Bài 156: Sách Giô-na, Vị Tiên Tri Chạy Trốn Đức Chúa Trời

190

Bài 156: Sách Giô-na, Vị Tiên Tri Chạy Trốn Đức Chúa Trời

Có một lẽ thật quí báu được tìm thấy trong những câu đầu của sách Giô-na. Một người thật lòng đến với Chúa thì cũng sẵn sàng ra đi cho Chúa. Và nếu nói ngược lại thì một người không sẵn sàng ra đi cho Chúa thì cũng không bao giờ chịu đến với Ngài.

Khi nói về một người ra đi cho Chúa, chúng ta không có ý nói đến các vị giáo sĩ phải đi truyền giáo ở những miền xa xôi. Chữ “ra đi” ở đây chỉ về những người quan tâm đến việc nói về Chúa cho người khác, giúp đỡ người khác vì ý thức rằng Chúa dùng họ để cứu người khác. Họ đem tình yêu thương của Chúa đến với những ai đang đau khổ.

Một số người không muốn ra đi và cũng không nghĩ đến việc ra đi. Đại mạng lịnh của Chúa Giê-xu được chép trong 4 sách Tin Lành và trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ bắt đầu với chữ “Hãy đi”. Như vậy vấn đề việc thực hiện đại mạng lịnh không phải là xây dựng một ngôi nhà thờ rồi kêu gọi mọi người “Hãy đến”. Chúa không nói như vậy, nhưng Ngài truyền phán, “Hãy đi”. Chúa bảo rằng chúng ta phải đem thông điệp Tin Lành đến với mọi người. “Các ngươi phải đến với họ”.

Có những con cái Chúa sống như là Chúa đã phán rằng, “Các ngươi phải giữ đạo cho mình, đừng để cho ai biết và đừng chia sẻ với ai, trừ khi họ hỏi các ngươi”. Nhiều người cho rằng đây là những gì mà Hội Thánh nên làm. Suy nghĩ đó không đúng với tinh thần Kinh Thánh. Giô-na biết chắc là nếu ông đến với Chúa thì Ngài sẽ sai ông đi, do đó một khi ông quyết định không ra đi thì ông cũng không chịu đến với Chúa.

Trong bài trước chúng ta biết rằng Chúa sai Giô-na đến Ni-ni-ve để rao giảng sứ điệp đoán phạt cho kẻ thù của ông. Ông từ chối và chạy trốn vì không muốn kẻ thù ăn năn, tránh được cơn phán xét.

Khi chạy trốn khỏi Đức Chúa Trời, Giô-na đã rơi vào hoàn cảnh thật thảm hại. Thi Thiên 139, Đa-vít cho biết chúng ta không thể chạy trốn khỏi Đức Chúa Trời.

7 Tôi sẽ đi đâu xa Thần Chúa? Tôi sẽ trốn đâu khỏi mặt Chúa?

Chúng ta không thể chạy trốn Đức Chúa Trời. Dầu lên núi cao, dầu xuống biển sâu, dầu đi với vận tốc của các phi thuyền không gian, chúng ta cũng không thể trốn khỏi Chúa.

Sáng Thế Ký chương 3 cho biết sau khi con người bất tuân đi ngược lại với ý muốn của Đức Chúa Trời thì Chúa đã đến với con người và Ngài hỏi họ: “Ngươi ở đâu? Ai đã bảo ngươi làm như vậy? Ngươi có ăn cây ta căn dặn không được ăn chăng? Ngươi đã làm gì vậy?” Những câu hỏi nầy không chỉ dành cho tổ phụ của loài người nhưng còn có ý nghĩa cho chúng ta ngày hôm nay.

Sáng Thế Ký 3 là một hình ảnh chỉ về việc Đức Chúa Trời tìm kiếm con người. Mọi tôn giáo trên thế giới đều là nỗ lực của con người đi tìm Đức Chúa Trời. Nhưng Cơ Đốc giáo là nỗ lực của Đức Chúa Trời đi tìm con người. Sáng Thế Ký 3 cho biết Chúa đi tìm con người. Ngài hỏi họ rằng, “Ngươi ở đâu?” Con người trả lời,

10 Tôi có nghe tiếng Chúa trong vườn, bèn sợ, bởi vì tôi loã lồ, nên đi ẩn mình.

Đây chính là sự giải thích của Lời Chúa về bản chất của con người: con người có khuynh hướng chạy trốn. Khi Chúa đi tìm kiếm con người thì con người lại chạy trốn Ngài. Giô-na là một trường hợp điển hình, ông chạy trốn khỏi Đức Chúa Trời. Con người cũng đang chạy trốn khỏi sự hiện diện của Đức Chúa Trời, họ đang chạy trốn sự thật.

Điều cuối cùng chúng ta cần nhớ là khi chạy trốn khỏi Đức Chúa Trời, Giô-na cũng không ngần ngại chấp nhận những hậu quả nghiêm trọng. Ông xuống tàu, và không cho ai biết về tông tích của mình. Ông không muốn họ biết những gì đang tranh chấp trong lòng ông và nhất là quyết định chạy trốn khỏi Chúa. Ông trốn Chúa và trốn luôn cả con người. Giô-na đã xuống thuyền để đi qua Ta-rê-si, một nơi ngược chiều với Ni-ni-ve. Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời chuẩn bị cơn bão lớn đổ ập xuống chiếc thuyền chở Giô-na. Ngài cũng chuẩn bị con cá lớn để nuốt vị tiên tri.

Khi nghiên cứu về ý chí tự do của con người trong Kinh Thánh, chúng ta sẽ đi đến kết luận nầy: Đức Chúa Trời không buộc con người phải làm điều gì vì Ngài cho họ có quyền tự do. Chúa cho con người có quyền chọn lựa và quyết định. Ý chí tự do là sự thể hiện ảnh tượng của Đức Chúa Trời trong con người. Chúng ta giống Chúa ở chỗ là chúng ta có khả năng để chọn lựa và quyết định. Chúa sẽ không đụng đến quyền tự do mà Ngài đã ban cho con người chúng ta. Ý chí tự do để chọn lựa và quyết định là điều rất quan trọng của bản chất con người và nó cũng rất quan trọng đối với Chúa. Do đó xét theo một khía cạnh Chúa sẽ không bao giờ buộc chúng ta phải làm một điều gì cả.

Một trong những hình ảnh rất hay được mô tả trong Kinh Thánh đó là Chúa Giê-xu đang đứng trước cửa lòng chúng ta mà gõ. Ngài kiên nhẫn đợi chờ, Chúa không tự động đẩy cửa để bước vào. Ngài đứng phía ngoài, gõ cửa và chờ đợi chúng ta mở. Chúng ta là người ở bên trong, nơi có chốt để đóng hay mở và chúng ta là người quyết định mời Chúa vào hay để Chúa ở ngoài.

Dẫu là Chúa không buộc chúng ta làm điều gì, nhưng chắc chắn Ngài có thể khiến chúng ta vui lòng làm theo ý muốn của Ngài. Điều nầy được Phao-lô nói với các tín hữu tại Phi-líp như sau:

Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài. (Phi-líp 2:13)

Khi Chúa muốn chúng ta làm một điều gì, Ngài sẽ soi sáng để chúng ta nhận thức rõ ràng điều Chúa muốn chúng ta làm. Ngài không ép buộc chúng ta làm theo ý Ngài, nhưng Ngài sẽ giãi tỏ, cảm động để chúng ta vui lòng làm theo điều Chúa muốn.

Qua sách Giô-na chúng ta cũng học được quyền tể trị tuyệt đối của Đức Chúa Trời. Giữa mọi thăng trầm đảo điên của thế giới nầy Đức Chúa Trời vẫn cầm quyền tuyệt đối. Mọi tiên tri đều công bố một sứ điệp là Đức Chúa Trời là Đấng cao cả đang cầm quyền trên mọi sự. Không có điều gì khiến cho Ngài phải lo lắng, không bao giờ Ngài bối rối vì nhiều sự việc xảy ra ngoài tầm kiểm soát của Ngài. Chúa có một chương trình và Ngài biết chính xác những gì Ngài sẽ làm. Phần của chúng ta là bước đi theo chương trình và mục đích của Ngài.

Khởi đầu của khôn ngoan là kính sợ Đức Chúa Trời và làm theo những gì Ngài muốn trên đời sống của quí vị. Đức Chúa Trời luôn luôn có một chương trình. Nếu quí vị tẻ bước ra khỏi chương trình của Đức Chúa Trời, quí vị là người chịu thiệt thòi chớ không phải Đức Chúa Trời. Ngài sẽ dùng một người khác để thực hiện chương trình của Ngài. Khi Ê-xơ-tê ngần ngại yết kiến nhà vua để xin giải cứu dân Giu-đa thì Mạc-đô-chê đã thẳng thắn nói rằng, (Ê-xơ-tê 4)

14 nếu ngươi làm thinh trong lúc nầy, dân Giu-đa hẳn sẽ được tiếp trợ và giải cứu bởi cách khác, còn ngươi và nhà cha ngươi đều sẽ bị hư mất; song nào ai biết rằng chẳng phải vì cớ cơ hội hiện lúc nầy mà ngươi được vị hoàng hậu sao?

Không có việc gì xảy ra ngoài tầm kiểm soát của Đức Chúa Trời vì Ngài là Đấng tể trị cách tuyệt đối. Chúa đã điều khiển mọi biến cố trên đời sống của Giô-na như thế nào? Kinh Thánh cho biết Chúa khiến một cơn bão lớn nổi lên. Ngài cũng chuẩn bị con cá lớn để nuốt Giô-na. Chúa đã chuẩn bị những điều cần thiết để Giô-na thấy được ý Chúa và làm theo ý Ngài.

Giống như Giô-na, người ta có thể chạy trốn Đức Chúa Trời bằng nhiều cách: làm việc nhiều quá, ăn uống nhiều quá, đi chơi nhiều quá, và cũng có người trốn Chúa bằng cách ngủ nhiều quá, có khi họ ngủ đến 15 tiếng mỗi ngày. Họ làm như vậy vì không muốn gặp Chúa, không muốn đối diện với cuộc sống.

Trong khi Chúa khiến cơn bão nổi dậy, mọi người trong thuyền đều kinh hoàng, kêu cầu với thần mình thì Giô-na lại ngủ rất ngon lành dưới lòng tàu. Viên thuyền trưởng bắt gặp và rầy ông rằng, “Tại sao anh có thể ngủ trong một giờ phút nguy hiểm như thế này?” Hầu như người chạy trốn Đức Chúa Trời có thể ngủ bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào. Một người chạy trốn Đức Chúa Trời nghĩ rằng họ có thể chạy trốn khỏi cơn bão.

Thuyền trưởng và những thủy thủ hỏi về lai lịch của Giô-na, “Anh là ai? Từ đâu đến? Anh theo đạo gì? Và làm nghề gì?” Giô-na trả lời, “Tôi thờ phượng Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên biển cả, Ngài đang giận tôi.” Họ nhìn vào những cơn sóng biển đang gầm thét và nói, “Vậy thì hãy cầu nguyện với Chúa của anh là Đấng đã dựng nên biển”. Giô-na đáp, “Đức Chúa Trời giận tôi vì Ngài sai tôi đi Ni-ni-ve, tôi thưa với Ngài là tôi không chịu đi, do đó vì cớ tôi không vâng lời mà cơn bão nầy đã nổi dậy”. Các thủy thủ hết sức bối rối và cuối cùng họ hỏi, “Vậy chúng ta phải làm gì để Chúa của ngươi giảm cơn thịnh nộ?” Giô-na không ngần ngại nói, “Hãy ném tôi xuống biển thì Ngài sẽ nguôi cơn giận”.

Các thủy thủ cố gắng hết sức để chèo vào bờ nhưng không sao cứu vãn được tình thế, cuối cùng đành phải ném Giô-na xuống biển. Ngay khi Giô-na bị ném xuống thì thôi không còn sóng nữa. Phép lạ nầy khiến những thủy thủ tin vào Đức Chúa Trời. Họ dâng của lễ cho Ngài và kêu cầu đến danh Chúa. Giô-na dù muốn, dù không cũng là người làm chứng cho Đức Chúa Trời. Ngay cả lúc ông chạy trốn Đức Chúa Trời thì Ngài vẫn dùng ông để đem các thủy thủ đến sự nhận biết Chúa.

Cuối chương một cho biết khi Giô-na bị ném xuống biển thì Chúa chuẩn bị con cá rất lớn để nuốt Giô-na. Con cá lớn nầy là một phép lạ đặc biệt. Đây không phải là loại cá heo như một số người tưởng. Nó là một tạo vật đặc biệt được Chúa dựng nên cho mục đích nầy. Kinh Thánh cho biết Giô-na ở trong bụng cá ba ngày ba đêm.

Lần trước tôi đã thưa với quí thính giả là chương 1 của sách Giô-na có thể được đặt một đề tựa với 3 chữ, “Tôi sẽ không”. Chương hai có thể được đặt một đề tựa ngắn hơn: “Tôi sẽ”. Ba lần trong chương hai, Giô-na nói, “Tôi sẽ, tôi sẽ, tôi sẽ”. Xin quí thính giả lưu ý chi tiết là Giô-na đã dâng lên lời cầu nguyện trong bụng cá. Thử tượng tượng một chút là ở trong bụng cá thì như thế nào? Mùi của nó sẽ ra sao? Chung quanh là gì?

Đức Chúa Trời cố gắng thuyết phục tiên tri của Ngài để ông đi rao giảng cho kẻ thù của dân tộc mình, nhưng vị tiên tri khước từ không chịu đi. Quí vị phải ở trong bụng cá bao lâu để thưa “vâng” với Chúa. Với Giô-na phải tốn đến 3 ngày để ông thưa với Chúa rằng, “Con sẽ đi, con sẽ đi, con sẽ đi”. Chúa đã phán với con cá lớn và nó mửa ông ra. Xin quí thính giả tìm xem bao nhiêu lần Giô-na đã trích dẫn Kinh Thánh khi ông còn ở trong bụng cá.

Một nhận xét khác khi đọc chương hai là Giô-na đã hát nhiều bài thánh ca khi còn trong bụng cá. Nếu xem bản Kinh Thánh có ghi chú phần trích dẫn Kinh Thánh, quí vị tìm xem bao nhiêu lần Giô-na trích Thi Thiên, bao nhiêu lần ông trích Kinh Thánh. Những điều nầy cho biết ông đã cầu nguyện và thờ phượng Chúa ngay trong bụng cá. Giô-na hát mọi bài thánh ca mà ông nhớ đến, ông cầu nguyện mọi điều mà ông có thể cầu nguyện được, hướng lòng về Chúa để thờ phượng Ngài. Chúa không xâm phạm ý chí tự do của Giô-na, nhưng Ngài dùng ngoại cảnh để tác động trên ý chí đó.

Tóm lại chương 1 có thể được tóm tắt là Giô-na không chịu ra đi nên ông chịu đến với Chúa, nhưng chương hai là Giô-na sẽ ra đi nên ông đến với Ngài.

Quí vị học được điều gì qua tiên tri Giô-na không? Chúa có chương trình gì trên đời sống của quí vị? Quí vị có chạy trốn khỏi Chúa không? Chúa phải làm gì để quí vị vâng lời Ngài? Đó là những bài học dưỡng linh cho chúng ta qua sách Giô-na.

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Bài trướcTrung Tín Phục Vụ Chúa – 1/11/2024
Bài tiếp theoNinh Thuận: Lễ Cảm Tạ Chúa 30 Năm Tái Lập Chi Hội Gòn