Thiên Đàng Tốt Đẹp Bội Phần (Chương 6)

1784

 

CHƯƠNG SÁU

 

Sự Tái Lâm Và Phán Xét

 

Sự tái lâm và phán xét có ý nghĩa gì với chúng ta?

Sự tái lâm có ý nghĩa gì với Đấng Christ?

Sự tái lâm của Chúa có tác động gì tới Sa-tan?

 

Sự mặc khải về một Ngai Xét đoán cho những người tin Chúa chứng tỏ thêm rằng sự trọn vẹn của thiên đàng chưa bắt đầu và chưa được tận hưởng bởi bất cứ ai cho tới sau sự tái lâm và sự sống lại. Các Cơ Đốc nhân đã qua đời trong suốt mười chín thế kỷ qua chưa bị xét đoán về sự trung tín hay bất trung của họ. Điều đó không xảy ra khi chúng ta chết, nhưng sẽ xảy ra ngay trước khi sự cứu chuộc được làm trọn. Đó sẽ là trạng thái trọn vẹn, ích lợi và vĩnh cửu.[43]

W. Graham Scroggie

 

Sự tái lâm và sự phán xét có ý nghĩa gì với chúng ta?

“Chớ lấy điều đó làm lạ; vì giờ đến, khi mọi người ở trong mồ mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi; ai đã làm lành thì sống lại để được sống, ai đã làm dữ thì sống lại để bị xét đoán.” (Giăng 5:28-29)

 

Parousia là từ được dùng thường xuyên nhất để nói về sự tái lâm của Đấng Christ. Nó xuất hiện hai mươi bốn lần trong Tân Ước. Phi-e-rơ sử dụng nó trong mối tương quan với sự đến lần thứ nhất của Chúa—một sự kiện lịch sử hiển nhiên. “…chúng tôi đã làm cho anh em biết quyền phép và sự đến (parousia) của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta…” (II Phi-e-rơ 1:16).

 

Dầu ý nghĩa căn bản của từ này là “sự hiện diện,” nó có ý nghĩa nhiều hơn thế. Như Lois Berkhof đã nói, “Nó chỉ về sự hiện đến là điều đi trước sự hiện diện.” Nó nói đến sự hiện diện mang tính thuộc thể hơn là thuộc linh. Từ ngữ này cũng được dùng cho Phao-lô. Những kẻ nhạo báng ông nói về ông rằng, “… thơ của người nặng lời và bạo mạnh; nhưng đến khi có mặt (parousia) thì người yếu đuối và lời nói chẳng có giá gì” (II Cô-rinh-tô 10:10).

 

Thời xưa, khi một vị vua hay hoàng đế chuẩn bị đến thăm một thành phố, người ta phải chuẩn bị rất cẩn thận, cũng giống như ngày hôm nay đối với parousia của một vị khách quan trọng. Các Cơ Đốc nhân đầu tiên quen thuộc với cách sử dụng từ này và dùng nó trong ý nghĩa đó để mô tả sự hiện đến của Đấng Christ như là Vua trên muôn vua một cách oai quyền và vinh hiển.

 

“Parousia của Đấng Christ chỉ về sự hiện đến của Ngài từ thiên đàng, đó sẽ là … một sự bày tỏ về vinh hiển Ngài, với mục đích là sự cứu chuộc của Hội thánh Ngài, sự báo thù đối với kẻ thù của Ngài, sự hạ bệ các thế lực đối nghịch nổi lên chống lại Ngài, và cuối cùng là việc thực hiện kế hoạch cứu rỗi.”

 

Có thể kết luận rằng, trong mọi trường hợp mà từ ngữ parousia được sử dụng, nó chỉ về sự đến của một người hay một nhóm người. Điều này bảo đảm với chúng ta rằng khi Chúa chúng ta trở lại, Ngài sẽ đến trong “thân thể vinh hiển Ngài” (Ma-thi-ơ 25:40; Phi-líp 3:21; I Tê-sa-lô-ni-ca 4:15-17; II Tê-sa-lô-ni-ca 2:1).

 

Sự tái lâm đầy hứa hẹn của Chúa chúng ta đồng nghĩa với sự khởi đầu của niềm vui sướng đầy hứa hẹn dành cho chúng ta trên thiên đàng. Đó là được ở với Đấng Christ, là điều tốt đẹp bội phần. Nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Nó sẽ mở màn cho chuỗi lớn của các sự kiện phán xét trong lịch sử thế giới. Phao-lô đã nói trước về sự sống lại của kẻ công bình và gian ác rằng tất cả sẽ đối mặt với những hệ quả việc mình làm khi còn trong thân xác (Công vụ 24:15).

 

Viễn cảnh về một Ngày Phán xét là một trong những điều ít phổ biến nhất trong tín lý Cơ Đốc. Nó thậm chí bị phủ nhận bởi một số người nhận mình là Cơ Đốc nhân. Nhưng viễn cảnh đó không phải là một khái niệm của riêng Cơ Đốc giáo, nó cũng phổ biến đối với các tôn giáo khác cũng như trong triết học. Chẳng hạn, Phật giáo có mười sáu tầng địa ngục. Lương tâm chung của con người làm chứng cho ý thức về tội lỗi, cảm thấy có trách nhiệm đạo đức đối với một hữu thể hoặc thần linh tối cao. Con người phải chịu trách nhiệm trước Đức Chúa Trời, và Ngài sẽ thưởng thiện phạt ác.

 

Giáo lý khác biệt của Cơ Đốc giáo là Đức Chúa Trời đã ủy thác trách nhiệm này cho Con của Ngài, là Đức Chúa Jêsus Christ, Đấng sẽ xét đoán kẻ sống và kẻ chết. “Cha cũng chẳng xét đoán ai hết, nhưng đã giao trọn quyền phán xét cho Con” (Giăng 5:220. “Lại Ngài [Jêsus, người Na-xa-rét] đã biểu chúng ta khá giảng dạy cho dân chúng, và chứng quyết chính Ngài là Đấng Đức Chúa Trời đã lập lên để đoán xét kẻ sống và kẻ chết” (Công vụ 10:42).

 

Không người nào chấp nhận thẩm quyền của Đấng Christ và tính xác thực của Lời Ngài lại có thể nghi ngờ về sự phán xét hầu đến. Nhưng có một sự khác biệt rất lớn về sự phán xét đối với người tin Chúa và người không tin. Đối với người tin, họ phải ứng hầu trước bema hay tòa án của Đấng Christ (II Cô-rinh-tô 5:10). Đối với người không ăn năn, có một viễn cảnh không thể trốn tránh được là họ phải đứng trước sự phán xét của Tòa án Lớn và Trắng (Khải huyền 20:11).

 

Việc biên soạn một lịch trình chính xác cho những sự kiện đáng kinh này là việc không thể và cũng không cần thiết. Sự chắn chắn hoàn toàn về những sự kiện đó mới là quan trọng. “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét” (Hê-bơ-rơ 9:27). Chúng ta phải ghi nhớ rằng khi những sự kiện này xảy ra, những thước đo về thời gian và không gian như chúng ta biết hiện nay sẽ không còn phù hợp.

 

Tuy nhiên, nói theo cách chúng ta quen thuộc quen thuộc thì có hợp lý không khi kết luận rằng, vì “ngày cứu rỗi” đã trải dài qua hai thiên niên kỷ rồi, nên chúng ta không cần phải cố gắng gói gọn Ngày Phán xét lại trọng một giai đoạn ngắn ngủi? Trái lại, sự phán xét này có nhất thiết phải cần đến một thời gian dài như chúng ta biết không? Ngày nay, với sự kỳ diệu của thế giới máy tính và truyền hình, và sự kỳ diệu vô cùng của bộ não con người, cùng với sự toàn tri của Đức Chúa Trời, việc chậm chạp trong tiến trình xét đoán là điều không thể xảy ra. Có một hiện tượng đã có từ lâu ấy là trong cơn khủng hoảng, toàn bộ cuộc đời có thể được chiếu lên trong tâm trí của một người trong chớp nhoáng.

 

Trong quyển sách này chúng ta chỉ quan tâm đến sự phán xét những người tin Chúa tại bema. Đây là một trong những sự kiện quan trọng nhất liên quan đến sự trở lại của Đấng Christ, cũng như liên quan đến người tin Chúa. “Bởi vì chúng ta thảy đều phải ứng hầu trước tòa án Đấng Christ, hầu cho mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt” (II Cô-rinh-tô 5:10).

 

Phải chăng điều này nghĩa là chúng ta sẽ phải đợi đến ngày đó để biết mình có được cứu hay không? Kinh Thánh há không dạy rằng nhờ vào việc tin nhận Đấng Christ mà chúng ta vượt qua sự chết để đến với sự sống và sẽ không bị kết án?

 

Thật sự là như vậy. Sự giải thích trong II Cô-rinh-tô 5:10 đưa đến lẽ thật rằng Kinh Thánh thừa nhận có hai sự đoán xét. Có sự đoán xét các trong vụ án hình sự, thẩm phán ngồi trên tòa xét xử, nghe các bằng chứng, và quyết định có tội, và kết án cho đương sự. Sự đoán xét còn lại là của người phân xử hay trọng tài như tại các cuộc thi Olympic. Đây là người bước lên bục trọng tài của mình để tuyên bố người thắng cuộc và trao giải thưởng, vì người thắng cuộc đã chạy giỏi và đúng luật. Tất nhiên, sẽ có những những người chạy không giỏi và không đúng luật, nhận lấy thất bại và không được giải thưởng. Đó là sự phán xét thứ hai mà Phao-lô đã trình bày trong câu này.

 

Số phận đời đời của một người đã được xác định trong cuộc sống này, dựa vào việc người đó có tin hay không tin Đấng Christ để được cứu. “Như vậy, mỗi người trong chúng ta sẽ khai trình việc mình với Đức Chúa Trời” (Rô-ma 14:12). Hiếm có câu Kinh Thánh nào đem đến tự vấn lương tâm cách sâu sắc hơn câu này. Daniel Webster, một chính khách nổi tiếng người Mỹ, khi được hỏi ý nghĩ lớn lao nhất mà ông từng ấp ủ là gì, ông trả lời, “Ý nghĩ lớn lao nhất từng xuất hiện trong tâm trí tôi là một ngày kia tôi sẽ đứng trước một Đức Chúa Trời thánh khiết và giải trình về đời sống tôi.”

 

Ngai xét đoán của Đấng Christ là ghế “trọng tài” của Ngài. Mục đích chính sự xét đoán của Ngài là đánh giá và ban thưởng cho người tin Chúa dựa vào cách họ sử dụng những cơ hội và hoàn thành những trách nhiệm của họ. Cơ sở mà chúng ta sẽ bị phân xử được trình bày bằng những lời rõ ràng: “mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt.”

 

Nhưng những động cơ cũng như những việc làm sẽ được đưa vào bảng khai trình. “Vậy, chớ xét đoán sớm quá, hãy đợi Chúa đến; chính Chúa sẽ tỏ những sự giấu trong nơi tối ra nơi sáng, và bày ra những sự toan định trong lòng người” (I Cô-rinh-tô 4:5).

Trong một đoạn văn rất sâu sắc, Phao-lô đã cho chúng ta biết quá trình này được thực hiện như thế nào:

 

Vì, chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập, là Đức Chúa Jêsus Christ. Nếu có kẻ lấy vàng, bạc, bửu thạch, gỗ, cỏ khô, rơm rạ mà xây trên nền ấy, thì công việc của mỗi người sẽ bày tỏ ra. Ngày đến sẽ tỏ tường công việc đó; nó sẽ trình ra trong lửa, và công việc của mỗi người đáng giá nào, lửa sẽ chỉ ra. Ví bằng công việc của ai xây trên nền được còn lại, thì thợ đó sẽ lãnh phần thưởng mình. Nếu công việc họ bị thiêu hủy, thì mất phần thưởng. Còn về phần người đó, sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy.

I Cô-rinh-tô 3:11-15

 

Dẫu rằng phân đoạn Kinh Thánh này có dạy về điều gì khác nữa, thì phân đoạn này nói rõ rằng có linh hồn được cứu nhưng cũng có đời sống bị hư mất, vì cớ sự không trung tín trong việc quản lý đời sống mình.

 

Vàng, bạc, và đá quý tượng trưng cho điều gì? Thật tốt khi xem xét chủ đề này trong cách nhìn về những khả năng nghiêm túc ẩn chứa trong phân đoạn Kinh Thánh. Những điều nào sẽ được đưa ra để đánh giá?

1.      Lời làm chứng của chúng ta đối với Đấng Christ—Phi-líp 2:16.

2.      Sự chịu khổ của chúng ta cho Đấng Christ—I Phi-e-rơ 4:13.

3.      Sự trung tín với Đấng Christ của chúng ta—Lu-ca 12:42-43; Khải huyền 2:20.

4.      Sự phục vụ Đấng Christ của chúng ta—I Cô-rinh-tô 3:8; Hê-bơ-rơ 6:10.

5.      Lòng rộng rãi của chúng ta đối với Đấng Christ—II Cô-rinh-tô 9:6; I Ti-mô-thê 6:17-19.

6.      Việc sử dụng thời gian của chúng ta cho Đấng Christ—Ê-phê-sô 5:15-16; Cô-lô-se 4:5.

7.      Việc sử dụng các ân tứ thuộc linh của chúng ta—Ma-thi-ơ 25:14-28; I Phi-e-rơ 4:10.

8.      Kỷ luật bản thân của chúng ta cho Đấng Christ—I Cô-rinh-tô 9:24-25.

9.      Việc chúng ta chinh phục linh hồn tội nhân cho Đấng Christ—I Tê-sa-lô-ni-ca 2:19.

 

Những phần thưởng ban cho bởi Chúa chúng ta từ ngai phân xử của Ngài được nhắc đến dưới hình ảnh những mão triều thiên. (Điều này được trình bày trong phần ban thưởng của chương BỐN)

 

Nhưng bema không phải hoàn toàn là niềm vui và sự nhận lãnh phần thưởng cho tất cả người tin Chúa. Phao-lô nói với người Cô-rinh-tô rằng vinh quang của các ngôi sao khác nhau, nên những người thánh cũng khác nhau như vậy (I Cô-rinh-tô 15:41-42).

 

Một số người sẽ xấu hổ khi Ngài đến vì họ đã bất trung với Ngài, vì cớ vẫn ngoan cố trong tội lỗi, hay vì cớ đã hổ thẹn về Ngài trước người khác. “Vậy bây giờ, hỡi các con cái bé mọn ta, hãy ở trong Ngài, hầu cho, nếu Ngài hiện đến, chúng ta cũng đầy sự vững lòng, không bị hổ thẹn và quăng xa khỏi Ngài trong kỳ Ngài ngự đến.” (I Giăng 2:28).

 

Một số người sẽ phải nhận thất bại vì cớ họ đã sử dụng gỗ, cỏ khô, và rơm rạ trong việc xây nền móng, và những vật liệu này không thể tồn tại được trong lửa. Như F. E. Marsh đã nói:

 

Họ đã xây những vật liệu là sản phẩm của thế gian này trên nền của bản thể và công tác của Đấng Christ. Vàng chỉ về thần tánh của Đấng Christ, bạc chỉ về sự hy sinh của Ngài, và đá quý chỉ về giá trị vô đối và sự vinh quang hầu đến của Ngài. Những điều chân thật đó sẽ đứng vững trước lửa thử nghiệm của Đức Chúa Trời. Nhưng gỗ chỉ về sự tự tôn, cỏ khô chỉ về tính nhu nhược của con người, và rơm rạ chỉ về lời lẽ con người sẽ bị thiêu đốt hoàn toàn, mặc dầu chính người đó sẽ được cứu.

 

“Nếu công việc họ bị thiêu hủy, thì mất phần thưởng. Còn về phần người đó, sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy”(I Cô-rinh-tô 3:15).

Chúng ta có nằm trong số những người được nhận lãnh phần thưởng trọn vẹn và bước vào vương quốc của Đấng Christ với sự dư dật không, hay chúng ta sẽ nằm trong số những người xấu hổ và thua cuộc?

 

Sự tái lâm có ý nghĩa thế nào đối với Đấng Christ?

“Cha ôi, Con muốn Con ở đâu thì những kẻ Cha đã giao cho Con cũng ở đó với Con, để họ ngắm xem sự vinh hiển của Con, là vinh hiển Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu Con trước khi sáng thế.”

Giăng 17:24

Tính ích kỷ cố hữu của tấm lòng chúng ta (thậm chí sau khi được thay đổi) bị phơi bày khi chúng ta có xu hướng nghĩ đến sự trở lại của Chúa có ý nghĩa gì cho mình – những sự kiện kèm theo đó sẽ ảnh hưởng thế nào, ý nghĩa thế nào đối với chúng ta – hơn là có ý nghĩa thế nào đối với chính Chúa. Một bài thánh ca rất phổ biến của thế hệ trước đây đã tóm tắt quan điểm đó như sau:

 

Ô vinh quang thay cho tôi

Vinh quang cho tôi, vinh quang cho tôi

Khi tôi nhìn thấy mặt Ngài bởi ân điển Ngài,

Thật vinh quang thay cho tôi, vinh quang cho tôi

 

Đúng là chúng ta phấn khởi khi nghĩ đến cơ nghiệp cao quý trong Đấng Christ, nhưng chúng ta có phấn khởi như thế khi nghĩ về cơ nghiệp của Ngài trong chúng ta? Đây là lời cầu nguyện của Phao-lô: “Tôi cũng xin Ngài soi sáng con mắt của lòng anh em, để anh em biết niềm hi vọng mà Chúa đã gọi anh em đến là gì, sự phong phú của cơ nghiệp vinh quang Ngài trong các thánh đồ là thể nào, và đâu là năng quyền vĩ đại không dò lường được của Ngài đối với chúng ta là những người tin, theo sự hành động của quyền năng siêu việt của Ngài.” (Ê-phê-sô 1:18-19)—Bản Hiệu đính Truyền thống.

 

Chúng ta nghĩ gì về cơ nghiệp vinh quang của Ngài trong chúng ta? Chúng ta có chú ý đủ đến niềm khát khao trông chờ và hy vọng của Ngài về ngày cưới của Ngài không? Ngày đăng quang của Ngài có xuất hiện trong tâm trí chúng ta không?

 

Ngài chờ đợi với lòng kiên nhẫn

Chờ đợi ngày Ngài đăng quang,

Chờ đợi Vương quốc không bao giờ qua đi,

Trông ngóng cho đến khi ngọn cờ hoàng gia

Tung bay phấp phới

Cho đến khi thấy những nhọc nhằn mình qua đi,

Thật vui thỏa biết bao!

A. J. Janvrin

 

Hãy lưu ý sự tương phản đầy kinh ngạc giữa sự giáng sinh và tái lâm của Ngài. Khi xưa Ngài đến trong cảnh nghèo nàn và tủi nhục; chẳng bao lâu nữa Ngài sẽ đến với sự giàu có và vinh hiển lạ thường. Khi xưa Ngài đến trong sự yếu đuối; chẳng bao lâu nữa Ngài sẽ đến trong năng quyền lớn lao. Khi xưa Ngài đến trong sự cô đơn; chẳng bao lâu nữa Ngài sẽ đến cùng với các đạo quân thiên sứ và đoàn người đã được cứu chuộc. Khi xưa Ngài đến như một người phải chịu thống khổ; chẳng bao lâu nữa Ngài sẽ đến với sự sáng chói và niềm vui trọn vẹn. Khi xưa con người đặt vào tay Ngài cây sậy để nhạo báng Ngài; chẳng bao lâu nữa Ngài sẽ cầm cây phủ việt của sự thống trị toàn cõi vũ trụ. Khi xưa con người ấn mão gai trên trán Ngài; chẳng bao lâu nữa Ngài sẽ đến với rất nhiều vương miện mà Ngài đã giành được. Khi xưa Ngài bị nhạo báng, chối từ, phản bội; chẳng bao lâu nữa mọi đầu gối sẽ quỳ xuống trước Ngài, xưng nhận Ngài là Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa.

 

Trong lời cầu nguyện với Đức Chúa Cha, Ngài đã cầu xin chỉ một điều riêng tư: “Con muốn Con ở đâu thì những kẻ Cha đã giao cho Con cũng ở đó với Con, để họ ngắm xem sự vinh hiển của Con” (Giăng 17:24). Lời cầu nguyện này bày tỏ lòng khát khao sâu sắc của Ngài. Những con người khiếm khuyết này có ý nghĩa rất lớn đối với Ngài—và chúng ta cũng vậy. Khi Ngài trở lại, sự khát khao này sẽ được thỏa đáp, và “chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn.” Nhưng trong ánh sáng của sự vĩ đại, oai nghiêm và thánh khiết của Ngài, chúng ta không thể không thốt lên cách ngạc nhiên như tác giả Thi thiên, “Loài người là gì, mà Chúa nhớ đến? Con loài người là chi, mà Chúa thăm viếng nó?” (Thi thiên 8:4).

 

Khi Ngài trở lại, Ngài sẽ hoàn toàn thỏa mãn với kết quả của sự hy sinh vô giá của Ngài; “Người sẽ thấy kết quả của sự khốn khổ linh hồn mình, và lấy làm thỏa mãn” (Ê-sai 53:11). Ngài sẽ trải nghiệm sự kết thúc hoàn hảo của “sự vui mừng đã đặt trước mặt Ngài.”

 

Rabbi Duncan từ Edinburgh (thủ đô Scotland) có lần đã giảng về câu “người sẽ thấy dòng dõi mình” (Ê-sai 53:10). Ông chia câu này ra như sau:

 

Ngài sẽ thấy họ được sinh ra và bồng ẵm.

Ngài sẽ thấy họ được dạy dỗ và nuôi nấng.

Ngài sẽ thấy họ được tiếp trợ và vùa giúp.

Ngài sẽ thấy họ được vinh hiển và được đem về nhà.

 

Đây là một phần của sự vui mừng đặt trước mặt Ngài.

Sự trở lại của Đấng Christ sẽ dẫn đến sự kết hiệp đời đời với cô dâu của Ngài, là Hội thánh, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình. Đối với Ngài, cũng như với chúng ta, đó là niềm vui ngất ngây của buổi tiệc cưới Chiên Con và của sự liên hiệp, mối thông công đời đời.

Khi Ngài trở lại, Ngài sẽ nhận lãnh vương quốc mà Ngài đã nói đến rất nhiều khi còn ở thế gian. Lần đầu tiên khi Ngài đến với dân tộc của Ngài và tỏ mình là vua của họ, họ phản ứng, “Chúng tôi không muốn người nầy cai trị chúng tôi.” Nhưng lần sau quyền cai trị của Ngài sẽ được mọi người biết đến và công nhận.

 

Ôi, vui thay được nhìn Ngài cai trị,

Ngài, Chúa kính yêu của tôi!

Mọi lưỡi xưng nhận danh Ngài,

Thờ phượng, tôn kính, ca ngợi, chúc phước,

Đồng thanh dâng lên cho Ngài ;

Ngài là Chúa tôi và Bạn tôi,

Đấng được minh chứng và đăng quang

Cho đến tận cùng trái đất

Vinh hiển, tôn quý và quyền phép

F. R. Havergal

 

Sự tái lâm của Chúa có tác động gì tới Sa-tan?

“Bây giờ sự cứu rỗi, quyền năng, và nước Đức Chúa Trời chúng ta đã đến cùng quyền phép của Đấng Christ Ngài nữa; vì kẻ kiện cáo anh em chúng ta, kẻ ngày đêm kiện cáo chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời, nay đã bị quăng xuống rồi.” Khải huyền 12:10

 

Sự trở lại của Đấng Christ có tác động lớn lao và sâu xa cho Sa-tan, vua của thế gian này, hơn bất kỳ ai. Kinh Thánh mô tả một bức tranh rõ ràng về hai vương quốc đối nghịch nhau trong quang cảnh của thế giới—vương quốc bóng tối của Sa-tan với vương quốc sáng láng của Đức Chúa Trời. Sa-tan và thuộc hạ kết hiệp với những người gian ác trong kế hoạch của mình để giày xéo vương quốc của Đức Chúa Trời và gây nên sự hủy hoại trên loài người.

 

Đến thời kỳ cuối cùng, Sa-tan được xem là đồng minh với con thú và tiên tri giả. Ba thành phần này, kết hiệp trong một mục đích chung là đánh bại Đấng Christ và chiếm quyền thống trị toàn thế giới, tạo nên một bộ ba độc ác của ma quỷ. Trong khi còn ở trên đất, Chúa Jêsus đã giáng đòn bất ngờ khiến Sa-tan thất bại—lần đầu là chiến thắng cám dỗ ở hoang mạc, sau đó là chiến thắng ưu việt trên Thập tự giá. “Vì con cái có phần về huyết và thịt, nên chính Đức Chúa Jêsus cũng có phần vào đó, hầu cho Ngài bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỉ, lại cho giải thoát mọi người vì sợ sự chết, bị cầm trong vòng tôi mọi trọn đời” Hê-bơ-rơ 2:14-15.

 

Vì chính mục đích này mà Đấng Christ đã đến thế gian: “Kẻ nào phạm tội là thuộc về ma quỉ; vì ma quỉ phạm tội từ lúc ban đầu. Vả, Con Đức Chúa Trời đã hiện ra để hủy phá công việc của ma quỉ” (I Giăng 3:8)

 

Tại đồi Gô-gô-tha, chiến thắng được giành lấy cách vinh quang, và bản án sự chết được thi hành. Kết quả phước hạnh là “Ngài đã truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng nó, và nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ” (Cô-lô-se 2:15).

 

Kể từ lúc tại Gô-gô-tha, năng lực được ca tụng của kẻ thù đã bị kiệt quệ. Năng lực của nó không phải là tự có, mà là được tiếp nhận. Nó không phải là vô địch mà là dễ bị đánh bại. Nó không chiến thắng mà lại bị kết án. Nó và những kẻ theo nó bị định cho sự phán xét cuối cùng trong tương lai, đã được mô tả trong Khải huyền 20:7-10:

 

Khi hạn ngàn năm mãn rồi, quỉ Sa-tan sẽ được thả, và nó ra khỏi ngục mình đặng dỗ dành dân ở bốn phương trên đất, dân Gót và dân Ma-gót; nó nhóm chúng lại để chiến tranh, đông như cát bờ biển. Chúng nó lên khắp các vùng rộng trên mặt đất, vây dinh thánh đồ và thành yêu dấu. Nhưng có lửa từ trên trời rơi xuống thiêu diệt chúng nó.Còn ma quỉ là đứa đã dỗ dành chúng, thì bị quăng xuống hồ lửa và diêm, trong đó đã có con thú và tiên tri giả rồi. Chúng nó sẽ phải chịu khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời.

 

Vì vậy, một trong những kẻ vắng mặt trong thiên đàng sẽ là Sa-tan, là kẻ cám dỗ, là kẻ kiện cáo, là kẻ lường gạt. Sẽ không còn nữa những cám dỗ nhắm vào những điểm yếu trong bản chất của chúng ta. Không còn việc khơi lại những tội lỗi cũ và những cáo buộc vô căn cứ. Không còn những sự lường gạt đối với sự không biết và cả tin của chúng ta. Những bất khiết và nhơ bẩn sẽ không vào trong thiên đàng qua những cánh cổng bằng ngọc châu. Ha-lê-lu-gia!

 

—————————————


[43] W. Graham Scroggie, What about Heaven?, 108.

 

 

Bài trướcNgày 23/3/2016: Nụ Hôn Bán Chúa
Bài tiếp theoTruyền Giảng Tại HTTL Bình Trị Đông – TP. HCM