Người May Mắn

1205

 

Năm đầu tiên khi mới ra trường, tôi nhận công tác tại một đơn vị vùng núi tỉnh Quảng Nam. Tuổi trẻ đang đầy nhiệt huyết, tôi và vài anh em hăng hái lên đường nhận nhiệm vụ dù chẳng biết nơi mình đến sẽ như thế nào. Đường lên Phước Sơn thật vất vả, xe chỉ chở chúng tôi đến Hiệp Đức, phần còn lại, suốt mấy chục cây số chỉ toàn đi bộ, mà đường thì vô cùng lầy lội, có chỗ bùn lên đến đầu gối. Vậy mà vẫn vui, vừa đi vừa trò chuyện, ngắm phong cảnh, mà phong cảnh thời đó còn rất hoang sơ với những cây rừng, dòng suối, con đường mòn và tiếng chim kêu… khiến chúng tôi như hòa mình vào giữa đất trời thênh thang này.

 

 

Đi hoài rồi cũng tới nơi, chúng tôi vào đến đơn vị khi chiều đã xuống, đón chúng tôi là một bác đội trưởng, tuổi đã khá cao, gần nghỉ hưu. Lán trại đơn vị đóng bên cạnh một con suối lớn, để tiện bề sinh hoạt, theo như bác đội trưởng giải thích, ban ngày đi rừng, tối về, cứ trải bạt ra mà ngủ thoải mái, ai muốn nằm đâu thì nằm. Thật ra, tiện thì có tiện vì nguồn nước ở gần, tắm rửa, giặt giũ, nấu nướng đều dễ dàng, nhưng mỗi lần mưa lớn, nước suối dâng lên rất nhanh, anh em cũng khá vất vả để di chuyển lên cao để tránh lũ. Đời sống và công việc cứ thế mà trôi theo thời gian.

 

Chừng khoảng hơn một năm sau, bác đội trưởng có quyết định nghỉ hưu, đơn vị chúng tôi lại đón một đội trưởng khác, tên là Hải, về thay. Anh Hải là một thanh niên trai tráng, khoảng gần bốn mươi, nhưng vẫn gọi anh là thanh niên vì anh chưa có gia đình. Anh là người rất vui tính, hài hước, và có đầu óc thực tiễn. Điều anh thực hiện đầu tiên là bắt chúng tôi phải dời lán trại lên cao, không ở gần dưới suối như trước đây nữa. Lúc đầu ai cũng phản đối vì thấy rất bất tiện, nhưng sau khi nghe anh phân tích, cả đội đều nhất trí. Anh nói, ở gần suối khi lũ về bất ngờ rất nguy hiểm, đội của anh trước đây đã có người chết vì lũ rồi. Thứ hai, sinh hoạt ngay tại suối, nấu nướng, tắm giặt cũng tại một chỗ rất mất vệ sinh. Chúng tôi đớ người ra, vậy mà trước đây mình không hề để ý. Sau khi chuyển lên cao, anh cùng mọi người vào rừng chặt các cây giang đem về làm ống, dẫn nước từ suối vào chỗ lán trại, đào mương thoát nước, làm bếp, nhà tắm riêng biệt ra. Anh cũng vận động anh em trồng thêm rau xanh để cải thiện bữa ăn, không những vậy, anh còn tự tay trồng ít khóm hoa nên khung cảnh khu trại trở nên khá khang trang dù nằm ở giữa vùng rừng núi. Chúng tôi gọi vui đây là công viên rừng núi.

 

Gia đình anh Hải trước đây tin Chúa đã lâu, tuy nhiên do thời cuộc, đi học, đi làm xa quê, không có điều kiện đi nhóm lại nên đức tin của anh cũng dần nguội lạnh. Có thể nói hầu như anh quên hẳn chuyện đi nhà thờ rồi, vậy mà Chúa đã cứu anh. Trong một chuyến công tác tại một vùng sâu, vào một buổi chiều, khi anh một mình lang thang bên dòng suối nhỏ để bắt vài con cá đem về nấu canh, anh chợt nghe có tiếng hát, “Này con yêu dấu, bóng con giờ đâu, con lạc phương nào, bao ngày sương gió, lòng ta đau đớn, xót xa vì con, ta nhớ thương con, tìm con khắp chốn. Rừng sâu heo hút, bước ta chợt nghiêng, mắt lệ cố nhìn ven rừng ven suối, mà sao xa vắng, bóng con biệt tăm, tim này tan nát, nhớ con muôn phần…”.

 

Khi nghe đến câu: rừng sâu heo hút, bước ta chợt nghiêng, mắt lệ ngước nhìn, ven rừng ven suối… lòng anh thấy xót xa, tự nhiên dâng trào nước mắt. Anh nhớ về Hội Thánh ngày xưa, nhớ về những giờ nhóm thờ phượng Chúa, nhớ những bài Thánh Ca quen thuộc, nhớ anh em trong Ban Hát lễ, nhớ vị quản nhiệm… Anh lần tìm lên đầu con dốc, một ngôi nhà thờ nhỏ hiện ra dưới bóng cây cuối đường. Ngôi nhà thờ vắng tanh, giống như lâu ngày không có người lui tới, tự nhiên anh liên tưởng đến cuộc đời anh trong những năm tháng qua, không hề có bóng dáng Chúa hiện diện… Anh mạnh dạn bước vào tư thất, một cụ già đang ngồi nghe nhạc, bài hát mà anh đã nghe chính là bài mà cụ đang mở. Qua trò chuyện, anh mới biết đây là ngôi nhà thờ nhỏ đã từ lâu không có người quản nhiệm, thời cuộc mà. Trước đây, vùng này có rất nhiều tín hữu, sau này, họ về quê hoặc đi làm ăn xa, Hội Thánh cứ thưa người dần và cuối cùng vị mục sư cũng được chuyển đi nơi khác. Hiện chỉ có vài gia đình ở đây, cụ là người ở gần bên nên thường hay qua đây chơi, tiện thể dọn dẹp luôn cơ sở nhà Chúa cho sạch sẽ, tuổi già thì chỉ biết làm có vậy, theo lời cụ nói. Khi anh trải lòng ra với cụ, nói rằng mình cũng là con dân Chúa nhưng đã lâu ngày không đi nhà thờ, cụ mừng lắm. Cụ khuyên anh nên trở lại thờ phượng Chúa, lấy minh chứng bằng chính cuộc đời của cụ, không gì phước hạnh bằng cuộc đời của một người theo Chúa, dẫu có phong ba bão táp vẫn nhẹ nhàng, thanh thản. Cụ nói anh là người may mắn vì đã có cơ hội trở lại cùng với Chúa, cái từ “may mắn” kể từ đó đã theo anh suốt cả cuộc đời về sau. Cụ cầu nguyện cho anh ăn năn trở lại với Chúa, anh đã khóc nức nở như đứa trẻ, đó là anh kể lại chứ tôi thì không thể biết được anh khóc nhiều đến như thế nào, vậy là cuộc đời của anh đã sang một trang mới… Sau này, anh có trở lại ngôi nhà thờ cũ nhưng nó đã hoang tàn, sụp đổ; cụ già giúp anh trở lại với Chúa năm nào cũng đã không còn nữa, anh nhận ra những gì trên cuộc đời nay thật ngắn ngủi, chính vì thế những ngày sau đó anh cố sống cho có kết quả nhất…

 

Hồi ban đầu, tôi để ý, thấy người đội trưởng mới của chúng tôi làm việc không giống như bác đội trưởng cũ. Chúa nhật nào anh cũng cho chúng tôi nghỉ ngơi chứ không tranh thủ làm như người tiền nhiệm. Sáng Chúa nhật anh thường bỏ đi đâu lâu lắm, đến trưa mới về, thậm chí có khi chiều tối mới có mặt ở đơn vị, anh em không ai biết được. Anh bảo mọi người, làm việc sáu ngày là đủ rồi nếu anh em làm việc hết mình, thậm chí ngày thứ hai anh vẫn cho chúng tôi ở nhà để tổng hợp số liệu thu hoạch được, thế nên thực tế chúng tôi chỉ đi rừng mỗi tuần có năm ngày mà thôi. Anh em ai cũng thích thời gian biểu và cách làm việc mới này, công việc vẫn trôi chảy, anh em lại có thời gian nghỉ ngơi, sửa sang lại lán trại, viết thư cho gia đình…

 

Một hôm anh Hải kêu riêng tôi ra. Anh hỏi nhà tôi ở đâu, có gần nhà thờ không, có biết mục sư này, mục sư kia không. Khi nghe tôi trả lời, anh im lặng một lúc rồi hỏi:

 

–        Mấy năm rồi chú không đi nhà thờ?

 

Tôi giật mình, vì không hiểu sao anh lại biết tôi là tín đồ, mà là tín đồ yếu đuối nữa. Nghe tôi kể chuyện hoàn cảnh, anh nói:

 

–        Trước đây, tôi cũng giống như chú, đã tin Chúa rồi bỏ. Tuy rằng chú không đi nhóm lại nhưng nếp sống của con dân Chúa vẫn còn lại một ít, chú không hút thuốc, không rượu chè…, lại rất chân thật, ngay thẳng, tôi nhìn vậy nên cũng có thể đoán được một phần nào.

 

Rồi anh kể lại chuyện anh trở lại với Chúa như thế nào, câu chuyện hay như cổ tích chứ không như tôi, chỉ tình cờ gặp anh. Thế rồi sáng Chúa nhật sau, anh rủ tôi cùng anh đi chơi, nói là đi chơi cho vui chứ thật ra là hai anh em chúng tôi vào sâu trong rừng, lên đến đầu nguồn con suối, nơi đó có một tảng đá to như một nền nhà, bằng phẳng, có thể chứa đến cả chục người. Hai anh em chúng tôi cùng giở Kinh Thánh ra đọc, hát Thánh Ca, và cùng nhau suy ngẫm Lời Chúa. Thú thật, lần đầu tiên hát Thánh Ca giữa núi rừng tôi vô cùng ngượng nghịu, dẫu rằng thấy cũng hay hay, đến khi anh bảo tôi chia sẻ đoạn Kinh Thánh vừa đọc tôi mới giật mình. Đã lâu lắm rồi, tôi không hề đọc Lời Chúa nói chi đến việc suy ngẫm, anh cười, động viên tôi, kể cho tôi nghe là anh phải tự học Lời Chúa một mình suốt mấy năm nay kể từ khi anh trở lại với Chúa. Đó là lý do sáng Chúa nhật nào anh cũng vắng mặt ở đơn vị để vào rừng thờ phượng Chúa một mình, hôm nay có thêm tôi anh rất vui, anh nói anh là người may mắn vì đã có thêm bạn nhóm lại. Và từ đó, mỗi sáng Chúa nhật, hai anh em chúng tôi đều rủ nhau vào rừng đọc Kinh Thánh, hát Thánh Ca, những hôm nào trời mưa lũ, không ra ngoài được, anh và tôi cũng tìm một góc nào đó để nói chuyện Hội Thánh, về những người bạn ở quê…

 

Chuyện không dừng lại ở đó. Một sự việc xảy ra đã làm thay đổi cuộc đời anh. Một ngày nọ, một đơn vị nữ đi ngang qua trại chúng tôi. Họ dự định đóng trại bên kia suối để tiện đường vào rừng. Khi qua thăm lán trại, họ không ngờ nơi ở của chúng tôi lại tươm tất, sạch sẽ như vậy, nhất là việc lấy nước từ trên suối về, rất tiện lợi. Đơn vị nữ đề nghị nhờ chúng tôi giúp đỡ, dĩ nhiên tất cả đơn vị đều đồng ý trăm phần trăm. Thế là tất cả mọi người bỏ ra mấy ngày, vượt suối, qua bên kia làm một lán trại khá lớn, với đầy đủ tiện nghi: nhà nghỉ, nhà bếp, nhà vệ sinh, nhà tắm… Các chị em bên kia rất thích vì trước đây họ chưa từng có như vậy, bên này chúng tôi cũng vui vì đã có thêm bạn và thỉnh thoảng lại được ăn những món ngon do chính các bạn nữ nấu đem qua cho. Bên trại nữ có chị Hòa là người rất dễ thương, nhưng nghe đâu đường tình duyên khá trắc trở. Chị đã đính hôn rồi nhưng khi anh kia khi đi được nước ngoài thì biệt tăm chẳng hề có chút tin tức. Mấy năm sau chị lại quen với một kỹ sư cầu đường khá điển trai, ai ngờ, sau vài tháng mới biết là anh chàng đã có vợ ngoài quê… Từ đó hễ ai nói đến chuyện lấy chồng chị rất ghét.

 

Hôm đầu tiên sinh hoạt giao lưu hai đơn vị, chị Hòa tự nhiên có cảm tình với anh Hải. Không hiểu anh Hải có biết không nhưng vẫn cứ làm lơ và nói chuyện như không có gì hết. Rồi sau đó, nhờ có dịp gặp nhau mấy lần nữa, anh Hải mới biết chị Hòa cũng là tín đồ Tin Lành, gia đình rất khá giả ở thành phố, sau những chuyện tình duyên thất bại, chị buồn quá nên xin đi làm xa để cho khuây khỏa, mặc dù gia đình chị dư sức tìm việc cho chị. Vậy là tổ nhóm hai người của chúng tôi đã trở thành ba. Anh Hải và chị Hòa lúc đầu thì chỉ là tình cảm bình thường, dần dần trở nên đậm đà hơn, tuy vậy những giờ thờ phượng Chúa, anh rất nghiêm túc, việc nào ra việc đó. Một hôm chị nói nhỏ với tôi, chị muốn giới thiệu cho tôi người bạn, chứ để tôi một mình hoài cũng khó, trong khi anh chị đã là một cặp rồi. Tôi cười, tùy ý chị. Nói là làm, chẳng hiểu chị thuyết phục thế nào mà tuần sau lại rủ được Âu, một cô gái xinh đẹp bên đơn vị nữ đi nhóm chung với chúng tôi. Nhà Âu ở Duy Nghĩa, quê hương của làng chiếu nổi tiếng một thời, tuy bây giờ không còn cực thịnh như xưa nhưng vẫn có khá nhiều gia đình tiếp tục nghề truyền thống do ông cha để lại bao đời qua. Thật ra Âu chưa biết gì về Chúa cả, nhưng nể chị Hòa nên cũng mạnh dạn đi với chị. Dần dần qua sự làm chứng của anh Hải, Âu đã hiểu được con đường mình phải chọn và bằng lòng tin nhận Chúa, cả ba chúng tôi rất vui mừng cùng chung cầu nguyện cho Âu. Hôm đó, Âu và chị Hòa nấu nồi chè đậu đen thật lớn đãi cả hai đơn vị nói là nhân sinh nhật Âu, nhưng thật ra là mừng ngày Âu được trở thành con dân Chúa, ờ mà sinh nhật Âu cũng được, vì chính đây là ngày mà Âu được sống lại trong con người mới, con người biết thờ phượng Chúa.

 

Anh Hải rất ý tứ, phân công chia nhóm cầu nguyện cùng nhau, hai người một cặp, thay đổi theo tuần. Chính vì vậy mà tôi có dịp cùng anh Hải, chị Hòa, Âu cùng cầu nguyện cho nhau về những nan đề của mỗi người. Qua những buổi nhóm, buổi cầu nguyện như vậy, mấy anh em chúng tôi càng hiểu nhau và thương yêu nhau hơn. Âu cũng vậy, cũng dạn dĩ và dễ thương hơn rất nhiều. Chị Hòa và anh Hải tuy không gán ghép nhưng cứ gợi ý bảo tôi đến với Âu. Thật lòng tôi rất mến Âu nhưng hình như có cái gì đó khiến tôi không yêu Âu được và cứ xem Âu như một người bạn, một người bạn rất thân. Ban đầu chị Hòa cứ trách tôi mãi, nhưng rồi cũng nói, chắc là do số phận, còn anh Hải cứ cười cười, thằng Vũ khó bị cưa lắm chứ đâu phải nhẹ dạ như anh, câu này khiến chị Hòa cứ nguýt anh Hải mãi… Sau này, khi đơn vị giải thể, anh Hải chị Hòa nghỉ hưu sớm về nhà buôn bán làm ăn, tôi thì được phân công về thành phố, còn Âu cũng xin nghỉ việc, về quê nối tiếp nghề làm chiếu của gia đình. Chúng tôi rất vui vì Âu vẫn giữ được niềm tin, và lập gia đình với một người trong Chúa, tuy không mạnh mẽ lắm, nhưng như vậy cũng là niềm vui cho chúng tôi rồi. Về phần tôi, chắc số phận không cho tôi đi xa nên khi về thăm quê cũ, tôi lại gặp người bạn gái thời thơ ấu và lập gia đình với Duyên, người con gái tuyệt vời nhất mà Chúa ban cho tôi,

 

Vợ chồng anh Hải về quê chị Hòa sinh sống, mở một quán nước nhỏ, bán thêm đồ ăn sáng và tối, thu nhập cũng không đến nỗi gì. Anh chị có hai đứa con gái, lại lấy tên tôi và Âu đặt cho chúng. Chỉ điều này đã làm tôi cảm động lắm vì chính nhờ những tháng ngày vất vả tại núi rừng mà tôi đã quen với anh, với chị Hòa, với Âu và nhất là được trở lại làm con của Chúa. Khi Duyên biết anh đặt tên con như vậy có vẻ không hài lòng, anh cười bảo, anh xin lỗi vì chỉ có hai đứa, nếu có đứa thứ ba thì anh sẽ đặt tên là Duyên, được không, còn không thì chờ khi nào có cháu ngoại anh sẽ đặt nó tên là Duyên. Duyên cười, dẫy nẫy, em mà làm con của hai người kia sao… Tuy Âu không thường xuyên về thăm anh nhưng cũng hay liên lạc bằng điện thoại. Mỗi lần có dịp đi ra Duy Xuyên, anh đều xuống Duy Nghĩa thăm vợ chồng Âu, anh thường nói, vì anh mồ côi sớm, không cha mẹ, không anh em nên chúng tôi là những người thân thiết nhất của anh. Tình cảm chân thành ấy cứ ở mãi trong trái tim mỗi người chúng tôi, có lẽ không bao giờ phai.

 

Cuộc đời con người nếu cứ suông sẻ mãi thì thật là bất bình thường. Tôi nói vậy bởi không ai không ít nhất một lần trắc trở trong cuộc sống. Anh Hải và chị Hòa tưởng rất yên ổn trong những tháng ngày hưu hạ thì một chuyện đã xảy ra. Ngày nọ cả gia đình cô Hiền ở xóm dưới cùng nhau kéo đến nhà anh Hải. Hóa ra câu chuyện thế này, Hiền vốn là cô gái hơi đứng tuổi, đã ba bảy rồi, nhưng vẫn chưa có gia đình. Một hôm cả nhà phát hiện ra Hiền đã có bầu ba tháng, gặn hỏi mãi mà Hiền không nói ra là ai. Cuối cùng Hiền nói người cha của đứa bé chính là anh Hải, chồng chị Hòa. Anh Hải vốn là người có uy tín tại địa phương, không ngờ hôm nay lại có chuyện như vậy. Chị Hòa và anh Hải nghe chuyện cũng bất ngờ, chị giận lắm, tuy nhiên, trước mặt mọi người chị cũng im lặng để anh Hải nói chuyện. Hóa ra trước đây anh Hải có một lần cho Hiền đi nhờ về, hôm đó trời mưa rất lớn, anh Hải đi công việc về thấy Hiền một mình giữa đường nên chở Hiền về, chỉ một lần vậy thôi. Nhưng hôm nay, Hiền nhất quyết nói Hiền và anh Hải đã có quan hệ với nhau, anh Hải ngồi im lặng một lúc, nhìn thẳng vào mắt Hiền, cô em gái láng giềng mà anh hằng thương yêu, đôi mắt đẫm lệ ánh lên sự cầu xin. Anh hiểu được một phần sự việc, rồi nói với gia đình Hiền bằng giọng nhỏ nhẹ. Anh thưa thật với gia đình là anh và Hiền hoàn toàn không có gì, nhưng anh sẵn sàng nhận cháu bé làm con vì anh rất thương Hiền, xem Hiền như em gái, anh không muốn con Hiền ra đời mà không có cha, anh hứa sẽ chăm sóc cả hai mẹ con, nếu cần… Lúc đầu, gia đình Hiền không chịu, cương quyết nói tới, nhưng sau một hồi nghe anh phân tích, nên họ cũng đồng ý và hiểu rằng cha đứa bé chắc không phải là anh. Họ xin anh giữ kín để bảo vệ danh dự cho Hiền (?), điều này cũng buồn cười vì họ lại không nghĩ rằng điều đó lại ảnh hưởng đến gia đình anh thế nào, tuy vậy anh cũng tỏ ra rất nhẹ nhàng. Ban đầu chị Hòa cũng giận lắm, nhưng nghĩ đi nghĩ lại chị cũng tin vào anh Hải, tuy vậy chị cũng buồn, không nói chuyện với chồng đến mấy ngày, không khí trong nhà nặng nề lắm. Dần hồi, chị như đã suy nghĩ kỹ lại, trở nên nhẹ nhàng hơn, không những vậy chị lại thay anh Hải đến thăm và chăm sóc Hiền. Hôm Hiền sinh, cả hai anh chị cùng đến, lo cho Hiền và con rất chu đáo. Anh cũng ra tận Ủy ban Phường để làm giấy khai sinh cho bé Ân, tuy có người nói ra nói vào những cuối cùng mọi chuyện cũng êm xuôi. Lúc này, một số người bên nhà thờ bắt đầu có phản ứng dữ dội. Họ nói không có lửa làm sao có khói và đề nghị Mục sư quản nhiệm kỷ luật anh Hải, vì quá áp lực nên ông đành phải cùng Ban Chấp sự ra biên bản kỷ luật anh trong khi chưa hiểu hết vấn đề. Điều này làm anh thật sự đau đớn hơn những lời chế nhạo, chê bai của hàng xóm bấy lâu nay. Những người không thích anh bắt đầu nói không hay về anh, điều này giống như đổ dầu vào lửa. Chị Hòa nhiều khi cũng giận cho anh, gây sự với anh, nhưng cuối cùng rồi cũng thôi. Anh buồn lắm, cả tháng liền không đến nhà thờ, ai đến thăm anh cũng không tiếp. Tôi và Duyên cũng xin nghỉ phép ít ngày về thăm anh chị. Anh Hải tiếp tôi rất vui vẻ, trái ngược với cái vẻ lãnh đạm thường ngày. Anh nói rằng anh là người may mắn. Tôi hỏi sao lại may mắn, anh nói, chú nghĩ thử, mình không có con trai, tự nhiên bây giờ lại có đứa con trai, không phải là may mắn sao. Chúng tôi cười, chị Hòa thì cứ cằn nhằn, may mắn đâu không thấy, chứ bây giờ người ta nói đủ thứ. Nói thì nói vậy chứ chị Hòa lại là người rất rộng lượng, chị thường xuyên chăm sóc Hiền như một người chị, người mẹ. Chính vì vậy mà Hiền rất biết ơn vợ chồng anh chị. Nhưng điều kỳ diệu hơn hết là, không hiểu anh chị thuyết phục Hiền như thế nào mà chỉ mấy tháng sau Hiền chịu đi nhà thờ và cầu nguyện tin Chúa. Chuyện này lại làm tốn thời gian của nhiều người, họ bàn tán về chuyện gia đình anh, nhưng anh chị vẫn im lặng, giữ sự nhóm lại như trước đây. Từ ngày tin Chúa, Hiền tỏ ra rất sốt sắng, cũng thường xuyên qua lại nhà anh chị Hải chơi, xem như người trong nhà. Khi bé Ân biết nói, anh tập cho nó kêu anh bằng ba, lúc đầu chị Hòa có phàn nàn nhưng sau rồi thôi, ai mà trách trẻ con được, nhất là khi nó là đứa trẻ kháu khỉnh và dễ thương, vả lại, hai con chị cũng đã đi học xa nên ở nhà có mẹ con Ân qua chơi, có tiếng con nít ríu rít, căn nhà vui hơn nhiều. Cũng chính nhờ gần gũi gia đình anh chị, nên Hiền cũng trở nên thùy mị hơn lúc trước, chịu khó, chăm chỉ làm ăn, lo cho con. Rồi cũng không biết anh thuyết phục thế nào, cái chiêu này của anh độc đáo lắm, mà cả gia đình Hiền cũng có cảm tình với Hội Thánh, năm sau lại chịu tin Chúa. Lúc này chị Hòa mới cảm tạ Chúa hết lòng vì thấy qua những sự cố như vậy, gia đình anh đã may mắn làm chứng được mấy linh hồn trở lại với Chúa. Tôi và Duyên nghe chuyện rất mừng, biết rằng Chúa vẫn ban phước dồi dào trên gia đình anh.

 

Từ khi bị kỷ luật, anh Hải buồn lắm. Những công việc của anh bên nhà thờ đều không thể tiếp tục. Mục sư khuyên răn anh sốt sắng cầu nguyện, Chúa luôn có sẵn những chương trình tốt đẹp cho những ai trông cậy vào Ngài. Chúng tôi cũng lo cho anh bởi bình thường anh không phải là người ngồi yên một chỗ. Thế rồi một hôm, khi đang đi dạo trên đường, anh bỗng nảy ra một ý nghĩ, anh về chăm chỉ học hỏi lời Chúa nhiều hơn và mạnh dạn đi ra làm chứng. Thật ra, ngoại hình anh đã là một ưu điểm quan trọng, cao ráo, đẹp trai, lại ăn nói lưu loát. Anh hay đến những vùng sâu, vùng xa, làm quen các gia đình và nói về Chúa cho họ. Công việc tiến triển một cách tự nhiên như anh là một chứng đạo viên lâu năm, hễ làm chứng được người nào anh giới thiệu họ đến Hội Thánh gần nhất để nhóm, còn không thì anh lấy địa chỉ, đến giới thiệu cho các nhân sự Hội Thánh để họ biết mà đến thăm. Ra đi làm chứng trở thành công việc thường ngày của anh, chị Hòa biết rằng anh đã tìm được niềm vui thật sự nên cũng thu xếp công việc gia đình để anh không vướng víu mà có thể thoải mái ra đi làm chứng.

 

Một ngày nọ, người cha ruột của bé Ân tìm về lại với Hiền. Hiền lúc này rất giận và không chịu tiếp. Hóa ra đó là một anh chàng công nhân làm trong một xí nghiệp gần nhà Hiền. Hai người quen nhau cũng khá lâu mà gia đình thì không hề biết. Thật ra anh ta đã có gia đình, đến với Hiền chỉ là giả dối. Khi biết tin Hiền có thai, anh hoảng sợ, trở về lại quê nhà làm ăn sinh sống, không ngờ được mấy năm, vợ anh đã bỏ anh đi theo người khác, để lại một đứa con gái. Anh ta gọi đây là quả báo. Anh ân hận lắm nên muốn trở lại tìm Hiền. Sau khi bị gia đình Hiền chửi cho một trận, anh lại tìm đến anh Hải, người cha trên giấy tờ của con anh. Chị Hòa giận lắm, cũng làm cho một trận, chỉ anh Hải là im lặng, cái vẻ im lặng giống như trước đó bảy năm khi gia đình Hiền dẫn Hiền đến bắt đền anh. Sau này tôi mới biết, lúc đó anh đang cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn, chỉ cho anh cách xử lý những tình huống rối ren này. Anh không trách gì Tú, người cha ruột của Ân, chỉ khuyên nên sống chân thật, chung thủy. Anh nói Tú là người may mắn vì Hiền rất đàng hoàng, ở vậy nuôi con mấy năm nay, không hề tơ tưởng điều gì khác, mà bé Ân cũng ngoan ngoãn, học giỏi. Tú rất phục anh Hải vì anh không la mắng mình, Tú xin anh Hải khuyên Hiền tha thứ cho Tú để Tú có cơ hội chăm sóc bé Ân. Anh Hải cười, khuyên Tú cứ về sống cho đàng hoàng, phải có trách nhiệm với con mình, thường xuyên quan tâm đến thì sẽ có ngày Hiền và Ân sẽ trở lại với mình. Rồi anh nói đến câu chuyện người đàn bà tà dâm trong Kinh Thánh, Chúa Giê-xu không lên án bà mà chỉ khuyên, đừng phạm tội nữa… Rồi không hiểu sao anh Hải lại có duyên như vậy, Tú đã bằng lòng tiếp nhận Chúa khi được anh Hải mời đi nhà thờ trong những ngày ở lại nơi đây. Tôi nói với Duyên, hễ ai dính vào anh Hải, chắc chắn không thể thoát được, Duyên cười.

 

Những năm sau này, chúng tôi lu bu công việc nên ít về thăm anh Hải, chị Hòa, cũng ít gặp Âu. Một hôm chị Hòa điện cho chúng tôi, anh Hải yếu, hai em về thăm gấp. Tôi và Duyên vội sắp xếp công việc về thăm anh chị. Anh Hải bị đau cả mấy tháng rồi nhưng không cho chúng tôi hay vì anh biết chúng tôi bận rộn, lại ở xa nên không muốn làm phiền, chỉ khi thấy mình yếu sức anh mới nói chị báo cho chúng tôi. Những cơn sốt rét không hại được sức khỏe anh thời trai trẻ thì bây giờ nó mới nổi lên, người anh xanh xao, và ốm lắm. Thấy hai đứa tôi đến, anh rất vui, mấy anh em cùng ôn lại những chuyện ngày xưa, hồi còn ở rừng ở núi, rồi chuyện của Âu, của Hiền, của Duyên… hình như không thể hết được. Anh vẫn nói anh là người may mắn, vì đã có những người bạn như chúng tôi, những người không máu mủ mà còn hơn là ruột thịt. Anh bảo hai đứa tôi cố gắng sống cho có kết quả, cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa cũng phải cầu nguyện, nhờ sức Chúa mà vượt qua, giống như anh chị đã vượt qua. Duyên dạ, mà rưng rưng nước mắt, chị Hòa cũng vậy. Tôi cảm nhận được dường như đây là những lời nhắn nhủ cuối cùng của anh, tôi cầm tay anh mà không biết nói gì, chỉ biết cám ơn anh, về rất nhiều điều…

 

Hai tuần sau, chúng tôi nhận được tin anh Hải về nước Chúa. Công việc bận rộn, chúng tôi không về dự đám tang anh được, tôi ứa nước mắt mà thương nhớ anh, Duyên cũng vậy. Tôi nhớ lại lời anh nói, anh là người may mắn, vâng, chúng tôi cũng vậy, chúng tôi cũng là người may mắn vì đã có anh là bạn, nhất là có Chúa làm chủ đời mình, cảm ơn Chúa đã cho tôi có cơ hội để trở lại cùng Ngài. Anh Hải ơi, chúng em sẽ cố gắng sống như anh, một người may mắn của Chúa.

 

 

Vũ Hướng Dương

 

 

Bài trướcBài thứ 15: Chúa Chưa Trả Lời
Bài tiếp theoHiệp Nguyện Đầu Năm Tại Bình Thuận.