Bài 104: Thế Nào Là Người Được Phước (tt)

5593

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Thế nào là một người được phước. Định nghĩa này được tìm thấy trong Thi Thiên 1.

1 Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ,
Chẳng đứng trong đường tội nhân,
Không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng;
2 Song lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va,
Và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm.
3 Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước,
Sanh bông trái theo thì tiết,
Lá nó cũng chẳng tàn héo;
Mọi sự người làm đều sẽ thịnh vượng.(a)
4 Kẻ ác chẳng như vậy đâu;
Nhưng chúng nó khác nào rơm rác gió thổi bay đi.
5 Bởi cớ ấy kẻ ác chẳng đứng nổi trong ngày đoán xét,
Tội nhân cũng không được vào hội người công bình.
6 Vì Đức Giê-hô-va biết đường người công bình,
Song đường kẻ ác rồi bị diệt vong.

Thi Thiên này nói về hai hạng người. Thứ nhất là người công bình hay người được phước và thứ hai là kẻ gian ác. Chúng ta sẽ thấy Chúa Giê-xu cũng thực hiện một sự đối chiếu như vậy trong Tân Ước. Ngài cho biết đường hẹp dẫn đến sự sống, đường rộng dẫn đến sự hư mất, hay người xây nhà trên đá và người xây nhà trên cát, tiên tri thật và tiên tri giả. Chúa Giê-xu thường đưa ra hai hạng người khác nhau và hỏi, “Các ngươi là ai trong hai hạng người đó?”

Người được phước trong Thi Thiên 1 không phải do tình cờ hay ngẫu nhiên. Phước hạnh đó là kết quả của những gì người đó tin tưởng và chọn lựa. Để định nghĩa thế nào là người được phước, Thi Thiên cho biết người được phước không làm những gì. Thứ nhất họ được phước vì họ không đứng trong chỗ của kẻ nhạo báng và vô tín, nhưng họ là người có lòng tin. Đây là bí quyết thứ nhất vì sao họ được phước. Người được phước là người tin vào Lời Đức Chúa Trời. Thật ra không những họ tin vào Lời Chúa mà còn yêu mến Lời của Ngài và suy gẫm Lời Chúa ngày và đêm.

Phước hạnh của họ liên quan với Lời Chúa. Mở đầu, Thi Thiên phát biểu, “Người được phước không đi theo mưu kế của kẻ dữ, nói cách khác họ vâng theo lời khuyên dạy của Đức Chúa Trời. Vì thế họ được phước không do ngẫu nhiên và tình cờ, nhưng do lòng tin nơi Lời Chúa, họ yêu mến Lời Chúa, suy gẫm Lời Chúa và vâng lời Chúa.

Qua Thi Thiên nầy, Đa-vít đang nói về chính mình vì ông là vua và ông đã được căn dặn qua sách Phục Truyền Luật Lệ Ký rằng, “Vừa khi tức vị, vua phải chiếu theo luật pháp nầy mà những thầy tế lễ về dòng Lê-vi giữ, chép một bổn cho mình. Bổn ấy phải ở bên vua trọn đời, vua phải đọc ở trong, để tập biết kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, cẩn thận làm theo các lời của luật pháp nầy, và hết thảy điều răn nầy, – kẻo lòng vua lướt trên anh em mình, xây về bên hữu hay bên tả, lìa bỏ điều răn nầy, – hầu cho vua và con cháu vua được trị vì lâu ngày giữa Y-sơ-ra-ên” (17:18-20).

Môi-se đã thiết lập điều khoản này cho vua của Y-sơ-ra-ên. Vì Đa-vít là vị vua thứ nhì của Y-sơ-ra-ên, chính ông phải tuân giữ nó. Đa-vít đã chép một bản sao Lời Đức Chúa Trời và giữ bản nầy cho riêng mình. Dựa vào Thi Thiên 1, chúng ta tưởng rằng Đa-vít đã thực hành lời dạy của Môi-se, ông yêu mến Lời Chúa, suy gẫm về Lời Chúa ngày và đêm, ông cũng tin vào Lời Chúa và vâng giữ Lời Ngài. Đó là lý do khiến ông được phước.

Sau khi giải thích do đâu một người được phước, Đa-vít bắt đầu liệt kê phước hạnh đó là gì. Phước hạnh đầu tiên đó là sự vững vàng không bị rúng động. Người được phước giống như cây trồng gần dòng nước và rễ đâm rất sâu. Nếu tìm cách nhổ một cây lớn nào đó, quí vị sẽ thấy mình không thể làm nhúc nhích nó được vì rễ của nó đâm sâu và trải rộng nhiều mét. Sự vững vàng không bị chao đảo là phước hạnh đầu tiên của người được phước. Chúa Giê-xu cũng nói về sự vững vàng khi Ngài phán, “Vậy, kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây, thì giống như một người khôn ngoan cất nhà mình trên vầng đá. Có mưa sa,nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy; song không sập, vì đã cất trên đá” (Ma-thi-ơ 7:24-25).

Phước hạnh tiếp theo đó là được kết quả. Đa-vít nói rằng, họ “Sanh bông trái theo thì tiết”. Điều đó có nghĩa là họ đem lại kết quả cho Đức Chúa Trời theo chương trình của Ngài. Những gì thể hiện ra qua đời sống chúng ta là kết quả của mối liên hệ giữa chúng ta với Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu nói với các môn đồ tại phòng cao rằng, “Ta với Cha là một, mọi lời ta nói và mọi việc ta làm đều xuất phát từ sự hiệp nhất giữa ta và Cha.” Sau đó Chúa phán, “Ta sẽ lìa các ngươi, nhưng ta sai Đức Thánh Linh đến cùng các ngươi. Khi Ngài đến các ngươi sẽ hiệp làm một với Ngài như ta với Cha. Ngài sẽ dạy các ngươi điều phải nói, Ngài sẽ ban cho ngươi năng lực để làm công việc của Đức Chúa Trời”. Đây là những gì mà Đa-vít mô tả trong Thi Thiên 1. Vì người được phước là người có lòng tin, tin vào Lời Chúa, người yêu mến suy gẫm và tuân giữ Lời Chúa nên họ sinh ra những bông trái cho Chúa theo kỳ định của Ngài, xin đừng quên rằng Đức Chúa Trời có một thời khóa biểu của Ngài. Chúa không vội vã vì thời gian của Ngài không bị ràng buộc như chúng ta.

Phước hạnh tiếp theo là sự hưng thịnh. Thi Thiên ghi rằng, “Mọi sự người làm đều sẽ thịnh vượng”.

Theo Mục sư Dick Woodward thì sự thịnh vượng ở đây chỉ về phương diện thuộc linh chớ không phải vật chất. Đa-vít không muốn nói đến sự thịnh vượng trong cõi đời nầy nhưng ông nói đến sự thịnh vượng thuộc linh trong cõi đời đời. Người được phước thịnh vượng thuộc linh, nơi con người bên trong và ở cõi đời đời, vì những sách Văn Thơ chú ý về con người bề trong chớ không phải con người bề ngoài.

Một phước hạnh khác của người được phước đó là sống lâu. Một cụ già khi được hỏi vì sao cụ sống lâu như vậy đã đáp, “Tôi chỉ hít vào và thở ra.” Cụ đã hít vào và thở ra suốt 91 năm. Dĩ nhiên còn có những lý do khác nữa. Cụ là người tin kính và Kinh Thánh dạy rằng người được phước sống lâu năm, “Lá nó cũng chẳng tàn héo.” Điều này không chỉ có nghĩa là người được phước sống cao tuổi. Một người năm mươi nhưng vẫn có thể trông như tám mươi và ngược lại một người tám mươi có thể trông như năm mươi. Sự khác biệt phần lớn là vấn đề của nhân sinh quan và con người bên trong của chúng ta. Đó là ý nghĩa của câu “Lá nó cũng chẳng tàn héo.” Người được phước không có đời sống cay đắng và khô khan.

Sau cùng người được phước “chẳng đứng trong đường tội nhân”. Kinh Thánh trước sau như một dạy rằng, “Kẻ phạm tội gặt nhiều điều đau đớn.” Thế gian tìm cách thuyết phục chúng ta tin vào sự dối trá lớn nhất rằng sống trong tội lỗi được vui sướng và hạnh phúc. Nhiều người trẻ rơi vào cái bẫy đó. Họ lao đầu vào trong tội lỗi và khám phá rằng hậu quả chỉ là đau xót mà thôi. Sống ngược với Lời Chúa chỉ đem lại sự đau buồn. Người được phước không đứng trong đường tội nhân. Có bao giờ quí vị chứng kiến cảnh một người nghiện rượu chết trong mê sảng chưa? Quí vị có thấy những hậu quả kinh hoàng mà họ phải gặt lấy không? Khi xem những điều đó, quí vị sẽ cảm tạ Chúa là mình đã không đứng trong đường tội nhân. Người được phước có sự an ninh trong cõi đời nầy và sự bảo đảm trong cõi đời sau vì họ bước đi theo đường lối của Đức Chúa Trời, vâng theo sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời qua Lời của Ngài.

Điều quan trọng cần ghi nhớ là sự an ninh của người được phước kéo dài trong cõi đời đời. Thi Thiên 23 cho biết kẻ ác không được vào hội người công bình. Hội người công bình thuộc vào cõi đời đời. Một lần nữa lẽ thật được phát biểu theo lối phủ định, hay nói cách khác để hiểu thế nào là người được phước thì ông phát biểu thế nào là người không được phước. Bằng cách nói rằng tội nhân không được vào hội người công bình, Đa-vít gián tiếp khẳng định rằng người được phước ở trong hội của người công bình. Đa-vít nói rằng kẻ ác chẳng đứng nỗi trong ngày đoán xét, nhưng người công bình sẽ vững vàng trong ngày đó. Giống như các chủ tiệm dùng lớp nhung đen để làm nổi bật lên vẻ đẹp của kim cương, Đa-vít dùng mặt tiêu cực của kẻ ác để làm nổi bật đặc điểm của người công bình cùng với các phước hạnh họ nhận được. Đa-vít định nghĩa người tin kính bằng cách định nghĩa thế nào là người không tin kính. Người không tin kính vô tín nhưng người tin kính có lòng tin. Người không tin kính không tin Lời Chúa, không yêu mến Lời Chúa, không suy gẫm Lời Chúa và không vâng giữ Lời Chúa vì thế họ không có sự vững vàng, không kết quả, không thịnh vượng, không sống lâu hay không có sự an ninh. Người không tin kính không kinh nghiệm phước hạnh trong cõi đời đời nhưng người tin kính sẽ kinh nghiệm phước hạnh trong cõi đời đời. Khi so sánh sự trái ngược giữa người không tin kính và người tin kính hay người được phước chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về người được phước. Tại sao người đó được phước? Phước hạnh của người được phước là gì? Thi Thiên 23 trả lời cho các câu hỏi nầy. Phước hạnh của họ liên quan với thái độ của họ đối với Lời Chúa. Những phước hạnh của họ được trình bày rõ ràng và chúng ta biết rằng phước hạnh đó là kết quả của những gì họ đã quyết định trước đó.

Thi Thiên 1 là một tiêu biểu cho mọi Thi Thiên nói về người được phước. Những Thi Thiên khác có cùng một cấu trúc như Thi Thiên nầy. Thi Thiên 23 dùng hình ảnh rất hay về người chăn và chiên, nhưng Thi Thiên nầy cho biết không phải mọi người đều được phước, vì người được phước là người xác nhận rằng, “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi.” Khi một người nhờ ơn Chúa mà được phước thì chúng ta cần nhớ rằng tình trạng này có thể bị thay đổi vì họ có lúc không thừa nhận mình là chiên. Đôi khi họ muốn thay đổi, và trở nên người chăn. Trong trường hợp như vậy, Chúa để cho người đó chịu trách nhiệm về đời sống của mình. Hậu quả chỉ là những thảm kịch. Như vậy, phước hạnh ở đây là một phước hạnh có điều kiện.

Khi học về Thi Thiên của người được phước hoặc là Thi Thiên 1 hoặc là Thi Thiên 23 hoặc là những Thi Thiên nào khác, câu hỏi mang tính chất thách thức cho chúng ta đó là “Chúng ta thuộc hạng người nào?” Quí vị có phải là người được phước không? Quí vị có ngồi chung với chỗ của những người tin Chúa không? Quí vị có tin vào Lời Đức Chúa Trời không? Quí vị có yêu mến Lời Chúa không? Quí vị có suy gẫm về Lời Chúa ngày và đêm không? Quí vị có vâng theo Lời Chúa không? Quí vị có bước đi theo sự dẫn dắt và khuyên bảo của Chúa qua lời của Ngài không?

Bí quyết nào khiến một người nhận được phước? Nếu quí vị không đọc, không tin, không yêu mến, không suy gẫm về Lời Chúa thì quí vị không thể trông mong ơn phước đến từ nơi Chúa. Sự thật đáng lo âu đó là người không tin kính rồi sẽ bị hư mất như được mô tả trong những câu cuối của Thi Thiên. Quí vị là người được phước hay quí vị là người không được phước? Nếu quí vị thuộc vào hạng người được mô tả trong câu cuối của Thi Thiên nói về người không tin kính sẽ bị hư mất thì quí vị có bằng lòng nhận Chúa làm Đấng chăn chiên cho đời sống mình không?

Xin đọc Thi Thiên 1 và tự hỏi, “Có phải tôi là người được phước không?” Đức Chúa Trời muốn ban phước cho đời sống quí vị, xin thực hiện một quyết định đúng trong giờ nầy. Chúa muốn ban phước cho quí vị để có một đời sống thịnh vượng và vững vàng.

Bài trướcNhững Đặc Ân Trong Chúa Cứu Thế – 1/2/2019
Bài tiếp theoBí Quyết Để Kết Quả –  2/2/2019