NỖI LO ÂU
(PHẦN 1)
Sự lo lắng, căng thẳng, sợ hãi, nỗi ám ảnh, tình trạng căng thẳng về tinh thần, là những từ có những ý nghĩa khác nhau, nhưng chúng thường được sử dụng xen kẽ nhau để miêu tả một trong các vấn đề chung nhất hiện nay. Sự lo âu có cùng với sự hiện hữu của con người, nỗi lo âu là nguyên nhân của mọi triệu chứng rối loạn thần kinh chức năng, và là hiện tượng tâm lý phổ biến trong thời đại hiện nay. Những sự phức tạp của cuộc sống hiện đại làm gia tăng ảnh hưởng, và khiến con người quan tâm nhiều đến sự hiện diện của nó.
Nỗi lo lắng là một cảm giác bên trong của mỗi con người với những ưu tư hoặc nỗi sợ hãi một điều gì. Người lo lắng có cảm giác một điều gì đó ghê gớm sắp sửa xảy ra, thế nhưng họ không biết điều đó là cái gì và tại sao lại xảy ra. Sự lo lắng có thể xuất hiện trong phản ứng đối với nguy hiểm tưởng tượng và gia tăng tùy theo sự nhận biết về từng mối nguy hiểm có thể xảy ra. Người lo lắng luôn có sự cảnh giác, sẵn sàng để trốn chạy hoặc kháng cự lại trong sự lo âu. Khi lo lắng, tim đập nhanh hơn, huyết áp và sự căng cơ bắp tăng, có các sự thay đổi về thần kinh và cơ hóa xuất hiện bên trong, thỉnh thoảng mồ hôi toát ra, không thể thư giãn được và người ta có thể cảm thấy muốn ngất đi. Với tác động mạnh mẽ, sự lo lắng gây mất tập trung, hạn chế các kỹ năng đối phó, tác động đến việc giải quyết nan đề, ngăn chặn sự giao tiếp hiệu quả, thức tỉnh sự sợ hãi, và có thể gây ra những triệu chứng không tốt về thể chất như là chứng bại liệt, hoặc nhức đầu ghê gớm.
Các loại lo lắng khác nhau được nhận dạng:
– Loại lo lắng bình thường. Xuất hiện trong tất cả mọi người, thường xuất hiện khi có nỗi sợ hãi thật sự hoặc khi gặp tình huống nguy hiểm, nó xuất hiện như là một sự phản ứng đối với nỗi sợ hãi nào đó. Sự sợ hãi càng lớn thì sự lo lắng càng nhiều. Đây là sự lo lắng mà ta có thể nhận ra, có thể kiểm soát được, và giảm được. Có khi sự lo lắng mang tính chất như sự quan tâm phòng ngừa, giúp tránh được các tình huống nguy hiểm, đó là phản ứng lo lắng về tương lai và thường là có động lực.
– Loại lo lắng kích thích thần kinh. Liên quan tới những cảm giác do thổi phồng nỗi khiếp sợ hoặc sự bất năng. Nó có thể phát xuất từ những mâu thuẫn không nhận thức được bên trong con người, ngay cả khi mối nguy hiểm là nhẹ hoặc không tồn tại. Sự lo lắng này khó có thể đối diện một cách trung thực và cần được giải quyết một cách hợp lý. Một sự căng thẳng về cảm xúc ăn sâu vào tiềm thức, từng hiện hữu, và còn tồn tại làm cho người ta luôn luôn lo lắng. Thường thì nó gây ra các chứng bệnh về thể chất, bởi vì cơ thể không thể thực hiện chức năng một cách hiệu quả khi tồn tại trong một tình trạng căng thẳng và thức tỉnh triền miên.
Sự lo lắng có thể khác nhau về mức độ và sự ảnh hưởng của nó. Sự căng thẳng tột độ – như mâu thuẫn hay mối nguy hiểm trong quân ngũ, sự hãm hiếp, bạo lực, khủng bố, sự liên quan đến một tai nạn nghiêm trọng, bắt cóc, hoặc thiên tai – như là một trận bão lốc hoặc động đất… gây ra cuộc sống kéo dài trong lo lắng.
Nhiều năm sau lần bị chấn thương, một vài người có những cơn ác mộng, những nỗi sợ hãi phi lý, sự thất vọng, lo lắng, và mất đi sự thú vị trong các hoạt động đã từng làm họ vui thích. Đối với những người này, sự lo lắng đã trở thành một hình thức sống với một kinh nghiệm căng thẳng trước đó. Những sự mất quân bình do sự căng thẳng chấn thương này xuất hiện thường xuyên ở những cựu chiến binh.
Căn bệnh lo lắng là một thuật ngữ được sử dụng để miêu tả những sự tấn công nghiêm trọng của nỗi sợ hãi, nguy hiểm và xảy đến thình lình. Nó thường đến với người bình thường, thường xuất hiện không cảnh báo trước vào lúc người ta ít trông chờ nhất. Ước tính năm phần trăm dân số, hầu hết là phụ nữ, kinh nghiệm những phản ứng sợ hãi này. Sự lo lắng được ví như là một sự mất quân bình về tâm lý và có nhiều bằng chứng nguồn gốc của nó là thuộc lãnh vực sinh vật học.
THÁNH KINH VÀ SỰ LO LẮNG
Trong Thánh Kinh, sự lo lắng được sử dụng trong hai cách, một là sự quan tâm lành mạnh và hai là sự băn khoăn hoặc tình trạng sợ hãi.
Sự lo lắng trong hình thức bày tỏ sự quan tâm thực tế. Phao-lô viết, ông đã không quan tâm (lo lắng) về việc ông có thể bị đánh đòn, bị rét lạnh, bị đói, hoặc ở trong sự nguy hiểm; Phao-lô cũng nói rằng ông đã lo lắng (quan tâm) về hết thảy các Hội Thánh. Đây là sự quan tâm chân tình đến người khác.
Sự lo lắng như là sự băn khoăn. Trong Bài giảng Trên Núi, Chúa Giê-xu đã dạy rằng chúng ta không nên lo lắng về tương lai hoặc về những nhu cầu cần thiết của cuộc sống, như là thức ăn và quần áo. Chúa Giê-xu đã phán, chúng ta có một Cha trên trời, Ngài biết điều chúng ta cần và Ngài sẽ cung cấp. Trong các thư tín trong Tân Ước, Phi-e-rơ và Phao-lô cũng đã nói lên kết luận này. “Không lo lắng về điều gì cả,” chúng ta hãy đọc trong Phi-líp.
Theo Thánh Kinh, không có gì sai trái khi ta thành thật đối diện và cố gắng giải quyết các nan đề trong cuộc sống. Làm ngơ trước mối nguy hiểm là dại dột và sai trái. Nhưng cũng là sai và không lành mạnh nếu ta lo lắng quá mức để ngăn chặn hoặc làm cho mọi việc trở nên không bình thường. Những sự lo lắng tồn tại trong chúng ta phải được dâng lên cho Đức Chúa Trời với lời cầu nguyện, Ngài là Đấng có thể giải phóng chúng ta khỏi sự tê liệt của nỗi sợ hãi hoặc lo âu, và giúp chúng ta có thể giải quyết những nhu cầu một cách thực tế cho hết thảy những người khác và cho chính chúng ta. Các Cơ Đốc nhân hãy dâng những nhu cầu của mình cho Đức Chúa Trời, với một thái độ biết ơn, trông chờ để được kinh nghiệm “sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết”. Chúng ta có thể trao tất cả mọi sự lo lắng cho Đức Chúa Trời bởi vì Ngài là Đấng chăm sóc chúng ta. Sự lo lắng như là sự băn khoăn xuất hiện khi chúng ta quay khỏi Đức Chúa Trời, lúc đó chúng ta sẽ hứng chịu các gánh nặng của cuộc sống trên chính chúng ta, chúng ta sẽ một mình chịu trách nhiệm về cách giải quyết các nan đề của mình. Thay vì nhận biết sự tể trị và quyền năng của Đức Chúa Trời, hoặc “trước hết hãy tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài”, nhiều người chỉ biết tin cậy nơi chính mình, chìm đắm trong tội lỗi và bận tâm với những áp lực của cuộc sống riêng của họ.
Mỗi người đều biết rằng không dễ để “trục xuất sự lo lắng”, hoặc không dễ để “chớ lo phiền chi hết”. Thật là khó để con người “trao những gánh nặng của mình cho Đức Chúa Trời”, thật khó để tin cậy nơi Đức Chúa Trời rằng Ngài biết các nhu cầu của họ, thật khó để trông đợi sự trợ giúp của Ngài và thật là khó để biết khi nào mình sẽ lâm vào những tình huống khó khăn. Những người lo lắng thường là những người thiếu kiên nhẫn, họ là những người cần được giúp đỡ trong việc giải quyết những áp lực của họ một cách thực tế và trong lộ trình hoàn hảo của Đức Chúa Trời.
Người tư vấn Cơ Đốc có thể là một điển hình về một người yên lặng tin cậy nơi Đức Chúa Trời trong mọi nhu cầu của cuộc sống. Họ cũng có thể giúp đỡ những người được tư vấn thấy được những lời hứa của Đức Chúa Trời, nhận ra được quyền năng và sức ảnh hưởng của Ngài trong cuộc sống hàng ngày. Đối với nhiều người được tư vấn, điều này cũng có ích nếu như họ có thể hiểu được các nguyên nhân và hậu quả của sự lo lắng tồn tại trong họ.
(còn tiếp)
Gary R. Collins (HKQ dịch)