Bài 107: Giải Pháp Cho Sự Căng Thẳng Tinh Thần

2555

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

1 Hỡi Đức Chúa Trời của sự công bình tôi,
Khi tôi kêu cầu, xin hãy đáp lời tôi.
Khi tôi bị gian truân Ngài để tôi trong nơi rộng rãi;
Xin hãy thương xót tôi, và nghe lời cầu nguyện tôi.
2 Hỡi các con loài người, sự vinh hiển ta sẽ bị sỉ nhục cho đến chừng nào?
Các ngươi sẽ ưa mến điều hư không,
Và tìm sự dối trá cho đến bao giờ? (Sê-la)
3 Phải biết rằng Đức Giê-hô-va đã để riêng cho mình người nhân đức.
Khi ta kêu cầu Đức Giê-hô-va, ắt Ngài sẽ nghe lời ta.
4 Các ngươi khá e sợ, chớ phạm tội;
Trên giường mình hãy suy gẫm trong lòng, và làm thinh. (Sê-la)
5 Hãy dâng sự công bình làm của lễ,
Và để lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va.
6 Nhiều người nói: Ai sẽ cho chúng ta thấy phước?
Hỡi Đức Giê-hô-va, xin soi trên chúng tôi sự sáng mặt Ngài.
7 Chúa khiến lòng tôi vui mừng nhiều hơn chúng nó,
Dù khi chúng nó có lúa mì và rượu nho dư dật.
8 Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi sẽ nằm và ngủ bình an;
Vì chỉ một mình Ngài làm cho tôi được ở yên ổn
(Thi Thiên 4:1-8)

Chúng ta đã lược khảo những Thi Thiên nói về người được phước, bây giờ chúng ta sẽ bước sang một loại khác đó là Thi Thiên cầu nguyện. Chúng tôi xin phép nhắc lại điều đã trình bày trước đây: khi tác giả Thi Thiên nói với Đức Chúa Trời về Đức Chúa Trời thì đây là Thi Thiên ngợi khen, khi tác giả nói với con người về Đức Chúa Trời thì đó là Thi Thiên giảng dạy. Phần lớn Thi Thiên nói về người được phước là Thi Thiên giảng dạy. Đây cũng là Thi Thiên được nhiều người thích. Loại Thi Thiên thứ ba đó là Thi Thiên cầu nguyện. Thi Thiên nầy nói lên tâm trạng của tác giả khi ở trong những kinh nghiệm lo âu, đau buồn hay hoạn nạn. Cho dù quí vị đã trải qua những kinh nghiệm như thế nào đi chăng nữa, quí vị vẫn sẽ tìm thấy sự đồng cảm khi đến với những Thi Thiên nầy. Hãy đọc những Thi Thiên đó và xem cách tác giả giải quyết nan đề của mình như thế nào.

Thi Thiên 4 nói lên tình trạng kiệt quệ của Đa-vít. Ông cầu nguyện rằng, “Khi tôi bị gian truân Ngài để tôi trong nơi rộng rãi”. Câu nầy hiểu theo sát nghĩa là thông qua những khốn cùng mà Chúa đã khiến Đa-vít được phát triển. Đa-vít cho biết Đức Chúa Trời làm cho chúng ta lớn lên, Ngài khiến chúng ta thêm lên trong khả năng để biết Ngài, yêu mến Ngài, thờ phượng Ngài và phục vụ Ngài khi chúng ta ở trong hoạn nạn và kiệt quệ. Ngày nay, có một hiện tượng tương tự được gọi là “căng thẳng tinh thần” hay còn gọi là stress. Chữ nầy càng ngày càng phổ biến. Ngay cả Mục sư là người chuyên lo việc thuộc linh, cho dù họ cảm nhận sự bình an trong tâm hồn nhưng gánh nặng của chức vụ vẫn làm cho họ trở nên mệt mỏi và kiệt sức. Nếu quí vị đang ở trong tình trạng nầy thì quí vị sẽ thấy tâm trạng của mình được thể hiện qua Thi Thiên 4. Đa-vít đang chịu áp lực rất lớn và kiệt quệ. Dường như ông không thể ngủ được vì tình trạng căng thẳng. Mất ngủ thường đi đôi với căng thẳng tinh thần. Đa-vít chỉ cho chúng ta làm thế nào để đối phó với nan đề nầy.

Trước tiên ông cầu nguyện với Chúa rằng, “Hỡi Đức Chúa Trời của sự công bình tôi, Khi tôi kêu cầu, xin hãy đáp lời tôi.” Đa-vít thưa với Đức Chúa Trời về con người. Trong trường hợp nầy con người chính là Đa-vít. Khi Đa-vít kêu cầu cùng Chúa thì Ngài đáp lời ông. Quí vị có thể hình dung giữa một đêm khuya thanh tịnh, Đa-vít cầu nguyện hay thưa chuyện với Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời đã mặc khải cho ông. Những người nói chuyện hay đều biết rằng, trong một cuộc đối thoại thì điều quan trọng không phải là những gì chúng ta nói nhưng là những gì chúng ta nghe. Người biết lắng nghe là người biết nói chuyện.

Nếu cầu nguyện là thưa chuyện với Chúa thì cầu nguyện có hai chiều. Một chiều là chúng ta thưa với Chúa. Đây là phần rất quan trọng. Chúa muốn nghe những gì chúng ta nói. Nhưng có một chiều khác đó là Chúa nói với chúng ta. Để ý các Thi Thiên cầu nguyện, chúng ta sẽ thấy nó gồm hai chiều, một chiều là những gì tác giả thưa với Đức Chúa Trời và chiều kia là những gì Chúa phán với tác giả. Tác giả thường kêu xin với Đức Chúa Trời và được bảo đảm rằng Chúa đã nghe và trả lời cầu nguyện cho tác giả. Trong Thi Thiên nầy Đa-vít đã thưa với Chúa về sự lo âu căng thẳng của ông và Chúa đã đáp lời bằng cách ban cho ông sự mặc khải.

Sau đó chúng ta nghe Đa-vít nói, “Phải biết rằng Đức Giê-hô-va đã để riêng cho mình người nhân đức. Khi ta kêu cầu Đức Giê-hô-va, ắt Ngài sẽ nghe lời ta. Các ngươi khá e sợ, chớ phạm tội”. Bất cứ khi nào được Chúa đáp lời, chúng ta sẽ kinh nghiệm về Chúa một cách mới mẻ, chúng ta không còn là người như trước nữa. Việc Chúa đáp lời có nghĩa gì? Khi gặp nan đề, chúng ta kêu cầu cùng Chúa, Ngài trả lời cho chúng ta. Điều nầy chứng tỏ rằng Chúa quan tâm, Ngài nghe và Ngài nhậm lời cầu nguyện của chúng ta. Một khi chúng ta kinh nghiệm được lẽ thật nầy, chúng ta sẽ không còn là người giống như trước nữa. Mục sư Dick Woodward kể lại kinh nghiệm về sự đáp lời cầu nguyện như sau: “Một phước hạnh lớn lao tôi nhận được trong thời gian học tại trường thần học là tấm ngân phiếu $15 đột nhiên xuất hiện tại hộp thư của tôi vào một ngày nọ. Số là tôi đã chi trội nên phải nợ ngân hàng một số tiền. Trường cho biết nếu ai mắc nợ sẽ gặp rắc rối. Hôm đó vào thứ Sáu, tôi được báo cho biết số tiền nợ là $13,88. Tôi cầu nguyện suốt hai ngày cuối tuần mong sao có tiền trả khoản nợ nầy. Vào sáng thứ Hai, tôi nhận một lá thư của một con cái Chúa mà tôi quen biết. Ông viết rằng, ‘Chúng tôi tưởng anh sẽ đến thăm chúng tôi vào Giáng sinh và dự định biếu anh một cuốn sách làm quà. Nhưng vì anh không đến nên Chúa nhắc chúng tôi gởi anh tấm ngân phiếu nầy.’ Và đó là tấm ngân phiếu $15,00. Tấm ngân phiếu đó là cả một phước hạnh lớn lao cho tôi vì nó chứng minh rằng có một Đức Chúa Trời lắng nghe và đáp lời kêu cầu. Một khi Chúa đáp lời, chúng ta được trưởng thành một bực. Đây là lý do vì sao khi Chúa nghe và đáp lời thì Đa-vít nói “Các ngươi khá e sợ.”

Chúa tiếp tục phán với Đa-vít, Ngài dạy ông rằng, “Trên giường mình hãy suy gẫm trong lòng, và làm thinh.” Câu này ý là hãy yên lặng và nói với chính mình. Kinh Thánh nhiều lần dạy chúng ta hãy yên lặng. “Hãy yên lặng và biết rằng Ta là Đức Chúa Trời.” Nói cách khác Chúa muốn Đa-vít yên lặng và suy gẫm hay nói với chính mình trên giường ngủ. Quí vị có cho rằng nói với chính mình là điều kỳ cục không? Mục đích của việc Đa-vít nói với chính mình là gì? Đa-vít đã bị căng thẳng tinh thần vì ông cần quyết định làm những điều đúng. Những điều đúng thường không phải là những điều dễ làm. Chúng ta đều thực hiện sự lựa chọn mỗi ngày. Chúng ta sẽ chọn làm những điều đúng hay chọn làm những điều có lợi cho mình mà không đúng. Phần nhiều người ngay cả con cái Chúa vẫn chọn làm những điều có lợi cho mình hơn là làm những điều đúng vì làm những điều đúng thường rất khó khăn. Chúng ta phải trả giá khi quyết định làm điều đúng, do đó theo phản ứng tự nhiên chúng ta thường làm những điều có lợi cho mình.

Khi Chúa phán với Đa-vít thì ông yên lặng và lắng nghe tiếng Ngài. Chúa chỉ bảo Đa-vít những điều ông phải làm. Ngài phán, “Hãy dâng sự công bình làm của lễ và để lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va.” Đây là phần quan trọng nhất trong cuộc đối thoại với Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên việc chúng ta thưa với Chúa là điều quan trọng. Chúa muốn nghe chúng ta xưng tội. Ngài muốn nghe chúng ta bày tỏ tấm lòng thờ phượng. Ngài muốn chúng ta trình dâng lên Chúa các nhu cầu. Có nhiều điều Chúa muốn chúng ta thưa với Ngài, nhưng điều quan trọng nhất đó là Chúa nói với chúng ta. Chúng ta đã thưa với Chúa và tin rằng Ngài muốn nghe chúng ta thưa chuyện, nhưng những gì chúng ta nói không hề khiến Chúa lấy làm lạ, hoặc kinh ngạc hoặc Chúa chưa hề biết đến. Nhưng ngược lại, Chúa đã nói với chúng ta những điều khiến chúng ta phải ngạc nhiên, những điều mà chúng ta chưa biết tới. Đó là vì sao cầu nguyện có hai chiều. Cầu nguyện là thưa chuyện với Đức Chúa Trời và lắng nghe tiếng phán của Ngài.

Khi Đa-vít đến với Chúa giữa những bối rối lo âu, ông đã bộc bạch hết nỗi lòng cùng Chúa. Đa-vít nói với chính mình giữa đêm khuya thanh tịnh và ông lắng đọng đủ để nghe tiếng nói nhỏ nhẹ của Đức Chúa Trời, Ngài phán cùng Đa-vít, “Ngươi sẽ phải quyết định về việc dâng của lễ. Ngươi phải tin rằng ta sẽ lo liệu mọi sự còn lại. Nếu không tin ta thì ngươi sẽ không thể dâng của lễ được. Lời ta khuyên ngươi trong khi ngươi bị lo âu căng thẳng là hãy dâng lên của lễ của sự công bình. Ngươi hãy dâng của lể công bình vì vinh hiển của ta, vì ngươi yêu ta. Có nhiều người đang nhìn ngươi và hỏi rằng, “Ai sẽ cho chúng ta thấy những điều tốt lành.”

Chúng ta hãy áp dụng Thi Thiên nầy vào đời sống của mình. Quí vị và tôi được vây quanh bởi những người đã quá chán ngán với tình trạng đạo đức giả. Không ai dâng của lễ công bình và không ai làm điều đúng. Mọi người làm điều có lợi cho mình. Không ai bằng lòng trả giá và tin cậy Đức Chúa Trời. Đây là nan đề mà Đa-vít muốn nói đến qua Thi Thiên 4.

Sau khi Đa-vít tranh chiến với chính mình về những vấn đề nầy giữa đêm khuya thanh vắng, ông quyết định trong lòng rằng, “Ta sẽ dâng của lễ công bình và tin cậy Đức Giê-hô-va.” Đây là một cách nói khác của Lời Chúa dạy trong Tân Ước, “Nhưng trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài rồi mọi điều khác sẽ được ban cho các ngươi.” Mọi điều mà chúng ta đang lo toan sẽ được ban cho khi chúng ta vâng theo lời Chúa dạy và tin cậy Ngài. Đó là sứ điệp mà Đa-vít đã nhận được từ nơi Chúa.

Sau khi ông quyết định dâng của lể và tin cậy Chúa thì Kinh Thánh ghi, “Chúa khiến lòng tôi vui mừng nhiều hơn chúng nó, dầu khi chúng nó có lúa mì và rượu nho dư dật. Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi sẽ nằm và ngủ bình an; vì chỉ một mình Ngài làm cho tôi được ở yên ổn”.

Sau khi Đa-vít bày tỏ lòng tin cậy Chúa thì ông kinh nghiệm sự bình thản, vui vẻ và an ninh. Đa-vít không những tin rằng một khi ông quyết định đúng thì Chúa sẽ tể trị những điều còn lại mà ông còn biết rằng chỉ một mình Đức Chúa Trời mới có thể khiến ông được an ninh. Điều gì là cội nguồn cho sự an ninh của chúng ta? Thi Thiên 4 giống như bài giảng trên núi của Chúa Giê-xu. Qua bài giảng nầy chúng ta tự hỏi, ai đã mặc cho bông huệ ngoài đồng những màu đẹp đẽ? Ai đã nuôi từng con chim sẻ nhỏ bé? Ai đã ban cơm no áo ấm cho quý vị? Đức Chúa Trời! Chúng ta tìm kiếm sự an ninh ở đâu? Quý vị có ước mong Đức Chúa Trời làm Đấng chăn giữ và ban đồng cỏ xanh, mé nước bình tịnh cho quý vị không?

Nếu quý vị có cùng một cảnh ngộ và tâm trạng như Đa-vít, nếu quý vị đang ở trong sự căng thẳng, nếu quý vị cần thực hiện những quyết định quan trọng đến nỗi không thể ngủ được, xin hãy để Thi Thiên 4 chỉ cho quý vị con đường thoát ra khỏi tình trạng nầy. Hãy dành thì giờ yên lặng, thưa với Chúa và chờ đợi Chúa cho đến khi Ngài đáp lời rồi tin cậy Ngài và dâng của lể công bình hay làm điều phải. Toa thuốc bình an của Đức Chúa Trời ban cho sẽ biến những căng thẳng của quý vị thành giấc ngũ yên lành.

Bài trướcThân Thể và Linh Hồn – 24/4/2019
Bài tiếp theoLễ Khánh Thành Và Cung Hiến Nhà Thờ Klong Ngơr A – Lâm Đồng