Bài 12: Cầu Nguyện Cho Ngày Mai

1250

Nguyễn Sinh biên soạn

 


Cầu Nguyện Cho Ngày Mai

 

 

Chúng tôi nhận được lá thư có lời thỉnh cầu như sau:

"Xin cho tôi biết phải làm sao để có được tin tưởng vào ngày mai và bình tĩnh đối diện với tương lai. Tôi biết rằng quá khứ tôi không thể làm gì được nữa rồi; tôi có thể lo cho hiện tại; nhưng khi tôi nghĩ đến những gì có thể xẩy ra trong tương lai, tôi cảm thấy bất lực và lo sợ."

 

Bước đầu tiên để có được tin tưởng vào tương lai là phải học và ý thức rằng đời sống là tốt lành. Kinh thánh dạy:

Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định. Rô-ma 8:28.

 

Nguyên tắc trong câu Kinh thánh này áp dụng cho tương lai cũng như cho hiện tại hay quá khứ. Nhưng nói như thế không có nghĩa là mọi việc xẩy ra đều tốt lành cả. Cuộc đời là những chuỗi ngày vui vẻ và buồn chán, đắc thắng và thua bại, thành công và thất bại. Chúng ta cũng biết rằng ngày mai đây có thể đem đến vừa tốt lành lại vừa xấu xa cho đời mình. Nhưng ta nên nghĩ về tương lai trong tổng thể chứ không phải những kinh nghiệm riêng lẻ.

 

Thí dụ như chiếc tàu đi biển chẳng hạn. Mục đích của chiếc tàu thủy là vượt qua những biển cả, nhưng không phải tất cả các thành phần cấu tạo tàu đều nổi trên mặt nước. Động cơ tàu chẳng hạn, nếu ngâm xuống nước sẽ tức khắc chìm sâu dưới đáy biển, nhiều cơ phận khác cũng vậy. Nhưng khi tất cả mọi cơ phận được kết nối vào nhau theo đúng thiết kế, thì chiếc tàu chạy được.

 

Cuộc đời cũng như thế. Có việc xấu xảy ra cho chúng ta, nhưng cũng có những việc tốt lành mà chúng ta được hưởng. Khi chúng ta xét nghiệm những sự việc trong đời chúng ta nên kết hợp tất cả với nhau bằng tình thương của Chúa, chúng ta sẽ thấy rằng tổng quát thì cuộc đời vẫn tiến đến chỗ tốt lành cho chúng ta. Đây chính là loại đức tin mà chúng ta cần.  Chúng ta không cầu xin Chúa đảm bảo là tất cả mọi nỗi đau buồn, bất mãn và nan đề sẽ không bao giờ xẩy ra cho ngày mai của chúng ta. Chúng ta thật sự không cần như thế.

 

Một câu chuyện cổ Hi-lạp kể rằng: Một phụ nữ đi đến dòng sông tên là Styx để được đưa qua sông và bước vào một đời sống mới. Người lái đò tên là Charon nhắc bà ấy rằng, bà ta có thể uống nước sông Lethe và như thế là quên hẳn cuộc đời mà bà ta đang rời bỏ.

 

Bà ấy hăng hái nói: "Tôi sẽ quên hết mọi đau khổ mà tôi đã phải chịu."

Nhưng người lái đò nói thêm: "Bà cũng sẽ quên hết những lúc bà hưởng niềm vui nữa."

Người phụ nữ bảo: "Tôi sẽ quên đi hết mọi thất bại của tôi."

Người lái đò nói: "Và bà sẽ quên đi cả những thắng lợi nữa."

Bà ấy bảo: "Tôi sẽ quên đi rằng tôi từng bị người tà ghét."

Người kia nói: "Và quên cả khi bà được người ta thương yêu nữa chứ!"

Câu chuyện kết thúc ở đoạn người phụ nữ ấy quyết định nên giữ lại những điều xấu trong ký ức để có thể giữ nguyên cả những điều tốt mà bà ấy từng được hưởng.

 

Đó là cái nhìn về tương lai. Chúng ta có thể uống một loại thần dược đặc biệt nào đó để có thể xóa bỏ hết đau khổ, thất bại, và ghen ghét của ngày mai, chúng ta hăng hái muốn được như thế. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng cuộc đời luôn luôn có hai mặt và phá hủy mặt này thì cũng cần phải phá hủy mặt kia nữa.  Nghĩa là xóa bỏ cả niềm vui, thắng lợi và yêu thương nữa. Chúng ta quyết định không thể uống thứ thần dược nguy hiểm đó.

 

Một số sự việc xấu xa xẩy ra trong đời. Một số sự việc khác thật là tốt lành. Nhưng cuộc đời vẫn là tốt lành, đúng như thánh Phao-lô đã bảo:

 

Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định. Rô-ma 8:28.

 

Khi chúng ta có lòng tin như thế, chúng ta sẽ đối diện ngày mai với hi vọng chứ không sợ hãi nữa.

 

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao chúng ta lo lắng về ngày mai?

Không phải vì chúng ta sợ có việc xấu xẩy ra. Chúng ta biết rõ những nỗi buồn và thất bại chờ sẵn phía trước chúng ta. 

Nhưng nên nhớ lời Thi Thiên 23 rằng:  "Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, Tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi;"

 

Tác giả Thi thiên này biết trước có trũng bóng chết chờ đón mình phía trước, nhưng ông cả quyết là "Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết" nghĩa là bước thẳng vào chỗ nguy hiểm, và vì thế ông "không sợ tai họa nào.."

 

Ta có thể đương đầu với nỗi đau sâu nhất, nếu ta biết ta sẽ chịu nổi, thực sự chịu nổi. Làm sao dám cả quyết như vậy?  Vì "Chúa ở cùng tôi"  Khi cuộc đời tập trung vào Chúa thì người đó biết rõ thất bại chưa phải là bước đường cùng.  Vì mọi sự sẽ hợp lại đưa đến lợi ích cho người hết lòng tin cậy và sống với Chúa.

 

Với đức tin như thế, những nỗi lo sợ về ngày mai sẽ nhường chỗ cho hi vọng, và khi ta nhìn vào tương lai với hi vọng, ta sẽ thấy cuộc đời là tốt lành. Hi vọng đem lại sức lực cho ta.  Châm ngôn 13:12 dạy rằng: Sự trông cậy trì hoãn khiến lòng đau đớn; Nhưng khi  ước ao được thành, thì giống như một cây sự sống.

 

Có người nghiên cứu về một hãng xưởng lớn có nhiều công nhân. Mọi người đều làm việc gần như nhau, nhưng đến cuối ngày có người tay chân mệt mỏi chán nản ra về, trong khi đó một số vẫn mạnh khoẻ và vui vẻ. Người quan sát nghiên cứu phỏng vấn họ, thì được biết nhóm thứ hai này có cái gì trông mong vào buổi tối hôm ấy.  Như có hội họp bè bạn ăn chơi hay tham dự cuộc vui cuối tuần.  Trong khi đó những người kia không có chương trình gì cả chỉ về nhà nghỉ.

 

Hi vọng là điều có thể phát triển. Muốn phát triển hi vọng thì phải có đối tượng để mà hi vọng. Hi vọng không bao giờ hiện thực nếu chưa có đối tượng. Xin đề nghị hai câu hỏi cho những ai không có hi vọng gì:

 

1. Điều mà bạn thực sự ước mong trong đời là gì?

2. Làm thế nào bạn bắt đầu để thực hiện điều ước mong đó?

 

Hai câu hỏi này sẽ đưa đến việc ấn định một mục tiêu để bắt đầu hành động và sáng tạo. Khi nào bạn đặt được mục tiêu thì tự động những mối lo sợ sẽ tiêu tan cả. Và lúc ấy bạn cũng không làm gì còn thời gian để mà lo lắng nữa.

 

Nhưng thường thì chúng ta cảm thấy rằng những nguồn cung cấp đều vượt xa sức của chúng ta.  Đó cũng là lý do mà chúng ta quay về với Chúa và khởi sự cầu nguyện. Khi chúng ta cầu nguyện với hi vọng như thế thì những từ như tuyệt vọng, không thể xẩy ra, thua bại đều sẽ bị bôi xóa khỏi tâm trí chúng ta.

 

Chúng ta nhớ lời Chúa Giê-xu dạy: 

 

Các ngươi nhơn danh ta mà cầu xin điều chi mặc dầu, ta sẽ làm cho, để Cha được sáng danh nơi Con. Giăng 14:13.

 

Lời hứa này quá vĩ đại và rõ ràng đến nỗi nhiều người không dám tin là thật nữa. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng Chúa không bao giờ thất hứa cả.

 

Câu Kinh thánh này có bốn điều dạy ta phải nhớ, đó là:

 

1.  Thông thường thì Chúa đã để những Điều chi mặc dầu đó ngay tầm tay với của ta. Một học sinh cầu nguyện xin Chúa cho có điểm cao trong cuộc thi ngay ngày hôm sau đó. Cậu ta cầu ngưyện khẩn thiết, nhưng vẫn thi rớt. Học sinh này mất đức tin và cho rằng Chúa không giữ lời hưá. Năm sau cậu ta quyết định không nhờ Chúa nữa, nhưng học bài rất cẩn thận thì thi đậu. Nhiều năm sau học sinh này mới biết rằng Chúa đã trả lời cầu xin trước khi cậu ta xin.  Vì Chúa đã ban cho cậu khả năng trí tuệ để học và thi đậu, nhưng năm đầu tiên cậu ta không sử dụng những gì Chúa cho, tức là khả năng học và thi đậu. Thành ra Chúa đã cho chúng ta những phương cách sỏ hữu những điều chi mặc dầu đó.

 

2.  Chúa khôn ngoan hơn ta và Chúa có quyền uy để phân biệt những gì tha thật sự cần và những gì ta muốn trong thời điểm nào đó. Một thiếu niên được đi xe ngựa suốt mùa hè với một chủ xe. Ông ta có con ngựa rất khỏe và thiếu niên kia lái xe rất giỏi. Vào tháng Chín là tháng trở lại trường học, cậu này không thích đi học nữa, nói với cha xin chạy xe ngựa với người chủ kia. Giả sử như người cha chiều con, bảo rằng: "Được, con đã quyết như thế và muốn làm nghề đó thì ta cho con làm." Nhưng người cha rất khôn ngoan, biết phân biệt những gì cậu con thèm khát ngay lúc đó và sự ước ao thật của cậu ta, nên không cho con đi làm nghề xe ngựa.  Chúng ta rất may vì Chúa khôn ngoan, Ngài trả lời những việc lớn cho chúng ta mà đôi khi Ngải phải khước từ những chuyện nhỏ trên lộ trình dẫn đến thành công.

 

3. Chúa quan tâm đến tất cả mọi người, nên nếu điều chi mặc dầu của tôi có thể gây khó khăn cho lời cầu nguyện của một người nào khác, thì với khôn ngoan và thương yêu vô hạn, Chúa sẽ trả lời lời cầu xin nào đáng phải được trả lời. Ông Năm gọi cho hãng hàng không để xin một chỗ trên chuyến bay, nhưng hàng không trả lời là không còn chỗ. Ngày hôm sau hàng không gọi lại nói rằng có một chỗ.  Ông Năm cầu nguyện xin Chúa cho có chỗ ngồi.  Nhưng khi ông Năm ra phi trường thì máy bay đã cất cánh, không chờ ông ta. Trong trường hợp đó, đúng ta đáng lẽ Chúa bắt người nào đó phải bỏ chỗ cho ông Năm có chỗ ngồi, nhưng như vậy là bất công đối với người đã có chỗ. Vì thế Chúa đã trả lời cầu nguyện của người hành khách kia để ông ta không bị bỏ lại.

 

4.  Mặc dù đã có lời Chúa hứa: Hễ nhân danh Chúa cầu xin điều gì cũng sẽ được, nhưng chúng ta đừng quên thêm câu:  "Nhưng không theo ý con mà theo ý Cha.’

Như thế chúng ta có thể nhân danh Chúa cầu xin bất cứ việc gì, Chúa sẽ làm cho, để Cha được sáng danh nơi Con,  nhưng không theo ý con mà theo ý Cha.

 

Với cái đảm bảo đó, mỗi chúng ta có thể nhìn vào tương lai với tin tưởng và không lo sợ.

 

Bài trướcTrại Hè “Vòng Tay Yêu Thương” Của Thiếu Nhi Hội Thánh Phú Lâm
Bài tiếp theoBài thứ 217: Chúa Thở Dài