“Tin kính” là gì?
Để định nghĩa về “người vợ tin kính”, trước hết chúng ta phải xem từ “tin kính” nghĩa là gì. I Ti-mô-thê 2:2 viết, “…để chúng ta được sống yên ổn, bình an với tất cả lòng tin kính và đạo đức” (BTTHĐ). Ở đây, Phao-lô sử dụng từ “tin kính” kết hợp với “yên ổn”, “bình an” và “đạo đức”. Kinh Thánh cho biết Đức Thánh Linh ngự trong mọi tín hữu, sản sinh những “hành động tin kính” hữu hình và vô hình, tức là “tình yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5: 22–23). Vậy, định nghĩa mấu chốt về sự tin kính là “trở nên giống như Đấng Christ”. Sự tin kính bao gồm nỗ lực chân thành để noi gương Đấng Christ, giống Ngài trong suy nghĩ và hành động như sứ đồ Phao-lô đã phấn đấu (1 Cô-rinh-tô 11:1).
Những đặc tính của sự tin kính áp dụng cho mọi tín hữu, dù là nam hay nữ. Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể hơn về người nữ tin kính – đặc biệt là một người vợ tin kính – là như thế nào.
Hình mẫu lý tưởng về “người vợ tin kính”
Trong sách Châm Ngôn có một bức tranh tuyệt đẹp phác họa về người vợ tin kính. Những đức tính của người vợ tin kính không hề thay đổi, thậm chí qua hàng nghìn năm. Người vợ tin kính là người được chồng tin tưởng tuyệt đối. Người chồng không cần phải lo lắng rằng nàng sẽ bị cám dỗ bởi mưu kế của người đàn ông khác, hoặc sa đà vào việc mua sắm quá nhiều hoặc dành cả ngày để xem phim. Người chồng biết nàng là người có phẩm cách, khôn ngoan và tận tụy (Châm Ngôn 31:11, 12, 25, 26), tin rằng nàng luôn chân thành ủng hộ và yêu thương mình dù người khác có thù địch hay chỉ trích. Người chồng sẽ có được tiếng tốt trong cộng đồng và người vợ không bao giờ nói xấu hay chê bai anh ta. Đúng hơn, nàng luôn đề cao và khen ngợi chồng. Người vợ giữ cho gia đình luôn chu đáo và bản thân được tôn trọng (Châm Ngôn 31:12, 21, 23).
Người vợ tin kính sẽ dành ít thời gian hơn ở trước bàn trang điểm, thay vào đó sẽ dành thời gian chia sẻ của cải mình có với người nghèo và người thiếu thốn vì nàng là người vị tha và nhân từ (Châm Ngôn 31:20, 30). Nhưng nàng không bỏ bê bản thân; nàng giữ cho cơ thể và tinh thần của mình mạnh mẽ và sức khỏe tốt. Mặc dù nàng làm việc chăm chỉ và làm liên tục trong nhiều giờ nhưng nàng không hề hốc hác; nàng quan tâm đến những điều đẹp đẽ để nâng cao bản thân và gia đình (Châm Ngôn 31:17, 21, 22).
Khác với những gì người ta thường nói về một người vợ tin kính, Châm Ngôn 31 vẽ nên bức chân chung của một người vợ tin kính là người dám nghĩ dám làm và đầy khát vọng. Người vợ trong Châm Ngôn 31 là chủ “một doanh nghiệp” nhỏ – cô may và bán hàng may mặc. Cô làm việc kinh doanh một cách độc lập và một mình cô quyết định phải làm gì với thu nhập của mình (Châm Ngôn 31:16, 24). Tuy nhiên, hãy lưu ý, thu nhập của cô không dành cho việc mua sắm giày dép hay túi xách mà để mua một mảnh ruộng nơi cô có thể trồng một vườn nho — thứ gì đó sẽ mang lại lợi ích cho cả gia đình.
Qua tất cả những nỗ lực, sự phục vụ và làm việc chăm chỉ, người vợ tin kính vẫn luôn có được niềm vui. Cô có thể nhận biết tất cả những gì cô đang làm là sinh lợi, điều này thúc đẩy cô cảm thấy thỏa lòng (Châm Ngôn 31:18). Một người vợ tin kính không lo lắng về những gì sẽ đến trong tương lai. Nàng mỉm cười với tương lai vì nàng biết Chúa đang kiểm soát mọi thứ (Châm Ngôn 31:25, 30). Câu 30 là chìa khóa của toàn bộ đoạn Kinh Thánh vì một người nữ không thể là người vợ tin kính mà không trước nhất kính sợ Chúa. Chính sự theo đuổi của người vợ tin kính đối với Chúa Giê-xu và việc nàng ở trong Ngài đã mang lại kết quả của sự tin kính được thể hiện trong đời sống của nàng.
Người vợ tin kính là người vợ vâng phục
Cuối cùng, một người vợ tin kính là người vâng phục chồng (Ê-phê-sô 5:22). Người vợ vâng phục là người như thế nào? Có thể không phải như những gì bạn nghĩ. Kinh Thánh dạy rằng Chúa Giê-xu vâng phục Cha Ngài (Giăng 5:19). Tuy nhiên, Chúa Giê-xu cũng bình đẳng với Đức Chúa Cha (Giăng 10:30). Vì vậy, một người vợ vâng phục chồng không phải thấp kém hơn về phẩm giá con người, vai trò của nàng cũng không kém phần quan trọng hơn. Cơ Đốc nhân chúng ta biết rằng Đức Chúa Giê-xu Christ cũng là một Ngôi trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời và mỗi Ngôi vị có một vai trò nhất định trong chương trình cứu chuộc. Cũng vậy, người nam và người nữ có những vai trò khác nhau trong hôn nhân. Vì vậy, giống như Đấng Christ vâng phục Đức Chúa Cha, người vợ vâng phục chồng có nghĩa là nàng sẵn lòng để chồng mình lãnh đạo. Chúa Giê-xu sẵn lòng đi lên thập tự giá dù Ngài biết trải nghiệm đó vô cùng đau đớn (Ma-thi-ơ 26:39). Đấng Christ biết đường lối của Cha là tốt nhất. Một người vợ tin kính đôi khi cảm thấy hành trình của sự vâng phục thật đau khổ tại thời điểm đó, nhưng noi gương Chúa sẽ luôn mang lại phần thưởng thiêng liêng, còn mãi cho đến đời đời (I Ti-mô-thê 4: 7–8).
Kinh Thánh cũng ví sánh việc người vợ vâng phục chồng giống như vâng phục Chúa (Ê-phê-sô 5:22). Nói cách khác, nếu một người vợ không thể vâng phục chồng, thì điều đó có thể phản ảnh rằng nàng sẽ khó có thể mà vâng phục Chúa. Vâng phục không có nghĩa là yếu đuối. Người vợ vâng phục không phải là ngu muội, thấp kém. Trái lại, sự vâng phục đòi hỏi sức lực, phẩm giá và sự tận tâm, như chúng ta học được từ người nữ trong Châm Ngôn 31.
Hãy theo đuổi để trở nên “người vợ tin kính”
Châm Ngôn 31 trình bày một hình mẫu người nữ lý tưởng. Tuy nhiên, một người nữ tin kính không phải lúc nào cũng hoàn hảo như vậy và tất nhiên chúng ta biết rằng là con người thì khó ai có thể hoàn hảo được. Nhưng khi người vợ càng tăng trưởng trong mối liên hệ mật thiết với Chúa, nàng sẽ ngày càng trở nên người vợ tin kính trong hôn nhân của mình. Sự tin kính thường đối lập với những gì người đời nói và cổ vũ. Là người nữ của Chúa, mối ưu tiên hàng đầu của chúng ta phải là luôn hướng đến điều gì làm đẹp lòng Chúa.
Hồng Nhung dịch
(Nguồn: GotQuestion)