Bài 101: Ngài Khiến Tôi An Nghỉ

2577

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Chương trình Thánh Kinh Lược khảo hôm nay sẽ đi vào sách thứ hai của các sách Văn thơ với những bài hát thánh được linh cảm và thiêng liêng của dân sự Đức Chúa Trời. Đó chính là Thi Thiên, một sách được rất nhiều người yêu thích.

Khi so sánh Thánh ca mà chúng ta đang dùng trong Hội Thánh ngày nay với Thi Thiên, chúng ta thấy có những điểm tương đồng. Chẳng hạn một số Thi Thiên có phần hướng dẫn về âm nhạc. Lấy ví dụ những lời viết trước các Thi Thiên 4, 5 và 6 hướng dẫn việc dùng các nhạc cụ. Thi Thiên 4 dùng đàn dây, Thi Thiên 5 dùng ống quyển, Thi Thiên 6 đi đôi với giọng trầm. Đây là những chỉ dẫn cho các nhạc sĩ là người đệm nhạc khi người ta hát những Thi Thiên nầy.

Chữ “sê-la” được tìm thấy suốt Thi Thiên nghĩa là “dừng lại và suy nghĩ” hay “dừng lại và suy niệm cách kính cẩn về điều đó.” Đối với âm nhạc hiện đại, chữ nầy chỉ về phần ngưng tiếng nhạc.

Khi đọc Thi Thiên, chúng ta sẽ thấy rằng những hướng dẫn này dành cho các nhạc sĩ giống như những nốt nhạc dành cho những người đánh đàn trong nhà thờ. Phần lớn hội chúng khi hát Thánh ca không để ý đến những nốt nhạc, nhưng nốt nhạc lại vô cùng quan trọng đối với người đánh đàn. Hội chúng thường chỉ mở Thánh ca và hát theo các lời được ghi trong đó. Thi Thiên giống như Thánh ca, có lời để hát nhưng rất ít nốt nhạc cho các nhạc sĩ. Khi đọc Thi Thiên là chúng ta đọc lời của những bài ca thánh, nó cũng là những bài thơ rất hay.

Trong Thánh ca cũng như trong Thi Thiên, tác giả thường làm một trong ba điều sau đây: Đôi khi họ nói với Đức Chúa Trời những điều thuộc về Đức Chúa Trời, đây là sự ngợi khen hay thờ phượng. Đôi khi họ nói với Đức Chúa Trời về con người, hay còn gọi là cầu nguyện. Đôi khi họ không nói gì với Đức Chúa Trời cả nhưng họ nói với con người về Đức Chúa Trời. Nói với con người về Đức Chúa Trời được gọi là rao giảng. Khi đọc Thi Thiên hay Thánh ca, chúng ta luôn luôn hỏi câu nầy, “Tác giả đang nói với ai và đang nói về ai?” Đôi khi tác giả ngợi khen Chúa vì họ đang nói với Đức Chúa Trời về chính Ngài. Đôi khi họ cầu nguyện vì họ đang nói với Đức Chúa Trời về con người. Đôi khi họ giảng vì họ nói với con người về Đức Chúa Trời. Hỏi và trả lời những câu hỏi đó sẽ giúp chúng ta nhận được những sự dạy dỗ từ sứ điệp của các Thi Thiên.

Bên cạnh những gì đã trình bày, Thi Thiên đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau. Chủ đề phổ biến nhất và rõ ràng nhất là “người được phước.” Thi Thiên 1, 23, 32, 128 và một số Thi Thiên khác nói đến đề tài nầy. Chủ đề “người được phước” được thể hiện xuyên suốt Thi Thiên. Nội dung của nó là người được phước không phải do ngẫu nhiên, tình cờ hay may rủi. Phước hạnh đó là kết quả của những gì đến trước đó. Robert Louis Stevenson nói rằng, “Sớm muộn gì rồi mỗi người đều phải gặt những gì mình đã gieo.” Tại sao một người được phước? Phước hạnh mà người đó nhận được là kết quả của những gì người đó đã lựa chọn, và những gì người đó lựa chọn là kết quả những gì người đó tin tưởng. Đó là lý do vì sao người đó được phước. Điều nầy được mô tả trong các Thi Thiên nói về người được phước.

Một chủ đề khác chạy suốt Thi Thiên đó là vấn đề cảm xúc và kinh nghiệm cá nhân. Nhiều Thi Thiên nói về cảm xúc của các tác giả. Dù cho đang ở trong tâm trạng, cảm xúc như thế nào, khi đến với Thi Thiên, chúng ta sẽ khám phá rằng có những đoạn nói lên cùng một cảm xúc đó. Nếu đang chán nản, xuống tinh thần, chúng ta sẽ tìm được những Thi Thiên mà tác giả đã từng trải qua sự chán nản. Nếu đang bối rối hoặc căng thẳng, chúng ta sẽ khám phá những Thi Thiên mà tác giả cũng đã trải qua nỗi niềm bối rối, lo âu. Dầu cảm xúc của chúng ta có ra sao đi chăng nữa, chúng ta sẽ thấy nó được thể hiện trong Thi Thiên. Khi đọc những Thi Thiên mà ở đó, kinh nghiệm của tác giả và kinh nghiệm của mình là giống nhau thì chúng ta hãy đặt câu hỏi, “Tác giả Thi Thiên đã làm gì khi họ ở trong xúc cảm đó? Họ đã làm gì khi chán nản, khi bị căng thẳng hay khi sợ hãi?” Hãy xem cách đối phó của các tác giả Thi Thiên như là những bài học cho chúng ta. Chúng ta có thể làm giống như họ đã làm để thoát ra khỏi nan đề xúc cảm nào đó. Một số các Thi Thiên liên quan đến chủ đề nầy như Thi Thiên 3, 4, 34, 51 và 55.

Thi Thiên cũng nói đến chủ đề thờ phượng. Đây là những Thi Thiên mà tác giả nói với Đức Chúa Trời về Đức Chúa Trời. Khi xem lại trong Thánh ca, chúng ta thấy không có nhiều bài nói với Đức Chúa Trời về Đức Chúa Trời. Có rất nhiều bài Thánh ca nói với Đức Chúa Trời về con người, cũng như rất nhiều bài Thánh ca mang tính chất giảng luận khi nói với con người về Đức Chúa Trời nhưng rất hiếm có những bài Thánh ca nói với Đức Chúa Trời về Đức Chúa Trời. Thi Thiên thì khác, có rất nhiều Thi Thiên trong đó tác giả nói với Đức Chúa Trời về Đức Chúa Trời. Nếu đọc những Thi Thiên thờ phượng cách cẩn thận, chúng ta sẽ khám phá rằng tác giả Thi Thiên không chỉ thờ phượng nhưng còn chỉ dạy chúng ta ý nghĩa của sự thờ phượng và làm thế nào để thờ phượng, họ sẽ cho biết điều gì xảy ra khi chúng ta thờ phượng. Hãy nhận xét mọi điều nầy khi chúng ta đọc những Thi Thiên thờ phượng. Một số Thi Thiên thờ phượng là Thi Thiên 8, 63, 100, 103 và 107.

Khi đọc Thi Thiên nói về “người được phước” hoặc xúc cảm và những Thi Thiên thờ phượng, thỉnh thoảng chúng ta thấy có những lời cầu nguyện của tác giả. Ngay giữa một Thi Thiên thờ phượng, tác giả cầu nguyện với Chúa về kẻ thù của mình. Họ nói những lời tàn nhẫn về kẻ thù. Tác giả Thi Thiên cầu xin Đức Chúa Trời giết kẻ thù của mình. Khi đọc những Thi Thiên này, có thể chúng ta cảm thấy có điều gì đó không ổn vì những lời như vậy không thích hợp cho lắm. Nhưng cần nhớ rằng Thi Thiên được viết ra một ngàn năm trước bài giảng trên núi của Chúa Giê-xu. Quan niệm đạo đức thời bấy giờ là yêu người lân cận nhưng ghét kẻ thù. Đa-vít sau khi bày tỏ dòng tư tưởng trong tinh thần thờ phượng rất tuyệt vời thì ông nói, “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi há chẳng ghét những kẻ ghét Chúa ư? Há chẳng gớm ghiếc những kẻ dấy nghịch Chúa sao? Tôi ghét chúng nó, thật là ghét, cầm chúng nó bằng kẻ thù nghịch tôi.”Đa-vít cầu xin Đức Chúa Trời ban cho ông sức mạnh để tiêu diệt kẻ thù của mình. Chúng ta cần đặt lời cầu nguyện nầy vào bối cảnh lịch sử thời bấy giờ để hiểu nó.

Một chủ đề khác cũng chạy xuyên Kinh Thánh đó là Thi Thiên về Đấng Mê-si. Tác giả Thi Thiên thường viết như một tiên tri. Một số Thi Thiên như Thi Thiên 16, 22, 8 và 2 nói tiên tri về Đấng Mê-si. Vào ngày Lễ Ngũ tuần, Phi-e-rơ giảng một bài giảng đầy ơn, ông cho biết Đa-vít là tiên tri. Bài giảng của Phi-e-rơ là Thi Thiên 16, Thi Thiên nầy không những nói đến sự giáng thế của Chúa Giê-xu mà còn nói trước về sự phục sinh của Ngài. Trong một số các Thi Thiên, Đa-vít đã nói trước về sự giáng thế và sự tái lâm của Chúa Giê-xu. Trong phần lược khảo những sách lịch sử của Cựu Ước, chúng ta biết rằng hai sách của Sa-me-ên và sách Sử Ký cung cấp bối cảnh lịch sử của Thi Thiên vì Đa-vít đã viết một nửa Thi Thiên, còn tiểu sử của ông được trình bày trong 3 sách nầy. Trong một số Thi Thiên của Đa-vít thì những lời giới thiệu vắn tắt của Thi Thiên sẽ cho biết Đa-vít đang ở đâu và ông đã viết Thi Thiên đó khi nào. Nếu tham khảo tiểu sử của Đa-vít trong 3 sách lịch sử, nó sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn Thi Thiên vì nó cho biết Đa-vít đã ở trong tâm trạng như thế nào khi ông cảm tác những Thi Thiên đó. Những sự kiện nầy giúp chúng ta trong việc giải thích và áp dụng Thi Thiên.

Trước khi Cựu ước được dịch sang tiếng Hy Lạp vào khoảng 200 năm trước Chúa Giê-xu, Thi Thiên được chia ra làm 5 sách. Năm sách nầy là Thi Thiên 1 – 41, 42 – 72, 73 – 90, 91 – 107 và từ 108 – 150. Bảy mươi ba trong số 150 Thi Thiên là do Đa-vít sáng tác. A-sáp viết 12 Thi Thiên, các con của Ko-rê viết 11 Thi Thiên. Những học giả tin rằng Ê-xê-chia viết 10 Thi Thiên. Môi-se, E-xơ-ra và Sa-lô-môn mỗi người viết một Thi Thiên. Có nhiều Thi Thiên chúng ta không biết ai là tác giả. Những Thi Thiên đó có lẽ đã được viết ra bởi những người Lê-vi là những người phụ trách phần âm nhạc được chỉ định bởi Đa-vít hoặc có thể chính Đa-vít viết ra chúng.

Trên đây là phần giới thiệu về Thi Thiên là sách được nhiều người yêu thích. Trong bài tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu một Thi Thiên hết sức gần gũi và quí báu đó là Thi Thiên 23. Thi Thiên này mở đầu với câu: “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì.” Đây là câu Kinh Thánh đem lại sự khích lệ và an ủi lớn lao cho mọi người.

Bài trướcLâm Đồng – Huấn Luyện Công Tác Chấp Sự Trong Hội Thánh
Bài tiếp theoTP. HCM: 64 Học Viên Tốt Nghiệp Lớp Nhân Sự Phát Triển Hội Thánh