những người dường như được phấn khích và phục vụ trong giờ thờ phượng, ông ta cho là những người ấy giàu tình cảm quá mà thôi.

 

Bác sĩ này cho biết rằng, mặt khác có người vào nhà thờ với lòng tin. Ông ta rất cảm động khi nghĩ rằng nhiều tín hữu đã dâng tiền để xây dựng một ngôi nhà thờ nguy nga và đẹp đến thế. Ông cò nghĩ đến bao nhiêu người đã hiến dâng cuộc đời qua nhiều thế kỷ để đem tin mừng của Chúa Cứu Thế đến những dân tộc xa xôi. Ông cũng suy nghĩ: Làm sao có người dám chết vì đức tin? Làm sao cuốn Kinh Thánh tồn tại cho đến ngày nay? Ông ta được xúc động và tin về đức tin của những người từng tử vì đạo. Ông ấy hòa đồng với mọi người hát ca ngợi Chúa, và khi nghe giảng lời Chúa, ông tiếp thu vào tâm hồn mình.

 

Chúa Giê-xu từng nói: Ta nói cùng các ngươi, ai có, thì sẽ cho thêm; song ai không có, thì sẽ cất luôn của họ đã có nữa. Lu-ca 19:26. Nguyên tắc trong câu nói này áp dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống và nhất là đối với đức tin. Người không sử dụng đức tin trong nhà thờ sẽ ra về với đức tin ít hơn khi ông ta bước vào nhà thờ. Nhưng người sử dụng đức tin từ khi bước vào cho đến khi ra về sẽ thấy có sức mới và quyền năng của Chúa nên rất thỏa mãn.

 

Chúng ta đã nói đến thái độ thứ nhất là không tin vào đức tin, thái độ thứ hai là tin nhưng cho là khó xẩy ra. Nhưng thái độ thứ ba là của những người hết lòng tin. Những người này sử dụng đức tin của mình dù đơn sơ hay thiếu sót như thế nào, nhưng kinh nghiệm đức tin tăng trưởng.

 

Có câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào phát triển đức tin?

 

Có hai cách:

1. Thực hành sự hiện diện của Chúa.

Có nhiều cách. Ta có thể dành riêng một thời gian trong ngày ta sống để yên lặng chờ đợi hiện diện của Chúa. Đây là giây phút ta định ra mỗi ngày để đọc Kinh Thánh và sau đó cầu nguyện. Thời gian tuỳ theo mỗi người, nhưng chắc chắn mỗi chúng ta đều có thể làm điều này nếu thật sự muốn đức tin gia tăng và đời sống gần Chúa hơn và xa lánh tội ác hơn. Bạn có thể đọc Kinh Thánh và cầu nguyện trong vòng 30 phút mỗi ngày. Việc dành riêng giờ yên tĩnh với Chúa vô cùng quan trọng và thấy kết quả ngay mỗi ngày ta sống. Hiện diện của Chúa trong tâm hồn ta sẽ cho ta được phước hạnh và gia tăng đức tin cho ta.

 

Nhiều người khác mỗi khi đến nơi thờ phượng Chúa thì cảm thấy hiện diện của Chúa. Những tiếng hát ca ngợi Chúa với lời cầu nguyện sẽ tạo ra không khí thuận lợi cho tâm trí ta tập trung và suy nghĩ về Chúa chuyên biệt hơn.

Ta có thể đang làm việc hay đang di chuyển mà cũng có thể kinh nghiệm hiện diện của Chúa bằng cách đặt ra cho mình những câu hỏi và cố gắng trả lời, như:

 

a. Điều gì khiến tôi phải cảm tạ Chúa hôm nay?

b. Điều gì tôi đã làm trong 24 giờ vừa qua mà tôi thấy hổ thẹn?

c. Điều Chúa muốn thực hiện trong đời tôi hôm nay là gì?

d. Tôi nên cầu thay cho ai đây?

 

Trả lời những câu hỏi này giúp tôi cảm tạ Chúa, xưng tội với Chúa, làm theo ý Chúa và cầu thay.  Bạn có thể đặt thêm các câu hỏi để tập trung tư tưởng mà cầu nguyện cho đức tin gia tăng.

 

2. Cách thứ hai: Muốn gia tăng đức tin thì ít nhất phải có đức tin đã.

 

Có người than là không có đức tin, người khác nói ít đức tin.  Chúa Giê-xu từng trách các môn đệ  không có đức tin và ít đức tin. Đức tin không phải là một ân tứ nhưng là một khả năng. Khả năng này ta có khi công nhận Chúa có thật và quyết định tin Chúa. Người không có đức tin hay ít đức tin tức là không tin nhận Chúa hay là không hết lòng tin nhận Chúa.

 

Hê-bơ-rơ 11 câu 6 dạy rằng: 6 Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài. Câu này cho biết rằng người muốn cầu nguyện cùng Chúa thì phải công nhận rằng Đức Chúa Trời có thật.  Đức tin ấy là một nhận định và quyết định của cá nhân mỗi người.

 

Chúa Giê-xu từng dạy rằng:

Đức Chúa Giê-x đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhứt và lớn hơn hết. Ma-thi-ơ 22:37.

 

Trong lời dạy này Chúa bảo phải quyết tâm tin Chúa, nhưng trước đó phải kính yêu Chúa đã, nghĩa là tôn thờ và suy phục Chúa như thế mới có thể đặt niềm tin nơi Chúa. Nói khác đi, trước khi ta lý luận về đức tin thì phải có kinh nghiệm về đức tin, nghĩa là phải hạ mình tin nhận Chúa đã. Chúa Giê-xu không nói tại sao đức tin có thể làm chuyển động những trở lực vĩ đại như tảng núi, nhưng Ngài chỉ bảo: Hãy có đức tin đến Đức Chúa Trời.  Khi đã có đức tin như thế, sau đó nhiệm vụ của ta là bận rộn trong việc dọn dẹp những tảng núi trở ngại vướng bước tiến của mình. Đừng chờ xem mình có làm nổi không, cứ khởi động đi. Chúa dạy tiếp: Nếu ai không nghi ngờ, mà tin chắc lời mình nói sẽ ứng nghiệm thì sẽ đắc thắng trở lực.

 

Nhiều người đọc những lời này có thể cho rằng khó chấp nhận, nhưng đây là lời của Chúa Giê-xu là Đấng Chủ Tể vũ trụ vạn vật mà chúng ta tôn thờ. Xin hãy đặt lòng tin nơi Chúa và khởi động đức tin cầu xin Chúa dời đi những trở ngại trong đời sống cá nhân, gia đình và cả trong Hội Thánh nữa. Xin đến với Chúa ngay trong giây phút này và bắt đầu dọn dẹp những tảng núi đang ngăn cản bạn trên đường tin Chúa hôm nay.  Xin Chúa cho bạn được thắng và ca mừng cảm tạ Chúa.

 

 

 

 

Bài trướcHọp Bạn Bồi Linh Trung Niên Hội Thánh Chợ Lách
Bài tiếp theoKhai Mạc Trại Hè Thanh Niên Tin Lành Thành Phố Đà Nẵng