Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới
Sa-lô-môn là tác giả của Thi Thiên 127, ông là một kiến trúc sư tài ba. Sa-lô-môn không những xây dựng đền thờ, mà con xây dựng thành phố, công viên, thuyền bè và những chuồng ngựa rất lớn. Đầu óc của ông lúc nào cũng nghĩ đến việc xây dựng. Khi viết Thi Thiên nầy ông nói, “Nếu Đức Giê-hô-va không cất nhà, thì những thợ xây cất làm uổng công” (câu 1a). Sa-lô-môn khuyến cáo rằng có thể xây nhà uổng công. Chữ “uổng công” ở đây giống y hệt như chữ “hư không” trong sách Truyền Đạo. Đây là chữ mà Sa-lô-môn rất thích, nó có nghĩa là “trống rỗng”. Sa-lô-môn cho biết có những trường hợp làm việc hết sức vất vả nhưng rồi chỉ là con số không, xây dựng mà không được gì, lo lắng mà chẳng tới đâu vì lo lắng, xây dựng, làm việc cho những điều sai trật. Sa-lô-môn đã thú nhận điều đó qua Thi Thiên 127, và nó trở thành lời khuyến cáo cho các bậc phụ huynh. Ông dường như muốn nói rằng, “Đừng làm những gì tôi đã làm, tôi đã làm việc cật lực, xây dựng rất nhiều, lo âu đủ mọi thứ nhưng tất cả chỉ là luống công vì tôi đã làm và xây những điều sai.”
Sau khi nói lên lời thú nhận, Sa-lô-môn bắt đầu nói về con cái. Khi mới đọc lướt qua, quí vị có thể nghĩ rằng Sa-lô-môn thay đổi đề tài qua câu, “Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng” (câu 3).
Thật ra Sa-lô-môn không thay đổi đề tài, nhưng vua muốn nhắn nhủ với các bậc cha mẹ rằng, “Hãy lắng nghe, ta đã xây dựng những điều hư không. Việc quan trọng nhất mà các ngươi có thể làm đó là xây dựng con cái mình. Các ngươi có thể bị phân tâm để lao nhọc mà quên di việc chăm sóc dạy dỗ cho con cái.” Những gì Sa-lô-môn nói dựa trên kinh nghiệm của mình vì ông có một người con trai thật ngu dại.
Đến sách Truyền Đạo, Sa-lô-môn nói, “Ta đã dành cả đời để chất chứa tiền của, nhưng rồi kẻ ngu muội tiêu pha.” Có lẽ Sa-lô-môn đang nói về người con của ông chăng? Ông ước gì đã dành thời gian để chăm sóc dạy dỗ con mình. Ông là người khôn ngoan nhất, giàu có nhất, hưởng lạc thú nhiều nhất và có lẽ cũng là người thất bại nặng nề nhất. Dẫu vậy ông vẫn từng là người khôn ngoan. Ông nói, “Con trai sanh trong buổi đang thì, khác nào mũi tên nơi tay dõng sĩ” (câu 4).
Khoảng cách và hướng đi của mũi tên tùy thuộc vào cây cung đã bắn nó. Điều này hoàn toàn đúng với con cái chúng ta. Sức bật và hướng đi của con cái tùy vào cây cung đã đưa nó vào đời. Cây cung đó chính là hôn nhân của quí vị, cây cung đó chính là gia đình của quí vị. Cha mẹ đối với con cái giống như cây cung đối với mũi tên. Cây cung đang tung những đứa con quí vị vào đời là một cây cung như thế nào? Nhiều bạn trẻ nhất là những thanh thiếu niên đường phố, bước vào đời mà không có một sức bật, không có một hướng đi. Hiện tượng nầy giống như một nhà thơ đã nói rằng, “Tôi bắn mũi tên lên không, nó rơi lại xuống đất, và tôi không biết nó đi đâu cả.”
Chúa muốn tạo nên một thế giới tốt đẹp thông qua những gia đình vững mạnh. Nhưng ma quỉ muốn phá hỏng kế hoạch của Đức Chúa Trời bằng cách tấn công vào gia đình hay cắt đứt sợi dây cung. Đó là lý do mà ngày nay có nhiều sự gãy đổ trong gia đình. Mở đầu Thi Thiên 127 là một chân lý hết sức rõ ràng: “Nếu Đức Giê-hô-va không cất nhà, thì những thợ xây cất làm uổng công”. Có những điều mà chỉ một mình Đức Chúa Trời mới làm được mà thôi. Quí vị có thể là người thành công và làm được nhiều việc, nhưng vẫn có nhiều điều quí vị không thể làm được. Sự tái sinh là việc do Chúa làm và chỉ một mình Ngài mới làm được. Quí vị tha thiết ước mong và cầu nguyện ngày đêm để con cái mình được tái sanh. Nhưng quí vị không thể tái sanh chúng được. Chỉ một mình Đức Chúa Trời mới tạo dựng một tấm lòng mới trong con cái quí vị. Quí vị cũng không thể tạo đức tin cho người khác. Đức tin là món quà của Đức Chúa Trời và chỉ một mình Ngài mới ban cho đức tin đó. Câu nói của Sa-lô-môn, “Nếu Đức Giê-hô-va không cất nhà, thì những thợ xây cất làm uổng công” có cùng một ý với những bài học thuộc linh từ đời sống của Môi-se. “Không phải tôi nhưng là Chúa, tôi không thể làm được nhưng Chúa có quyền trong mọi sự, tôi không muốn nhưng Ngài muốn và tôi đã không làm được điều gì nhưng Chúa đã làm hết thảy vì Ngài ở cùng tôi.” Qua những kinh nghiệm đau khổ và thất bại, Sa-lô-môn học được các chân lý nầy và ông nhận thức giá trị của con cái. Ông nói, “Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng” (câu 3).
Quí vị có cùng một nhận định như vậy không? Quí vị còn nhớ rằng những người như An-ne, Ra-chên và Sa-ra đã quí trọng thiên chức làm mẹ như thế nào không? Ngày nay hằng triệu trẻ em bị giết chết vì nạn phá thai. Người ta quan niệm rằng phụ nữ có quyền đối với thân thể của họ. Nếu họ không muốn cưu mang đứa bé, họ có quyền giết nó đi. Vấn đề ở đây không phải là sự chọn lựa những gì mình thích, vấn đề là giết những trẻ em không có khả năng tự vệ. Kinh Thánh dạy rằng: “Bông trái của tử cung là phần thưởng”.
Con cái là phước hạnh lớn lao và là cơ nghiệp do Chúa ban cho. Đây là sứ điệp của Thi Thiên nói về người được phước. Cựu ước và Tân ước cho biết, Đức Chúa Trời đã thiết lập luật của sự sống, luật nầy được ghi chép trong Sáng Thế Ký chương 1 và 2. Đức Chúa Trời kết hợp hai người, tạo nên vợ chồng và rồi trở thành cha mẹ. Họ sinh con cái mà một ngày kia chúng sẽ lớn lên có đôi có bạn, trở nên vợ chồng và sinh con cái. Cứ như vậy, luật của sự sống tạo nên dòng dõi loài người từ đời nầy sang đời khác. Để tạo ảnh hưởng trên thế giới qua gia đình, Chúa cần những bậc cha mẹ xứng đáng. Để trở nên bậc cha mẹ xứng đáng, họ phải có mối quan hệ vợ chồng xứng đáng. Để có mối quan hệ vợ chồng xứng đáng, họ phải là những con người xứng đáng. Kinh Thánh trước sau như một cho biết chúng ta không thể nào trở nên những người xứng đáng nếu không có Đức Chúa Trời. Lời mở đầu của Thi Thiên 127 là: “Nếu Đức Giê-hô-va không cất nhà, thì những thợ xây cất làm uổng công”. Không có Chúa, chúng ta không thể nào là những người làm cha, làm mẹ xứng đáng.
Khi dạy về vấn đề liên quan đến gia đình, Chúa phán rằng hôn nhân là đời đời không thể phân ly. Một vị Sứ đồ đã nói rằng, “Vậy thì thà đừng cưới gả còn hơn” (1 Cô-rinh-tô 7:8). Chúa trả lời “Không phải ai cũng nhận được những lời nầy, chỉ có những người được ban cho mà thôi.” Con người không thể đáp ứng điều kiện của hôn nhân nếu không có sự giúp sức của Thánh Linh.
Khi đề cập về sự tái sanh, Chúa cũng cho biết ngoài Đức Chúa Trời, chúng ta không thể trở nên một người đạt tiêu chuẩn của Ngài. Chúa phán “Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt; hễ chi sanh bởi Thánh Linh là thần. Chớ lấy làm lạ về điều ta đã nói với ngươi: Các ngươi phải sanh lại” (Giăng 3:6-7). Chữ “xác thịt” ở đây chỉ về bản chất tự nhiên của con người mà không cần đến sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời. Chúa muốn nói rằng không có sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời thì chúng ta không thể đạt được tiêu chuẩn của Ngài. Đây là sứ điệp chủ yếu của những Thi Thiên nầy. Trừ khi Đức Giê-hô-va cất nhà, hay nếu không có sự giúp đỡ của Chúa thì chúng ta là những người khiếm khuyết, những cặp vợ chồng khiếm khuyết và là những cha mẹ khiếm khuyết. Sa-lô-môn mô tả về sự khiếm khuyết của chúng ta rất hay, “Uổng công thay cho các ngươi thức dậy sớm, đi ngủ trễ, và ăn bánh lao khổ; Chúa cũng ban giấc ngủ cho kẻ Ngài yêu mến bằng vậy” (Thi Thiên 127:2).
Theo nguyên ngữ thì Sa-lô-môn nói rằng, “Ngài ban cho kẻ Ngài yêu mến trong khi họ ngủ.” Sa-lô-môn mô tả một phép lạ tự nhiên và siêu nhiên, đó là giấc ngủ. Sau một ngày làm việc mệt nhọc chúng ta đi ngủ. Năng lực của chúng ta đã được sử dụng hết trong ngày. Khi đi ngủ, chúng ta trở nên thụ động, và Chúa hồi phục năng lực trở lại cho thân thể chúng ta. Sau khoảng bảy hoặc tám giờ ngủ, chúng ta có sức để chuẩn bị cho một ngày mới.
Giả sử có một đêm nào đó quí vị không sao ngủ được. Quí vị thưa với Chúa rằng, “Con có nhiều việc phải làm, con giúp Chúa hồi phục lại năng lực trong thân thể của con.” Cho đến khi nào mà quí vị còn thức và còn cố gắng giúp Đức Chúa Trời khôi phục lại sức khỏe thì Ngài không thể làm gì cho quí vị. Chúa đã thiết lập một luật tự nhiên của sự làm việc và nghỉ ngơi, Ngài sẽ không vi phạm luật nầy. Cho đến khi nào quí vị đi ngủ và ở trong tình trạng thụ động thì Chúa sẽ hồi phục năng lực cho thân thể quí vị.
Luật tự nhiên nầy là một minh họa cho sứ điệp của Thi Thiên 127. Là một người rất khôn ngoan, Sa-lô-môn nói với chúng ta rằng luật tự nhiên giải thích cách mà gia đình được xây dựng. Chúng ta cần nhớ rằng mình không thể xây dựng đời sống của con mình được. Xét theo một khía cạnh thì Đức Chúa Trời không thể xây dựng đời sống của con chúng ta cho đến khi chúng ta để Ngài làm điều nầy. Chúng ta làm tất cả những gì chúng ta có thể làm và phải nương dựa vào Chúa những gì mà chỉ một mình Ngài mới làm được.
Người theo chủ nghĩa nhân bản cho rằng, “tôi có thể làm được mọi sự.” Theo Kinh Thánh, đây là thái độ phạm thượng. Kinh Thánh dạy rằng, “Chúa khiến tôi làm được việc.” Kinh Thánh dạy rằng, “Tôi không thể, nhưng Ngài có thể.” Đây là ý nghĩa của câu: “Nếu Đức Giê-hô-va không cất nhà, thì những thợ xây cất làm uổng công”
Nếu Chúa không xây nhà thì thật là vô ích cho chúng ta để tự mình cố gắng và nỗ lực, thật là vô ích khi tính toán, thật là vô ích khi lao nhọc. Nó vô ích vì đây chỉ là nỗ lực của con người. Có thể nó chỉ là việc của con người chớ không phải là việc của Đức Chúa Trời. Một khi hiểu Cựu ước, chúng ta sẽ hiểu những lời phán dạy của Chúa Giê-xu trong Tân ước.
Trong bài giảng trên núi ở Ma-thi-ơ 7, Chúa Giê-xu phán những điều đáng kinh ngạc, “Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhân danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!” (câu 22-23).
Tại sao con người lại sai trật cách nghiêm trọng như vậy? Câu trả lời được tìm thấy trong Thi Thiên 127. Họ không để cho Chúa xây nhà, họ tự mình làm lấy. Họ nói rằng, “Tôi làm được mọi việc, tôi làm chủ đời sống mình, làm chủ số mệnh của mình. Mọi sự tùy thuộc vào tôi và tôi có thể làm được.” Thưa vâng, họ có thể làm được nhiều việc, nhưng ngược lại có rất nhiều việc mà họ vẫn không làm được. Chúng ta có thể làm phần của mình, nhưng chúng ta không thể làm phần của Đức Chúa Trời.
Bước khởi đầu của sự khôn ngoan là học phân biệt những gì chúng ta có thể làm được và những gì chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể làm được. Từ đó chúng ta nói như Môi-se và Sa-lô-môn rằng, “Không phải tôi, nhưng là Chúa, tôi không thể làm được, nhưng Ngài làm được mọi việc.” Thi Thiên 127 là một lời khuyến cáo nghiêm trọng, chúng ta có thể lao khổ và lo âu luống công vì chúng ta lao nhọc cho những điều sai. Ngược lại có những sự đầu tư làm việc đem lại kết quả ích lợi nếu đầu tư đúng chỗ và biết phân biệt những gì chúng ta có thể làm và những gì chỉ một mình Đức Chúa Trời mới làm được.