Bài 54: Lời Cầu Nguyện Không Cần Thiết Và Kẻ Thù Của Đức Tin (TT)

1240

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Trong bài trước, chúng ta đã xem xét đến kẻ thù nguy hiểm nhất của đức tin và lòng trung thành đó là nói dối, ăn cắp và lừa đảo. Bây giờ, chúng ta cùng xem Giô-suê đoạn 9.

 

Đoạn nầy là một minh họa về một khía cạnh khác của đức tin. Chương nầy được gọi là “Sự sáng suốt của đức tin”. Một trong những yếu tố quan trọng của đức tin là sự sáng suốt để nhận định. Muốn sống một đời sống của đức tin, chúng ta cần phải biết ý muốn của Đức Chúa Trời. Một trong những câu hỏi mà con cái Chúa thường hỏi: “Làm thế nào để biết rằng Chúa muốn tôi làm việc nầy, Chúa không muốn tôi làm việc kia?” Khi khám phá rằng, Đức Chúa Trời có một chương trình và có ý muốn của Ngài cho từng đời sống, một câu hỏi lớn tiếp theo được đặt ra: “Làm thế nào để biết được chương trình và ý muốn của Đức Chúa Trời?” Để biết ý muốn của Đức Chúa Trời, chúng ta cần có Đức Thánh Linh, vì nhờ Ngài mà con cái Chúa có sự sáng suốt về phương diện thuộc linh. Phải là người theo Chúa mới có được sự hướng dẫn của Thánh Linh. Sa-tan rất mưu mẹo, lừa dối, giả mạo và bắt chước mọi điều giống như Đức Chúa Trời. Sa-tan giả làm thiên sứ sáng láng. Nếu chúng ta tưởng tượng Sa-tan là một nhân vật đen đúa, răng nanh nhọn hoắt tay cầm chĩa ba, thì đây là hình ảnh mà Sa-tan muốn chúng ta nghĩ về nó. Nó muốn chúng ta tin rằng, Sa-tan chỉ là một nhân vật huyền thoại. Nhưng xin nhớ rằng, quyền lực Sa-tan và điều ác rất thực. Trong thế giới thuộc linh, có quyền năng của Đức Chúa Trời cũng như có quyền lực của Sa-tan. Những gì thuộc về thế giới tâm linh không nhất thiết đến từ Thánh Linh. Đó là lý do khiến Môi-se cấm tuyệt đối về việc đồng bóng, ma thuật vì những điều nầy liên hệ đến thế giới tà linh.

 

Chương 9 có đề cập đến những người gọi là Ga-ba-ôn. Giống như Ra-háp, họ biết dân Y-sơ-ra-ên đang tiến chiếm Ca-na-an một cách có hệ thống, giết mọi người; và cũng biết họ sẽ cũng bị cùng chung số phận. Bởi vậy, họ giả vờ làm cho giày dép, quần áo và bánh nước bị mốc meo, cũ kỹ và tả tơi để dân Y-sơ-ra-ên tưởng rằng họ ở một nơi rất xa.

Thật ra, họ ở sát bên cạnh; nhưng khi gặp họ, người Y-sơ-ra-ên nghĩ họ đến từ một vùng rất xa xôi. Điều đáng buồn tại đây là người Y-sơ-ra-ên đã không cầu hỏi Chúa trong trường hợp nầy. Họ lập tức lập một thỏa ước với người Ga-ba-ôn. Người Ga-ba-ôn khẩn khoản với dân Y-sơ-ra-ên rằng: “Xin lập một thỏa ước với chúng tôi. Chúng tôi không sống tại vùng Ca-na-an, nhưng ở một nơi xa, rất xa”. Không cầu hỏi ý Chúa, người Y-sơ-ra-ên bị thuyết phục và lập thỏa ước với họ. Sau đó mới khám phá rằng, người Ga-ba-ôn định cư ngay tại Ca-na-an. Nhưng “bút sa gà chết”, người Y-sơ-ra-ên buộc phải giữ đúng thỏa ước nầy. Vì không thể tiêu diệt họ được nên dân Y-sơ-ra-ên bắt người Ga-ba-ôn làm tôi mọi.

 

Ga-ba-ôn là một trong những minh họa về những kẻ thù hay trở lực của đức tin. Trước tiên, nhiều người cho rằng, Giê-ri-cô là tiêu biểu cho thế gian vì bạc vàng quần áo của Giê-ri-cô đã khơi dậy lòng tham của A-can. Chúng ta nhìn thấy, chúng ta tham muốn và cuối cùng chúng ta chiếm đoạt. Những gì thuộc về thế gian làm lạc hướng chúng ta. Như vậy, thế gian là một kẻ thù của đức tin.

 

Vì dân Y-sơ-ra-ên đã khinh thường A-hi, nên A-hi tiêu biểu cho xác thịt. Theo William Barclay, xác thịt là bản chất tự nhiên của con người mà không cần đến sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời. Xác thịt thường liên hệ với bản chất của chúng ta để phạm tội hoặc có xu hướng phạm tội. Chúa Jêsus dạy rằng: “Tâm linh thì muốn nhưng xác thịt thì yếu đuối”. Do đó, A-hi là một bức tranh chỉ về một trở lực khác nữa của đức tin được gọi là xác thịt. Một khi mà A-hi bị xem thường thì nó đánh bại dân Y-sơ-ra-ên. Nhưng khi dân Y-sơ-ra-ên có một cái nhìn đúng đắn thì họ chiến thắng A-hi. Bởi vậy, Thánh Linh sẽ đem lại sự chiến thắng nếu chúng ta hiểu đúng về xác thịt. Thường thì chúng ta có khuynh hướng coi thường xác thịt.

 

Khi người Ga-ba-ôn đến và thiết lập thỏa ước thì đó là hình ảnh của ma quỷ hành động. Ma quỷ là thiên sứ của sự sáng láng, không đến dưới hình thức ghê tởm nhằm cám dỗ chúng ta làm những điều tội ác xấu xa. Thường thì nó xuất hiện dưới những hình thức rất đẹp, rất đáng yêu. Mưu chước của ma quỷ là thế nầy: “Làm điều tốt chứ không làm điều tốt nhất”. Nếu Chúa kêu gọi chúng ta dâng mình để học Lời Chúa và hầu việc Ngài trọn thời gian, ma quỷ sẽ không cám dỗ chúng ta đi cướp ngân hàng. Nhưng nó có thể cám dỗ rằng, làm ăn mua bán và trở nên một tín đồ là đủ rồi. Dĩ nhiên làm một tín đồ, thậm chí làm một tín đồ nhiệt thành là điều tốt, nhưng nếu Chúa đã kêu gọi chúng ta bước vào công tác chăn bầy thì việc trở nên một tín đồ sốt sắng chỉ là điều tốt chứ không phải là điều tốt nhất. Đó là lý do vì sao điều tốt lại là kẻ thù của điều tốt nhất. Những người Ga-ba-ôn đã lừa dối, đây là bức tranh về ma quỷ. Chương 6, 7, 8 và 9 chỉ về những trở ngại của đức tin. Chương 6, Giê-ri-cô chỉ về thế gian, chương 7&8, A-hi  chỉ về xác thịt và chương 9, người Ga-ba-ôn là hình ảnh của Sa-tan.

 

Phần còn lại của Giô-suê cho thấy những hình ảnh của đức tin. Trước tiên, chúng ta thấy điều được gọi là “Viễn ảnh tích cực của đức tin”. Một trong những anh hùng của đức tin trong Kinh thánh là Ca-lép. Áp-ra-ham là anh hùng đức tin và Ca-lép cũng vậy. Ca-lép cùng với Giô-suê là 2 trong 12 thám tử đã báo cáo lạc quan sau khi do thám Ca-na-an. Ca-lép không bao giờ quên một viễn ảnh tốt đẹp trong tương lai. Suốt những ngày tháng lang thang trong đồng vắng, Ca-lép lúc nào cũng nghĩ về những chùm nho trĩu trái tại Hếp-rôn. Người khác thì than van vì đói khát, nhưng Ca-lép không đánh mất khải tượng đó. Nếu ai đó hỏi rằng, “Ca-lép, ông đang nghĩ gì vậy?” Có lẽ Ca-lép trả lời rằng: “Tôi đang nghĩ về những chùm nho tại Hếp-rôn”. Những người khác thấy đầy dẫy khó khăn trở lực, giống như bài hát viết rằng: “Người khác thấy những người cao lớn giềnh giàng, nhưng Ca-lép thấy Đức Chúa Trời”. Dĩ nhiên Ca-lép thấy những kẻ khổng lồ, cũng thấy những trở lực, nhưng quan trọng là Ca-lép còn thấy Đấng vĩ đại hơn tất cả những điều nầy. Khi vào Ca-na-an, Ca-lép là người đã chiếm và sở hữu Hếp-rôn, là một thành phố được Môi-se hứa ban cho ông. Ông gặp Giô-suê và xin đi đánh thành đó. Giô-suê đồng ý và ông đã chiếm Hếp-rôn. Đây là một hình ảnh rất đẹp về “Viễn ảnh tích cực của đức tin”.

 

Bên cạnh đó là “Viễn ảnh tiêu cực của đức tin”. Điều nầy được trình bày từ chương 14 đến 23. Phần nầy nói nhiều lần việc dân Y-sơ-ra-ên đã không đánh đuổi dân Ca-na-an ra khỏi xứ, trong khi Đức Chúa Trời đã ra lệnh tuyệt diệt các dân tộc nầy. Nếu vâng lời thì sau nầy họ đã không bị người Ca-na-an thống trị đến 7 lần như được nói trong sách Các quan xét. Chúng ta đọc nhiều lần những câu tương tự như thế nầy: “Người Giu-đa không thể đánh đuổi người Giê-bu-sít nên chúng vẫn còn sống cho đến ngày nay. Người Ca-na-an không bị đuổi ra khỏi xứ nên họ làm tôi mọi cho người Ép-ra-im, hoặc vì con cháu của Ma-na-se không đánh đuổi cư dân tại thành phố đó nên người Ca-na-an vẫn còn lưu lại”. Việc dân Y-sơ-ra-ên không hoàn toàn chinh phục người Ca-na-an được lặp đi lặp lại trong sách Giô-suê. Hậu quả là nhiều năm sau họ bị chính những quốc gia nầy chinh phục và bắt làm nô lệ.


Sự kiện đó cho chúng ta bài học áp dụng. Một số người nói về những Ca-na-an đã được chiếm hữu và những Ca-na-an chưa được chiếm hữu trong đời sống họ. Điều nầy có nghĩa gì? Đức Chúa Trời bảo chúng ta phải tiến vào Ca-na-an thuộc linh và chinh phục nó hoàn toàn. Nhiều người đã được giải phóng ra khỏi Ai-cập thuộc linh nhưng chưa bao giờ bước vào Ca-na-an thuộc linh. Một số người khác thì đã tiến vào Ca-na-an, nhưng họ chỉ chiếm vài thành trì mà thôi.

 

Dick Woodward kể về Mục sư của ông là người đã về với Chúa với căn bịnh ác tính như sau: “Ngay sau khi biết ông sắp về với Chúa thì tôi đến gặp ông. Khi chúng tôi nói về cuộc sống trên đất nầy đang đến hồi kết thúc và sự sống đời đời đang bắt đầu, thì ông bày tỏ lòng ân hận. Ông giải thích là vì còn nhiều Ca-na-an phải chinh phục. Tôi hiểu lầm là ông muốn nói về những công việc Chúa ông đã làm. Thực sự, ông có một chức vụ rất kết quả. Bởi vậy, tôi mới nhắc lại những việc lớn lao mà Chúa đã làm qua ông. Tôi nói: “Mục sư còn xin thêm điều gì nữa? Ông đã chiếm hữu Ca-na-an quá nhiều rồi”. Nhưng ông nghĩ theo một cách khác. Ông đáp: “Không, tôi không nói về chức vụ. Tôi nghĩ về tính khí của tôi, nghĩ về tội lỗi trong đời sống của tôi. Ca-na-an của tôi là như vậy và còn quá nhiều để chiếm hữu”. Mục sư của tôi nói với bác sĩ rằng: “Tôi có quá nhiều Ca-na-an thuộc linh phải chiếm hữu trước khi tôi về gặp Chúa”. Bác sĩ đã trả lời rằng: “Mục sư đã gặp đúng căn bịnh. Trước khi Chúa đem ông về, Chúa sẽ dùng những sự đau đớn nầy để làm tan biến những gì trái với bản chất của Ngài. Mục sư sẽ chiếm hữu Ca-na-an trong vài tháng trước khi Chúa cất linh hồn ông”. Sự đau khổ có thể đem lại tác dụng đó trên đời sống chúng ta. Đây là một bài học áp dụng. Bạn đã chiếm hữu Ca-na-an thuộc linh của mình chưa?

Phần nầy cũng nêu lên một vấn đề về những cuộc chiến tranh diệt chủng, đây là một nan đề lớn cho nhiều người. Làm sao một Đức Chúa Trời yêu thương lại ra lệnh tiêu diệt cả một dân tộc? Vì nội dung của câu hỏi và thời gian lại hạn hẹp nên trong bài sau chúng ta sẽ tìm câu trả lời cho vấn đề nầy.

 

Chương 24 kết thúc sách Giô-suê. Đây là một hình ảnh cuối được gọi là “Lập trường của đức tin”. Trước khi chấm dứt, Giô-suê thách thức dân sự hãy xác quyết một lập trường cho đức tin của mình. Để làm gương, ông nói: “Đây chính là lập trường của ta. Ta và nhà ta phụng sự Đức Giê-hô-va”. Giô-suê đã xác quyết rằng, bất luận điều gì xảy ra cho ông và nhà ông, thì họ nhất định tôn Đức Chúa Trời lên hàng đầu. Họ sẽ phụng sự Ngài. Khi được Giô-suê thách thức, dân Y-sơ-ra-ên cũng bày tỏ cùng một lập trường với ông mà nói rằng: “Chúng tôi phục sự Chúa và tôn Ngài trên hết”. Giô-suê tiếp tục: “Chúa thấy điều nầy và các ngươi làm chứng về điều nầy. Các ngươi tôn Chúa trên hết và phục sự Ngài”. Ông đã thách thức họ vào cuối sách Giô-suê giống như Môi-se thách thức dân Y-sơ-ra-ên ở cuối sách Phục truyền luật lệ ký và Lê-vi ký. Ông khuyến khích họ hãy chọn phục sự Chúa, thực hành đức tin đã được minh họa bởi 16 cách khác nhau qua sách Giô-suê.

 

Giô-suê đã kết thúc sách của ông với một lập trường của đức tin. Đó là cách tốt cho bạn và tôi suy nghĩ về đức tin khi chúng ta đến phần cuối của sách nầy. Bạn đã xác quyết một lập trường của đức tin chưa? Phần ứng dụng chính của sách Giô-suê là bạn và gia đình đã quyết định phụng sự chỉ một mình Đức Chúa Trời chưa? Nếu chưa thì đây là lúc để quyết định vậy.

Bài trướcNgày 3: Phân Biệt Giàu Nghèo
Bài tiếp theoHội Đồng Bồi Linh Tỉnh An Giang Lần Thứ 21