Thái Độ Của Cơ Đốc Nhân Khi Gặp Khổ Đau

4038

Có một vài điều giúp cho tâm linh vững mạnh để chống lại sự lừa dối của Sa-tan như nhìn vào đời sống những Cơ Đốc nhân đang gặp thử thách mà họ vẫn kiên trì trong đức tin. Khi chúng ta nhìn vào những con người đang đi qua trũng bóng chết, trải qua những thăng trầm trong cuộc sống mà họ vẫn giữ vững niềm vui trong Đức Chúa Trời, sự trung tín và sự chịu đựng bền bỉ khiến chúng ta có niềm hy vọng tươi mới và khôn ngoan hơn. Đối với tôi, Elisabeth Elliot là một trong số những người nầy.

Cô Elisabeth và chồng, anh Jim đã kết hôn khi cùng hầu việc Chúa trong cánh đồng truyền giáo ở Ecuador vào năm 1953. Nhưng chỉ sau 3 năm, anh Jim đã bị những người sắc tộc Huaorani đâm chết cùng với 4 người nam khác, là những người đang rao truyền Phúc Âm cho sắc tộc nầy. Cô Elisabeth nhận được hung tín khi mới sinh cháu gái được 10 tháng tuổi tên là Valerie. Cô ấy đã viết: “Hiện tại Đức Chúa Trời đang ở với tôi chứ không phải anh Jim. Tuy nhiên, sự hiện diện của Đức Chúa Trời không thay đổi được sự thật khủng khiếp hiện tại là tôi trở thành một góa phụ… Sự vắng bóng của anh Jim đã thúc ép tôi mau chạy đến với Đức Chúa Trời, vì Ngài là niềm hy vọng và nơi ẩn náu duy nhất cho tôi. Và tôi đã học biết và kinh nghiệm Đức Chúa Trời là ai, Ngài thật sự hiện diện theo cách mà tôi chưa từng biết” (Sự Đau Khổ Không Bao Giờ Vô Ích, trang 15).

Sự Đau Khổ mà Bạn Gặp Không Phải Là Bạn Đi Sai Đường

Sáu năm sau, cô tái hôn với anh Addison, và bốn năm sau đó, người chồng nầy cũng qua đời vì căn bệnh ung thư. Có nhiều người bị đau đớn hơn thế nữa, nhưng không phải mọi người đều phải như vậy. Vài người đã thừa nhận rằng Đức Chúa Trời tốt lành có thể hành động qua những điều khủng khiếp trong đời sống họ như trong cuộc đời của Elisabeth. Lời chứng của cô khiến tôi nhớ lại một nhân vật chịu khổ khác, đó là Phao-lô, người đã chịu đựng nhiều đau đớn với niềm vui lớn và đức tin kiên trì nơi Chúa.

Tù ngục không phải là khúc quanh sai lầm đối với Phao-lô. Trong khi mọi người hay ngay cả những Cơ Đốc nhân cũng có thể cảm thấy xót thương ông, nhưng ông đã nhìn thấy tiềm năng đáng kinh ngạc khi ông ở trong tù. Ông biết chắc những cảnh khốn cùng tồi tệ lại là con đường rộng mở cho Phúc Âm. Ông đã viết: “Thưa anh em, tôi muốn anh em biết rằng những điều xảy đến cho tôi đã thật sự giúp ích cho sự tiến triển của Tin Lành” (Phi-líp 1:12, BTTHĐ) và “Điều tôi mong mỏi và hi vọng là sẽ không bị hổ thẹn về điều gì cả, nhưng thừa lòng can đảm, để bây giờ cũng như trong mọi lúc, dù sống hay chết, thì Đấng Christ vẫn được tôn vinh trong đời sống tôi.” (Phi-líp 2:20, BTTHĐ). Người ta tưởng rằng Phúc Âm sẽ không thể sống còn trong cảnh tù ngục, nhưng thực sự Phúc Âm trở nên kết quả nhiều hơn trong lúc ông đau đớn.

Thường không ai trong chúng ta phản ứng được như thế trong cảnh khổ đau. Những sóng gió trong cuộc đời chúng ta thường không mang lại hy vọng sáng sủa và tình yêu vị tha. Ngoài ân điển Chúa, chúng ta thường mất kiên nhẫn, trở nên ích kỷ và thất vọng. Chúng ta thường rơi vào tình trạng rút lui, hướng nội và thiếu quan tâm đến nhu cầu của người khác. Chúng ta khó có thể nhìn thấy trước những gì sẽ có thể xảy ra sau hoạn nạn mà chúng ta đối diện trong hiện tại.

Nhưng ân điển của Đức Chúa Trời hành động trong chúng ta và thành hình một sự thôi thúc  ngược lại, đặc biệt trong những cảnh khổ. Sự đau đớn không phải là sự ngăn trở, bất lợi, hay sai lầm cho Phao-lô, nhưng là một sự bứt phá cho điều mà ông đã từng cưu mang đó là: Làm thế nào để truyền bá Phúc Âm và sự vinh hiển của Chúa Giê-xu.

Sự Đau Khổ Giúp Bày Tỏ Điều Quí Báu Mà Chúng Ta Ấp Ủ

Làm thế nào Phúc Âm được rao truyền trong khi Phao-lô ngồi một mình trong xà lim? Ông đã nói trong câu Kinh Thánh sau: “đến nỗi tất cả lính canh trong dinh tổng đốc và mọi người khác đều biết tôi vì Đấng Christ mà bị xiềng xích; phần đông anh em nhân việc tôi bị xiềng xích lại càng vững tin hơn trong Chúa, và mạnh dạn rao truyền lời Chúa không chút sợ hãi” (Phi-líp 1:13-14 – BTTHĐ)

Sự đau khổ thật là chất xúc tác trung thành cho Phúc Âm ít nhất trong 2 cách lạ lùng: điều đầu tiên đó là, sự đau đớn giúp bày tỏ mục đích và điều chúng ta ấp ủ mà sự tiện nghi và an ninh không tỏ bày được. Mọi người đều biết là Phao-lô đang ở tù vì cớ Đấng Christ (Phi-líp 1:13). Nhiều người đã bày tỏ tình yêu đối với Chúa Giê-xu khi họ bị ngược đãi và cô lập. Nếu họ không bị đau đớn, họ sẽ không có những sứ điệp đầy quyền năng bày tỏ sự vui mừng.

Nhiều người trong hoàng cung chưa bao giờ nghe về Phúc Âm nếu như Phao-lô không bị tù ở đó. Nhiều người sẽ không thắc mắc về niềm hy vọng trong chúng ta (I Phi-e-rơ 3:15) trừ khi chúng ta ở trong hoàn cảnh đau thương nào đó khiến chúng ta khao khát hy vọng (I Phi-e-rơ 3:13). Ma quỉ vẫn còn tin rằng một đám sương mù dày đặc bởi khổ đau sẽ khiến lòng trung tín với Chúa trong Cơ Đốc nhân sẽ bị mờ nhạt (Gióp 1:9-11), nhưng thật sự lòng trung tín trong đau khổ sẽ đem lại sự vinh hiển càng lớn hơn, rõ ràng có sức thu hút nhiều hơn. Khi bạn đau khổ, hãy suy nghĩ đến những người xung quanh đang nhìn vào nỗi đau của bạn, và những gì họ biết về Chúa Giê-xu qua bạn.

Không Gì Làm Cho Phúc Âm Phát Triển Bằng Sự Đau khổ

Sự đau khổ cũng là chất xúc tác cho Phúc Âm vì nó sẽ khích lệ và làm cho những người bị thử thách trở nên mạnh mẽ hơn, chính Phao-lô đã nói trong Phi-líp 1:14 “Phần đông anh em nhân việc tôi bị xiềng xích lại càng vững tin hơn trong Chúa, và mạnh dạn rao truyền lời Chúa không chút sợ hãi.” (BTTHĐ)

Những kẻ thù của Phao-lô tại Giê-ru-sa-lem lẫn trong chiến trường tâm linh âm mưu cấu kết nhau để tống ông vào ngục nhằm chấm dứt việc rao truyền Phúc Âm của ông, nhưng chúng đã không thể ngưng ông được, ngay cả việc làm chậm lại việc rao truyền Phúc Âm cũng không thành công. Âm mưu khủng bố tinh thần và sự làm chứng của Phao-lô bị thất bại và điều đó giống như đổ thêm dầu vào lửa cho chức vụ của ông. Khi ông bị bắt bớ càng dữ tợn, thì các môn đệ ông lại rao giảng nhiều hơn, dạn dĩ hơn, nói về Chúa Giê-xu lớn tiếng hơn vì họ đã nhìn thấy Phao-lô vui vẻ vì được bắt bớ vì cớ Chúa Giê-xu.

Không gì có thể giúp cho Phúc Âm phát triển bằng sự đau khổ. Đối với những ai yêu mến Đức Chúa Trời, thì mọi sự không chỉ “hiệp lại làm ích” (Rô-ma 8:28), nhưng còn đem lại sự khôn ngoan, quyền năng và tình yêu của Đức Chúa Trời một cách hoàn hảo nữa. Để chống lại những sự sợ hãi và kiêu ngạo tệ hại nhất, sự đau khổ thật sự đã bày tỏ quyền năng của Phúc Âm đã được chứng minh nhiều lần, và nhờ lòng nhiệt thành, dạn dĩ giãi bày Phúc Âm của  nhiều người khác mà Phúc Âm được truyền bá rộng hơn và nhanh hơn.

Đừng cho rằng sự đau khổ là vì chúng ta đi sai lạc. Sự đau khổ có thể đang che giấu hay ngăn cản hàng trăm sự việc trong cuộc đời chúng ta, nhưng vì Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta, Ngài dùng những nỗi đau ấy để bày tỏ những việc kỳ diệu của Ngài cho chúng ta. Sự đau khổ khiến cho Phúc Âm diễn tiến âm thầm nhưng thành công.

Người Ta Cần Nhìn Thấy Bạn Đắc Thắng Trong Cảnh Khổ Đau

Trong Kinh Thánh, có những trường hợp lời Chúa thường dạy: “Tôi muốn anh em nên biết…” Trong Phi-líp 1:12-14, ngay cả khi Phao-lô chịu những cảnh kinh khủng, ông lại quan tâm đến đức tin và niềm vui của người khác hơn là hoàn cảnh của ông.

Phao-lô muốn mọi người biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng đáng tin cậy, cho dù điều gì xảy ra khiến cho Tin Lành không được rao giảng, Chúa Giê-xu vẫn đáng cho chúng ta chịu đau đớn vì Ngài. Ông đã không viết thư từ trong lao tù để được sự thương hại hay cảm thông với ông mà trái lại ông đã thức tỉnh và củng cố lòng tận hiến của họ. Điều gì xảy ra nếu chúng ta chịu đau khổ với cái nhìn như Phao-lô, coi đó là cơ hội tốt để khích lệ và động viên những tín hữu khác, đặc biệt là những ai trong đau khổ?

Phao-lô đã viết trong 2 Cô-rinh-tô 1:3-4 “Chúc tạ Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, là Cha hay thương xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên ủi. Ngài yên ủi chúng tôi trong mọi sự khốn nạn, hầu cho nhân sự yên ủi mà Ngài đã yên ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể yên ủi kẻ khác trong sự khốn nạn nào họ gặp!”

Chúng ta không hiểu hết mục đích của Đức Chúa Trời trong đau khổ, nhưng chúng ta biết rằng Ngài dùng những đau khổ chúng ta gặp để chuẩn bị cho chúng ta biết cách an ủi người khác. Điều đó có nghĩa là chúng ta thường gặp hoạn nạn, đôi khi rất nghiêm trọng, trong những hoàn cảnh mà chúng ta không thể hiểu được trong hiện tại, bởi vì chúng ta chưa gặp ai để họ được an ủi bởi kinh nghiệm mà chúng ta đang trải qua. Sự đau khổ càng lớn thì càng nhận sự an ủi càng nhiều từ Chúa, sẽ khiến chúng ta trở nên người an ủi hiệu quả cho những người khác.

Nước sâu nhất và lửa nóng nhất

Sau khi Elisabeth bị mất mát và chịu đựng, cô ấy có thể nói: “Những điều sâu sắc nhất mà tôi học được trong cuộc đời đến từ những điều đau khổ nhất. Và khi ra khỏi những dòng nước sâu nhất và ngọn lửa nóng bỏng nhất, tôi đã học được điều sâu sắc nhất, đó là học biết về Đức Chúa Trời.”  (Sự Đau Khổ Không Bao Giờ Là Vô Nghĩa, trang 9)

Một khi bị chìm trong nước sâu và bị lửa nóng đốt, tôi muốn biết Đức Chúa Trời như cô ta, tôi muốn giúp người khác vượt qua nỗi đau và mất mát để họ sản sinh bông trái Thánh Linh và hy vọng nơi Đức Chúa Trời.

Elisabeth đã bị mất chồng vì bị người ta giết và một người chồng khác thì bị ung thư. Phao-lô bị đau đớn trong tù ngục, bị sỉ nhục, đánh đập tồi tệ. Tuy nhiên, tính khốc liệt của nỗi đau của họ không làm cho sự đau khổ họ gặp trở nên vô nghĩa cho họ. Cho dù nỗi đau như thế nào – nào là thất vọng, nào là thử thách dù nhỏ hay lớn, mà Đức Chúa Trời cho phép xảy ra – chúng ta vẫn có thể nói như Phao-lô “Tôi biết mọi sự đau khổ của tôi là cho Đấng Christ.”

Cuối cùng, chúng tôi mong mọi người sẽ gặp được Chúa vì Ngài đã từng kiên nhẫn chờ đợi sự chậm trễ của chúng ta. Mong quí anh chị em cứ tiếp tục tiến lên trong tinh thần ngợi khen Chúa cho dù xe chúng ta có bị hư đi hư lại hay tầng hầm nhà bị ngập lụt. Mong mọi Cơ Đốc nhân tiếp tục chia sẻ Phúc Âm cho mọi người cho dù bị họ từ chối, chúng ta cứ tiếp tục chia sẻ cho người khác. Mong rằng bất cứ điều gì làm chúng ta đau khổ cho dù nhỏ hay lớn, chúng ta thể hiện cho người ta nhìn thấy được Đức Chúa Trời chúng ta tin là Đấng đáng tin cậy và làm cho những người chung quanh vui thích khi thấy thái độ chúng ta thể hiện trong sự chịu khổ vì Chúa.

Người ta cần nhìn thấy bạn sống đắc thắng trong cảnh khổ đau với Chúa Giê-xu. Người ta cần nhìn thấy bạn tin vào lời hứa của Chúa, biết trân quý mối tương giao với Ngài và ngợi khen Danh Ngài mặc dù những khổ đau cuộc đời ập xuống trên bạn. Một số người có thể không hiểu nỗi bạn đã nín chịu cỡ nào vì họ chưa trải qua những đau đớn ấy. Nhưng rồi họ sẽ gặp thử thách. Và khi sự việc đau lòng xảy ra cho họ, họ sẽ nhớ lại các thánh đồ đã sống đắc thắng trong thử thách như thế nào…

Tác giả: Marshall Segal
Thanh Khiết dịch
(Nguồn: Desiring God)

Bài trướcViện Thánh Kinh Thần Học: Khai Giảng Năm Học Mới Cho Sinh Viên Khóa 8 Và Khóa 9
Bài tiếp theoKiên Giang: Hiệp Nguyện Giáo Phẩm 03/2020