Tôi Cần Gì Trong Hội Thánh? – 11/6/2019

2602

 

I Cô-rinh-tô 12:14-17

14 Thân cũng chẳng phải có một chi thể, bèn là nhiều chi thể. 15 Nếu chân rằng: Vì ta chẳng phải là tay, nên ta không thuộc về thân, thì chẳng phải bởi đó chân không có phần trong thân. 16 Và nếu tai rằng: Vì ta chẳng phải là mắt, nên ta không thuộc về thân, thì tai chẳng phải bởi đó không có phần trong thân. 17 Ví bằng cả thân đều là mắt, thì sự nghe ở đâu? Nếu cả thân đều là tai, thì sự ngửi ở đâu?

Câu gốc: “Thân cũng chẳng phải có một chi thể, bèn là nhiều chi thể” (câu 14).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô đang nhấn mạnh đến hai phương diện nào của Hội Thánh? Tại sao hai phương diện này không mâu thuẫn với sự hiệp một trong Hội Thánh? Hiểu biết điều này giúp chúng ta tránh thái độ kiêu ngạo hoặc tự ti như thế nào?

Sứ đồ Phao-lô đưa ra hai phương diện dường như trái nghịch nhau trong Hội Thánh. Trên một phương diện Hội Thánh là MỘT thân, nhưng về phương diện khác thì Hội Thánh lại gồm NHIỀU chi thể (câu 14). Tại đây, ông nhấn mạnh đến tính đa dạng của Hội Thánh: đa dạng trong sự hiệp một.

Thông thường, để tạo hiệp một và đoàn kết, các tổ chức xã hội thường tìm kiếm sự đồng nhất, đồng phục, đồng sở thích… giữa các thành viên. Bởi vì sự gắn kết của họ dựa vào yếu tố con người, và cũng chính vì thế nên thường không bền vững. Ngược lại, sự hiệp một của Hội Thánh không dựa vào yếu tố con người. Sứ đồ Phao-lô đưa ra một minh họa là thậm chí khi chân nói “ta chẳng phải là tay”và bởi đó phủ nhận sự hiệp một “ta không thuộc về thân, ”thì sự thật vẫn là “chẳng phải bởi đó chân không có phần trong thân” (câu 15). Trong thực tế, có một số Cơ Đốc nhân rời khỏi sự thông công Cơ Đốc, cắt đứt mối liên hệ với các anh chị em do buồn giận hay bất đồng ý kiến. Nhưng nếu là một Cơ Đốc nhân thật thì người đó sẽ cảm thấy thiếu vắng niềm vui và sự bình an trong đời sống. Vì sao? Vì cho dù người đó buồn giận và chối bỏ mối thông công Cơ Đốc “thì chẳng phải bởi đó chân không có phần trong thân” (câu 15) và “tai chẳng phải bởi đó không có phần trong thân” (câu 16).

Sự đa dạng không làm mất đi sự hiệp một trong Hội Thánh, ngược lại chính sự đa dạng đem đến phước hạnh và ích lợi cho Thân và những chi thể khác trong Thân, vì sự đa dạng bổ sung, hỗ trợ cho nhau, “Ví bằng cả thân đều là mắt, thì sự nghe ở đâu? Nếu cả thân đều là tai, thì sự ngửi ở đâu?” (câu 17). Tay, hay chân, hay mắt, hay tai, quan trọng hơn? Tất cả đều quan trọng như nhau vì tất cả đều cần đến nhau và đều bổ sung cho nhau. Thật ra, điều quan trọng là chính Thân Thể. Các chi thể thực hành các chức năng của mình là để “làm cho thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong sự yêu thương” (Ê-phê-sô 4:16b).

Hãy cảm tạ Chúa vì mình được trở nên một chi thể trong Thân Thể Chúa, và hãy thỏa lòng với vị trí của chi thể mà Chúa đặt để và ban cho mình. Chúng ta không kiêu ngạo cũng không tự ti về vị trí và chức năng của mình trong Hội Thánh, vì dù chúng ta là ai và làm gì trong Hội Thánh thì tất cả chúng ta đều cần nhau, lệ thuộc nhau và lệ thuộc Đấng Christ. Ha-lê-lu-gia.

Bạn có thấy bạn luôn cần đến nhau trong Hội Thánh không?

Lạy Chúa, con luôn cảm tạ Chúa và biết ơn Ngài vì những anh chị em Chúa ban cho con trong Hội Thánh. Xin Chúa ban cho con tình yêu thương và sự gắn kết để cùng nâng đỡ nhau trong hành trình đức tin.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-sai 41.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

 

 

Bài trướcQuảng Nam: Điểm Nhóm Tiên Hà Chuyển Đến Địa Điểm Sinh Hoạt Mới
Bài tiếp theoĐăk Nông: Lễ Công Bố Thành Lập Chi Hội Tin Lành Bu So 2