Thiên Đàng Tốt Đẹp Bội Phần (Chương 5)

1573

CHƯƠNG NĂM

 

Công việc ở thiên đàng

 

Chúng ta sẽ làm gì ở thiên đàng?

Âm nhạc sẽ có vị trí như thế nào?

Những người chưa được nghe Tin Lành thì như thế nào?

Trách nhiệm của chúng ta là gì?

Có sự cứu rỗi phổ quát không?

 

Ở thiên đàng, chúng ta sẽ không dành thời gian cho việc ngồi trên bờ rìa những đám mây và chơi đàn hạc, hay tản bộ trên những đường phố bằng vàng, hay hái những bông hoa trong khu vườn rộng lớn của thiên đàng. Chúng ta sẽ bận rộn hơn bao giờ hết, tuy nhiên chúng ta sẽ làm những công việc hoàn hảo và không bao giờ mệt mỏi. Mỗi chúng ta sẽ làm trọn di sản mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta và đồng thời chúng ta cũng được yên nghỉ. Đức Chúa Trời đã đặt trong bản chất con người xu hướng hoàn thành mục tiêu hay mục đích. Một trong những niềm vui thích lớn nhất của đời sống là sự hài lòng khi một công việc được hoàn thành tốt đẹp.[37]

John Mac Arthur, Jr.

 

Chỉ những quốc gia Cơ Đốc mới có nền âm nhạc thật sự, và thường những nhà soạn nhạc xuất sắc nhất và vui mừng nhất là những Cơ Đốc nhân mạnh mẽ: Bach và Handel, chỉ cần đề cập hai người thôi. Chẳng phải cách tỏ bày tốt nhất của một tấm lòng ngập tràn sự kính sợ và niềm vui của Đức Thánh Linh là qua các bài hát sao? Do đó chúng ta không ngạc nhiên khi nhìn thấy âm nhạc chiếm chỗ thế nào trong bản mô tả về thiên đàng… Trong suốt cả cõi đời đời, sự tôn vinh và những bài hát ngợi khen sẽ thêm lên cho Ngài, Đấng đã cứu chuộc chúng ta. Và giai điệu hoàn hảo của thiên đàng sẽ vượt trỗi hơn giai điệu tuyệt vời nhất của âm nhạc trên đất này.[38]

Rene Pache

 

Chúng ta sẽ làm gì ở thiên đàng?

“Ngôi của Đức Chúa Trời và Chiên Con sẽ ở trong thành; các tôi tớ Ngài sẽ hầu hạ Ngài; chúng sẽ được thấy mặt Chúa…”

Khải huyền 22:3-4

 

Hầu hết những gì chúng ta được biết về thiên đàng, như chúng ta đã thấy trước đây, được diễn tả bằng những từ ngữ mang tính phủ định. Hầu hết những đặc điểm khác biệt của thiên đàng nằm ở những gì không có ở đó, nhưng không phải chúng ta không có bản mô tả về những đặc điểm tích cực khiến cho thiên đàng trở nên một nơi đáng ước ao thật sự. Một số những đặc điểm này nằm trong dạng những lời khẳng định rõ ràng, như câu ở phần đầu chương này. Những đặc điểm khác ở dạng ẩn dụ và biểu tượng rất cuốn hút. Lời cam đoan của Phao-lô rằng thiên đàng là “tốt đẹp bội phần” so với cuộc sống trên đất đảm bảo cho chúng ta sự thỏa lòng trọn vẹn trong cuộc sống đời sau.

Sau đây là một số cách mà theo đó chúng ta sẽ bận rộn trong thiên đàng.

 

1.      “Chúng sẽ được thấy mặt Chúa, và danh Chúa sẽ ở trên trán mình” (Khải huyền 22:4).

Điều này sẽ là tột đỉnh của niềm vui và sự trọn vẹn của thiên đàng. Đấng Christ sẽ là trọng tâm thu hút của vũ trụ. Từ trước thời điểm đó, con người phải thờ phượng một Đức Chúa Trời vô hình.

 

Khôn ngoan, bất diệt, vô hình

Ngài dùng ánh sáng hiển vinh ẩn mình…

 

Nhưng rồi chúng ta sẽ có niềm vui khôn xiết vì thấy được Ngài mặt đối mặt mà không gì ngăn trở chúng ta.

Vào thời Ba Tư cổ đại, người ta ghi lại rằng chỉ có bảy người “nhìn thấy mặt vua”—tức là, có một sự tiếp cận không hạn chế đối với sự hiện diện trực tiếp của vua. Trong thân thể thuộc linh, chúng ta sẽ có thể làm được điều mà Môi-se đã bị khước khi ông còn trong thân xác thuộc về đất. Khi Môi-se xin Chúa, “Cho tôi xem sự vinh hiển của Ngài,” câu trả lời ông nhận được là, “Khi sự vinh hiển ta đi ngang qua, ta sẽ để ngươi trong bộng đá, lấy tay ta che ngươi, cho đến chừng nào ta đã đi qua rồi. Ta sẽ rút tay lại, và ngươi thấy phía sau ta; nhưng thấy mặt ta chẳng được” (Xuất 33:18,22-23). Tuy nhiên, trong thiên đàng, việc nhìn ngắm sự vinh hiển của Đức Chúa Trời trong sự hiện diện của Đức Chúa Jêsus Christ sẽ là trải nghiệm mỗi ngày. Chúng ta sẽ bước đi từng ngày “trong ánh sáng của mặt Chúa” (Thi 89:15).

Trước viễn cảnh vinh hiển nhưng cũng đáng kinh sợ này, chúng ta sẽ đồng cảm với Thomas Binney khi ông viết:   

 

Ồ tôi rồi sẽ ra sao

Khi tâm linh chứa biết bao tội tình

Khi Ngài, Đấng Thánh hiển vinh

Rạng soi ánh sáng trong linh hồn này?

 

Nhưng cùng với ông, chúng ta có thể vui mừng rằng:

Có phương cách để con người

Đến nơi cư ngụ tuyệt vời của Cha

Ấy nhờ lễ quán đổ ra

Nhờ Người biện hộ cho ta trước Ngài.

 

Dường như các thiên sứ chưa sa ngã cũng có khả năng chịu được “hào quang” của Đức Chúa Trời vì Chúa Jêsus nói rằng: “…các thiên sứ của chúng nó trên trời thường thấy mặt Cha ta, là Đấng ở trên trời” (Ma-thi-ơ 18:10). Sau này, chúng ta sẽ chia sẻ đặc ân đó với họ.

Ý nghĩa của cụm từ trong Khải huyền 22:4, “danh Chúa sẽ ở trên trán mình,” là điều mà chúng ta cũng phải suy xét. Tương quan với điều này là y phục của thầy tế lễ thượng phẩm: “Họ cũng dùng vàng lá ròng chế cái thẻ thánh, khắc trên đó như người ta khắc con dấu, rằng: Thánh cho Đức Giê-hô-va! Rồi lấy một sợi dây tím đặng cột để trên mũ, y như lời Đức Giê-hô-va đã phán dặn Môi-se” (Xuất 39:30-31).

Trong cách nói của người Do Thái, tên của một người tượng trưng cho bản chất của người đó. Do đó, cái thẻ trên mũ của thầy tế lễ thượng phẩm đánh dấu rằng ông là người thánh, được biệt riêng hoàn toàn cho Đức Chúa Trời, và phải trở nên giống như Ngài về bản tính. Chúng ta không cần phải đợi đến khi được vào thiên đàng mới có dấu hiệu phân biệt này.

 

2.      “…các tôi tớ Ngài sẽ hầu hạ Ngài” (Khải huyền 22:3).

Thật vinh hạnh biết bao khi được phục vụ Vua trên muôn vua và Chúa tể của vũ trụ! Nhưng sự phục vụ của chúng ta sẽ là một sự phục vụ đặc biệt. Một tác giả đã chỉ ra rằng “những từ ngữ ở phân đoạn này là đáng lưu ý vì trong nguyên ngữ Hy Lạp, từ tôi tớ (servant) và hầu hạ (serve) không có liên quan với nhau như trong tiếng Anh. Từ tôi tớ nghĩa đen là ‘một nô lệ,’ nhưng từ hầu hạ được sử dụng trong Kinh Thánh dành riêng cho một loại hình phục vụ—phục vụ qua sự thờ phượng.”[39] Đó là lý do một số bản dịch hiện đại dịch là “Các tôi tớ Ngài sẽ thờ phượng Ngài.” Chiên Con của Đức Chúa Trời trên ngai sẽ là đối tượng tôn thờ của những kẻ được cứu chuộc, những kẻ sẽ dâng lên Ngài sự phục vụ thánh không chút miễn cưỡng.

 

3.      “chúng sẽ trị vì đời đời” (Khải huyền 22:5).

Điều này có nghĩa là, ngoài đặc ân dâng lên sự phục vụ với tư cách thầy tế lễ, chúng ta sẽ có tư cách hoàng gia—chia sẻ với Đấng Christ sự vinh hiển của Ngài. Đó chẳng phải là điều mà Ngài đã cầu nguyện sao? “Cha ôi, Con muốn Con ở đâu thì những kẻ Cha đã giao cho Con cũng ở đó với Con, để họ ngắm xem sự vinh hiển của Con, là vinh hiển Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu Con trước khi sáng thế” (Giăng 17:24).

Có ba nhóm người trong Kinh Thánh được cho biết là sẽ cùng hưởng sự vinh hiển Đấng Christ ngự trên ngôi.

(a)    Nhóm đầu tiên bao gồm những người đã trung kiên với Đấng Christ giữa những thử thách trong cuộc sống trên đất này. Sự phục vụ của họ không được trọn vẹn, nhưng họ vẫn kiên trì dầu có sự chống đối. “Còn như các ngươi đã bền lòng theo ta trong mọi sự thử thách ta, nên ta ban nước cho các ngươi, cũng như Cha ta đã ban cho ta vậy, để các ngươi được ăn uống chung bàn trong nước ta, và được ngồi ngai để xét đoán mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên” (Lu-ca 22:28-30).

Đáng lưu ý là trong tiếng Hy Lạp không có mạo từ trong mệnh đề “Ta ban [một] nước cho các ngươi” (I confer on you a kingdom). Nghĩa đen là, “Ta bổ nhiệm cho ngươi vương quốc” (I appoint to you kingdom), chỉ về thứ bậc và thẩm quyền. Như một sự công nhận đối sự trung thành của họ, họ được ban cho những chỗ ngồi trang trọng trong yến tiệc thiên đàng, chung bàn với Ngài. Nếu chúng ta thể hiện sự trung thành tương tự, chắc chắn chúng ta sẽ nhận lãnh phần thưởng giống vậy.

Họ cũng sẽ “được ngồi [trên] ngai để xét đoán mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên.” Vào thời xưa, cũng như hiện nay, vị vua trong vai trò thẩm phán tối cao có những thành viên của hội thẩm đoàn cùng ngồi với mình, và chắc chắn đây là là hình ảnh mà Chúa nói đến.[40]

(b)   Nhóm tín hữu thứ hai cùng cai trị với Chúa chắc chắn bao gồm những kẻ chết cho Đấng Christ, và có thể bao gồm mọi tín hữu. “Anh em há chẳng biết các thánh đồ sẽ xét đoán thế gian sao? Ví bằng thế gian sẽ bị anh em xét đoán, thì anh em há chẳng đáng xét đoán việc nhỏ mọn hơn sao?” (I Cô-rinh-tô 6:2). “Tôi lại thấy những ngai, và những người ngồi trên ngai được quyền xét đoán. Kế đó, tôi thấy linh hồn những kẻ đã phải chết chém vì sự làm chứng cho Đức Chúa Jêsus và vì lời Đức Chúa Trời” (Khải huyền 20:4).

(c)    Nhóm thứ ba bao gồm những người chiến thắng giữa vòng các hội thánh. “Kẻ nào thắng, ta sẽ cho ngồi với ta trên ngôi ta, như chính ta đã thắng và ngồi với Cha ta trên ngôi Ngài” (Khải huyền 3:21). “Kẻ nào thắng, và giữ các việc của ta đến cuối cùng, ta sẽ ban cho quyền trị các nước” (Khải huyền 2:26).

Chiến thắng bao gồm sự vật lộn và chiến đấu, và lời hứa này là dành cho những người đã trung tín và bền chí chiến đấu trong những trận chiến của Chúa. Phao-lô đã nghĩ đến điều này khi ông nói về mão triều thiên đã để dành cho ông bởi vì ông có thể nói cách quả quyết rằng: “Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin” (II Ti-mô-thê 4:7).

John Gilmore viết: “Trong Khải huyền, các Cơ Đốc nhân là những người góp phần cách năng động vào lịch sử thế giới. Việc cai trị trong thiên đàng không chỉ minh chứng cho chính nghĩa của Đức Chúa Trời, mà nó còn có nghĩa là những lời cầu nguyện của các thánh được kết hợp với  sự thi hành các sắc lệnh của Đức Chúa Trời.”[41]

Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng trong khi chúng ta cai trị với Đấng Christ trong sự vinh hiển, chúng ta vẫn là những tôi tớ của Ngài. Trong sự chuẩn bị cho ngày đó, chúng ta phải cạnh tranh với R. C. Halverson, người thích mô tả chính mình là “một đầy tớ của Đầy tớ của các đầy tớ” (a servant of the Servant of servants). Hoặc, tốt hơn nữa vẫn là theo gương Ngài, Đấng trong khi còn tại thế đã nói rằng: “Nhưng ta ở giữa các ngươi như kẻ hầu việc vậy” (Lu-ca 22:27).

 

4.      Thiên đàng sẽ là một cộng đồng thờ phượng.

Hoạt động cao nhất trong thiên đàng sẽ là dâng lên Ba Ngôi Đức Chúa Trời sự thờ phượng và tôn thờ tự nguyện, không có giới hạn của chúng ta. Phân đoạn Kinh Thánh sau đây là một điển hình, kiễu mẫu của sự thờ phượng sẽ được dâng lên:

 

Khi các sinh vật lấy những sự vinh hiển, tôn quí, cảm tạ mà dâng cho Đấng ngự trên ngôi là Đấng hằng sống đời đời, thì hai mươi bốn trưởng lão sấp mình xuống trước mặt Đấng ngự trên ngôi, và thờ lạy Đấng hằng sống đời đời; rồi quăng mão triều thiên mình trước ngôi mà rằng: Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh hiển, tôn quí và quyền lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý muốn Chúa mà muôn vật mới có và đã được dựng nên.

Khải huyền 4:9-11

 

Đặc điểm đầy khích lệ của khung cảnh thờ phượng đương đại ấy là có sự quan tâm ngày càng tăng đối với việc chú trọng vào sự thờ phượng thật trong đời sống của hội thánh, bởi vì điều này sẽ chiếm thứ tự ưu tiên trong thiên đàng.

Gần đây, một cậu thiếu niên tốt mà tôi quen, con của Hiệu trưởng trường Đại học Huấn luyện Lãnh đạo Cơ Đốc tại Papua, New Guinea, đã bị chết đuối trong một tại nạn thảm khốc. Cậu mới mười bảy tuổi, nhưng Bradley Daimoi đã có sự trưởng thành thuộc linh trước tuổi. Người cha đau khổ nhưng đắc thắng trong sự việc đau buồn đó đã viết như sau:

 

Trong khi nó ở với chúng tôi, nó cũng thuộc về Chúa. Bây giờ nó vẫn ở với chúng tôi, cho dù nó đang ở trong sự hiện diện của Chúa. Bradley đã chuyển từ một căn phòng này đến một căn phòng khác. Một ngày kia sự ngăn trở sẽ được cất đi và chúng tôi sẽ được gặp nhau trong sự hiện diện của Chúa mãi mãi.

Chúng tôi được an ủi một cách diệu kỳ bởi những lời trong một bài hát Bradley viết trước khi nó về với Chúa. Bài hát đã cảm động lòng chúng tôi, và tôi tin nó cũng sẽ cảm động lòng các bạn.

 

Tôi đứng và khóc trong nỗi kinh khiếp

vì không ai đủ tốt

để mở quyển sách sự sống,

không, họ không tìm thấy ai.

Họ tìm kiếm khắp thiên đàng.

Họ tìm kiếm trên bầu trời, trong biển cả và trên đất

Thậm chí bên dưới đất cũng không tìm thấy ai.

Ai xứng đáng? Có ai xứng đáng không?

Sau đó, hàng ngàn lưỡi của các thiên sứ

cùng nhau vang tiếng ca rằng:

Chiên Con xứng đáng, xứng đáng

nhận lãnh quyền phép và năng lực

khôn ngoan và giàu có đời đời,

Vì Ngài xứng đáng, xứng đáng tháo những ấn niêm phong

Và Ngài sẽ mở quyển sách thánh, ngợi khen danh Ngài!

 

Lòng tôi vui mừng, linh hồn tôi sung sướng

vì có một Đấng xứng đáng.

Chiên Con bị giết, chết thay tất cả,

Đấng công bình, là Đức Chúa Trời Thánh khiết.

Tôi cùng gia nhập với các thiên sứ và những hữu thể thiên đàng,

Tôi hát với mọi vật sống

Vì niềm hy vọng của tôi được hồi phục, tương lai tôi bảo đảm.

Ha-lê-lu-gia, vinh hiển thay Chiên Con của Đức Chúa Trời.

Bây giờ cho đến muôn đời, tôi sẽ hát ngợi khen Ngài.

 

Âm nhạc sẽ có vị trí như thế nào?

“…đứng bên biển pha lê đó mà nâng đàn cầm của Đức Chúa Trời. Chúng hát bài ca Môi-se, là tôi tớ Đức Chúa Trời, và bài ca Chiên Con…”

Khải huyền 15:2-3

 

Khi đến thăm thành phố Lan Châu (Lanchow) ở phía tây bắc Trung Quốc, tôi bị bối rối và ngạc nhiên vì trên trời tràn ngập những âm nhạc ngọt ngào. Tôi không biết liệu có những cây phong huyền cầm ở đâu đó hay không, nhưng sự giải thích thì rất đơn giản.

Nhiều người Hoa sở hữu những đàn bồ câu được dùng để đua. Họ thường tạo ra những ống nhỏ bằng tre, mỗi ống khớp với một cao độ khác nhau. Họ buộc những cái ống nhỏ này dưới cánh của chim bồ câu, và khi các con chim bồ câu bay, chúng vô tình tạo ra âm nhạc trong không trung. Khi lắng nghe, tôi nhớ lại một bản thánh ca mình từng hát ở lớp Trường Chúa nhật:

 

Có tiếng hát trên thiên đàng

Mà tôi chưa từng biết

Nơi các thiên thần hát ngợi khen

Chiên Con trên ngôi;

Những giai điệu ngọt ngào du dương

Và giọng ca của họ luôn luôn trong trẻo.

Ôi, chúng ta cũng có thể giống như họ

Khi ở đây chúng ta phục sự Chúa.

Thánh thay, thánh thay, ấy là lời hát của các thiên thần

Và tôi ước mong cùng góp phần với họ

Để làm rung động cả thiên đàng;

Nhưng khi tôi hát về câu chuyện của sự cứu chuộc,

Họ sẽ khép đôi cánh mình,

Vì các thiên thần không bao giờ cảm nhận được sự vui mừng

Mà sự cứu rỗi đem đến cho chúng ta.

Johnson Oatman

 

Âm nhạc sẽ thật sự chiếm vị trí nổi bật trong cuộc sống cộng đồng ở thiên đàng, cũng như đã từng chiếm vị trí như vậy như vậy tại nơi đền tạm và đền thờ của dân Y-sơ-ra-ên. Có không ít hơn 288 nhạc sĩ góp phần vào những giờ thờ phượng trong đền thờ mà Sa-lô-môn xây cất (I Sử ký 25:1,7). Giọng ca, bài hát, và nhạc cụ góp phần vào sự thờ phượng của hội chúng. Những nhạc cụ được đề cập liên quan đến sự thờ phượng trong đền thờ là chập chỏa, đàn sắt, đàn cầm, kèn, sáo và những nhạc khí bằng dây khác. Việc dùng dàn nhạc trong sự thờ phượng tại thánh đường không phải là điều mới được thêm vào trong thời hiện đại! Hai mươi bốn trưởng lão được mô tả là mỗi người có một cây đàn hạc, có vẻ như chúng hộ tống họ khi họ hát ngợi khen Đức Chúa Trời (Khải huyền 5:8-9).

Christina Roseti có lần cho rằng thiên đàng được bày tỏ cho thế giới này như là quê hương của âm nhạc. Ồ tuyệt vời thay thứ âm nhạc sẽ làm tăng thêm niềm hạnh phúc của thiên đàng! Không ai là không biết nghe hay thiếu khả năng cảm thụ âm nhạc! Nếu những ban hợp xướng hay những dàn nhạc trên đất này có thể nâng chúng ta đến tầm cao của sự tận hưởng nghệ thuật, thì sẽ ra sao khi chúng ta lắng nghe những bản nhạc thiên đàng được hòa tấu bởi những dàn nhạc chuyên nghiệp của thiên đàng?

Sứ đồ Giăng được nếm trải âm nhạc uy nghiêm của thiên đàng và đã gắng sức để chuyển tải ấn tượng mà nó để lại trên ông: “Tôi nghe một tiếng từ trên trời xuống, y như tiếng nhiều nước, và như tiếng sấm lớn; tiếng mà tôi nghe đó như tiếng đàn cầm mà người đánh đàn gảy vậy: Chúng hát một bài ca mới trước ngôi” (Khải huyền 14:2-3).

Đó là một bài hát mới, vì những bài hát của thiên đàng không bao giờ trở nên nhàm chán. Chúng ta sẽ sớm mệt mỏi với những điệp khúc lặp đi lặp lại. Chúng ta có xu hướng dửng dưng với những bài thánh ca mà chúng ta đã hát từ khi còn trẻ. Nhưng âm nhạc và bài hát của thiên đàng thì luôn tươi mới. Không có nốt nhạc nghịch tai nào làm chúng ta khó chịu ở nơi đó.

Âm nhạc được gọi là ngôn ngữ chung của thế giới, vì nó xuất hiện ở mọi nền văn hóa. Tôi nhớ rõ có một lần khi đang ở Trung Quốc, chúng tôi đã rời đường chính và trong ba ngày cưỡi trên lưng ngựa vượt qua những đường mòn gồ ghề của miền núi, cho đến khi chúng tôi đến một ngôi làng được gọi là Kopu thuộc tỉnh Quý Châu (Kweichow). Nó chỉ là một nhóm nhỏ những ngôi nhà bằng đất ở khu vực của người sắc tộc.  Trong một tuần diễn ra hội thảo, có khoảng một ngàn người sắc tộc từ các khu vực lân cận đến tham dự. Họ là một nhóm rất giỏi về âm nhạc, và tôi kinh ngạc khi những con người nguyên sơ nằm trong lòng đất nước Trung Hoa này lại trình bày bài hát “Ha-lê-lu-gia” (bằng tiếng Trung) trích từ tác phẩm Đấng Mê-si-a của Handel. Họ có giọng cao (sopranos) từ các bé trai, và sự thể hiện rất đáng khen. Tôi rất cảm động khi hết nhóm này đến nhóm kia góp phần trong sự ngợi khen Đấng Cứu chuộc. Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ nghe được loại âm nhạc như thế từ những người sắc tộc đơn sơ.

Từ những cái nhìn sơ quát về thiên đàng trong sách Khải huyền, có vẻ như nếu một người không hát thì người đó sẽ cảm thấy lạc lỏng vì việc ca hát rõ ràng là điều tất yếu. Xuyên suốt sách Khải huyền, cũng như trong hội thảo tại Trung Quốc, những nhóm khác nhau góp phần âm nhạc của riêng mình vào sự ngợi khen Đức Chúa Trời trong những lúc thích hợp.

Việc hát “một bài hát mới” có thể cho thấy rằng âm nhạc thiên đàng sẽ khác xa trên đất, mặc dầu Đức Chúa Trời là Đấng tạo ra cả hai. Ai trong chúng ta cũng có những sự yêu thích hay ác cảm nào đó đối với âm nhạc, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng âm nhạc của thiên đàng sẽ rất du dương, trầm bổng, hòa hợp, êm dịu cách lạ lùng đến nỗi không ai có thể cảm thấy khó chịu được… Chúng ta có thể đoán trước một số sự ngạc nhiên thú vị trong lĩnh vực âm nhạc. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng:

 

Dẫu muôn đàn hạc trên trời

Cũng không thể tạo một nơi thiên đàng

Nếu mà Christ ẩn dung nhan

Hay không hiện diện vinh quang nơi này.

 

Có một sự thiếu sót đáng lưu ý, đó là không có sự đề cập đến người chỉ huy dàn nhạc. Việc ca hát dường như là tự nhiên. Những bài hát ngợi khen Chúa dường như tuôn ra cách tự nhiên. Thomas Carlyle nói, “Âm nhạc dẫn chúng ta đến cõi vô tận, và khiến chúng ta chăm chú vào.”

Liên quan đến một trong những bài hát mà Mark Twain cho là rất tẻ nhạt, Khải huyền 5:7-14, William Barclay gọi là “Bài hợp xướng ngợi khen vĩ đại nhất mà vũ trụ từng nghe,” với từng làn sóng liên tiếp của sự ngợi khen Đức Chúa Trời cách vui mừng, cho đến khi tất cả tạo vật cất cao tiếng hát của mình trong một bài hát tuyệt đỉnh của sự ngợi khen: “Chúc cho Đấng ngồi trên ngôi cùng Chiên Con được ngợi khen, tôn quí, vinh hiển và quyền phép cho đến đời đời!”

 

Có âm nhạc ở thiên đàng

Mãi từ trước lúc thời gian bắt đầu

Khi sao mai hát hòa nhau

Ngợi khen Cứu Chúa lớn lao tuyệt vời

Nhưng âm nhạc của cõi trời

Tuyệt hơn âm nhạc người đời từng hay

Khi người được cứu gặp Ngài

Ngân vang khúc hát tại ngai thiên đàng.

W.M. Czamanski

 

Những người chưa được nghe Tin Lành thì như thế nào?

“Bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được”

Rô-ma 1:20

“Vả, dân ngoại vốn không có luật pháp, khi họ tự nhiên làm những việc luật pháp dạy biểu, thì những người ấy dầu không có luật pháp, cũng tự nên luật pháp cho mình.Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: Chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình.”

Rô-ma 2:14-15

 

Một người không thể học về chủ đề thiên đàng mà không nghĩ đến mối liên hệ của nó với những người chưa được nghe Tin Lành. Những người này có được vào thiên đàng không?

Có thể nói cách chắc chắn rằng không có người ngoại nào không được vào thiên đàng chỉ vì họ chưa bao giờ nghe Tin Lành. Không có sự hậu thuẫn nào từ Kinh Thánh cho quan điểm đó. Nếu dân ngoại bị “hư mất” trong ý nghĩa Kinh Thánh của từ ngữ mà Chúa Jêsus sử dụng, thì không phải là vì lý do đó. Nó sẽ là cùng một lý do khiến bạn và tôi từng hư mất. Phao-lô đã làm sáng tỏ điều này. Họ—và chúng ta—bị hư mất vì chúng ta là tội nhân, sinh ra trong bản chất tội lỗi. Hơn nữa, chúng ta và họ, người khôn cũng như người dại, đã cố ý thực hiện những hành động tội lỗi. Không có sự khác biệt giữa các tầng lớp xã hội trong vấn đề này. Dân ngoại có lương tâm và ánh sáng của lương tâm chống lại điều họ phạm. “Tức là sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi sự tin đến Đức Chúa Jêsus Christ, cho mọi người nào tin. Chẳng có phân biệt chi hết, vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:22-23).

R. E. Speer viết: “Con người ở trong cảnh khốn cùng này không phải vì họ không được nghe Tin Lành, nhưng vì họ là con người. Tội lỗi là kẻ hủy diệt đối với linh hồn, là nguyên nhân làm mất đi sự hiểu biết về Đức Chúa Trời là sự sống. Và không phải việc chưa nghe Tin Lành khiến cho họ trở thành tội nhân.”

Chúa Jêsus dường như đóng lại cánh cửa hy vọng khi khẳng định rằng không ai có thể nhìn thấy hoặc vào được nước thiên đàng trừ khi trải qua sự tái sanh. Hãy nghe lời Ngài phán với Ni-cô-đem: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời… Chớ lấy làm lạ về điều ta đã nói với ngươi: Các ngươi phải sanh lại.” (Giăng 3:3,7). Trong những câu Kinh Thánh này, việc được sanh lại được khẳng định như một điều kiện tiên quyết để được vào thiên đàng. Ở một chỗ khác, Giăng nói rằng để được vào nước thiên đàng thì tên của người đó phải được biên vào Sách Sự Sống. Hai trải nghiệm này có phải là điều gì đó xảy ra một cách tự nhiên đối với người ngoại mà họ không biết được không? (xem Khải huyền 20:15).

Trong thư viết cho các Cơ Đốc nhân Ê-phê-sô, Phao-lô nhắc họ về tình trạng của họ trong những ngày còn là người ngoại bằng những lời như sau: “…hãy nhớ lại lúc trước, trong thuở đó, anh em không có Đấng Christ, bị ngoại quyền công dân trong Y-sơ-ra-ên, … ở thế gian không có sự trông cậy và không có Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 2:11,12).

Sau khi nghiên cứu kỹ càng những phần Kinh Thánh liên quan, tôi không thể tìm được chỗ nào chắc chắn trong Kinh Thánh để hỗ trợ cho quan điểm cho rằng bất cứ ai, bao gồm người ngoại, có thể bước vào thiên đàng bằng bất cứ cách nào khác ngoại trừ cánh cửa của sự tái sanh. Tôi cũng không tìm thấy chỗ Kinh Thánh nào ủng hộ cho những tuyên bố của thuyết cứu rỗi phổ quát mà chúng ta sẽ xem xét trong chương sau.

Tất nhiên mức độ về trách nhiệm của dân ngoại là vô cùng thấp hơn so với những người đã nhận được ích lợi từ ánh sáng Phúc Âm. Vì Đức Chúa Trời là vị thẩm phán công chính và không thiên vị, chúng ta có thể chắc chắn rằng sự phán xét của Ngài sẽ đòi hỏi sự khai trình đầy đủ trách nhiệm đạo đức của con người, mà điều này chỉ mình Ngài biết hết. Trong sự bày tỏ tại đồi Gô-gô-tha, chúng ta có thể tin quyết rằng Đức Chúa Trời giàu lòng thương xót của chúng ta sẽ có sự khoan hồng cho từng trường hợp, và bất kỳ hình phạt nào cũng sẽ dựa trên mức độ nghiêm trọng của tội lỗi đã phạm. Lòng thương xót của Ngài sẽ mở rộng cho người ngoại, cũng như cho tất cả loài người trong phạm vi mà sự công chính được thừa nhận.

Trong quyển sách Sự Soi dẫn và Thẩm quyền của Thánh Kinh, Tiến sĩ Rene Pache, một nhà thần học Tin Lành từ Thụy Sỹ, đã nói về chủ đề này của chúng ta:

 

Một người ngoại chỉ nhận được những sự mặc khải qua thiên nhiên và qua lương tâm có thể đến với sự cứu rỗi được không? Phao-lô công bố rõ ràng rằng mỗi người sẽ bị xét đoán dựa trên sự soi sáng mà họ đã nhận. “Phàm những kẻ không luật pháp mà phạm tội, cũng sẽ không luật pháp mà hư mất; còn những kẻ có luật pháp mà phạm tội, thì sẽ bị luật pháp đoán xét” (Rô-ma 2:12).

Chúng ta đã nhìn biết những sự mặc khải qua thiên nhiên và qua lương tâm là đủ để khiến ngoại ăn năn và thờ phượng và phải chịu trách nhiệm đầy đủ cho cả hai điều đó. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời là Đấng Toàn tri, Ngài biết rõ người nào chân thành nhưng không biết đến Tin Lành, và nếu người đó được ban cho cơ hội để tiếp nhận sự cứu rỗi thì nguời đó có tiếp nhận hay không. Đấng Christ chịu chết vì tội lỗi của toàn nhân loại, những người phạm tội trước khi Ngài đến thế gian này cũng như những thời kỳ và những nơi Tin Lành chưa được truyền đến (xem Rô-ma 3:25). Và rồi, Chúa sẽ biết xử cách nào đối với mỗi tội nhân tùy theo tình yêu và sự công bình của Ngài.[42]

 

Nhưng dầu vậy điều này cũng không miễn trừ trách nhiệm mà Chúa đặt để trên chúng ta là phải “môn đệ hóa muôn dân” (Ma-thi-ơ 28:19).

 

Trách nhiệm của chúng ta là gì?

Nếu điều được viết trong phần này là sự dạy dỗ thật sự của Kinh Thánh về tình trạng tâm linh của người ngoại chưa được truyền giáo, thì việc rao truyền Tin Lành được mọi người biết đến là cấp bách biết bao. Việc hiểu biết về Đấng Christ và sự cứu chuộc của Ngài đặt để trên vai chúng ta một trách nhiệm không thể né trách là phải chia sẻ sự hiểu biết đó cho mọi người, theo như năng lực của chúng ta, và không được trì hoãn. Mùa gặt không chờ đợi lúc người nông dân có thấy thuận tiện hay không.

Chắc chắn rằng ngay cả khi chúng ta không chắc chắn trong phương diện lý thuyết về sự hư mất của những người chưa bao giờ được nghe về Đấng Christ, thì ẩn dụ chiên lạc mất vẫn cho chúng ta lý do để hành động. Ví dụ này đưa ra nguyên tắc là nếu chúng ta biết chắc rằng chỉ có rất ít người bị hư mất, chỉ khoảng một phần trăm, thì chúng ta vẫn phải có bổn phận tìm kiếm người hư mất, thậm chí phải chịu nguy hiểm cùng cực và hy sinh chính mình, để họ có thể cùng chia sẻ với chúng ta hạnh phước của thiên đàng. Trách nhiệm của chúng ta về sự cứu rỗi cho người ngoại phải tương xứng với khả năng và cơ hội của chúng ta trong việc đem Phúc Âm đến cho họ, hay tạo điều kiện để Phúc Âm có thể được đem đến cho họ.

Cách đây nhiều năm, tôi rất xúc động khi gặp một người phụ nữ lớn tuổi tại Philipines. Bà là người tin Chúa đầu tiên trong bộ lạc của mình, và bà đã mở lòng đón nhận Đấng Christ hầu như ngay khi nghe về Tin Lành. Khi bà được nhận thánh lễ báp tem, người hành lễ hỏi bà: “Bà có tin Đấng Christ chết trên thập tự giá để chuộc tội cho bà không?” Bà trả lời với lòng tin quả quyết. Người hành lễ hỏi tiếp: “Và bà có tin rằng Ngài đã sống lại từ kẻ chết không?”

“Tất nhiên tôi tin,” bà trả lời, “Và lẽ ra tôi đã tin sớm hơn nếu ông đến sớm hơn.”

Có bao nhiêu môn đồ tiềm năng như thế của Đấng Christ đang chờ đợi ai đó mang đến cho họ Tin Lành về tình yêu của Chúa Cứu Thế? Độc giả có nhìn lại trách nhiệm cá nhân của mình một cách nghiêm túc trong vấn đề này không?

 

Có sự cứu rỗi phổ quát không?

“Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.”

Công vụ 4:12

Trong đề tài này, chúng ta phải đối diện với một câu hỏi khác: Có cơ hội cứu rỗi thứ hai sau khi chết cho những người không nhận được ích lợi của ân điển vô giá đó trong đời này?

Quan điểm được biết là thuyết phổ quát quả quyết rằng có cơ hội đó. Hệ tư tưởng này khăng khăng rằng cuối cùng, vì Đức Chúa Trời là tình yêu, tình yêu của Ngài phải thắng hơn cơn thạnh nộ của Ngài. Những người đề xướng tranh luận rằng nếu có điều gọi là cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời, nó chỉ là tạm thời mà thôi. Vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương, mỗi người cuối cùng sẽ nhận thấy mình được ở bên trong sự ôm ấp của tình yêu đó. Thiên đàng chắc chắn sẽ không hoàn hảo nếu như có bất kỳ sự loại trừ nào.

Trong quyển Kinh Thánh ngày nay, học giả Kinh Thánh có danh tiếng, Tiến sĩ C. H. Dodd, đã bày tỏ lập trường về tính phổ quát một cách ngắn gọn: “Vì mọi người đều ở dưới sự đoán phạt của Đức Chúa Trời, nên mọi người đều được định cho sự sống đời đời bởi lòng thương xót của Ngài.”

Đấng Christ có khả năng là Cứu Chúa cho tất cả mọi người bởi sự thật là Ngài đã gánh thế tội lỗi của cả nhân loại khi Ngài chết trên thập tự giá, không ai có thể chối cãi điều đó, đặc biệt khi đối diện với I Giăng 2:1-2: “…chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Jêsus Christ, tức là Đấng công bình. Ấy chính Ngài làm của lễ chuộc tội lỗi chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội lỗi cả thế gian nữa.”

Nhưng điều được xác nhận một cách nhất quán xuyên suốt Kinh Thánh đó là sự cứu rỗi mà Ngài đã làm cho khả thi, chỉ trở nên thực tế và có hiệu lực khi được đáp ứng bởi một đức tin sống. “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình” (Ê-phê-sô 2:8-9).

Có rất nhiều chỗ trong Kinh Thánh, đặc biệt trong sự dạy dỗ của Chúa chúng ta, trái ngược hẳn với thuyết phổ quát. Xuyên suốt Kinh Thánh có một sự tương phản xuyên suốt giữa thiện và ác, sự sống đời đời và sự chết đời đời, ánh sáng và bóng tối, chiên và dê, người công bình và kẻ gian ác, người bị kết án và người không bị kết án, thiên đàng và địa ngục. Những tương phản là trắng và đen, không có một chút manh mối nào về một màu xám trung gian của thuyết phổ quát, là điều ngay tức khắc xóa đi tất cả những điểm khác biệt.

Kinh Thánh dạy rằng có một sự phân chia cuối cùng và rạch ròi giữa những người được cứu với những kẻ hư mất:

 

Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó cũng nhiều. Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít.

Ma-thi-ơ 7:13-14

Rồi những kẻ nầy sẽ vào hình phạt đời đời, còn những người công bình sẽ vào sự sống đời đời.

Ma-thi-ơ 25:46

Kẻ nào không được biên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa.

Khải huyền 20:15

 

Có năm lý do chắc chắn tại sao sự dạy dỗ về thuyết phổ quát phải bị bác bỏ vì trái ngược với Kinh Thánh.

1.   Nó khước từ thẩm quyền tối hậu của Kinh Thánh.

2.   Nó hầu như loại bỏ quyền tự do theo ý chí của con người.

3.   Nó giảm thiểu tính nghiêm trọng của tội lỗi.

4.   Nó khiến cho sự dạy dỗ của Kinh Thánh về sự phán xét sau cùng trở nên mất hiệu lực.

5.   Nó cướp mất động cơ mạnh mẽ và tính khẩn cấp của công tác rao truyền Phúc âm.

Trong sự soi sáng từ bằng chứng của Kinh Thánh như trên, rõ ràng hy vọng về cơ hội thứ hai cho sự cứu rỗi sau khi chết không được Kinh Thánh ủng hộ.

 

—————————————————-


[37] John Mac Arthur, Jr., Heaven, 107.

[38] Rene Pache, The Future Life, 364.

[39] Charles F. Ball, Heaven, 69.

[40] G. H. Lang, The Revelation of Jesus Christ (London: Oliphants, 1945), 334.

[41] John Gilmore, Probing Heaven, 380.

[42] Rene Pache, The Inspiration and Authority of Scripture (Chicago: Moody Press, 1970), 18.

Bài trướcNgày 22/2/2016: Đạo Lý Đến từ Đức Chúa Trời
Bài tiếp theoNgày 23/2/2016: Đừng Xét Đoán Theo Bề Ngoài