Thiên Đàng Tốt Đẹp Bội Phần (Chương 7)

1309

 

CHƯƠNG BẢY

 

Trời Mới Và Giê-Ru-Sa-Lem Mới

 

Trời mới và đất mới

Giê-ru-sa-lem mới

Tiệc cưới Chiên Con

Làm sao để bước vào cổng thiên đàng

Sách Sự Sống của Chiên Con

Ba lời chứng

 

 

Các từng trời và trái đất nhứ nhất đã qua đi. Chúng ta hãy thử tưởng tượng mình ngắm nhìn vũ trụ mới này. Chính những nền của trái đất này phải chịu lửa tinh luyện. Mọi ô nhơ của tội lỗi, mọi vết tích của sự chết đều bị bỏ đi. Qua khỏi đám lửa hừng đó, một vũ trụ mới được khai sinh. Từ được sử dụng trong nguyên ngữ là từ “mới” nhưng không phải là một thế giới “khác.” Cũng chính trời và đất đó, nhưng đã được trẻ hóa cách vinh quang, không có cỏ dại, gai gốc hay cây tật lê. Thiên nhiên trở lại như vốn có.[44]

William Hendriksen

 

Đức Chúa Trời là kiến trúc sư kiêm nhà thầu xây dựng; không có khiếu thẩm mỹ hay đầu óc thiên tài vô đối của thiên sứ trưởng nào được sử dụng trong bản phác thảo quy hoạch cho thành phố vinh quang này. Chính Đức Chúa Trời đã vẽ bản quy hoạch. Kho tàng khôn ngoan và kỹ năng, óc thẩm mỹ tuyệt hảo của Đức Chúa Trời đem đến sự hoàn hảo cho bản thiết kế của thiên đàng. Đức Chúa Trời là thợ xây. Chỉ có Ngài mới có thể thực thi nguyên bản.

Đức Chúa Trời, Đấng đã thiết lập những nền tảng sâu thẳm của thế giới và mang những sự vận hành vĩ đại của nó vào thực tiễn, một lần nữa lại bước vào công cuộc sáng tạo và xây một chỗ ở cho con cái Ngài.[45]

Edward M. Bounds

 

Trời mới và đất mới

“Vả, theo lời hứa của Chúa, chúng ta chờ đợi trời mới đất mới, là nơi sự công bình ăn ở”

II Phi-e-rơ 3:13

“Đoạn, tôi thấy trời mới và đất mới; vì trời thứ nhất và đất thứ nhất đã biến đi mất, và biển cũng không còn nữa”

Khải huyền 21:1

 

Trong chuỗi những khải tượng cuối cùng được ban cho Giăng, chúng ta đã tìm thấy đỉnh điểm mục đích của Đức Chúa Trời và những cảnh tượng vượt trên sự trông đợi lớn lao nhất của các thánh xưa. Chúng ta được chuyển đổi từ chỗ giới hạn về thời gian đến cõi đời đời. Chương 21 và 22 của sách Khải huyền là kịch tích và ngoạn mục nhất của cả sách và miêu tả một bức tranh tuyệt đẹp về thiên đàng là như thế nào.

 

Chương 20 kết thúc với những lời sau: “Kẻ nào không được biên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa” (câu 15). Nhưng hai chương tiếp theo, trong sự tương phản hoàn toàn, chúng ta được xuất hiện với sự vinh quang rạng ngời của thiên đàng mà ở đó những kẻ được cứu sẽ tận hưởng cõi đời đời.

 

Từ lâu, người Do Thái đã ấp ủ ước mơ về trời mới và đất mới, nơi mà tội lỗi, buồn đau và thống khổ sẽ không còn nữa. Sách tiên tri Ê-sai đã nói rất rõ về ước ao đó: “Ta sẽ dựng trời mới đất mới; những việc trước sẽ chẳng nhớ nữa, chẳng còn nhắc đến nữa” (Ê-sai 65:17).

 

Giăng đã nhìn thấy trời mới và đất mới. Ông nhìn thấy chúng trong một khải tượng, nhưng biết rằng chúng sẽ thành hiện thực một ngày nào đó trong tương lai. Ông nhìn thấy một thế giới siêu nhiên, chỗ ở của người công bình, nơi Đức Chúa Trời đã hứa qua các tiên tri (Công vụ 3:21).

 

Bằng những hình ảnh ẩn dụ, Phi-e-rơ đã báo trước về phương cách mà sự biến hóa và đổi mới phi thường này sẽ xảy ra.

 

Song le, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Bấy giờ các từng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị đốt mà tiêu tán, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả.
… ngày Đức Chúa Trời mau đến, là ngày các từng trời sẽ bị đốt mà tiêu tán, các thể chất sẽ bị thiêu mà tan chảy đi! Vả, theo lời hứa của Chúa, chúng ta chờ đợi trời mới đất mới, là nơi sự công bình ăn ở.

II Phi-e-rơ 3:10-13

 

Thế giới vật chất cũ là nơi đô hội của tội lỗi, gớm ghiếc và sự giết chóc đã biến mất trong khải tượng này. Các từng trời cũng như vậy (các từng trời này không phải là thiên đàng, nơi có ngai Đức Chúa Trời). Các từng trời đó từng là không gian mà Sa-tan đã thực hiện những hoạt động của nó. Vì Sa-tan làm ô uế mọi thứ nó chạm đến, nên các từng trời phải được làm sạch bằng lửa.

 

Vì cớ trái đất này cũng là sân khấu nơi mà sự cứu rỗi được trình diễn, như một điều kỳ diệu, trái đất sẽ giống như chim phượng hoàng trỗi dậy từ tro bụi bởi năng quyền của Đức Chúa Trời, để đến với sự vinh hiển mới không thể hình dung được. Thành Giê-ru-sa-lem cũ đã nhuốm máu của các tiên tri và các thánh tử đạo, và đáng hổ thẹn hơn hết là nó đã nhuốm máu của Con Đức Chúa Trời. Nhưng không còn máu nào phải đổ nữa, và Giê-ru-sa-lem mới sẽ là nơi ở của người công bình.

 

Điều thú vị là lời khẳng định mạnh mẽ nhất trong phân đoạn Kinh Thánh này về trời mới và đất mới đó là “biển cũng không còn có nữa” (Khải huyền 21:1). Biển là biểu tượng của sự biến động, bất ổn. Trước đó trong khải tượng của Giăng, từ dưới biển xuất hiện một quái vật của ma quỷ. “Đoạn, tôi thấy ở dưới biển lên một con thú có mười sừng bảy đầu, trên những sừng có mười cái mão triều thiên, và trên những đầu có danh hiệu sự phạm thượng” (Khải huyền 13:1). “Đoạn, thiên sứ lại nói với tôi rằng: Những dòng nước ngươi đã thấy, trên có dâm phụ ngồi, tức là các dân tộc, các chúng, các nước và các tiếng” (Khải huyền 17:15). Biển dậy sóng tượng trưng cho các nước thế gian xung đột với nhau triền miên. Nhưng trong trời mới và đất mới sẽ có hòa bình và thanh thản.

 

Đó là bức tranh về một một vũ trụ được biến đổi, được nên trọn vẹn, được thanh tẩy mọi điều xấu xa và mọi điều chống lại Đức Chúa Trời. Nó “mới,” không phải trong ý nghĩa là trở nên một tạo vật mới, nhưng trở nên mới về phẩm chất—một môi trường xứng hợp cho sự cư trú của Đức Chúa Trời và những người được cứu chuộc. Nó mới vì cớ sự hiện diện của một cộng đồng mới, tuyệt đối trung thành với Đức Chúa Trời và với Chiên Con.

 

Chúng ta không thể mô tả tạo vật mới là như thế nào, vì không có chi tiết nào được cung cấp. Việc biển sẽ không còn có thể là một dấu hiệu cho thấy toàn bộ trật tự của tự nhiên sẽ thay đổi.

 

Trong một bài giảng, Dean Henry Alford nói rằng: “Nội dung chính của lời tiên tri, và sự tương đồng giữa những sự tỏ bày thiêng liêng cho thấy một cách chắc chắn rằng trái đất này sẽ được tinh luyện và làm mới lại, như là nơi ở đời đời của người có phước.”

 

Tương tự như thế, Alexander Maclaren viết: “Đối với tôi, dường như có sự thay đổi nào đó của vũ trụ diễn ra trên thế giới vật chất của chúng ta; thế giới trong hình thức được tái sinh này sẽ là nơi ở cuối cùng cho loài người đã được cứu chuộc. Tôi nghĩ đó là sự giải thích tự nhiên đối với khá nhiều sự dạy dỗ của Thánh Kinh.”

 

Giê-ru-sa-lem mới

“Tôi cũng thấy thành thánh là Giê-ru-sa-lem mới, từ nơi Đức Chúa Trời ở trên trời mà xuống, chuẩn bị sẵn như cô dâu trang điểm vì chồng mình.”

Khải huyền 21:2(HĐTT)

 

“Sự mô tả tuyệt vời, mà không đoạn văn thơ cổ nào khác có thể sánh được” nằm ở cách tác giả kể về khải tượng Giê-ru-sa-lem mới được ký thuật trong Khải huyền 21. Trời mới và đất mới phải có thủ phủ mới để tương xứng với giá trị và sự huy hoàng của mình. Và Đức Chúa Trời sẽ gửi thủ phủ đó xuống từ trời, đó là Thành Thánh, Giê-ru-sa-lem Mới.

 

Đây có phải là sự mô tả về thành phố bằng vàng, ngọc và đá quý theo nghĩa đen hay phải giải thích khải tượng của Giăng theo ý nghĩa biểu tượng? Các học giả khác nhau đã có những quan điểm khác nhau mà từ đó họ có thể đưa ra các lý luận hợp lý. Trong một bài liên quan đến chủ đề này, Tiến sĩ Wilbur M. Smith đã viết như sau:

 

Ở đây một người không được cứng nhắc trong việc cho rằng điều này có thể được giải thích theo ý nghĩa biểu tượng còn điều kia phải được giải thích theo nghĩa đen. Những quan điểm khác nhau vẫn được đưa ra bởi các học giả có sự trung thành như nhau với thẩm quyền của Thánh Kinh. Một nhà văn nhấn mạnh về ý nghĩa biểu tượng đã phát biểu rằng: “Lý do cho việc phải sử dụng ý nghĩa biểu tượng ở đây có lẽ đơn giản là vì không có cách nào khác có thể tạo ra trong tâm trí của chúng ta bất kỳ một khái niệm chính xác nào về thực tại của thiên đàng.”[46]

 

Một trường hợp tiêu biểu cho cách giải thích theo ý nghĩa biểu tượng được thực hiện bởi G. H. Lang trong cuốn Sự khải thị của Đấng Christ; tôi trích dẫn một đoạn dài vì nó dường như phù hợp hơn với toàn bộ ý nghĩa chung của sách Khải huyền so với quan điểm đối lập. Lang cảm thấy sự giải nghĩa theo nghĩa đen là không thể chấp nhận được vì các vấn đề nan giải cố hữu.

 

Có thực tế không khi tin rằng có sự tồn tại những lượng lớn vàng khối, là thứ mà các thiên sứ cầm để đo và là vật liệu lót đường? Nếu khẳng định rằng có những viên ngọc rất lớn đến nỗi một viên tương ứng với một bức tường cao hơn 70m, chúng ta buộc phải nghĩ đến những lớp vỏ của con trai phải khổng lồ như thế nào để chứa những viên ngọc đó. Quan điểm này không thể nhất quán cách hoàn toàn mà không vi phạm ngôn ngữ ẩn dụ… Rõ ràng rằng “sông nước hằng sống” chỉ về hình ảnh Đức Thánh Linh (Giăng 7:37-38). Điều này mang ý nghĩa biểu tượng, do đó “ bờ sông có cây sự sống trổ mười hai mùa” cũng như vậy.

 

Đối với chính thành phố đó, Lang viết:

 

Sau khi đọc các nỗ lực miêu tả khác nhau về một thành phố mang nghĩa đen theo hình dạng và kích cỡ này, tôi vẫn không thể chấp nhận được khái niệm mơ hồ về một thành phố như một hình khối lập phương, chiều cao, rộng và dài đều bằng nhau; hay thậm chí như một kim tự tháp, mỗi cạnh nghiêng của nó đều có chiều dài như cạnh đáy, hay như một tòa tháp hình nón mà chiều cao cũng bằng với chiều rộng của chân tháp, cùng với các con đường xoắn ốc từ chân đến đỉnh.

 

Ông kết luận với lời quả quyết, là điều mà tôi cũng nhất trí: “Ít ra là đối với tôi, đó có thể là một thành phố được định hình vô cùng lạ thường, cho nên có thể khẳng định rằng đoạn Kinh Thánh này không phải là một bản mô tả về điều gì đó cụ thể.”[47] Giăng quan tâm đến những trạng thái thuộc linh, chứ không phải là những thực tại vật chất.

 

Nhưng những biểu tượng và hình thái này có sự vinh quang thật sự đằng sau chúng. Mặc dầu được mô tả bằng những từ ngữ khải tượng, sự giáng xuống của thành phố này có một ý nghĩa thuộc linh sâu sắc và được dùng để chuyển tải cho tâm trí hữu hạn của chúng ta sự vinh quang phi thường đang chờ đón chúng ta trong thiên đàng.

 

Thành phố đó tượng trưng cho điều gì?

Giăng sẽ tự nói cho chúng ta biết:

 

Một vị trong bảy thiên sứ đã cầm bảy bát đựng đầy bảy tai nạn cuối cùng, đến gần tôi, bảo rằng: Hãy đến, ta sẽ chỉ cho ngươi thấy người vợ mới cưới là vợ Chiên Con. Rồi tôi được Thánh Linh cảm động, thiên sứ đó đưa tôi đến trên một hòn núi lớn và cao, và chỉ cho tôi thấy thành thánh, là Giê-ru-sa-lem, từ trên trời, ở nơi Đức Chúa Trời mà xuống, rực rỡ vinh hiển của Đức Chúa Trời…

Khải huyền 21:9-11

 

Phải lưu ý rằng thiên sứ không đảm trách việc giải thích theo những biểu tượng, nhưng chỉ bày tỏ cho ông về cô dâu. Thành phố là cô dâu!

Có sự tương đồng với điều này trong chương 5:5-6:

 

Bấy giờ, một người trong các trưởng lão nói với tôi rằng: “Chớ khóc, kìa, sư tử của chi phái Giu-đa, tức là Chồi của vua Đa-vít, đã thắng, thì có thể mở quyển sách ấy và tháo bảy cái ấn ra. Tôi lại thấy chính giữa ngôi và bốn con sinh vật, cùng chính giữa các trưởng lão, có một Chiên Con ở đó như đã bị giết…”

 

Cô dâu—thành phố. Sư tử—Chiên Con.

 

Tôi thấy rất hợp lý khi kết luận rằng thành phố tượng trưng cho Hội thánh lý tưởng như Đức Chúa Trời đã ấp ủ từ buổi ban đầu, và sẽ như thế trong thời cuối cùng —“không vết, không nhăn, không chi giống như vậy” (Ê-phê-sô 5:27). Hội thánh như hiện nay ở trên đất chỉ là một hình bóng còn thiếu kém của Hội thánh vinh quang siêu việt trong tương lai.

 

Trong Khải huyền 21:1-4, 22-23, Giăng liệt kê một số đặc điểm của cuộc sống trên đất mà sẽ không còn hiện diện trong Thành Thánh nữa—không còn biển, nước mắt, sự chết, than khóc, đau đớn, không có đền thờ, không cần đến ánh sáng của mặt trời mặt trăng. Vì sự thiếu vắng những điều này trong thiên đàng đã được thảo luận ở chương 3, tôi nghĩ rằng mình không cần phải giải thích thêm nữa ở đây, ngoại trừ việc nói rằng nếu chúng ta đảo ngược hoàn toàn nỗi buồn đau và khốn khổ của trần thế, chúng ta có thể hiểu được một chút về niềm vui và phước hạnh của thiên đàng.

 

Đặc điểm trọng tâm và quan trọng nhất của Giê-ru-sa-lem mới được công bố từ ngai: “Tôi nghe một tiếng lớn từ nơi ngai mà đến, nói rằng: Này, đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người! Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng” (Khải huyền 21:3-4).

 

Dân Y-sơ-ra-ên đã biết điều gì đó về sự hiện diện của Đức Chúa Trời ở giữa mình trong những biểu tượng của hòm giao ước, trong trụ lửa và trụ mây, nhưng họ đã bị tước mất đặc ân đó vì cớ sự thất bại và bội đạo lặp đi lặp lại của họ. Giờ đây lời hứa dành cho người Do Thái trong hành trình sa mạc được thực hiện cách trọn vẹn và vinh hiển: “Ta sẽ đoái lại cùng các ngươi, làm cho sanh sản và thêm nhiều, cùng kết lập giao ước với các ngươi. Các ngươi sẽ ăn hoa lợi cũ mình, và đem cái cũ ra đặng chừa chỗ cho cái mới.Ta sẽ lập chỗ ở ta giữa các ngươi, tâm hồn ta không hề ghê gớm các ngươi đâu. Ta sẽ đi giữa các ngươi, làm Đức Chúa Trời các ngươi, và các ngươi sẽ làm dân ta” (Lê-vi ký 26:9-12)

William Hendriksen đã viết: “Trong phần này (Khải huyền 21:1-22), chúng ta có một sự mô tả về điều lý tưởng”. Ông tiếp tục:

 

Bất cứ điều gì là kết quả từ ân điển cứu rỗi của Đức Chúa Trời, trong hiện tại hay tương lai, đều được kể đến ở đây. Chúng ta không được xem ân điển cứu rỗi và quyền năng biến đổi của Đức Chúa Trời là điều chỉ thuộc về tương lai. Không, ngay ở đây và lúc này trong thời đại hiện nay, ân điển ấy đã và đang hành động trong tấm lòng của con cái Đức Chúa Trời. Do đó, những điều chúng ta tìm thấy ở đây là một sự mô tả về thế giới được cứu chuộc của tương lai, được báo trước bởi Hội thánh được cứu chuộc trong hiện tại.[48]

 

Tóm lại, thành của Đức Chúa Trời và trời mới, đất mới là đỉnh điểm của toàn bộ kế hoạch cứu rỗi. Đức Chúa Trời không chấp nhận sự băng hoại mà tội lỗi và Sa-tan đã gây ra trong thế giới xinh đẹp mà Ngài đã tạo dựng. Ngài tạo ra một thế giới mới, nơi ở của người công bình, là nơi vượt trổi hơn nơi đã bị Sa-tan phá hỏng. Ngài có thể tái tạo lại vườn Ê-đen ban đầu, nhưng điều đó sẽ gợi lại về sự sa ngã, với tất cả những hậu quả bi thảm của nó. Kế hoạch của Ngài tốt hơn bội phần. Ngài thiết lập một thế giới mới và một trật tự mới trên nền tảng công lao cứu chuộc của Chiên Con của Đức Chúa Trời, do đó đảm bảo rằng sẽ không có sự tái diễn của những điều ác là điều đã làm băng hoại loài người. Cùng với việc Sa-tan cuối cùng và mãi mãi bị trói buộc, và không điều gì dơ bẩn có thể vào được nhà trên thiên đàng, chúng ta sẽ thật sự xác chứng rằng ở với Đấng Christ là tốt đẹp bội phần.

 

Nhà Cha ta ở trên cao,

Nơi ở của linh hồn ta, gần gũi biết bao,

Lúc mà đôi mắt đức tin nhìn thấy trước

Những cánh cổng bằng vàng của Ngài hiện ra

Ôi! Tâm linh ta chất ngất

Khi đặt chân đến quê hương ta mến yêu

Cơ nghiệp rạng ngời của các thánh đồ,

Là Giê-ru-sa-lem trên chốn cao kia.

James Montgomery

 

Tiệc cưới của Chiên Con

“Chúng ta hãy hớn hở vui mừng, tôn vinh Ngài; vì lễ cưới Chiên Con đã tới, và vợ Ngài đã sửa soạn…

Thiên sứ phán cùng tôi rằng: ‘Hãy chép: “Phước thay cho những kẻ được mời đến dự tiệc cưới Chiên Con!” ’ ”

Khải huyền 19:7,9

 

Đây là sự kiện mà cả thiên đàng đang chờ trông—sự kết hiệp cuối cùng của Đấng Christ và cô dâu được chọn của Ngài, là Hội thánh. Đó là sự kiện mà những người được chuộc từ mọi thời đại đã biết trước và mong đợi, một sự kiện mà sẽ thêm lên niềm hạnh phúc không sao đo lường được của thiên đàng, thời đại mà muôn vật mong mỏi và con cái Đức Chúa Trời cầu xin Chúa ban cho.

 

Quang cảnh được giới thiệu về tiệc cưới bắt đầu với một ban hợp xướng vĩ đại của thiên đàng hát lên điệp khúc Ha-lê-lu-gia. Lời hát ca ngợi sự vinh hiển, sự giải cứu và quyền năng của Đức Chúa Trời, vì sự phán xét công bình của Ngài trên kẻ gian ác và kẻ bắt bớ Hội thánh (Khải huyền 19:2-4)—một bài hát vui mừng khi lẽ thật chiến thắng sự sai trật.

 

“Đoạn, tôi lại nghe có tiếng như một đám đông vô số người, khác nào tiếng nước lớn hoặc như tiếng sấm dữ, mà rằng: A-lê-lu-gia! Vì Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta, là Đấng Toàn năng, đã cầm quyền cai trị. Chúng ta hãy hớn hở vui mừng, tôn vinh Ngài…” (Khải huyền 19:6-7). Để hiểu được ý nghĩa biểu tượng của khúc Kinh Thánh tuyệt vời này, chúng ta cần có sự hiểu biết căn bản về phong tục cưới hỏi của phương Đông. Hôn ước của người Do Thái có sự ràng buộc hơn nhiều so với việc hứa hôn trong nền văn hóa của chúng ta. Đối với người Do Thái, một cặp đôi đã đính hôn thì hầu như về mặt ý nghĩa và mục đích thì được xem như đã kết hôn rồi. Sự không chung thủy trong thời gian này có thể dẫn đến sự ly dị (xem II Cô-rinh-tô 11:2).

 

Trong suốt khoảng thời gian giữa đính hôn và thành hôn, chú rể phải trình các sính lễ cho cha của cô dâu (xem Sáng thế ký 34:12). Đó là thời gian dành cho sự chuẩn bị và sửa soạn của cô dâu, “sẵn sàng” cho sự kiện trọng đại. Cùng với bạn bè của mình, chàng rể trở về nhà riêng hay nhà cha mẹ mình. Đỉnh điểm là một buổi tiệc cưới trang trọng nhưng ngập tràn niềm vui.

 

Hình ảnh hôn lễ này diễn ra thường xuyên trong cả Cựu và Tân ước. Một số ví dụ của Chúa xoay quanh tiệc cưới (Ma-thi-ơ 22:2-4; Mác 2:19-20). Phao-lô đã sử dụng hình ảnh này trong II Cô-rinh-tô 11:2 và Ê-phê-sô 5:25-33.

 

Tất nhiên, chính Chúa Jêsus là Chú Rể thiên thượng. Cô dâu của Đấng mà Giăng Báp-tít đã nói là Hội thánh thật, bao gồm tất cả những ai đã thực hành đức tin cứu rỗi trong Đấng Christ. Ý nghĩa biểu tượng của hôn nhân thể hiện sự hiệp nhất vĩnh viễn giữa Đấng Christ và những người được cứu.

 

Nhưng còn những người Do Thái mộ đạo là những người tin khi còn sống trong khi sống dưới giao ước cũ? Họ có được kể là thuộc về cô dâu? Vì họ trông đợi sự hy sinh cứu chuộc của Đấng Mê-si, họ cùng hưởng sự cứu chuộc được thực hiện bởi Đấng Christ. Chúa Jêsus phán: “Cha các ngươi là Áp-ra-ham đã nức lòng nhìn thấy ngày của ta; người đã thấy rồi, và mừng rỡ” (Giăng 8:56). Sứ đồ Phao-lô nói về Áp-ra-ham, “Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, và điều đó kể là công bình cho người” (Rô-ma 4:3).

 

Chúa Jêsus cũng nói rằng, “Khi ấy, các ngươi thấy Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, cùng hết thảy các đấng tiên tri … ngồi bàn ở trong nước Đức Chúa Trời” (Lu-ca 13:28-29). Sự thật rằng “trên những cửa có mười hai vị thiên sứ, cùng những danh đề, là danh mười hai chi phái của con cháu Y-sơ-ra-ên” (Khải huyền 21:12) cho thấy rằng các thánh trong thời Cựu ước không bị loại trừ khỏi bữa tiệc đó.

 

Sự hứa hôn diễn ra với tầm nhìn hướng về ngày cưới, đỉnh điểm vui mừng của sự thân mật và liên hiệp ngày càng thêm lên. Đấng Christ chọn cô dâu của Ngài từ trước vô cùng, và sự hóa thân làm người của Ngài đã làm cho việc hứa hôn với Ngài trở nên khả thi. Ngài đã trả một sính lễ, một quà cưới, không phải bằng sự lấp lánh của bạc hay vàng nhưng bằng những giọt huyết báu đỏ thẫm của Ngài ngay tại đồi Gô-gô-tha. Từ đó, sau một khoảng thời gian Ngài sẽ trở lại để tiếp nhận cô dâu của Ngài, và đưa nàng về nhà vinh hiển mà Ngài đã sắm sẵn cho nàng. Trong suốt thời gian chờ đợi đó, cô dâu phải sửa soạn mình (Khải huyền 19:7-8).

 

Về áo cưới của cô dâu, cần lưu ý rằng “người được mặc áo sáng láng tinh sạch bằng vải gai mịn” (19:8). Trang phục trong tiệc cưới thông thường được cung cấp bởi chủ tiệc. Thế nhưng, Chú Rể thiêng thượng của chúng ta lại ban cho đồ trang sức, và cô dâu mang lấy. Như Rovert Murray McCheyne đã nói,

 

Khi con đứng trước ngôi

Mang lấy vẻ đẹp không phải của chính con

Thì Chúa ơi, con sẽ biết rõ hết

Chẳng phải đến tận bấy giờ

Con mới nợ ơn Chúa xiết bao.

 

Hai ví dụ của Chúa về tiệc cưới nhấn mạnh hai lẽ thật quan trọng liên quan đến sự cần thiết của việc chuẩn bị cho sự xuất hiện của Chú Rễ. Ví dụ về áo lễ trong tiệc cưới nhấn mạnh sự đòi hỏi về sự thánh khiết cá nhân (Ma-thi-ơ 22:1-14), còn ví dụ về mười người nữ đồng trinh minh họa cho sự cần thiết của việc được đầy dẫy Đức Thánh Linh (Ma-thi-ơ 25:1-13). Chúng ta phải chắc chắn mình đã nhận được áo lễ cho tiệc cưới và đèn của chúng ta phải đầy dầu.

 

Tiệc cưới vùng phương Đông có thể kéo dài cả tuần lễ hoặc hơn. Tiệc cưới của Chiên Con tiếp diễn suốt cõi đời đời trong nhà mà Ngài đã đi để sắm sẵn.

 

Mắt cô dâu không nhìn vào trang phục mình,

Nhưng là gương mặt của chàng rễ yêu quý

Tôi sẽ không nhìn chăm vào sự vinh hiển

Nhưng nhìn vào Vua của ân điển của tôi.

Không chăm vào mão miện Ngài ban cho

Nhưng chăm vào bàn tay mang dấu đinh của Ngài,

Chiên Con là tất cả vinh hiển

Của miền đất Em-ma-nu-ên.

A. R. Cousins

 

Làm sao bước vào cổng thiên đàng

 

“Quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ, thì chẳng được vào nước thiên đàng đâu.” Ma-thi-ơ 18:3

 

Đối với những người chấp nhận thẩm quyền của Kinh Thánh, trong những trang trước, tôi đã trình bày đầy đủ lý lẽ về việc có sự sống sau khi chết và có tồn tại một nơi là thiên đàng mà Kinh Thánh mô tả. Không có gì để nghi ngờ về những lẽ thật mà Chúa và các sứ đồ của Ngài đã dạy, và họ cũng dạy cách rõ ràng như vậy rằng có một nơi là địa ngục, nơi mà những kẻ không ăn năn phải nhận lãnh hậu quả cho những việc làm của mình.

 

Theo những cuộc thăm dò gần đây, thì quan điểm phổ biến ấy là người tốt sẽ đến thiên đàng, và phần lớn những người được thăm dò cho rằng họ có cơ may cao để vào thiên đàng. Rất ít người không muốn vào thiên đàng. Đa số trông cậy vào những việc mình làm được trong đời này, bất kể mối liên hệ giữa họ với Đấng Christ. Đây có phải là một sự trông cậy đúng đắn?

 

Một lần nữa chúng ta phải dựa vào Kinh Thánh để có câu trả lời có thẩm quyền. Tất cả những gì khác hơn Kinh Thánh đều là suy đoán. Và đối với một vấn đề có tầm quan trọng to lớn như thế, chúng ta cần nhiều hơn, chúng ta muốn có sự chắn chắc.

 

Trong một thế giới với quá nhiều những bất công và bất bình đẳng, nơi mà người công bình phải chịu đau khổ còn kẻ ác lại được thịnh vượng, nơi mà người yếu bị áp bức còn kẻ có quyền lực thì cứ lộng hành, thật dễ để kết luận giống như dân Y-sơ-ra-ên, ít nhất là trên bề mặt câu chữ: “Đường lối của Chúa là không bằng phẳng” (Ê-xê-chi-ên 18:25). Trong xã hội đương đại của chúng ta, sự quản lý hệ thống pháp luật thường tạo nhiều kẻ hở cho tội phạm hơn là cho nạn nhân. Rất nhiều tội phạm không bị hình phạt, trong khi những hành động xứng đáng thường lại không được khen thưởng. Có hai quốc gia chủ mưu gây ra Thế Chiến II và trở nên thịnh vượng nhất kể từ đó. Điều này tạo ra một vấn đề tranh cãi về đạo đức.

 

A-sáp, một tác Thi thiên, đã đối mặt với vấn đề tương tự, ông không có câu trả lời và gần như đánh mất đức tin. Hãy lắng nghe ông:

 

Còn về phần tôi, chân tôi đã gần vấp,

Suýt chút bước tôi phải trượt.

Vì khi tôi thấy sự hưng thịnh của kẻ ác,

Thì có lòng ganh ghét kẻ kiêu ngạo.

Vì trong cơn chết chúng nó chẳng bị đau đớn;

Sức lực của chúng nó vẫn đầy đủ.

Chúng nó chẳng bị nạn khổ như người khác,

Cũng không bị tai họa như người đời.

Thi thiên 73:2-5

 

Vì cớ tội lỗi loài người, cuộc sống trên đất trở nên bất công cách hiển nhiên. Nếu Đức Chúa Trời là tốt lành và công bình như Kinh Thánh khẳng định và như chúng ta đã tin, thì làm thế nào Ngài có thể duy trì đức tánh của Ngài trong khi vẫn để cho những vấn đề như vậy cứ tiếp diễn? Nếu Ngài vẫn không hành động trong tình trạng này, thì hoặc là Ngài không quan tâm hay là không có năng quyền để loại bỏ những bất công sờ sờ trước mắt trong đời này.

 

Những cả Kinh Thánh và lịch sử đều chứa đủ những lời khẳng định rằng Ngài không phải là không quan tâm hay không hành động. Đời này không phải là tận chung của tất cả. Những sự không công bằng sẽ bị loại bỏ.

 

Giải pháp mà A-sáp đã tìm ra cho vấn đề của ông là gì? Ông nói chúng ta: “Con đã giữ lòng con tinh sạch là vô ích, và rửa tay con trong sự vô tội là luống công. … Khi con suy ngẫm để hiểu rõ điều ấy, thì con cảm thấy cực nhọc phiền lòng., cho đến khi con vào nơi thánh của Đức Chúa Trời, thì mới hiểu được sự cuối cùng của chúng” (câu 13,16-17, Bản Truyền thống Hiệu đính). Giống như ông, chúng ta phải đem những vấn đề phức tạp của mình vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời và thử nhìn xem sự việc từ quan điểm của Ngài. Đó là cách nhìn đích đáng và quan trọng.

 

Kinh Thánh chứa đầy những sự báo trước về một ngày sẽ đến khi những sự không công chính sẽ bị loại bỏ và những bất công sẽ không còn, khi kẻ ác sẽ bị đoán phạt và người có đức hạnh sẽ được ban thưởng xứng đáng. Điều này sẽ xảy ra trong Ngày Phán Xét. Những ai không tận dụng phương cách duy nhất của sự cứu rỗi bởi ân điển của Đức Chúa Trời và sự chết đền tội của Đấng Christ sẽ không được bước vào cổng thiên đàng. Lời Chúa phán rõ ràng: “Kẻ ô uế, người làm điều gớm ghiếc và nói dối không hề được vào thành; nhưng chỉ có những kẻ đã biên tên trong sách sự sống của Chiên Con” (Khải huyền 21:27).

 

Sách Sự Sống của Chiên Con

Tên được biên trong Sách Sự Sống của Chiên Con có ý nghĩa gì?

            Hình ảnh ẩn dụ về những quyển sách ghi chép xuất hiện xuyên suốt Kinh Thánh, bắt đầu với lời cầu xin của Môi-se, ông xin Đức Chúa Trời “xóa tên” ông khỏi sách của Ngài như một sự đền tội cho dân Y-sơ-ra-ên (Xuất Ê-díp-tô ký 32:32). Lối nói này được rút ra từ việc đăng ký của chi phái của Y-sơ-ra-ên. Sự xuất hiện cuối cùng của hình ảnh này nằm trong bản văn mà chúng ta đang xem xét.

 

Liên quan đến sự phán xét trước Tòa Án Lớn Màu Trắng, chúng ta đọc thấy: “Bấy giờ tôi thấy một tòa lớn và trắng cùng Đấng đương ngồi ở trên… Tôi thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước tòa, và các sách thì mở ra. Cũng có mở một quyển sách khác nữa, là sách sự sống; những kẻ chết bị xử đoán tùy công việc mình làm, cứ như lời đã biên trong những sách ấy” (Khải huyền 20:11-12).

 

Có một bộ sách chứa đựng các ghi chép về lịch sử cuộc đời của từng người. Một sách khác là Sách Sự Sống của Chiên Con. Bản ghi chép đầu tiên có thể chỉ mang đến sự kết án, vì tất cả mọi người đều không đạt được tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Trong Sách Sự Sống ghi lại tên của những người ăn năn tội lỗi của mình và thực hành đức tin nơi Đấng Christ, là Cứu Chúa và là Đấng Cứu chuộc.

 

“Hãy nhớ rằng việc tên của chúng ta có được ghi trong đó hay không là phụ thuộc vào chính chúng ta. Trong cuốn Thiên lộ lịch trình, John Bunyan mô tả một người đàn ông mang vũ khí tiến đến chiếc bàn nơi có một người đang ngồi với một cuốn sách và bình mực, ông ta nói: ‘Hãy viết xuống tên tôi.’” Cuốn sách được mở cho bất kỳ muốn được ghi tên vào. Một đức tin sống động nơi Đấng Christ, Chiên Con của Đức Chúa Trời là Đấng “cất tội lỗi thế gian đi”, là điều kiện duy nhất để tên của mình được ghi vào sách đó, và điều đó tạo thành hộ chiếu cho chúng ta bước qua những cánh cổng ngọc châu. Alexander Maclaren viết rằng: “Những người tin cậy nơi Đấng Christ sẽ có tên trong Sách Sự Sống; tên họ được chạm trên bảng đeo ở ngực của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, được khắc vào bàn tay toàn năng và tấm lòng thành tín của Ngài.”

 

Tại sao bạn không tạo một sự chắc chắn tuyệt đối về thiên đàng bằng cách mở lòng mình ra đối với Đấng Christ, là Chúa và Đấng Cứu Chuộc ngay bây giờ, mời Ngài bước vào, tẩy sạch mọi tội lỗi, và khiến lòng bạn trở thành nơi cư ngụ đời đời của Đức Chúa Trời? Hãy cầu nguyện theo lời bài thơ sau xuất phát từ tấm lòng bạn, và Ngài sẽ ban cho bạn sự bảo đảm: “Nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với ta” (Khải huyền 3:20).

 

Xin mời Ngài bước vào! Cửa lòng con đang rộng mở

Con nghe tiếng Ngài, Ngài là Chúa Jêsus

Mặt trời đã tắt từ lâu, giông tố nổi lên

Chính là lúc dành cho Ngài,

Cứu Chúa của con ơi, xin Ngài ngự vào!

 

Than ôi, tình trạng bệnh tật trong căn phòng ảm đạm;

Đồ đạc ngổn ngang giữa cảnh u tối

Bàn thì mất chân, ghế dài không khăn phủ;

Ôi! Chào đón Vị Khách Đời Đời như thế sao!

 

Con không tìm kiếm điều gì khác, hay cố sửa chữa

Trước khi Người Bạn tuyệt vời bước vào;

Mọi thứ dường như không phải tốt nhất; và thật tồi tệ

Còn hơn là bắt Ngài phải đợi chờ.

 

Xin hãy đến, không phải để tìm kiếm,

Nhưng làm cho tấm lòng bối rối này

Thành nơi trú ngụ xứng đáng cho Ngài;

Xóa tan u sầu, khiếp kinh và tội lỗi;

Xin hãy đến, chỉ duy Ngài,

Chúa Jêsus ôi, xin đồng ý bước vào.

Handley C. G. Moule

 

Ba lời chứng

 

Chúng ta kết thúc việc nghiên cứu của mình với những lời chứng của ba người đã kinh nghiệm sự tái sanh, tên của họ được ghi vào Sách Sự Sống của Chiên Con, và nay họ đang ở thiên đàng.

 

Vào khoảng giữa thế kỷ này (thế kỷ 20), Tiến sĩ Harry Rimmer được biết đến trong thế giới Cơ Đốc vì những quyển sách của ông về Kinh Thánh và khoa học. Một hay hai tuần trước khi Tiến sĩ Rimmer mất vào năm 1953, Tiến sĩ Charles Fuller, người bảo trợ cho chương trình Giờ Phấn Hưng (Old Fashioned Revival Hour), có lịch giảng về thiên đàng vào Chúa nhật tuần kế tiếp. Trong tuần đó, ông nhận được một lá thư từ Tiến sĩ Rimmer, trong đó có một phần như sau:

           

Chúa nhật tới đây anh sẽ nói về thiên đàng. Tôi rất quan tâm đến nơi đó, vì tôi đã nắm giữ được quyền sở hữu rõ ràng đối với một ít cơ nghiệp nơi đó trong suốt hơn năm mươi lăm năm qua. Nó được ban cho tôi mà “không cần tiền, không đòi giá”. Nhưng Đấng ban tặng đã mua nó cho tôi bằng sự hy sinh lớn lao vô cùng. Tôi không giữ quyền sở hữu đó để đầu cơ, vì quyền sở hữu đó không thể sang nhượng cho ai được. Nó không phải là một lô đất trống.

 

Trong vòng hơn nửa thế kỷ qua, tôi đã gửi đi những vật liệu, mà từ đó Nhà Kiến trúc vả Nhà Xây dựng Vĩ Đại của Vũ trụ đang xây nhà cho tôi, một ngôi nhà sẽ không bao giờ phải trùng tu hay sửa chữa, vì nó sẽ thích hợp hoàn toàn với riêng tôi, và nó sẽ không bao giờ bị cũ đi. Mối mọt sẽ không bao giờ làm suy yếu nền móng của nó, vì đã đặt trên Vầng đá của Thời đại. Lửa không thể thiêu hủy nó. Lũ lụt không thể cuốn trôi nó. Không có khóa hay then đặt trên cửa nó, vì không có người xấu nào có thể bước vào Xứ nơi tôi cư ngụ. Giờ đây mọi sự hầu như đã hoàn tất và sẵn sàng cho tôi bước vào và sống trong nơi yên bình đời đời, không chút lo sợ bị khước từ.

 

Có một thung lũng bóng tối sâu thẳm giữa nơi tôi sống ở Califonia và nơi tôi sẽ đi đến trong thời gian ngắn nữa thôi. Tôi không thể đến được nhà của mình nơi thành phố bằng vàng đó mà không trải qua thung lũng bóng tối này; nhưng tôi không sợ hãi, vì Người Bạn tốt nhất mà tôi có trên đời đã từng đi qua thung lũng ấy cách đây rất lâu và đã xua tan đi mọi u sầu. Ngài không rời xa tôi dẫu lúc thuận cảnh hay nghịch cảnh từ khi tôi biết Ngài cách đây năm mươi lăm năm, và tôi nắm giữ lời Ngài hứa cách rõ ràng rằng Ngài sẽ không lìa bỏ tôi hay để tôi đơn độc. Ngài sẽ ở cùng tôi khi tôi bước đi trong trũng bóng tối, và tôi sẽ không lạc đường khi Ngài đi với tôi.

 

Tôi mong nghe được bài giảng của anh về thiên đàng vào Chúa nhật từ nhà của tôi ở Los Angeles, nhưng tôi không chắc rằng sẽ có thể nghe được. Vé của tôi về thiên đàng không ghi ngày cho chuyến đi, không khứ hồi, và không cho phép mang theo hành lý. Vâng, tôi đã sẵn sàng để lên đường, và có lẽ tôi không ở đây trong khi anh giảng vào Chúa nhật tới—nhưng tôi sẽ gặp anh ở Trên Kia một ngày nào đó.

 

Đức Chúa Jêsus Christ đã nói: “Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi, và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó… Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.”

 

Trong một dịp, Dwight L. Moody, nhà truyền giáo vĩ đại người Mỹ, đã nói:

 

Một ngày nào đó bạn sẽ đọc được thông báo rằng D. L. Moody ở East Northfield đã mất. Đừng tin bất cứ lời nào trong đó! Ngay lúc đó tôi còn đang sống hơn là bây giờ nữa. Tôi sẽ đi lên nơi cao hơn, chỉ thế thôi—thoát khỏi cái nhà bằng đất cũ kỹ này để đến một ngôi nhà bất diệt; một thân thể mà sự chết không đụng đến được, tội lỗi không làm hư hại được, một thân thể giống như thân thể vinh hiển của Ngài. Tôi được sinh ra trong thân xác vào năm 1837. Tôi được sinh lại bởi Đức Thánh Linh năm 1856. Điều sanh bởi xác thịt sẽ chết đi. Điều được sinh bởi Đức Thánh Linh sẽ sống mãi.

 

Cái chết của John Wesley, cha đẻ của Hội thánh Giám lý, xảy ra trong phòng của ông ở City Road, London. Cái kết thật rất tốt đẹp. Không đau đớn, chỉ có cảm giác dần yếu đi, và một sự chấp nhận yên bình điều không thể tránh khỏi. Ông đã ngủ nhiều và nói ít, nhưng thỉnh thoảng ngọn lửa sự chết ánh lên, và “ngọn đèn” bên trong, là điều đã thay đổi bộ mặt nước Anh, bùng lên ánh sáng mãnh liệt. Một buổi chiều trước khi mất, ông đã làm cho người bạn của ông ngạc nhiên khi bật lên bài hát:

 

Tôi ngợi khen Đấng Tạo hóa tôi khi còn hơi thở

Và khi giọng tôi lạc mất trong sự chết

Ngợi khen sẽ là công việc cao quý của tôi;

Những ngày tôi ca ngợi sẽ không bao giờ dứt,

Khi sự sống, suy nghĩ, và bản thể vẫn còn

Hay sự bất tử kéo dài vô tận.

 

Hạnh phúc thay cho người đặt niềm hy vọng

Nơi Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên!

Ngài đã tạo trời, đất, biển và muôn vật trong đó;

Chân lý Ngài mãi mãi còn nguyên;

Ngài giải cứu kẻ bị áp bức, nuôi nấng kẻ nghèo

Và không ai thấy lời hứa của Ngài là vô ích.

 

Ông hát hai câu và sau đó dần kiệt sức trở lại. Ngày hôm sau, khi ông yếu đi rất nhiều, bằng nỗ lực cuối cùng, ông sử dụng chút sức lực còn lại của mình để đưa ra một thông điệp mà về sau trở thành khẩu hiệu của Hội thánh Giám Lý: “Điều tốt nhất trong mọi điều ấy là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.”

 

Tuyệt vời thay có Chúa ở cùng!

Khi trái đất phai tàn như một giấc mơ,

Và từ nơi bờ sương mù giăng phủ

Chúng ta dong thuyền theo dòng nước lạ

 

Không nghi ngờ, không sợ hãi, không lo âu

Nhưng được an ủi bởi cây trượng và cây gậy của Ngài,

Trong giờ phút đức tin bừng sáng lúc lâm chung,

Tuyệt thay được ở với Ngài!

 

Tôi sẽ không sợ khi dong thuyền mình

Giữa dòng nước lũ cuồn cuộn tối tăm,

Nó đi xuyên qua sương mù

Tuyệt thay được ở với Ngài!

 

Lời nhắn gửi đến quý độc giả

 

Nhà xuất bản xin bạn chia sẻ phản hồi về thông điệp của sách này bằng cách viết cho Nhà xuất bản Discovery House, Box 3566, Grand Rapids, MI 49501, USA. Nếu cần thông tin về các văn phẩm khác của Discovery House như sách, đĩa nhạc, video, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ trên, hoặc gọi đến số 1-800-653-8333. Có thể tìm thấy chúng tôi trên Internet tại địa chỉ http://www.dhp.org hoặc gửi e-mail đến địa chỉ book@dhp.org.


Thiên Đàng: Tốt Đẹp Bội Phần là bản tóm tắt hiếm có về các quan điểm Thánh Kinh đối với chủ đề vô tận là thiên đàng Nó là lời kết của một người đã chuẩn bị chính mình trong gần một thế kỷ cho ngày mà ông sẽ kinh nghiệm được thiên đàng tốt đẹp bội phần là như thế nào.

 

Nếu quan niệm của bạn về thiên đàng chỉ là có một “tòa lâu đài bên kia đồi”, thì J. Oswald Sanders có một tin quan trọng dành cho bạn. Mặc dầu thiên đàng cung ứng một nơi ở cuối cùng cho những người yêu mến Đức Chúa Trời, nhưng tác giả giải thích rằng “thiên đàng vinh hiển không thể hình dung được đến nỗi chúng ta buộc phải diễn tả về nó theo lối phủ định và bằng những biểu tượng của sự huy hoàng và uy nghiêm.” Ông nói rằng quan điểm phổ biến—cho rằng thiên đàng giống những nơi sang trọng nhất mà chúng ta biết, chỉ là tốt hơn—là hoàn toàn sai lầm.

 

Qua việc nhận biết mình đã đến gần cổng thiên đàng, Sander đã tiếp cận chủ đề này với một sự quan tâm còn hơn là một học giả. Lòng trung thực đã khiến ông phải đương đầu với các quan điểm phổ biến, và tính tò mò đã thúc giục ông đặt ra những câu hỏi liên quan, chẳng hạn như:

 

Chết là gì?

Làm thế nào để bước vào cổng thiên đàng?

Thiên đàng là một nơi chốn hay trạng thái của tâm trí?

Chúng ta có nhận biết nhau trong thiên đàng không?

Thân thể phục sinh của chúng ta sẽ như thế nào?

Chúng ta sẽ làm gì trong thiên đàng?

Thiên đàng sẽ như thế nào?

Có những tòa lâu đài chờ đón chúng ta không?

Ai sẽ nhận được phần thưởng?

J. Oswald Sanders đã viết hơn 40 sách trước khi ông qua đời vào năm 1992 ở tuổi 90. Thiên Đàng: Tốt Đẹp Bội Phần là quyển sách cuối cùng của ông.

 

————————————–


[44] William Hendriksen, More Than Conquerors (Grand Rapids: Baker, 1982), 198.

[45] Edward M. Bounds, Glimpses of Heaven (Pittsburgh: Whittaker, 1985), 31.

[46] Wilbur M. Smith, Wycliffe Bible Commentary (Chicago: Moody Press, 1962), 1521.

[47] G. H. Lang, The Revelation of Jesus Christ, 368.

[48] William Hendriksen, More Than Conquerors, 197.

 

Bài trướcLễ Công Bố Thành Lập Các Điểm Nhóm Tại Phú Yên
Bài tiếp theoNgày 15/4/2016: Thầy Tế Lễ Nhà Vua