Bài 113: Nếm Biết Chúa (Thi Thiên 34)  

3742

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Khi đến phần kết thúc của Thi Thiên, chúng tôi xin phép được nhắc lại những loại Thi Thiên khác nhau như Thi Thiên nói về người được phước, Thi Thiên cầu nguyện, Thi Thiên thờ phượng và Thi Thiên tiên tri. Thỉnh thoảng một Thi Thiên kết hợp nhiều loại khác nhau chớ không nhất thiết thuộc về một thể loại nhất định.

Thi Thiên 34 là một trong những Thi Thiên đó, nó kết hợp những thể loại khác nhau của Thi Thiên lại với nhau. Thi Thiên nầy nói về người ở trong bước đường cùng và cách để đối phó với nan đề nầy. Có nhiều phần giảng dạy trong Thi Thiên 34, những phần giảng dạy được bắt đầu với lời thờ phượng. Thi Thiên 34 là một minh họa cho thấy tầm quan trọng của việc tìm hiểu bối cảnh lịch sử khi phân tích nội dung Thi Thiên. Những dòng chữ tóm tắt ở phần đầu của Thi Thiên ghi như sau: “Thơ Đa-vít làm khi người giả bộ điên dại trước mặt A-bi-mê-léc và người bị đuổi đi.”

1 Sa-mu-ên 21 & 22 cho biết đây là một trong những thời điểm mà tinh thần của Đa-vít xuống dốc khi ông trốn chạy khỏi sự săn lùng của Sau-lơ. Sau-lơ muốn giết Đa-vít nên Đa-vít phải lánh nạn. Đa-vít sống trong nguy hiểm và sợ chết. Để xoay xở, Đa-vít tìm cách lập thỏa ước liên minh với vua Phi-li-tin.

Khi đi vào yết kiến vua Phi-li-tin là A-bi-mê-léc, Đa-vít tình cờ nghe được những binh lính nói về ông rằng, “Có phải đó là Đa-vít, vua của xứ ấy chăng? Há chẳng phải về người nầy mà bọn nữ có nói trong khi múa hát rằng: ‘Sau-lơ giết hàng ngàn, còn Đa-vít giết hàng vạn?’”

Số là Đa-vít đã từng tham chiến và giết rất nhiều người Phi-li-tin. Khi nghe được như vậy Đa-vít biết rằng ông không thể nào liên minh với A-bi-mê-léc. Đa-vít thay đổi ý định, do đó khi gặp vua Phi-li-tin, Đa-vít giả bộ điên. Chắc chắn Đa-vít đóng kịch rất xuất sắc nên A-bi-mê-léc tưởng rằng Đa-vít điên thật. Sau cùng vua Phi-li-tin nói: “Kìa, các ngươi thấy người đó điên cuồng! Cớ sao các ngươi dẫn nó đến ta? Nơi ta há thiếu kẻ điên sao, nên các ngươi phải dẫn kẻ nầy đến ta đặng nó bày sự kỳ cục trước mặt ta? Một người như vậy chẳng nên vào nhà ta.” (1 Sa-mu-ên 21:14-15).

Bởi thế họ trục xuất Đa-vít. Đây là một giai đoạn đen tối, tủi nhục trong cuộc đời ông. Đa-vít chạy trốn vào đồng vắng và ẩn mình trong hang đá A-đu-lam. Khi ở đó, những người mắc nợ, những người cùng khốn và những người có lòng sầu khổ đến với ông. Vào thời đó nếu bị mắc nợ, quí vị sẽ lâm vào đường cùng vì bị bỏ tù. Dĩ nhiên trong tù thì không làm gì để kiếm sống được và phải chết dần chết mòn ở đó. Bởi vậy khi lâm vào cảnh nợ nần, họ tìm cách chạy trốn, biết được Đa-vít cũng là người đang lưu lạc nên họ tìm đến với ông.

Đa-vít và thuộc hạ là những người thất bại cùng đường. Thi Thiên 35 cho biết Đa-vít đã biến họ trở nên những dũng sĩ  sau nầy. Chính họ đã đánh bại quân đội đảo chánh của Áp-sa-lôm. Đa-vít có hàng trăm dũng sĩ như vậy, nhưng Sử Ký chỉ đề cập đến 30 người mà thôi. Một trong những người đó tên là Bên-na-gia, ông đã giết sư tử trong cái hố vào một ngày có tuyết. Sách Sử Ký cũng đề cập công trạng của một số người dũng sĩ. Bộ ba Giô-áp, A-bi-sai, Bên-na-gia là những tướng có tài của Đa-vít. Nếu muốn học về sự lãnh đạo, chúng ta nên tìm hiểu những con người nầy. Đa-vít đã gặp họ ở đâu? Có phải lúc đó họ là dũng sĩ  không? Làm thế nào họ đã trở nên những dũng sĩ ? Thật ra khi gặp Đa-vít, họ là những người cùng đường thất bại. Đa-vít đã đặt một câu hỏi cho họ rằng,

“Ai là người ưa thích sự sống, và mến ngày lâu dài để hưởng phước lành?” (c.12)

Đa-vít khơi lên hy vọng. Hy vọng là điều Chúa đặt trong lòng mỗi người. Hy vọng là niềm tin rằng có một điều gì đó tốt đẹp sẽ xảy ra cho chúng ta. Mỗi năm hàng chục ngàn người tự tử, khi được hỏi vì sao họ quyết định quyên sinh, thì câu trả lời là: ‘chúng tôi không có hy vọng’. Thật đáng buồn khi nghĩ đến con số hàng chục ngàn người tự tử, nhưng mặt khác hàng trăm triệu người vẫn tiếp tục sống cho dù phải đối diện bao nhiêu khó khăn vì họ có hy vọng, họ tin vào một điều gì tốt đẹp sẽ xảy ra.

Sứ đồ Phao-lô cho biết có ba điều vĩ đại trong cuộc sống đó là: đức tin, hy vọng và tình yêu thương. Hy vọng là một trong ba điều vĩ đại nầy vì hy vọng dẫn đến đức tin. Nếu quí vị có niềm tin tưởng rằng một điều tốt đẹp nào đó sẽ xảy ra, nhưng quí vị không có sự kiện thực tế nào để chứng minh thì đó là hy vọng. Một khi niềm tin tưởng của quí vị dựa trên những sự kiện thực tiễn để lý luận thì đó là đức tin. Hy vọng là quan trọng vì nó dẫn đến đức tin. Chúng ta có niềm tin rằng một điều tốt đẹp nào đó xảy ra. Phao-lô cho biết điều vĩ đại nhất trong 3 điều trên là tình yêu thương. Theo cách lý luận của Phao-lô thì, hy vọng là điều vĩ đại vì hy vọng dẫn đến đức tin, đức tin là điều vĩ đại vì đức tin đem chúng ta đến với Đức Chúa Trời. Không thể nào đến với Đức Chúa Trời mà không có đức tin. Nhưng tình yêu thương là điều trọng hơn hy vọng và đức tin vì khi kinh nghiệm về tình yêu thương là chúng ta kinh nghiệm về chính Chúa. Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời là tình yêu thương.

Thật ra Đa-vít thách thức những người cùng khốn hai ý trong câu 12, ông hỏi, “Ai trong vòng các ngươi là người muốn sống?” Sau đó ông đặt thêm một câu hỏi khác, “Các ngươi muốn sống bao lâu?” Quý vị có để ý là người ta không nói họ muốn sống bao lâu, mười năm, hai chục năm, năm chục năm . . . Họ chỉ đơn giản cho biết là họ muốn sống. Tại sao người ta muốn sống? Có phải vì họ tin rằng một điều gì đó tốt đẹp đang chờ đón họ.

Đa-vít tiếp tục nói với thuộc hạ của mình rằng, “Điều tốt đẹp mà họ trông mong là chính Chúa, hãy nếm biết rằng Ngài là Đấng tốt lành. Đó là lý do vì sao Chúa đặt hy vọng trong lòng các ngươi. Đa-vít muốn rằng ngày kia các ngươi sẽ khám phá Ngài là Đấng tốt lành mà ngươi đang hy vọng.”

Khi nói về điều đó thì Đa-vít cũng chia sẻ chính kinh nghiệm cá nhân của ông. Lời của Đa-vít được tóm tắt và diễn tả lại theo lối nói của chúng ta như sau: “Xin hãy lắng nghe, kẻ khốn khổ nầy đã kêu cầu cùng Chúa, Ngài nghe tiếng tôi. Tôi sợ chết, nhưng Chúa đã cứu tôi khỏi mọi sợ hãi.” Thế rồi sau đó ông nói, “Hãy nếm biết Chúa là Đấng tốt lành. Tôi đã khám phá rằng Chúa đã đặt hy vọng đó trong tôi vì Ngài muốn tôi có đức tin mà qua đó đem tôi đến với Chúa và được Ngài ban phước.”

Đa-vít đưa họ đến chỗ lập một giao ước: “Hãy cùng tôi tôn trọng Đức Giê-hô-va, chúng ta hãy cùng nhau tôn cao danh của Ngài” (Thi Thiên 34:3)

Chính giao ước đó đã biến đổi những người cùng khốn trở nên các dũng sĩ của Đa-vít. Qua những sách như Các Quan Xét, hay những sách lịch sử, chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời ưa thích dùng những người tầm thường để làm những việc phi thường. Nguyên tắc đó cũng được thể hiện tại đây. Khi mới gặp Đa-vít, họ không phải là những dũng sĩ. Họ chỉ là những người thường, nhưng vì qua lời giảng của Đa-vít, họ đã gặp Đức Chúa Trời và trở nên những dũng sĩ  có tài.

Ghê-đê-ôn đã từng nói rằng, “Kìa, trong chi phái Ma-na-se, họ tôi vốn nghèo hơn hết; còn tôi là nhỏ hơn hết trong nhà cha tôi”.

Chúa kêu gọi những con người chẳng ra chi. Chúa đưa họ đến chỗ tin cậy Ngài và nhận thức rằng, “Chúa ơi, không phải là con nhưng là Chúa, không phải con có thể làm gì nhưng Chúa có thể làm gì, không phải là con muốn gì nhưng Chúa muốn gì” và lúc được Chúa dùng thì họ biết rằng, “Không phải tôi làm những điều nầy, nhưng Chúa đã làm mọi sự.” Đó là giao ước Đa-vít đã lập với những dũng sĩ của mình. Họ là những người thất bại cùng khốn, nhưng Đa-vít đã chỉ cho họ bí quyết thuộc linh mà ông đã khám phá. Đa-vít nói với những người cùng khốn mà sau nầy Chúa đã biến họ trở nên những dũng sĩ  rằng, “Hãy cùng tôi tôn trọng Đức Giê-hô-va, Chúng ta hãy cùng nhau tôn cao danh của Ngài”.

Những người theo chủ nghĩa nhân bản nói rằng, “Tôi có thể làm được mọi sự”. Nhưng Kinh Thánh không nói như vậy, Kinh Thánh cho biết, “Đức Chúa Trời làm được mọi sự”. Chúa ở với chúng ta và quyền năng của Ngài ở với chúng ta. Đa-vít và thuộc hạ tôn cao Chúa. Chúng ta chỉ là những người chẳng ra gì, những người thất bại, nhưng chúng ta tin vào Chúa là Đấng tốt lành. Nếu chúng ta tin cậy Chúa và được Ngài ban phước thì chúng ta có thể cùng tôn cao danh của Ngài. Khi Đa-vít và thuộc hạ của ông làm được những điều lớn lao thì những người chung quanh biết rằng sức mạnh của họ đến từ Đức Chúa Trời vì tự họ chỉ là những người cùng khốn mà thôi.

Thi Thiên là một sứ điệp dành cho người thất bại. Có bao giờ quí vị đã thất bại chưa? Nhiều người không hề biết thất bại là gì. Nhưng sớm hay muộn, mỗi người đều sẽ gặp thất bại cách khác nhau. Thất bại về tài chánh, thất bại trong nghề nghiệp, thất bại trong hôn nhân, thất bại trong gia đình, thất bại trong con đường theo Chúa . . .

Thi Thiên 34 dạy chúng ta biết phải ứng xử thế nào khi thất bại. Thật ra hiếm có những thất bại quá nặng nề đến nỗi chúng ta hoàn toàn không còn hy vọng. Sứ điệp của Đa-vít cho chúng ta là “Hãy nếm biết Chúa là Đấng tốt lành.”

Bài trướcBồi Linh Các Ban Phụ Nữ Tỉnh Kiên Giang
Bài tiếp theoGiải Thích Cho Trẻ Lý Do Con Cái Chúa Không Nên Tham Gia Halloween