Tư vấn Cơ Đốc: Chương 6 – NỖI LO ÂU (phần 2)

1717

NỖI LO ÂU

(PHẦN 2)

 

CÁC NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ LO LẮNG

      Các nhà tâm lý thấy rằng sự lo lắng xuất hiện từ sự đấu tranh thuộc bản năng bên trong và đôi khi là kết quả của những sức ép về văn hóa hay những sự đe dọa từ thế giới bên ngoài. Freud chia nhân cách con người làm ba phần: id (bản năng), ego (bản ngã) và superego (siêu ngã). Theo Freud, a. sự lo lắng nổi lên khi bản ngã (ego) thấy sự đe dọa rõ ràng cho con người (đây gọi là lo lắng thực tế); b. khi bản năng (id) quá mạnh đến nỗi lấn át bản ngã khiến người ta có hành vi tấn công xúc phạm người khác; hoặc c. khi siêu ngã (superego) quá mạnh khiến người ta cảm thấy bị dồn nén bởi mặc cảm tội lỗi hay xấu hổ. Sau này, các nhà tâm lý tập trung sự chú ý vào nền tảng sinh học của sự lo lắng.

           Nhìn chung, các nguyên nhân của sự lo lắng bao gồm:

1- Sự đe dọa.

      Nhà tâm lý học Rollo May đã cho rằng sự lo lắng luôn được biểu lộ ra từ một sự đe dọa cho một cá nhân, khiến cho họ phải cân nhắc một điều gì quan trọng. Sự lo lắng xuất hiện khi một người cảm thấy bị đe dọa vì sự nguy hiểm nào đó, do mất tự tin, hay do người khác xem thường, không tôn trọng, hoặc sự tác động của những ảnh hưởng vô thức.

  1. Mối nguy hiểm. Tội ác, chiến tranh, bầu không khí đầy bạo lực, các loại bệnh tật không được trông đợi, tất cả đều có thể đe dọa nhiều cá nhân và gây ra lo lắng. Hầu hết mọi người đều lo lắng về việc tìm kiếm công việc làm, khi đọc bài diễn văn, hoặc làm bài kiểm tra. Sự lo lắng về tương lai này xuất hiện bởi vì người ta không chắc về điều mình mong muốn xảy ra và cảm thấy bất lực để ngăn chặn hoặc làm giảm đi sự đe dọa.
  2. Giá trị bản thân. Hầu hết mọi người đều thích nhìn mặt tích cực và thể hiện tài năng của mình. Chúng ta cảm thấy bị đe dọa bởi bất kỳ điều gì có thể làm hại đến hình ảnh uy tín của mình.
  3. Sự phân rẽ. Một người có thể hoang mang với nỗi đau đớn khôn nguôi khi họ xa rời hoặc từ chối một người tri kỷ, cái chết của một người thân yêu, thay đổi chỗ ở, sự ly dị, lời đính ước đổ vỡ – những vấn đề này và những sự phân cách khác có thể khiến một người cảm thấy không chắc chắn về tương lai.
  4.  Các giá trị. Nhiều người trong chúng ta quen sống trong xã hội dân chủ nên coi sự tự do chính trị là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, khi sự tự do và những giá trị khác bị đe dọa cướp mất sẽ khiến ta lo lắng. Khi một nhân viên thất bại trong việc tiến thân, cảm thấy bị đe dọa khi nghĩ rằng mình thiếu khả năng để thành công. Một người con chối bỏ tôn giáo của gia đình hoặc từ chối các chuẩn mực truyền thống, gây ra sự lo lắng cho cha mẹ vì các giá trị của họ đang bị thách thức, bị đe dọa.
  5.  Những sự ảnh hưởng vô thức. Có thể là nền tảng của một sự lo lắng nào đó. Có quá nhiều (thực tế và tưởng tượng) mối nguy hiểm trong thế giới đem đến những sự căng thẳng mang tính tiềm ẩn. Theo Freud, những sự đe dọa thúc ép vô thức con người, những ý tưởng vô thức này có thể chuyển hướng để trở thành có ý thức. Điều đó có thể gây đe dọa bởi vì sau đó người đó bị ép buộc phải đối diện với các nan đề mà họ không hiểu được hoặc không biết phải giải quyết thế nào.

2- Mâu thuẫn.

      Mâu thuẫn là một nguyên nhân khác của sự lo lắng. Khi một người bị ảnh hưởng nhiều áp lực, người đó sẽ có một cảm giác không chắc chắn, và thường hướng đến sự lo lắng. Hầu hết các mâu thuẫn đều liên quan tới một sự tranh chiến giữa hai hoặc nhiều sự thay đổi, mỗi một sự thay đổi có thể có sự tiếp cận và sự né tránh đi. Chẳng hạn như một người trẻ tuổi có thể cân nhắc liệu có nên ở lại để tiếp tục làm công việc hiện tại hay không, hay chuyển đến một vị trí khác, hoặc quay trở lại trường học. Mỗi một sự thay đổi này đều có các lãnh vực khẳng định và phủ định, và sự lo lắng tồn tại cho đến khi có được sự lựa chọn. Thỉnh thoảng sự lo lắng kéo dài sau khi đã có quyết định, trong trường hợp một người xem xét mình đã có quyết định đúng hay không.

      Hầu hết các sách về tâm lý đều cho rằng những mâu thuẫn đến từ hai hướng: sự tiếp cận và sự né tránh.

  1. Mâu thuẫn tiếp cận. Đây là một loại mâu thuẫn khi có xu hướng theo đuổi hai mục đích xung khắc nhau. Chúng ta có thể đối diện với hai lời mời ăn tối trong cùng một buổi tối, có thể chúng ta đều thích cả hai lời mời ấy. Thường thì rất khó để chúng ta có một quyết định trong trường hợp như vậy, và thỉnh thoảng điều này làm thức tỉnh sự lo lắng.
  2. Mâu thuẫn tiếp cận, né tránh. Đây là một sự khát khao muốn làm điều gì đó và vừa không muốn làm nó. Chẳng hạn như một người có thể khó khăn trước một công việc mới. Để chấp nhận điều này, có thể đem lại nhiều cơ hội và lương bổng cao hơn (tiếp cận), thế nhưng điều này cần thiết phải di chuyển và sự bất lợi của một chương trình huấn luyện (sự tránh đi). Để có được một quyết định trong trường hợp đó có thể liên quan đến sự lo lắng vì vấn đề cần được cân nhắc.
  3.  Né tránh, tránh thoát. Ở đây có hai sự thay đổi, cả hai đều có thể không hài lòng. Như việc sống với một căn bệnh đau đớn, ngược lại điều này là việc cần có một cuộc phẫu thuật rất có thể là đau đớn lắm.

3- Sợ hãi. Mặc dầu có một vài người tư vấn phân biệt sự sợ hãi với sự lo lắng. Mỗi người đều hướng sự quan tâm đến một loạt những nỗi sợ hãi của cá nhân. Ví dụ như e ngại gặp thất bại, lo sợ về tương lai, về chiến tranh hạt nhân, sợ bị khước từ, sự thiếu tình thân, sự thành công, trách nhiệm, sự mâu thuẫn, sự vô nghĩa trong cuộc sống, bệnh tật, sự chết, nỗi cô đơn, sự thay đổi. Những nỗi sợ hãi này có thể hình thành trong tâm trí một con người và gây ra sự lo lắng tột cùng ngay cả khi không hề có bất kỳ một mối nguy hiểm thực tế nào. Theo một nghiên cứu khác, sự lo lắng thường xuất hiện bởi vì người ta có những niềm tin phi lý tạo ra sự sợ hãi.

4- Những nhu cầu chưa thỏa đáp. Những nhu cầu căn bản của con người là gì? Một nhà nghiên cứu đã cho rằng con người có sáu nhu cầu căn bản:
– Sự sống còn (nhu cầu để tiếp tục tồn tại).
– Sự an toàn (nhu cầu đối với sự ổn định về kinh tế cũng như về cảm xúc).
– Tình dục (nhu cầu để có sự thân mật gần gũi).
– Ý nghĩa (nhu cầu tổng hợp mọi thứ lại và đánh giá chúng).
– Sự hoàn thiện bản thân (nhu cầu đạt được sự hoàn thành các mục đích).
– Tình trạng bản thân (nhu cầu để nhận biết về bản sắc cá nhân).
Nếu như chúng ta thất bại trong việc thỏa đáp những nhu cầu này, chúng ta có thể cảm thấy lo lắng, e ngại, và thất vọng. Thế nhưng, vẫn có những người thắc mắc về cuộc sống được ban cho ở trên đất và có những thắc mắc: Tôi sẽ đi đâu sau khi chết? Có phải sự tồn tại bao gồm chỉ một một thời gian ngắn ngủi trên đất chăng? Mục đích cuộc sống của tôi là gì? Thỉnh thoảng những câu hỏi như thế này được gọi là những câu hỏi tồn đọng và chúng thường hướng đến sự lo lắng thực sự.

5- Sinh lý học.

      Những nghiên cứu về y khoa chưa hoàn toàn khẳng định được việc rối loạn về thể chất có thể gây ra sự lo lắng và các triệu chứng sợ hãi cho con người. Chẳng hạn như tình trạng hở van tim là một sự bất bình thường khá nghiêm trọng, những người bị tình trạng này không thấy có triệu chứng khác biệt nào, và cũng không cần sự chữa trị tức thời nào. Tuy nhiên, một số người khác có những triệu chứng đi kèm với sự sợ hãi như đau ngực, mệt mỏi, choáng váng, thở dồn dập, tim đập nhanh, và có sự lo lắng cao độ. Nhà tâm thần học David Sheehan cho biết “căn bệnh lo lắng” phát sinh có liên quan đến sinh học như thế sẽ gây ra sự sợ hãi, sợ hãi sẽ làm rối loạn cuộc sống nhiều người. Theo Sheehan có bảy giai đoạn lo lắng:
– Cá nhân có sự lo lắng với các triệu chứng về thể chất, lo lắng xuất hiện không báo trước và không có nguyên nhân rõ ràng.
– Vì sợ hãi, các triệu chứng phát triển và ngày càng mạnh mẽ hơn.
– Khi lo lắng về điều đang xảy ra cho thân thể mình, các bệnh nhân trở nên như những người lo lắng thái quá về sức khỏe của họ và liên tưởng đến cái chết của mình.
– Nếu như những sự sợ hãi vẫn tồn tại, cá nhân bắt đầu phát triển những sự ám ảnh. Ví dụ như: Một người phụ nữ đã bị một lần bị kẹt trong thang máy. Điều này đã làm cô quá sợ hãi đến nỗi cô trở nên e ngại để bước vào thang máy một lần nữa.
– Quan hệ với những người khác thì sự sợ hãi lại xuất hiện.
– Sự mất quân bình trở nên tồi tệ hơn.
– Tất cả những điều này hướng người ta đến sự trầm cảm, mất hy vọng, những cảm giác tội lỗi, và thỉnh thoảng nghĩ đến sự tự sát.

6- Những sự khác nhau riêng lẻ.

      Nhiều người bị tình trạng lo lắng dưới các hình thức khác nhau. Có người lo lắng không có nguyên nhân rõ ràng. Những người khác lo lắng vì các mối nguy hiểm được nhận dạng rõ ràng. Có người lo sợ không bình thường như khi ở trong một không gian đóng kín, ở độ cao, hoặc những tình trạng khác, mà hầu hết trong số đó đều không nguy hiểm.

      Tại sao những sự khác nhau này lại tồn tại? Có lẽ câu trả lời có trong kinh nghiệm ở quá khứ của một người, trong cá tính, môi trường xã hội, vật lý học, và lý thuyết học.

  1. Sự học hỏi. Hầu hết cách cư xử đều được học từ kinh nghiệm cá nhân, từ việc nhìn thấy nơi nhiều người khác, từ sự dạy dỗ của cha mẹ và của những người khác. Những kinh nghiệm học tập này có thể gây ra sự lo lắng. Nếu một người mẹ lo lắng trong suốt cơn dông bão, đứa con trai nhỏ bé của bà sẽ tiếp nhận từ mẹ mình sự lo lắng. Nếu như bạn được dạy dỗ rằng sẽ là nguy hiểm khi ở một mình, bạn sẽ cảm thấy lo sợ khi không có ai khác ở nhà với mình. Một người đã thất bại trong một kỳ thi quan trọng sẽ lo lắng cho kỳ thi sắp tới. Nếu một ai đó yêu cầu nhiều hơn điều mà bạn có thể đem lại, bạn sẽ cảm thấy lo lắng khi có mặt người đó bên cạnh.
  2. Cá tính (nhân cách). Cá tính xuất hiện với sự “căng thẳng cao” đối với một người hay lo sợ. Một vài người nhạy cảm hơn, thiếu ổn định hơn, thù hằn hơn, hay tự cho mình là trung tâm, hoặc lo lắng hơn những người khác. Những cá tính này xuất hiện với một sự liên kết của những ảnh hưởng từ sự học tập, chúng gây ra những sự lo lắng khác nhau.
  3. Môi trường xã hội. Những yếu tố xã hội như: sự bất ổn về chính trị, những xu hướng kinh tế, các giá trị thay đổi, sự di chuyển – tất cả đều có thể ảnh hưởng đến tình cảm, sự thay đổi những tiêu chuẩn về đạo đức, về tôn giáo của mỗi người. Môi trường xã hội và những người láng giềng có thể kích thích sự lo lắng, nhưng cũng có thể đem lại một môi trường an toàn và làm sự lo lắng sẽ mất dần.
  4. Bệnh tật. Khi nhận thấy sự hiện diện của bệnh tật có thể kích thích sự lo lắng phát triển, cũng có thể làm giảm đi sự thăng bằng; gây trục trặc về thần kinh, và những sự thay đổi hóa học bên trong con người. Vì thế sự lo lắng có thể gây ra những phản ứng về thể chất.
  5. Niềm tin. Trong các sách Ngũ kinh, Môi-se đã nói sự lo lắng như là một trong những hậu quả của sự không vâng lời Đức Chúa Trời. “Đức Giê-hô-va sẽ ban cho ngươi một tấm lòng run sợ, mắt mờ yếu, và linh hồn hao mòn. Sự sống ngươi vẫn không chắc trước mặt ngươi; ngày và đêm ngươi hằng sợ hãi, khó liệu bảo tồn sự sống mình.” Giả sử rằng sự lo lắng liên quan đến sự bất tuân hoặc do thiếu đức tin, thì những người tin Chúa sẽ bớt lo lắng hơn những người không tin. Nếu một người có niềm tin nơi một Đức Chúa Trời quyền năng, yêu thương, đầy lòng nhân từ, luôn sẵn lòng tha thứ và Ngài điều khiển toàn bộ vũ trụ này, Ngài sẽ chu cấp mọi nhu cầu, thì người ấy có thể có sự bình an ngay cả khi ở giữa sự rối loạn, và dĩ nhiên họ sẽ bớt lo lắng hơn. Niềm tin tạo ra một sức chịu đựng lớn vượt trên mức độ lo lắng của một người.

       Những nguyên nhân của sự lo lắng là quá phức tạp đối với những sự giải thích đơn giản. Mặc dầu vậy, nếu muốn hiểu tại sao người ta phản ứng khác nhau trong nhiều cách, và họ đã giải quyết sự lo lắng thể nào, thì hãy cố gắng tìm hiểu để phát hiện ra điều họ tin nơi Đức Chúa Trời và về thế giới mà Ngài đã tạo dựng.

(còn tiếp)
Gary R. Collins (HKQ dịch)

Bài trướcChúa Là Chủ Hôn Nhân – 2/4/2024
Bài tiếp theoBài hát: TÌNH YÊU CHÚA TRÀN TUÔN