Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới
Chúng ta đã lược khảo xong sách Giô-suê, bây giờ sẽ đi qua sách Các quan xét. Chủ đề của sách Giô-suê là chinh phục Ca-na-an. Thế nhưng sách Các quan xét cho biết rằng, dân Y-sơ-ra-ên đã không chiếm hữu toàn bộ Ca-na-an. Chính những người Ca-na-an còn lại, sau đó tấn công và thống trị họ nhiều lần. Như vậy, sứ điệp của sách Giô-suê là tiến chiếm Ca-na-an, còn sứ điệp của sách Các quan xét là dân sự đã không thành công trong sứ mạng tiến chiếm nầy.
Việc Đức Chúa Trời ra lệnh cho dân sự của Ngài tiến hành cuộc chiến tranh tiêu diệt các dân tộc tại Ca-na-an đã gây nhiều thắc mắc cho nhiều người. Một tín hữu có khả năng suy luận, biết nhận định sẽ đặt vấn đề về chỗ nầy khi đọc qua các sách lịch sử của Cựu ước. Trong quá trình lược khảo các sách lịch sử, chúng ta sẽ quay trở lại vấn đề nầy. Bởi vậy, hôm nay trước khi đi chi tiết vào sách Các quan xét, chúng ta cùng tìm hiểu về bản chất của cuộc chiến nầy.
Thử đặt vấn đề: Làm thế nào một Đức Chúa Trời là Đấng chúng ta biết rất giàu lòng yêu thương, lại ra lệnh cuộc chiến tranh tận diệt? Thật ra, câu hỏi đi vào vấn đề chiến tranh. Chiến tranh có phải là một khái niệm xuất phát từ Kinh Thánh không? Có gì sai trật trong chiến tranh không? Nhiều tín hữu nhiệt thành của một số các hệ phái như Menonite chẳng hạn, tin rằng chiến tranh luôn luôn là sai trật. Họ thà chết chứ không bao giờ đi ngược lại niềm tin đó. Nếu quốc gia họ đang ở trong tình trạng chiến tranh với một quốc gia khác, thì họ nhất định không chịu tham gia nhập ngũ, vì cho rằng làm như vậy là trái với lương tâm. Họ được những người khác kính trọng về lòng yêu chuộng hòa bình. Họ cũng thường trình bày những câu Kinh Thánh để ủng hộ cho lập trường chống chiến tranh, bất bạo động của họ. Những lý luận nhằm bảo vệ lập trường của họ rất thuyết phục. Quan niệm của họ là thế nầy: Tôi thà làm nạn nhân của chiến tranh chứ không thể làm người chịu trách nhiệm về chiến tranh. Nếu tôi mang vũ khí và tôi bị người khác giết trước khi tôi giết họ, thì tôi không những là nạn nhân của chiến tranh mà còn là người chịu trách nhiệm về chiến tranh. Nếu tôi quyết định tham gia cuộc chiến, tôi không những là nạn nhân mà còn là người chịu trách nhiệm về cuộc chiến đó nữa.
Theo họ, có sự khác biệt lớn lao giữa việc làm một nạn nhân của chiến tranh và việc chịu trách nhiệm về chiến tranh. Lập trường của họ là sẽ không bao giờ chịu trách nhiệm về chiến tranh. Họ đặt ra những câu hỏi hóc búa như sau: “Cơ Đốc nhân sẽ giết người theo cách nào?” Giả định bạn cho rằng giết người là điều đúng, thì phải giết người như thế nào? Nếu bắn họ, bạn sẽ bắn như thế nào? Bắn vào bụng hay bắn vào đầu? Những câu hỏi đại loại như vậy khiến chúng ta cảm thấy choáng váng. Dường như bạn khó chấp nhận được việc một Cơ Đốc nhân lại cầm súng bắn vào người khác. Nếu đặt ngược vấn đề với họ, giả sử nếu mọi người đều phản chiến bất bạo động thì chúng ta sẽ là nạn nhân của những kẻ ác trên thế giới nầy. Lập trường của họ là thế nầy: “Mục đích tối thượng của con người là tôn vinh Đức Chúa Trời chứ không phải bảo tồn chính họ. Nhiều người, rất nhiều người, ngay cả nhiều Cơ Đốc nhân cho rằng, sự bảo tồn bản thân là định luật đầu tiên của văn minh nhân loại, nhưng sự thật không phải như vậy. Tôn vinh Đức Chúa Trời là quy luật đầu tiên dành cho Cơ Đốc nhân. Chúng ta được kêu gọi để tôn vinh Đức Chúa Trời qua sự sống và ngay cả qua sự chết. Nhưng mục đích của con người không phải là để được sống còn hoặc tránh trở thành nạn nhân. Mục đích của cuộc sống là tôn vinh Đức Chúa Trời.” Những lý luận của họ dựa trên sự kiện như các sứ đồ không hề cầm gươm, họ đã bị giết vì lòng tin nơi Chúa mà không một ai trong họ đã xuống đường, tuốt gươm bạo động.
Họ có nhiều lý luận để ủng hộ cho lập trường nầy và chúng ta ngưỡng mộ lòng yêu chuộng hòa bình của họ. Nhưng xét cho đến cùng, nếu chúng ta chấp nhận lập trường của họ, một lập trường bất bạo động và phản chiến, thì chúng ta đã vô tình công nhận rằng, những kẻ ác trên thế giới được phép gây ra tội ác trên những người sống lương thiện. Hai vị lãnh đạo cột trụ của Hội thánh thời Tân ước là sứ đồ Phao-lô và Phi-e-rơ đã khẳng định rằng, Đức Chúa Trời thiết lập các viên chức bảo vệ an ninh cho xã hội giống như Ngài thiết lập Mục sư để rao giảng Tin lành. Các viên chức bảo vệ an ninh thi hành luật pháp của Đức Chúa Trời. Chương 13 sách Rô-ma và I Phi-e-rơ 2:14 cho biết, Chúa ban cho chúng ta các viên chức nầy để giữ gìn luật pháp và trật tự. Họ được Chúa dùng trừng phạt những kẻ gian ác bạo động. Kinh Thánh có nói rằng, “Sự trả thù thuộc về Ta, Ta sẽ báo ứng, Đức Giê-hô-va phán vậy.” Những người bất bạo động và phản chiến tin quyết vào điều đó. Các vị sứ đồ chủ trương hòa bình cũng tin rằng, một ngày kia Đức Chúa Trời sẽ báo trả, cho nên, họ không phải báo trả bây giờ. Chắc chắn sẽ có sự phán xét trong tương lai và công lý sẽ được thi hành. Nhưng bên cạnh sự phán xét trong tương lai, Phi-e-rơ và Phao-lô cho biết, Đức Chúa Trời vẫn bày tỏ cơn thạnh nộ của Ngài ngay trong hiện tại, chứ không phải đợi chờ ngày phán xét sau cùng ở tòa án lớn. Chúa bày tỏ điều đó qua các viên chức bảo vệ an ninh xã hội. Các sứ đồ nầy muốn nhắn nhủ rằng, “Nếu anh em muốn sống bình tịnh yên ổn thì hãy tuân giữ luật pháp của chính phủ. Bằng không, thì anh em sẽ chuốc lấy hậu quả vì những người nầy không phải được lập lên cách vô cớ. Họ sẽ trừng trị những người phạm tội.” Điều ngụ ý tại đây, khi họ áp dụng luật pháp để trừng phạt một người nào đó, thì họ đang làm công việc cho Đức Chúa Trời. Nếu tin vào việc Chúa thiết lập các viên chức nầy thì chúng ta phải tin rằng, những kẻ gian ác không được phép tung hoành, gieo tang thương bạo động trên những người dân lương thiện. Nếu mọi người đều theo chủ trương hòa bình tuyệt đối vào những năm 1940, thì hầu như không còn một người Do Thái nào còn sống sót trên mặt đất nầy vì đã bị Hít-le giết sạch. Sự kiện đó quá hiển nhiên. Hít-le quyết tâm tiêu diệt toàn bộ người Do Thái. Nếu lực lượng đồng minh không tiến vào Châu Âu và cuối cùng là đánh thẳng vào Bá Linh, thì người Do Thái đã không còn cho đến ngày hôm nay. Những người theo chủ nghĩa hòa bình tuyệt đối sẽ để cho Hít-le làm điều nầy. Nhưng nếu không phải là những người theo chủ nghĩa hòa bình tuyệt đối, thì bạn sẽ chấp nhận lập trường được mô tả bởi Phi-e-rơ và Phao-lô trong 1Phi-e-rơ 2:14 và Rô-ma 13. Như vậy, bạn sẽ tham chiến để bảo vệ những người lương thiện. Khi chấp nhận lập trường nầy, bạn tin quyết vào nền quốc phòng vững mạnh, hay nói cách khác, bạn chấp nhận sự hiện hữu của chiến tranh.
Tướng Eisenhower, là người chỉ huy cuộc viễn chinh tấn công Normandy và rồi đánh thẳng vào Bá Linh, có một người mẹ theo chủ nghĩa hòa bình. Bà là một thuộc viên của Hội thánh Đấng Christ tại Texas. Tướng Eisenhower là người lớn lên và được giáo dục theo chủ nghĩa hòa bình. Nhân kỷ niệm hai mươi năm biến cố trọng đại nầy, tướng Eisenhower được phỏng vấn bên cạnh tướng Montgomery của lực lượng viễn chinh của Anh. Water là người hướng dẫn chương trình đã hỏi tướng Eisenhower rằng, liệu việc mẹ của ông là một người theo chủ nghĩa hòa bình có tạo nên khó khăn nào cho ông không khi tấn công để tiêu diệt Đức quốc xã. Tướng Eisenhower đã trả lời rằng, “Thành thật mà nói là có cho đến khi tôi chứng kiến tận mắt trại tập trung đầu tiên vừa được giải phóng. Sau khi mục kích những gì mà Đức quốc xã đã gây ra tại những trại giết người nầy, thì chủ nghĩa hòa bình không còn làm cho tôi phải băn khoăn nữa. Tôi đi đến kết luận rằng, chủ nghĩa Đức quốc xã của Hít-le giống như ung thư của thế giới; và do đó, điều đơn giản phải làm là cắt bỏ khối ung thư nầy. Thật vậy, sau khi chứng kiến trại tập trung giết người đó, thì chủ nghĩa hòa bình không còn làm cho tôi phải bận tâm nữa.”
Nếu chúng ta tin giống như Tướng Eisenhower tin, rằng có những người tàn ác trên thế giới và Chúa muốn trút cơn đoán phạt của Ngài trên họ. Nếu chúng ta tin ở sức mạnh quân đội, tin ở việc các viên chức được thiết lập để bảo vệ an ninh, và tin nơi sự cần thiết phải tiến hành chiến tranh trong một số trường hợp nhất định, thì một vấn đề tiếp theo được đặt ra, bạn có tin nơi chiến tranh để tận diệt một quốc gia nào không?
Một vị tướng đã nói rằng, “Sự chém giết lẫn nhau trong chiến tranh thật kinh hoàng đến nỗi cách tốt nhất là phải kết thúc nó cách nhanh chóng và dứt khoát.” Chiến tranh thật ghê rợn và khủng khiếp.
Nếu xem xét mọi điều nầy, những phần Kinh Thánh mà chúng ta đã đề cập cũng như những phần khác nữa, chúng ta có cho rằng, việc mà Đức Chúa Trời đã ra lệnh chiến tranh còn là điều không hợp lý nữa chăng? Nếu Đức Chúa Trời đã ra lệnh chiến tranh, có phải là điều không hợp lý khi Ngài yêu cầu phải tận diệt nhằm đem lại một chiến thắng dứt khoát để bảo vệ hòa bình và duy trì nền hòa bình đó. Đó là vài ý tưởng về chiến tranh tận diệt mà chúng ta cần hiểu rõ trước khi vào các sách lịch sử trong Kinh Thánh. Khi đọc Kinh Thánh, bạn sẽ có những câu hỏi và đây sẽ là một trong những câu hỏi sẽ đến với mình.
Lần đến, chúng ta sẽ học về chu kỳ bội đạo đã xảy ra 7 lần trong Kinh Thánh. Chúng ta sẽ khám phá rằng, chu kỳ nầy đang tái diễn hôm nay tại các nước Âu Mỹ. Nhiều nước, Tin Lành đã một thời là niềm tin của đại đa số, thì nay chỉ là hữu danh vô thực. Chu kỳ bội đạo nầy và các hậu quả nghiêm trọng của nó cũng được tìm thấy trong các Hội thánh, Giáo phái, trường Kinh Thánh hoặc những tổ chức Tin lành khác. Điều đáng quan ngại là chu kỳ bội đạo đó có thể tái diễn trên đời sống mỗi chúng ta.