Tư vấn Cơ Đốc: Chương 5 – TƯ VẤN VÀ NHỮNG KHỦNG HOẢNG (tiếp)

1677

SỰ CAN THIỆP KHỦNG HOẢNG 

     Sự can thiệp khủng hoảng là một cách đem lại sự trợ giúp tức thì, đầy cảm xúc cho những người bị chấn thương về mặt tâm lý và thể xác. Người can thiệp phải phản ứng một cách có kỹ năng và nhanh chóng, loại bỏ cách cư xử không được hoạch định trước, hay cách cư xử lúng túng và có nguy cơ gây tổn hại. Khủng hoảng thường xuất hiện bất ngờ và kéo dài, tốt nhất những khủng hoảng nên được giải tỏa sớm. Tư vấn có các mục đích sau:

     – Để giúp đỡ người khác đối diện với tình trạng khủng hoảng một cách hiệu quả và trở về hoạt động bình thường.

     – Để giảm sự lo âu, lo lắng về tương lai, và những sự không bảo đảm khác.

     – Để dạy dỗ những kỹ năng “kiểm soát khủng hoảng”, vì thế người ta cần được chuẩn bị tốt hơn để có thể tự giải quyết những khủng hoảng trong tương lai.

     – Để dạy dỗ các bài học về những khủng hoảng trong Kinh Thánh, từ đó có sự trưởng thành thuộc linh và kết quả.

     Trong cách cư xử với người bị khủng hoảng, có những sự uyển chuyển khác biệt cho mỗi trường hợp. Khi bị khủng hoảng, một vài người có xu hướng lạc quan, những người khác thì lại bi quan và dễ dàng chán nản, người thì lại quá phụ thuộc, có những người lại rất độc lập. Một vài người được tư vấn có thể thảo luận về sự khủng hoảng và hiểu được những sự phức tạp của nó; những người khác lại quá quẫn trí không thể suy nghĩ đúng đắn hay quyết định sáng suốt. Với những sự khác nhau này, người tư vấn có thể can thiệp bằng một số cách thức khác nhau trong suốt thời gian khủng hoảng.

     Sau đây là những chỉ dẫn sự trợ giúp về tâm lý trong khi thực hiện tư vấn.

  1. Sự tiếp xúc

     Trước khi trực tiếp với người được tư vấn, người tư vấn nên có sự tìm hiểu thái độ, cách cư xử và tính cách của người đang trong khủng hoảng, phải suy nghĩ sâu sắc để có thể tiếp cận thảo luận và đưa ra những lời đề nghị để hành động cụ thể.

     Sự tiếp xúc bằng mắt có thể làm cho người được tư vấn vững vàng trở lại và vì thế có thể đụng chạm được đến họ. Ngay cả khi không có được một lời nào, sự đụng chạm và các loại hình thức khác của sự tiếp xúc thể xác có thể tạo ra sự chăm sóc và mang lại sự an ủi lớn.

     Có một số điều lưu ý trong một số nền văn hóa và một vài nền văn hóa thiểu số, có những điều cấm kỵ nghiêm khắc, chống lại sự đụng chạm thân thể. Các hình thức như bắt tay nhau, vỗ vai, ôm hôn; ngay cả đặt tay hoặc ôm choàng một người nào đó trong cuộc khủng hoảng thường không được khuyến khích trong việc tư vấn. Nhiều người cho rằng những người được tư vấn có thể diễn giải sai sự tiếp xúc thân thể như thế, và họ cảm thấy điều này như là sự gợi ý về tình dục, cảm thấy bị đe dọa, bị nghi ngờ, hoặc có một nỗi sợ hãi về sự thân mật.

     Tuy nhiên, đối với hầu hết mọi người, sự đụng chạm có thể đem lại sự an ủi, có thể chữa lành điều gì đó, và được khích lệ. Người tư vấn nên nhận ra giá trị lẫn những nguy hiểm của sự tiếp xúc thân thể, liệu sự tiếp xúc của bạn có thể bị diễn giải sai và liệu sự tiếp xúc có thể giúp đỡ người được tư vấn điều gì chăng.

  1. Giảm sự lo lắng

     Tính cách điềm tĩnh và sâu lắng của người tư vấn có thể giúp làm giảm sự lo lắng cho người được tư vấn. Cần kiên nhẫn và chăm chú lắng nghe khi người được tư vấn miêu tả tình trạng; khuyến khích họ nói về những sự bất an và những cảm giác khác luôn đồng hành với sự khủng hoảng. Cố gắng để nhận ra các sự thật nhằm có những cách để giải quyết nan đề. Cố gắng dùng các câu nói một cách thật lòng, nhưng không làm tăng mức độ lo âu của người được tư vấn. Ví dụ, nếu một người bị thương nghiêm trọng, bạn có thể nói, “Tôi chưa biết mức độ của những vết thương, nhưng bạn đang ở trong sự chăm sóc sức khỏe rất tốt. Họ đang kiểm tra mọi thứ và bạn có thể yên tâm vì họ sẽ làm mọi điều cần thiết để giúp đỡ bạn”. Điều này là một sự khẳng định thành thật, nó không làm tăng nỗi lo âu hoặc tạo ra những ảo tưởng.

     Thường thì việc giúp người được tư vấn giảm tình trạng căng thẳng rất có giá trị, ít nhất là tạm thời. Chẳng hạn, giúp cất đi một mối lo âu từ áp lực của những hoạt động trong phòng cấp cứu bằng cách đưa họ vào trong một căn phòng im lặng bên cạnh, hoặc vô một phòng khác để dùng một tách cà phê. Khích lệ những người được tư vấn để họ có được những giây phút hít thở thật sâu, đi bộ một đoạn ngắn cho thân thể thư giãn. Ảnh hưởng êm dịu của các câu Kinh Thánh như I Cô-rinh-tô 10:13 cũng có thể mang lại sự hữu ích. Mỗi phương pháp nhằm làm giảm đi nỗi lo âu có thể giảm làm sự căng thẳng và làm cho việc giải quyết các vấn đề khủng hoảng một cách có thứ tự và dễ dàng hơn.

  1. Tập trung vào các vấn đề

     Khi bị khủng hoảng thật dễ dẫn đến một loạt những sự kiện gây hoang mang, các vấn đề có nguy cơ tiềm ẩn. Người tư vấn cần thiết phải có những quyết định dứt khoát vấn đề cụ thể nào cần phải được đối diện trước hết, và các vấn đề nào cần được giải quyết tức thì. Sau đó là giúp đỡ người được tư vấn tự quyết định; cố gắng tập trung vào tình trạng hiện tại hơn là thảo luận các vấn đề trong quá khứ hoặc xem xét điều có thể xảy ra trong tương lai; phải cẩn thận tránh sự lôi kéo theo ý mình.; luôn luôn lắng nghe những nhận định của người được tư vấn, và cố gắng tránh các hành động có thể khiến phải hối tiếc sau này.

  1. Đánh giá những nguồn tài nguyên

     Sự vui vẻ của người tư vấn trong việc giúp đỡ là một nguồn quan trọng cho người được tư vấn trong lúc khủng hoảng, ngoài ra còn có nhiều nguồn khác nữa. Những người được tư vấn thường cảm thấy đơn độc và cần thiết chấp nhận được ủng hộ từ nhiều người, không chỉ là người tư vấn. Các nguồn từ những người khác có nhiều tác dụng tốt cho việc tư vấn.

     Những nguồn thuộc linh. Người tư vấn Cơ Đốc phải luôn chói sáng sự hiện hữu và hướng dẫn của Đức Thánh Linh, cùng với các lời yên ủi và những lời hứa trong Thánh Kinh. Những điều này có thể là những nguồn sức mạnh và là sự hướng dẫn trong suốt cơn khủng hoảng. Tránh sử dụng những lời Kinh Thánh để đẩy hoặc lôi kéo những người được tư vấn làm điều gì đó mà người tư vấn nghĩ nên hoàn thành. Điều này không thực sự có ích hoặc không đúng đắn về đạo đức. Thánh Kinh nên được giới thiệu như là lẽ thật, cùng với sự trông đợi Đức Thánh Linh thực hiện điều Ngài muốn trên đời sống của người được tư vấn.

     Những nguồn cá nhân. Có thể rất tốt khi sớm nhấn mạnh đến các sức mạnh bên trong của người được tư vấn. Cần phải thực tế và đơn giản khi nêu ra các đặc điểm về sức mạnh này. Hầu hết mọi người đều nhận thức được các khả năng, kỹ năng, những kinh nghiệm trong quá khứ, những thái độ có ích, hoặc những động cơ mà chúng có thể giúp họ trưởng thành. Việc nhắc nhở người được tư vấn về sự thành công trong quá khứ khi đối diện với khủng hoảng làm họ thêm vững chí và nhiều hữu ích.

     Những nguồn cộng đồng. Mạng lưới cộng đồng của người được tư vấn (chương 4) thường có thể giúp đỡ thiết thực như thăm hỏi, cầu thay, giúp đỡ tài chánh, hoặc cung cấp sự trợ giúp thực tế khác trong suốt thời gian khủng hoảng…

     Thỉnh thoảng, những người được tư vấn không muốn tiếp xúc với bất kỳ ai, e ngại làm phiền người khác không muốn chấp nhận một sự giúp đỡ nào, mặc dầu họ biết các sự ủng hộ có giá trị chữa lành lớn; Khi gặp sự khủng hoảng, họ thường bối rối trước sự chú ý của nhiều người, họ bị đe dọa bởi suy nghĩ họ là người cần đến sự giúp đỡ. Thật quan trọng để thảo luận sự lưu ý đến tầm quan trọng của sự phụ thuộc lẫn nhau, khuyến khích tìm sự giúp đỡ từ những người khác, khi có thể nên bày tỏ sự hài lòng cho những người bạn có thể giúp đỡ mình. Cũng nên lưu ý rằng khi có quá nhiều sự phụ thuộc vào người khác, những người được tư vấn có thể phát triển một thái độ “không làm gì cả”, khiến cho họ không thể trưởng thành. Điều này hầu như xảy ra thường xuyên, nhất là khi các thành viên gia đình trở nên quá can thiệp đến những cố gắng của họ.

     Những nguồn bổ sung. Trong xã hội luôn có những nguồn hỗ trợ hợp pháp, những nguồn về y khoa, về tâm lý học, về kinh tế, giáo dục, và những nguồn giúp đỡ khác, những nguồn này luôn có sẵn. Thỉnh thoảng người được tư vấn cần tiền, cần một nơi để sống tạm thời, một ai đó có thể trông hộ con cái, cần những bữa ăn, hoặc cần những nguồn hữu hình khác của sự trợ giúp… Người tư vấn có thể giúp đỡ họ tìm thấy những nguồn này, những nguồn này thường có thể được tìm thấy trong cộng đồng của những người tin Chúa.

  1. Sự can thiệp dự trù

     Sau khi đánh giá vấn đề và quan tâm những nguồn có sẵn, cần có quyết định một phương thức hành động. Người tư vấn và người được tư vấn có thể cùng nhau nhìn vào các sự kiện có sẵn và liệt kê những hành động cần thay đổi, đánh giá tính khả thi của từng điều và xác định thứ tự thực hiện. Nếu người được tư vấn gặp khó khăn để có những quyết định, nhẹ nhàng nhưng cương quyết, người tư vấn có thể giúp người được tư vấn có những kế hoạch, nhưng cũng không nên khích lệ sự phụ thuộc hay có thái độ để cho người khác giải quyết các vấn đề. Nhà tâm thần học Raymond E. Vath đã nói điều có thể là khuôn vàng thước ngọc đối với sự can thiệp khủng hoảng là: “Chúng ta phải làm cho người khác điều mà chính họ không thể làm, nhưng chúng ta không phải làm cho họ điều mà chính họ sẽ không làm. Vấn đề là phải nhạy bén để biết sự khác biệt”.

  1. Hành động khích lệ

     Nhiều khi một người quyết định một hình thức hành động nào đó, nhưng sau lại lưỡng lự không biết phải bắt đầu thế nào, hoặc e ngại thực hiện kế hoạch đó. Việc thực thi hành động luôn có nguy cơ thất bại và sau đó là hối tiếc, đặc biệt là khi hành động liên quan đến những thay đổi chính trong cuộc sống. Người tư vấn có thể khích lệ những người được tư vấn về những hoạt động của họ, giúp đỡ họ đánh giá tiến trình hành động, và nếu cần thiết, sửa đổi những kế hoạch cho phù hợp.

     Trong vài trường hợp, khủng hoảng sẽ chẳng bao giờ được giải quyết triệt để, ngay cả khi thực thi hành động. Ví dụ như khi ai đó mất đi một người thân, hoặc phát hiện ra sự tồn tại của một căn bệnh không phương cứu chữa, hay khi người ấy thất bại để đạt được một sự thăng tiến quan trọng, những khủng hoảng đó mang tính vĩnh viễn hoặc khó thay đổi. Khi được tư vấn, họ phải được giúp đỡ để đối diện với tình huống ấy một cách thành thật, cần nhận biết và thể hiện các cảm xúc thích hợp, phải điều chỉnh lại lối sống, lập kế hoạch thực tế cho tương lai, và nghỉ ngơi trong sự nhận biết sự tể trị của Đức Chúa Trời – Đấng luôn luôn chăm sóc chúng ta. Trong trường hợp này, sẽ có ích nếu như người ấy được bao quanh bởi những người bạn trung thành, quan tâm, giúp đỡ và cầu thay, họ là những người bạn luôn sẵn sàng trợ giúp bất kỳ lúc nào và bất kỳ thế nào khi có người cần đến họ.

  1. Làm thấm nhuần niềm hy vọng

     Niềm hy vọng giúp mọi người tránh được nỗi thất vọng và giúp có sức mạnh khi gặp tình trạng khủng hoảng. Trong việc tư vấn, sự cải thiện hầu như vượt trội nếu như những người được tư vấn thực tế và có hy vọng về tương lai. Khi chịu đau đớn, niềm hy vọng mang lại sự khuây khỏa trong niềm tin.

     Để làm thấm nhuần niềm hy vọng, người tư vấn Cơ Đốc có thể:

     – Chia sẻ những lẽ thật thuộc linh, khẳng định niềm hy vọng được đặt nền tảng trên Kinh Thánh – Lời Đức Chúa Trời – và tính bất biến của Ngài. Điều này khuyến giục đức tin và trưởng thành trong mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Đây là một sự giúp đỡ hữu hiệu, nhất là khi người tư vấn quen thuộc với Lời Chúa.

     – Giúp đỡ người được tư vấn tự kiểm tra thất bại của họ. Các suy nghĩ như “Tôi sẽ chẳng bao giờ tốt hơn được”, hoặc “Không có điều gì có thể tồi tệ hơn điều này”, có thể xuất hiện trong suy nghĩ của người được tư vấn trong thời gian khủng hoảng. Những ý tưởng như thế nên được thách thức một cách tế nhị khi yêu cầu họ nêu lên những bằng chứng.

     – Cùng với người được tư vấn thực hiện điều gì đó, hay giúp đỡ họ một hoạt động tối thiểu nhằm đem lại cho họ cảm giác thành công, họ cảm thấy không vô dụng. Các việc đó có thể làm thức tỉnh niềm hy vọng, đặc biệt là khi hoạt động ấy thành công và có giá trị.

  1. Giữ liên lạc

     Sau khi đã kết thúc việc tư vấn, người tư vấn cần chủ động trong việc liên lạc theo dõi các kết quả tư vấn đã thực hiện, cũng như thể hiện mối quan tâm. Bằng thư từ, điện thoại, nhắn tin hay thăm viếng định kỳ vào các dịp đặc biệt…, sự quan tâm tiếp tục như thế có thể khuyến khích người được tư vấn và nhắc nhở họ rằng có ai đó vẫn còn nhớ đến và chăm sóc họ. Qua những việc như vậy, người tư vấn có thể nhận biết kết quả của việc tư vấn trước đó, rút ra nhiều bài học bổ ích cho bản thân và cũng thể hiện đúng tinh thần của người tư vấn Cơ Đốc.

 (còn tiếp)

Gary R. Collins (HKQ dịch) 

Bài trướcNgày Đêm Suy Ngẫm Lời Chúa – 5/3/2024
Bài tiếp theoBài hát: RAO GIẢNG TIN LÀNH