Tư vấn Cơ Đốc: Chương 6 – NỖI LO ÂU (phần 3)

1332

NỖI LO ÂU
(PHẦN 3)

 CÁC HẬU QUẢ CỦA SỰ LO LẮNG

      Sự lo lắng không phải luôn là xấu. Cuộc sống không có lo âu, có thể sẽ là nhàm chán, không hiệu quả, và không nhiều niềm vui. Khi người ta chủ động trong các tình huống lo lắng, điều đó kích thích họ và tạo ra niềm say mê thích thú cuộc sống. Có lẽ đó là nguyên nhân giải thích tại sao một số người muốn có được “cảm giác sợ hãi của cái chết” từ một bộ phim kinh dị, hoặc tham dự những trò chơi ”ú tim”.

      Tuy nhiên, khi sự lo lắng nhiều lên, kéo dài, hoặc không kiểm soát được, người ta bắt đầu yếu đi về thể chất, những phản ứng đề kháng của cơ thể và năng lực thuộc linh cũng yếu dần.

  1. Những phản ứng về thể chất.

      Sự lo lắng có thể sản sinh ra các chứng đau đầu, khó chịu, hơi thở dồn dập, khó ngủ, mệt mỏi, mất đi cảm giác ăn uống ngon miệng, những sự thay đổi về huyết áp, sự căng cơ bắp, khó tiêu, những sự thay đổi về hóa học trong máu và rất nhiều vấn đề về thể chất khác. Nếu như những điều này chỉ là tạm thời thì chúng ít gây ra tác hại, nhưng nếu lâu dài sẽ rất nguy hại. Khi chúng tồn tại lâu thì cơ thể sẽ bị rối loạn, và đó là nguồn gốc của căn bệnh căng thẳng thần kinh.

      Sự nghiên cứu các hậu quả của người bị căng thẳng thần kinh và những người bị căn bệnh “stress” cho thấy thân thể của họ thường mệt nhừ bởi sự sản sinh ra nhiều hormone do tuyến thượng thận sinh ra làm tăng nhịp đập của tim và kích thích hệ thần kinh.

  1. Những phản ứng về tâm lý.

      Sự lo lắng có thể làm giảm đi năng lực, ngăn cản các mối quan hệ cá nhân (vì thế chúng ta có rắc rối với những người khác), bóp nghẹt sự sáng tạo, làm mờ đục cá tính, và can thiệp vào khả năng tư duy hoặc trí nhớ về điều gì đó. Trong các trường hợp nghiêm trọng hơn, sự lo lắng nhiều khi làm bất động một cá nhân đến nỗi người này không thể có được tính độc lập như một người lớn. Ví dụ như: Tâm trí của người sinh viên sẽ trở nên “trống rỗng” trong suốt một kỳ thi, hoặc người diễn viên sẽ quên mất vai diễn của mình trên sân khấu, cả hai trường hợp trên đều bộc lộ dấu hiệu thất bại do bộ nhớ sản sinh lo lắng.

  1. Những phản ứng bảo vệ.

      Khi sự lo lắng xảy ra, hầu hết mọi người đều dựa vào cách cư xử và sự suy nghĩ vô thức. Những phản ứng bảo vệ như vậy bao gồm sự lờ đi những cảm giác lo âu, xem tình trạng sản sinh lo lắng như không hề tồn tại, thuyết phục ai đó “không có gì phải lo lắng cả”, chỉ trích một người nào khác về các vấn đề của họ, nhấn mạnh những căn bệnh về thể chất để quên đi sự lo lắng, hoặc trượt vào những cách phản ứng như con trẻ. Tất cả những điều này là những cách phản ứng của một người đang cố gắng đối diện với những nỗi lo lắng.

  1. Những phản ứng thuộc linh.

      Sự lo lắng có thể thúc đẩy người ta tìm kiếm sự giúp đỡ thiên thượng, có thể sự giúp đỡ này đã bị quên lãng. Có bằng chứng cho thấy nhiều người đã quay trở lại với Đức Chúa Trời trong thời gian bị căng thẳng.

      Thế nhưng, sự lo lắng cũng có thể khiến chúng ta ra khỏi sự kiểm soát của Đức Chúa Trời vào lúc cần đến Ngài nhất. Bị lấp đầy bởi nỗi lo âu và xao lãng bởi những áp lực, ngay cả những người có niềm tin cũng nhận thấy mình dành ít thời gian cho sự cầu nguyện, giảm đi lòng khao khát hoặc khả năng tập trung vào việc đọc Kinh Thánh, giảm đi sự vui thích khi đi nhà thờ để có được những buổi thờ phượng Chúa, có thể giận dữ bởi vì cho rằng Đức Chúa Trời đặt để những điều ác xảy ra cho những người thiện và Ngài yên lặng trước sự khủng hoảng mà họ đang đối diện. Người tư vấn Cơ Đốc có thể bị từ chối, bởi vì mục sư là người đại diện cho Đức Chúa Trời – Đấng đã cho phép những sự căng thẳng ấy xảy ra và Ngài không quan tâm đến họ.

TƯ VẤN VÀ SỰ LO LẮNG

      Sự lo lắng có thể là một hình thức lây nhiễm tâm lý. Những người lo lắng thường làm cho người khác cũng lo lắng, bao gồm cả người tư vấn. Vì thế, để tư vấn những người lo lắng, người tư vấn trước hết phải cảnh giác với những cảm giác của mình.

1- Nhận ra những sự lo lắng riêng của người tư vấn.

      Khi bạn là một người tư vấn, cảm thấy lo âu khi thấy vẻ mặt đầy lo lắng của người được tư vấn, bạn có thể tự hỏi chính mình một số câu hỏi: Tình huống này đang làm tôi lo lắng điều gì? Có phải người được tư vấn về lo âu khiến tôi cũng lo lắng chăng? Sự lo lắng của tôi nói lên điều gì về người được tư vấn và về chính bản thân tôi? Bằng cách xem xét sự lo lắng của một người khác, người tư vấn có thể nhận ra các sự lo lắng của chính mình. Những câu hỏi này cũng có thể làm cho người tư vấn kiểm soát được sự hoang mang do những lo lắng của họ cùng với những sự lo lắng của người được tư vấn.

2- Làm êm dịu sự căng thẳng

      Người được tư vấn vì quá lo lắng, có thể căng thẳng khi trình bày vấn đề của mình. Để giải quyết sự căng thẳng này, người tư vấn cấn tỏ ra là một người nhẹ nhàng, mềm mại, quan tâm và quyết đoán. Khích lệ người được tư vấn ngồi yên lặng, thở sâu, và cố gắng để thư giãn cơ thể. Nhiều người được tư vấn nhận thấy điều này có ích cho họ khi nhắm mắt lại và tưởng tượng như họ đang thư giãn trên bãi biển, hoặc đang ở trong một tình huống không chút sợ hãi. Sau đó, những người được tư vấn sẽ cảm thấy tốt hơn và họ lại có thể tập trung vào những nguyên nhân gây ra sự lo lắng.

3- Thể hiện tình yêu thương.

      Tình yêu thương được gọi là tác nhân chữa lành lớn nhất. Một người tư vấn nổi tiếng đã nói “Kẻ thù của sự sợ hãi là sự yêu thương.” “Cách để bỏ đi sự sợ hãi là biết yêu thương…Tình yêu thương là sự ban cho; sự sợ hãi là sự tự bảo vệ mình. Tình yêu thương hướng ta đến những người khác; sự sợ hãi khiến ta tự trốn chạy…Càng sợ hãi, thì ít yêu thương hơn; càng yêu thương, sợ hãi ít hơn”. Người tư vấn cần thể hiện tình yêu thương cách kiên nhẫn để giúp đỡ đem sự sợ hãi và lo lắng đi khỏi người được tư vấn. Những người lo lắng có thể tìm thấy sự thư thái khi họ được khích lệ để đạt đến những hành động yêu thương người khác. Những người được tư vấn có thể được giới thiệu về tình yêu thương và nhận được sự giúp đỡ từ Đấng Christ, vì Kinh Thánh chép rằng “sự yêu thương trọn vẹn thì cất bỏ sự sợ hãi”.

4- Xác định nguyên nhân.

      Sự lo lắng và sự sợ hãi là những cảm xúc cảnh báo mối nguy hiểm hoặc những mâu thuẫn từ bên trong. Người giúp đỡ cần thiết phải nhẫn nại và tinh tế, nhạy bén không thúc giục người được tư vấn “nhanh lên”, hoặc “hãy ngưng lo lắng đi.” Người tư vấn hiệu quả biết tìm kiếm các nguồn của sự lo âu để trợ giúp người được tư vấn.

  1. Quan sát. Trong những lãnh vực tư vấn, người được tư vấn cung cấp thêm bằng chứng về sự lo lắng (thay đổi vị trí, thở sâu, đổ mồ hôi) khi các đề tài cụ thể nào đó được thảo luận. Cần có quan sát tinh tế để có thể nhận ra các đề tài chính yếu gây ra lo lắng.
  2. Sự phản ánh. Người được tư vấn có thể nhận định các tình huống xuất hiện sự lo lắng qua các câu hỏi; “Khi nào bạn lo lắng nhất?” “Khi nào bạn không lo lắng?” “Lần cuối cùng mà bạn đã cảm thấy thật sự lo lắng là khi nào?” “Cái gì đã xảy ra cho cuộc sống của bạn lúc ấy?”
  3. Tư duy sâu lắng. Người tư vấn hãy tìm hiểu và tự hỏi chính mình nguyên nhân nào có thể gây ra sự lo lắng cho người được tư vấn. Quan sát khi người được tư vấn trả lời các câu hỏi rồi đưa ra vài chủ đề nào đó, sau đó thảo luận những cảm nhận về vấn đề.

5- Có những sự can thiệp.

      Sự lo lắng của mỗi người khác nhau, mỗi người có thể có một số triệu chứng nhất định và có những hình thức khác nhau để chữa trị. Mặc dầu có những sự khác biệt, nhưng David Sheehan, một chuyên gia về chứng lo lắng đã cho rằng những cách can thiệp sau là hữu ích.

  1. Sự can thiệp sinh học (y khoa). Sự lo lắng nhiều khi có một nguyên nhân bệnh lý và cần chữa trị về y khoa. Một người tư vấn không chuyên về y khoa, cần có sự hợp tác với một bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ sẵn sàng để kê ra các loại thuốc và cẩn thận hướng dẫn cách sử dụng những loại thuốc khi sự lo lắng ở mức cao. Việc sử dụng thuốc có thể giúp người được tư vấn bình tĩnh trở lại, và làm cho việc tư vấn dễ dàng hơn.
  2. Sự can thiệp về cách ứng xử. Được áp dụng hiệu quả nhất khi sự lo lắng được phát hiện là đang gia tăng bởi một tình huống cụ thể nào đó mà người được tư vấn có thể học tập để kiểm soát. Những người được tư vấn có thể được khuyến khích để hành động giống như thể họ đang ở trong tình trạng lo lắng, và người tư vấn có thể chỉ cho họ những cách đối phó hiệu quả. Ví dụ, những người được tư vấn có thể được dạy dỗ để thư giãn về thể chất khi có lo lắng thái quá.
  3. Sự can thiệp về môi trường. Đôi khi cách tốt nhất và trực tiếp nhất để giải quyết sự lo lắng là thay đổi cách sống của một người, thay đổi các mối quan hệ, nơi ở, hoặc công việc. Những sự thay đổi như thế có thể cần được khích lệ và được hướng dẫn đến từ một người tư vấn đầy nhiệt tình.

6- Hành động khích lệ. Tư vấn có mục đích trợ giúp những người được tư vấn phát hiện ra các nguồn gây cho họ lo lắng. Kế đến, họ phải học tập làm thế nào để đối diện với chúng và cố gắng khắc phục sự lo lắng ấy. Khích lệ những người được tư vấn chấp nhận các sự lo lắng về tương lai của họ, có thể đề nghị một thực tế nào đó liên quan đến một sự vui vẻ khi đang lo lắng và sợ hãi.

7 Đem lại sự hỗ trợ. Những người được tư vấn có khả năng hành động chống lại các sự lo lắng của họ. Những lúc như thế họ cần cảm thấy được hỗ trợ, quan tâm chăm sóc từ mối quan hệ nhiệt tình, và kiên nhẫn của một người tư vấn hiểu biết.

8- Khích lệ một sự đáp ứng Cơ Đốc. Kinh Thánh đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng và cụ thể, nhưng không nhất thiết phải liên tục để khắc phục căn bệnh lo lắng. Trong Phi-líp 4:6, chúng ta được dạy rằng không nên lo lắng về bất kỳ điều gì… Kinh Thánh cũng cho biết điều này có thể hoàn tất, và Kinh Thánh cũng đưa ra một công thức để chia sẻ thể nào với những người được tư vấn:

  1. Hãy vui mừng. Đây là một mệnh lệnh, được nhắc lại hai lần trong Phi-líp 4:4. Khi thế gian tối tăm và đầy sự sợ hãi, Cơ Đốc nhân vẫn có thể “vui mừng trong Chúa”. Hãy làm điều này bởi vì Chúa Giê-xu đã hứa rằng Ngài chẳng bao giờ rời bỏ chúng ta, Ngài sẽ ban cho chúng ta sự bình an, Ngài sẽ ban Đức Thánh Linh ở với chúng ta và nhắc nhở chúng ta về những lẽ thật mà chúng ta cần ghi nhớ, và Ngài sẽ trở lại để đem những người tin Ngài đến một nơi đã được chuẩn bị trước cho chúng ta trên thiên đàng. Với sự nhận biết này, chúng ta có thể tin cậy Đức Chúa Trời và Ngài sẽ không để tâm trí của chúng ta bị sợ hãi.
  2. Hãy dịu dàng. Tiếng Hy Lạp được dịch là “nết nhu mì” trong Phi-líp 4:5. Nó có nghĩa: hãy cho mọi người đều biết lòng nhơn từ, ngọt ngào, nết nhu mì, thái độ ân cần, tử tế của anh em. Những tính chất này không đến cách tự nhiên. Chúng đến từ sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời; Nhưng khi sống, người ta thường phán xét người khác. Sự phán xét tiêu cực về cuộc sống sẽ gây ra sự lo lắng; một thái độ chịu đựng trong sự nhân từ sẽ làm giảm sự lo lắng.
  3. Cầu nguyện. Phi-líp 4:6 đưa ra các chỉ dẫn về lời cầu nguyện trong lúc lo lắng. Lời cầu nguyện nên bao gồm những lời cầu xin rõ ràng và cô đọng, và nên gắn liền với sự cảm tạ về lòng nhơn từ của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh hứa rằng “nếu như bạn làm theo điều này, bạn sẽ kinh nghiệm được sự bình an của Đức Chúa Trời, và sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết.” Rõ ràng rằng lời cầu nguyện này là một thứ “thuốc giải độc” quan trọng đối với sự lo lắng.
  4. Suy nghĩ. Những điều có thể là sai trái, sự yếu đuối, những điều ác trong thế gian ảnh hưởng con người và tạo ra sự lo lắng. Vì thế trong Phi-líp 4:8 dạy chúng ta hãy để tâm trí mình ở trong những ý tưởng tích cực, bao gồm: điều chi chơn thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhơn đức đáng khen.
    Điều này không đề nghị chúng ta từ chối các nan đề hoặc làm ngơ trước các mối nguy hiểm. Ngược lại, Kinh Thánh cho chúng ta biết bằng chứng rõ ràng về năng lực của sự suy nghĩ tích cực được đặt nền tảng trên Thánh Kinh.
  5. Hành động. Sứ-đồ Phao-lô đặt chính mình ông như là một tấm gương cho hành động. “Hễ sự gì anh em đã học, đã nhận, đã nghe ở nơi tôi, và đã thấy trong tôi, hãy làm đi, thì Đức Chúa Trời của sự bình an sẽ ở cùng anh em”. Nhiệm vụ của Cơ Đốc nhân là hãy làm theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Sự vâng lời và cách cư xử phù hợp với Kinh Thánh giảm được sự lo lắng.

(còn tiếp)
Gary R. Collins (HKQ dịch)

Bài trướcMão Triều Thiên Và Vinh Hiển – 9/4/2024
Bài tiếp theoBài hát truyền giảng: NHƯ CHIÊN ĐI LẠC