SỰ KHÔN NGOAN THẬT

7245

HTTLVN.ORG – Giữa cảnh đời “thiên biến vạn hóa”, tiêu chuẩn của một cuộc sống sung túc và thành công là gì? Được sống lâu, giàu có, luôn chiến thắng kẻ chống đối mình hay sự khôn ngoan? Vua Sa-lô-môn (965-928 TC), vị vua nổi tiếng, đã không chọn ba điều đầu tiên, nhưng ông xin Chúa ban cho sự khôn ngoan. Bởi quyết định chọn lựa ấy, Đức Chúa Trời khẳng định …Ta đã ban sự khôn ngoan và tri thức cho ngươi; ta lại sẽ ban cho ngươi sự giàu có, của cải, tôn vinh, đến đỗi các vua trước ngươi không hề có như vậy, và sau ngươi cũng sẽ chẳng có vua nào được như thế (II Sử Ký 1:12). Điều này đã được chứng thực qua lịch sử nhân loại.

Chính Môi-se, vị lãnh tụ lớn của dân Y-sơ-ra-ên, cũng đã nhận ra sự khôn ngoan thật đến từ chính Đức Chúa Trời, là nguồn khôn ngoan, chứ không phải từ thế gian với những giá trị khôn ngoan đặt trên nền tảng tạm thời. Vì vậy ông đã thốt lên: “Cầu xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi; hầu cho chúng tôi được lòng khôn ngoan” (Thi Thiên 90:12). Sự khôn ngoan thật phải đến từ Đấng khôn ngoan, nhưng làm thế nào để nhận được sự khôn ngoan ấy? Thi Thiên 90:1-17 cho chúng ta biết nguyên tắc sở hữu sự khôn ngoan thật, để qua đó chúng ta có thể sống trong nguồn phước hạnh dạt dào từ thiên thượng. Lẽ dĩ nhiên, muốn nhận được sự khôn ngoan từ Chúa thì điều đầu tiên phải thật sự biết Chúa là ai!

 

  1. Nhận biết Chúa là Đức Chúa Trời (câu 1-2)

Chúa mà Cơ Đốc nhân đang thờ phượng và hầu việc không bị giới hạn trong những bức tượng như các thần khác. Ngài là Đức Chúa Trời của cõi vũ trụ này, Đấng “vô thời biến cải” và là nơi để chúng ta nương dựa đời đời: “Lạy Chúa, từ đời nầy qua đời kia Chúa là nơi ở của chúng tôi, …từ trước vô cùng cho đến đời đời Chúa là Đức Chúa Trời” (Thi Thiên 90:1-2). Môi-se ký thuật những lời cầu nguyện này khi ông đang dẫn dân sự đi trong đồng vắng, và sắp bước vào vùng đất hứa trù phú, màu mỡ. Lời cầu nguyện này khẳng định Môi-se biết chắc rằng vùng đất giàu có mà ông và dân sự sẽ vào chưa phải là quê hương chính của mình, nhưng Chúa mới là nơi ở của ông và đoàn dân. Ông tin quyết vào điều đó qua tất cả những phép lạ giải cứu lẫn hình phạt mà ông và dân sự đã trải nghiệm trong đồng vắng. Quả thật, người nào nhận biết được điều này trong cuộc đời sẽ thấy rằng những thứ mình được hay mất đều chỉ là phù du. Người ấy sẽ không còn nặng lòng lo nghĩ và bất an khi đối diện với ba đào vây phủ.

Bình an có thể đến từ sự cố gắng bản thân không? Hay đến từ sự rèn luyện tâm trí, hoặc có được từ thái độ bất cần, vô tâm? Nếu có thể đạt được trạng thái “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến” thì thế gian đâu còn hai chữ “ưu phiền”. Tuy nhiên, người tin Chúa thì “Phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi (Thi Thiên 23:6) với điều kiện “tôi sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va cho đến lâu dài”. Vì ngoài Đức Chúa Trời, Đấng có “từ trước vô cùng cho đến đời đời” chúng ta sẽ theo ai? Ai có quyền trên cuộc đời chóng tàn của chúng ta khi “sự sống của anh em là chi? Chẳng qua như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay” (Gia-cơ 4:14).

 

  1. Nhận biết sự tạm bợ của đời người (câu 3-10)

“Chúa khiến loài người trở vào bụi tro, và phán rằng: Hỡi con cái loài người, hãy trở lại” (Thi Thiên 90:3). Không ai khác ngoài Đấng đã tạo dựng loài người từ bụi đất mới có quyền khiến loài người trở vào bụi tro. Do hậu quả của tội lỗi, loài người phải nhận lãnh bản án tử hình là sự chết. Sự chết của con người tùy thuộc vào Chúa là Đấng ban sự sống cho loài người. Môi-se đã nhận biết sự tạm bợ của đời người khi ông và dân sự trải nghiệm bốn mươi năm chậm chạp trôi đi như một dòng sông rộng lớn. Ông buồn bã chứng kiến thời gian và sự chết dần dà đem đi tất cả con cháu được sinh ra tại Ai Cập đúng như Lời Chúa đã phán “Vì Đức Giê-hô-va có phán về bọn đó rằng: Chúng nó hẳn sẽ chết trong đồng vắng! Vậy, chẳng còn lại một tên, trừ ra Ca-lép, con trai Giê-phu-nê, và Giô-suê, con trai Nun” (Dân Số Ký 26:65).

Bốn mươi năm Môi-se phải cưu mang đoàn dân cứng cổ, cứng lòng, thì quả là một chặng đường đầy gian nan, mòn mỏi và buồn bã. Nhưng với Đức Chúa Trời, Ngài không bị giới hạn bởi thời gian, dù thời gian chính là kẻ thù của nhiều người: “Vì một ngàn năm trước mắt Chúa khác nào ngày hôm qua đã qua rồi, giống như một canh của đêm” (Thi Thiên 90:4). Thời gian lấy đi tuổi thanh xuân, ước mơ, sức khỏe,… của Môi-se, của dân Y-sơ-ra-ên và của chính chúng ta. Lắm khi, thời gian khiến không ít Cơ Đốc nhân tự hỏi chẳng hay Chúa có quyền trên tương lai không? Nếu quả thật cuộc đời con người chỉ trôi qua như “dòng nước chảy cuồn cuộn, một giấc mơ, cây cỏ” (Thi Thiên 90:5-6) và chẳng có nơi nào bám víu, thì đó quả là một cuộc đời vô nghĩa và bất hạnh. Nhưng phước hạnh thay, vì chính Đức Chúa Trời là Đấng có quyền định đoạt số phận tạm bợ và chóng qua của chúng ta. Trên phương diện tổng quan, thì số phận chung của nhân loại là câu chuyện buồn thảm về những cuộc đời hư mất bởi tội lỗi, buộc phải chịu trách nhiệm với Đức Chúa Trời, là Đấng gớm ghê tội lỗi, kể cả những tội giấu kín. Vì ánh sáng của Đức Chúa Trời soi sáng những góc kín đáo nhất của tấm lòng, và phơi bày những bí mật tối tăm của nó (Thi Thiên 90:7-8). Đây không phải là những lời hù dọa với mục đích khiến con người sợ hãi, hay chán nản, sống bất cần, nhưng là sự cảnh báo “hãy tận dụng thì giờ” chúng ta còn trên đất “vì đời sống chóng qua,…” để làm những việc có giá trị và ý nghĩa lâu bền. Đừng ai chỉ sử dụng cuộc đời như con thiêu thân lao vào vòng xoáy tìm kiếm vật chất đời này, để đến “giây phút cuối cùng” nhìn lại tất cả chỉ là hư không, nhưng linh hồn lại có một khoảng trống không thể lấp đầy, “Tuổi tác của chúng tôi đến được bảy mươi, còn nếu mạnh khoẻ thì đến tám mươi; Song sự kiêu căng của nó bất quá là lao khổ và buồn thảm, vì đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi” (Thi Thiên 90:10).

 

  1. Biết tận dụng thời gian cách khôn ngoan (câu 11-17)

“Ai biết sức sự giận của Chúa? Tùy theo sự kính sợ xứng đáng cho Chúa, ai biết sức sự nóng nảy Chúa?” (Thi Thiên 90:11). Chúng ta không thể đo lường được cơn giận của Đức Chúa Trời như thế nào. Nhưng điều quan trọng để nhận được ‘sự khôn ngoan thật’ là phải biết đo lường số ngày ngắn ngủi của mình trên đất, có thái độ thành tâm tin cậy và làm theo ý muốn của Chúa. Bằng chẳng vậy, chúng ta sẽ bị thế gian lôi cuốn vào nếp sống dại dột, kiêu căng mà không hề suy nghĩ đến sự tạm bợ của đời này và trách nhiệm của mình đối với Chúa. Nếu biết quý trọng từng giây phút trôi qua, chúng ta sẽ biết cách sử dụng quỹ thời gian còn lại cho những việc quan trọng nhất, quân bình mọi hoạt động từ thuộc linh đến thuộc thể. Ngoài cuộc sống hằng ngày với cơm, áo, gạo, tiền thì “người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 4:4). Cái chết của thân thể này vẫn chưa là điểm đến cuối cùng của con người “Bởi vì chúng ta thảy đều phải ứng hầu trước tòa án Đấng Christ, hầu cho mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt” (II Cô-rinh-tô 5:10). Sự ban thưởng hay đoán phạt trước Tòa Án Trắng chính là động lực để mỗi chúng ta tận dụng những khoảng thời gian quý giá của cuộc đời mình đầu tư vào Nước Trời.

Cho nên, phần còn lại của bài thơ gồm 6 lời cầu nguyện như một nguyên tắc để Môi-se, dân sự và chúng ta có thể đối phó với sự tàn phá của tội lỗi, và bước vào sự cư trú bình an trong Chúa. Đó cũng chính là sự khôn ngoan thật:

            Thứ nhất: “Cầu xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, hầu cho chúng tôi được lòng khôn ngoan” (Thi Thiên 90:12). Xin Chúa cho chúng ta nhận biết giới hạn của thời gian để có những hành động khôn ngoan.

Thứ hai: “Đức Giê-hô-va ơi, xin hãy trở lại. Cho đến chừng nào? Xin đổi lòng về việc các tôi tớ Chúa” (câu 13). Chúng ta cần nài xin ơn thương xót từ Chúa, Đấng sẵn lòng phục hòa lại mối liên hệ giữa người và Trời.

            Thứ ba: “Ôi! Xin Chúa cho chúng tôi buổi sáng được thỏa dạ về sự nhân từ Chúa, thì trọn đời chúng tôi sẽ hát mừng vui vẻ” (câu 14). Nguyện Chúa cho chúng ta được thấy hừng đông về tình thương của Chúa để làm dịu bớt đêm trường tối tăm của cơn giận Ngài. Một đời sống vui vẻ, thỏa dạ về sự nhân từ của Chúa chỉ đạt được khi đặt Chúa làm chủ mọi thành công và thất bại của cuộc đời mình.

            Thứ tư: “Xin Chúa làm cho chúng tôi được vui mừng tùy theo các ngày Chúa làm cho chúng tôi bị hoạn nạn, và tùy theo những năm mà chúng tôi đã thấy sự tai họa” (câu 15). Hoạn nạn dân sự phải gánh chịu là bởi sự lằm bằm, không vâng lời. Cho nên, muốn có được sự vui mừng, phước hạnh thì chỉ cách duy nhất là chấp nhận đóng đinh con người cũ, sống cuộc đời mới có Chúa làm Chủ.

            Thứ năm: “Nguyện công việc Chúa lộ ra cho các tôi tớ Chúa, và sự vinh hiển Chúa sáng trên con cái họ” (câu 16). Chúng ta không chỉ cầu nguyện cho chính mình, mà còn cầu nguyện cho con cháu chúng ta biết và làm theo công việc và ý muốn của Chúa, hầu cho danh Chúa được vinh hiển và chói sáng trên con cháu đời sau.

            Thứ sáu: “Nguyện ơn Chúa, là Đức Chúa Trời chúng tôi, giáng trên chúng tôi; cầu Chúa lập cho vững công việc của tay chúng tôi; phải, xin lập cho vững công việc của tay chúng tôi” (câu 17). Khi đã ăn năn, quay về cùng Chúa, làm con của Ngài, có cùng bản tánh với Đức Chúa Trời, thì tất cả những điều chúng ta làm trong ý muốn Chúa sẽ được Ngài ban phước và làm cho bền vững.

 

Đời sống khôn ngoan thật là cuộc đời nhận biết Chúa, Đấng có quyền trên con người và thế gian tạm bợ. Từ đó, xây dựng một nếp sống biết tận dụng quỹ thời gian còn lại, không chỉ dành cho thuộc thể, mà còn biết đầu tư đúng đắn vào Nước Trời.

 

MSNC. Tạ Quang Vinh

Bài trướcBồi Dưỡng Chấp Sự Tại Bình Định
Bài tiếp theoBài Ca Khải Hoàn – Chúa Vinh Hiển Oai Nghiêm – 27/9/2019