Vết Thương Là Điều Cần Thiết – 21/1/2019

2575

 

Giê-rê-mi 10:19-22

19 Khốn nạn cho tôi vì vết thương tôi! Vít tôi là đau đớn! Nhưng tôi nói: Ấy là sự lo buồn tôi, tôi phải chịu. 20 Trại của tôi bị phá hủy, những dây của tôi đều đứt, con cái tôi bỏ tôi, chúng nó không còn nữa. Tôi không có người để giương trại tôi ra và căng màn tôi. 21 Những kẻ chăn chiên đều ngu dại, chẳng tìm cầu Đức Giê-hô-va. Vì vậy mà chúng nó chẳng được thạnh vượng, và hết thảy những bầy chúng nó bị tan lạc.
22 Nầy, có tiếng đồn ra; có sự ồn ào lớn đến từ miền phương bắc, đặng làm cho các thành của Giu-đa nên hoang vu, nên hang chó rừng. 

Câu gốc: “Tôi bèn nói: Đây là tật nguyền tôi; Nhưng tôi sẽ nhớ lại các năm về tay hữu của Đấng Chí Cao. Tôi sẽ nhắc lại công việc của Đức Giê-hô-va, Nhớ đến các phép lạ của Ngài khi xưa” (Thi Thiên 77:10-11).

Câu hỏi suy ngẫm: Tiếng than thở trong câu 19 và câu 20 là của ai? Những kẻ chăn được nhắc đến trong câu 21 chỉ về ai? Vì sao bầy của họ chăn dắt phải bị tản lạc? Những tháng ngày đau buồn thường mang đến giá trị nào cho bạn?

Tiếng than của Tiên tri Giê-rê-mi được cất lên vô cùng tha thiết. Đó là tiếng lòng của người chăn bầy, người cha thuộc linh đang nhìn những đứa con rời xa mình, đang nhìn trại – là nơi che chắn, mái ấm của gia đình bị phá hủy, những dây căng trại, màn đều bị đứt, và cả việc không còn ai để có thể sửa chữa, gìn giữ nơi thân yêu này (câu 20).

Qua lời miêu tả cho ta hình dung được hình ảnh của Tiên tri Giê-rê-mi trong giai đoạn này thật cô đơn, hiu quạnh, tang tóc như một người du mục lang thang tìm một nơi ẩn nấp trong hoang mạc, nhưng xung quanh đều không có ai, kể cả con cái đều rời bỏ, một trại tạm bợ để trú thân qua những cơn mệt nhọc cũng không còn. Một sự khốn khổ đến cùng cực đã được thể hiện qua hình ảnh trại bị phá, không những thế dây cũng đã đứt, và nếu có muốn sửa chữa cũng chẳng còn ai để có thể giương trại và căng màn. Phải đối diện với cảnh đau thương này là bởi vì những người chăn dắt dân Chúa, những lãnh đạo thuộc linh đã “không tìm cầu Đức Giê-hô-va” (câu 21a). Chính vì thế, bầy tan lạc, những thành viên trong gia đình phải ly tán, đất nước bị phá hoang tàn đến nỗi không còn một trại nào, một nơi nào để vị tiên tri của Đức Chúa Trời được nương náu, an nghỉ.

Lời rên siết của vị tiên tri là điều cần thiết để toàn dân có cơ hội nhìn thấy thảm cảnh mà họ đối diện, cũng như nhận biết nguyên nhân đưa họ vào hoàn cảnh cơ cực như thế. Tiên tri Giê-rê-mi đã nói rằng: “Ấy là sự lo buồn tôi, tôi phải chịu” (câu 19). Lời nói ấy mang ý nghĩa và sức truyền tải thật lớn lao. Không những thể hiện việc ông đã đặt mình vào nỗi đau của dân Chúa để cảm nhận nỗi đau đớn này, nhưng quan trọng hơn, đây còn là tiếng nói thay cho toàn thể dân Chúa. Bởi vì thật sự cần thiết để dân Chúa ngày trước, và chúng ta ngày nay ý thức được khi đã phạm tội với Đức Chúa Trời thì những điều đau đớn, lo buồn đang đến với chúng ta là điều đương nhiên phải gánh chịu vì những tội lỗi mình đã phạm. Có như thế, chúng ta mới cảm nhận hết sự phước hạnh trong những tháng ngày được sống dưới sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời và sự ăn năn của chúng ta mới thật sự giá trị.

Bạn có cảm nhận phước hạnh dư dật khi sống dưới sự chăn dắt của Chúa không?

Kính lạy Đức Chúa Trời Nhân Từ! Con tạ ơn Chúa khi được nhìn thấy tình yêu, sự thương xót của Ngài thể hiện ngay trong những ngày đen tối của đời con và cơ hội Ngài ban để con ăn năn, nhận được sự tha thứ, phục hồi từ Ngài.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: II Sa-mu-ên 16.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Của Ông TĐTN HOÀNG UL
Bài tiếp theoCon Đường Phải Đi – 22/1/2019