Bài thứ 199: Con Đường Sai Lạc

728

 

Một số người đi chệch mục đích đó, đã sa vào những cuộc tranh luận rỗng tuếch; họ muốn làm thầy dạy luật mà không hiểu lời mình nói hoặc điều mình quả quyết. Chúng ta biết luật pháp là tốt nếu được sử dụng đúng đắn, và biết rằng luật pháp đặt ra không phải cho người công chính mà cho những kẻ phạm pháp và phản nghịch, những kẻ vô luân và tội lỗi, những kẻ bất khiết và phàm tục, những kẻ giết cha mẹ và giết người, những kẻ tà dâm và đồng tính luyến ái, những kẻ buôn người, nói dối, khai man, và tất cả những gì chống lại với giáo lý chân chính.  Đó là điều dạy dỗ từ Tin Lành vinh quang của Đức Chúa Trời hạnh phước, mà ta đã được giao phó.

1 Ti-mô-thê  1:6-11.

” 

 

Có hai động từ quan trọng trong câu 6: một là xây bỏ hay đi chệch  và hai là đi sang đường khác hoặc là sa vào.

 

Vì không đặt tiêu chuẩn là tình yêu đối với Chúa và đối với người căn cứ trên đức tin chân chính mà một số người đã đi lạc hay đi sai lạc.  Những người giảng tà giáo là những kẻ chú trọng vào những luật lệ, những thói tục, hay lễ nghi mà bỏ qua lòng kính mến Chúa và tình thương đối với người.  Khi bỏ các căn bản này thì chỉ còn những lời rỗng tuếch như triết lý của con người mà thôi.

 

Các câu sau đó Sứ đồ Phao-lô nói về luật hay luật pháp.  Đây không phải là luật lệ trong hệ thống pháp lý của loài người, nhưng là luật đạo đức của Chúa ban hành cho dân tộc Do-thái đời xưa.  Luật của Chúa lúc nào cũng phải tôn trọng.  Tuy nhiên những người thời ấy đã dùng việc tuân giữ các luật này như là phương cách để được cứu rỗi khỏi tội là sai, và họ không hiểu việc dạy luật như thế là vô ích.  Luật Chúa đặt ra là để lên án những kẻ phạm pháp; vì thế những ai đã tin nhận Chúa Giê-xu, được tha tội thì không còn bị luật lệ này lên án nữa.  Những người theo Do-thái giáo, về sau sang Cơ-đốc-giáo nghĩ rằng phải mang cả tôn giáo cũ của họ sang, nhưng Sứ đồ Phao-lô dạy là họ không cần phải làm như thế.  Vì luật Chúa là thước đo tội phạm, còn chúng ta được Chúa tha tội là nhờ lòng tin nơi Ngài.

 

Ta đọc lại câu 10 của khúc Kinh Thánh này: những kẻ tà dâm và đồng tính luyến ái, những kẻ buôn người, nói dối, khai man, và tất cả những gì chống lại với giáo lý chân chính (hay..và vì hết thảy sự trái nghịch với đạo lành.)

 

 Trong câu 10, phần sau cùng sứ đồ Phao-lô nói về giáo lý chân chính hay đạo lành.  Từ  ‘lành’ được dùng trong ý nghĩa:  tốt lành, khỏe mạnh, có ảnh hưởng tốt.

 

Đạo lành là giáo lý chân chính mà các sứ đồ truyền rao theo mạng lệnh của Chúa Giê-xu.  Đạo lành căn bản là tin Chúa Giê-xu để được cứu rỗi và sống đời thánh thiện, như được trình bày rõ ở lá thư Sứ đồ Phao-lô gởi cho ông Tít.  Ta cần theo đạo lành, vì có nhiều thứ đạo không lành trong đời, mặc dù họ cũng xưng là tôn thờ Chúa Giê-xu.  Làm thế nào để phân biệt?  Ta chỉ có thể căn cứ vào lời dạy của Chúa và sống trong suy nghĩ cẩn thận chứ không phải theo xúc cảm nhất thời.

 

Ta sang câu 11.

 

Đó là điều dạy dỗ từ tin lành vinh quang của Đức Chúa Trời hạnh phước, mà ta đã được giao phó.

 

 Trong câu này có hai cụm từ cần được giải thích.  Thứ nhất là tin lành vinh quang và thứ hai là Đức Chúa Trời hạnh phước.

 

Trước tiên ‘tin lành’ trong câu này không có nghĩa là tôn giáo Tin Lành, không nên viết hoa, vì chỉ là tin mừng hay phúc âm mà thôi.

 

Tin mừng vinh hiển là tin mừng về Thượng-đế vinh quang mà con người không thể nào biết được, nếu không nhờ Ngài tự mạc khải.  Tin mừng này có liên quan trực tiếp đến số phận của mỗi người, đó là giải quyết tình trạng tội phạm đối với Thượng-đế và được tha thứ tội.

 

Ý nghĩa của tin mừng vinh quang đưa ta đến cụm từ tiếp theo, đó là Đức Chúa Trời hạnh phước.  Đây không những mang ý nghĩa là Đức Chúa Trời là nguồn hạnh phước, nhưng chính Ngài hạnh phước hoàn toàn.  Từ “hạnh phước” còn mang tính chất suy tôn chúc tụng, vì vậy Đức Chúa Trời hạnh phước còn có nghĩa là Ngài là Đấng đáng tôn thờ nữa.

 

Qua hai cụm từ này ta cần hiểu rằng người tin Chúa không phải là vào một tôn giáo, nhưng nhận một tin mừng cho riêng mình và hân hoan tôn thờ Chúa,  vì chỉ một mình Ngài ban hạnh phước tha thứ,  tái tạo và đáng cho nhân loại tôn thờ mà thôi.

 

Chúng ta nên nhớ rằng, chỉ nhờ đức tin nơi Chúa, do lòng trong sạch, lương tâm được thanh tẩy bằng máu Chúa Giê-xu, thực hành lòng kính yêu Chúa chân thành và thương yêu đồng bào mà ta được cứu.  Ta không cần thêm gì vào căn bản này.  Những người thêm bớt vào lời dạy của Chúa chỉ làm cho người tin Chúa hoang mang và tạo nên tranh cãi không cần thiết.

 

Ta nên hết lòng tin Chúa và dành nhiều thì giờ học biết về Ngài để không bao giờ bị các lý thuyết của loài người làm cho hoang mang và dao động.

 

 

Bài trướcThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Của Cụ Ông NGUYỄN VĂN TẬP.
Bài tiếp theoBài thứ 200: Phục Vụ