Sự Đầy Dẫy Đức Thánh Linh

6097

Kinh Thánh: Ê-phê-sô 5:18-21

Sự đầy dẫy Đức Thánh Linh chỉ được Sứ đồ Phao-lô đề cập đến trong Ê-phê-sô (5:18). Trong thư tín này, vai trò của Đức Thánh Linh trong đời sống cá nhân và Hội Thánh của Đức Chúa Trời được nhắc đến 10 lần (1:13; 2:18, 22; 3:5, 16; 4:4, 30; 5:18; 6:17, 18) bao gồm cả hai phương diện: Đức Thánh Linh cư trú trong đời sống Cơ Đốc nhân lẫn sự hiện diện của Cơ Đốc nhân trong Đức Thánh Linh. Riêng trong Ê-phê-sô 5:8, sự đầy dẫy Đức Thánh Linh được hiểu là: sự “đầy dẫy trong Đức Thánh Linh” (filled in the Spirit), “đầy dẫy bằng Đức Thánh Linh” (filled with the Spirit), hay “đầy dẫy bởi Đức Thánh Linh” (filled by the Spirit)? Hơn nữa, Đức Thánh Linh là tác nhân (agent) của sự đầy dẫy hay “trong Đức Thánh Linh” là phạm vi (sphere / realm) bởi đó Cơ Đốc nhân nhận được sự đầy dẫy? Sự khác biệt giữa những điều này chuyển tải một ý nghĩa thần học sâu xa và mật thiết với đời sống thuộc linh của cá nhân tín hữu và Hội Thánh của Đức Chúa Trời là đền thờ của Chúa Thánh Linh.

Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu ý niệm của sự “đầy dẫy” mà Phao-lô trình bày trong thư tín gửi cho tín hữu tại thành Ê-phê-sô. Động từ “đầy dẫy” được đề cập bốn lần trong toàn thư tín. Trong đó, có ba lần liên quan đến Đấng Christ (1:23; 3:19; 4:10), và một lần liên quan đến Đức Thánh Linh (5:18). Trong hai trường hợp, động từ được dùng trong thể thụ động (passive) cho thấy sự đầy dẫy được thực hiện bởi Đấng Christ (3:19; 5:18). Hai lần khác, động từ được dùng trong thể năng động (active) nói đến sự đầy dẫy mà chính Đấng Christ làm cho đầy dẫy (1:23; 4:10).

“Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ, tức là sự đầy đủ của Đấng gồm tóm mọi sự trong mọi loài” (1:23). Phao-lô trình bày về Hội Thánh là sự đầy trọn của Đấng Christ. Ngài là Đấng đầy dẫy mọi sự trong mọi sự. Cụm từ “gồm tóm mọi sự trong mọi loài” còn được dịch là “mọi việc trong mọi người” (I Côr. 12:6) hay “muôn sự trong muôn sự” (I Côr. 15:28). Cụm từ này được dùng để diễn tả sự chan chứa trọn vẹn của Đức Chúa Trời hay của Đấng Christ như là Đấng tạo hóa. Như thế, Hội Thánh của Đức Chúa Trời được xem như là một thế giới hay vũ trụ mới thu hẹp mà Ngài tạo dựng trên trần gian này để bày tỏ sự vinh hiển của Ngài. Hội Thánh của Đức Chúa Trời bao gồm những con người mới hay tạo vật mới được dựng nên trong Đấng Christ (II Côr. 5:17). Ngày xưa trong Cựu Ước, Đức Thánh Linh hiện diện trong đền thờ thể nào, ngày nay Đức Thánh Linh hiện diện trong Hội Thánh là đền thờ mới của Đức Chúa Trời thể ấy.

“Ấy là vì cớ đó mà tôi quì gối trước mặt Cha,bởi Cha mà cả nhà trên trời và dưới đất đều được đặt tên, tôi cầu xin Ngài tùy sự giàu có vinh hiển Ngài khiến anh em được quyền phép bởi Thánh Linh mà nên mạnh mẽ trong lòng; đến nỗi Đấng Christ nhân đức tin mà ngự trong lòng anh em; để anh em khi đã đâm rễ vững nền trong sự yêu thương, được hiệp cùng các thánh đồ mà hiểu thấu bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu của nó là thể nào,và được biết sự yêu thương của Đấng Christ, là sự trổi hơn mọi sự thông biết, hầu cho anh em được đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời” (3:14-19). Phao-lô cầu xin cho tín hữu Ê-phê-sô thấu hiểu được tình yêu của Đấng Christ là điều trổi hơn mọi sự thông biết của con người, hầu cho họ được đầy dẫy sự đầy trọn (fullness) của Đức Chúa Trời. Sự đầy trọn của Đức Chúa Trời là gì? Chính là bản thể của Đức Chúa Trời được bày tỏ trong Chúa Giê-xu Christ (Côl. 1:19). Trong ngôn ngữ của Cựu Ước, sự đầy trọn của Đức Chúa Trời thường được hiểu là sự hiện diện của Ngài (Giê-rê-mi 23:24; Ê-xê-chi-ên 44:4).[1]

“Đấng đã xuống tức là Đấng đã lên trên hết các từng trời, để làm cho đầy dẫy mọi sự” (4:10). Phao-lô nói Chúa Giê-xu đã xuống tức giáng thế làm người, và đã lên nơi cao nhất sau khi từ kẻ chết sống lại, ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời để làm “đầy dẫy mọi sự,” tức sự hiện diện của Ngài. Chính sự đầy dẫy của Chúa đã ban cho các thuộc viên của Hội Thánh của Đức Chúa Trời ân tứ để gây dựng thân thể của Đấng Christ.

“Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh” (5:18). Phao-lô nói sự đầy dẫy trong Thánh Linh liên quan đến Đấng Christ. Chính Đấng Christ làm cho đầy dẫy sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong đời sống Cơ Đốc nhân qua sự hiện diện của Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Như vậy, Đấng làm cho đầy dẫy là Đấng Christ và sự cư trú trong Đức Thánh Linh là phạm vi hay phạm trù mà sự đầy dẫy của Đấng Christ được chan chứa trong người tin nhận Ngài.

Phao-lô dùng giới từ “trong” [in] thay vì “bởi” [by/with] theo sau động từ “đầy dẫy” để diễn tả mối liên hệ hay vai trò của Đức Thánh Linh trong đời sống Cơ Đốc nhân.[2] Cụm từ “trong Đức Thánh Linh” (in the Spirit) được Phao-lô dùng năm lần trong toàn thư tín (2:18, 22; 3:5; 5:18; 6:18). Như thế, Phao-lô muốn nói gì về mối liên hệ của Đức Thánh Linh với đời sống tín hữu khi sử dụng cụm từ này?

“Vì ấy là nhờ Ngài mà chúng ta cả hai đều được phép đến gần Đức Chúa Cha, đồng trong một Thánh Linh” (2:18). Vì được ở trong Đức Thánh Linh mà con người có mối liên hệ với Đức Chúa Cha và hiệp một với nhau (trong trường hợp này là dân Do Thái và dân ngoại).

“Ấy, anh em cũng nhờ Ngài mà được dự phần vào nhà đó, đặng trở nên nhà ở của Đức Chúa Trời trong Thánh Linh” (2:22). Chính trong Thánh Linh các tín hữu được nối kết lại với nhau trở thành Hội Thánh của Đức Chúa Trời.

– “Những người sống trong các thời đại trước không được Ngài cho biết chương trình kín giấu ấy; nhưng nay qua [trong] Thánh Linh, Thượng Đế đã bày tỏ điều kín giấu nầy cho các thánh đồ và các nhà tiên tri của Ngài” (3:5). Đức Thánh Linh là tác nhân (agent) qua đó các sứ đồ và tiên tri của Chúa nhận được sự mặc khải của Đức Chúa Trời.

“Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy [trong] Đức Thánh Linh” (5:18). Sự cư trú trong Đức Thánh Linh là phạm trù bởi đó Cơ Đốc nhân nhận lãnh sự đầy dẫy của Đấng Christ. Nằm ngoài Đức Thánh Linh là ngôi thứ ba trong Đức Chúa Trời Ba Ngôi, không một ai có thể nhận được sự đầy dẫy của Đấng Christ.

– “Hãy thường xuyên dâng đủ thứ lời cầu nguyện trong Thánh Linh, nài xin những điều anh chị em cần” (6:18). Câu Kinh Thánh này nói đến vai trò của Thánh Linh trong sự cầu nguyện trong đời sống của Cơ Đốc nhân.

Tóm lại, trong các câu Kinh Thánh trên, sứ đồ Phao-lô cho thấy tất cả những gì Đức Chúa Trời làm cho đời sống Cơ Đốc nhân đều được thực hiện trong Đức Thánh Linh. Sự cư trú trong Đức Thánh Linh là phạm vi hay phạm trù bởi đó Cơ Đốc nhân nhận được tất cả những gì Đức Chúa Trời ban cho qua Chúa Giê-xu Christ. Nếu không có Thánh Linh của Đức Chúa Trời hiện diện trong đời sống, và cư trú trong chính Ngài, Cơ Đốc nhân không thể nào nhận được bất cứ điều gì do Đức Chúa Trời ban cho qua công lao cứu chuộc của Chúa Giê-xu Christ. Do đó, sự hiện diện của Đức Thánh Linh trong đời sống Cơ Đốc nhân là điều không có gì có thể thay thế được, hầu nhờ đó người tin Chúa được đưa vào trong những kinh nghiệm mới mẻ của sự cứu rỗi mà Đức Chúa Trời thực hiện trong Chúa Giê-xu Christ. Sự nhận thức về sự hiện diện của Chúa Thánh Linh và sự hành động của Ngài càng mạnh mẽ trong đời sống Cơ Đốc nhân bao nhiêu, sự trải nghiệm về ơn cứu rỗi và sự đầy dẫy của sự hiện diện của Đấng Christ trong đời sống Cơ Đốc nhân càng phong phú và sâu nhiệm bấy nhiêu. Mục đích của Đức Chúa Trời cho đời sống Cơ Đốc nhân là đầy dẫy chính Đấng Christ, tức đạt đến sự trưởng thành thuộc linh. Trong sự trưởng thành này, chúng ta không thể loại bỏ vai trò của Đức Thánh Linh là Đấng đang cư trú trong đời sống Cơ Đốc nhân.

Tại sao Phao-lô so sánh sự đầy dẫy trong Thánh Linh với việc say rượu? Cách giải nghĩa thông thường nhất từ trước đến nay, đó là chúng ta tìm cách liên hệ hai ý tưởng này lại với nhau dựa trên Công Vụ 2:13. Tuy nhiên, chúng ta không biết chắc chắn những gì xảy ra trong Công Vụ 2:13 được Lu-ca ký thuật có nằm ẩn tàng đâu đó trong tư tưởng của Phao-lô khi ông viết thư tín Ê-phê-sô hay không, vì ông không phải là một trong số những người mục kích biến cố Lễ Ngũ Tuần của ngày hôm đó. Liệu các tín hữu tại Ê-phê-sô có thể hiểu hay liên kết được hai tư tưởng này lại với nhau hay không, nếu họ không có mục kích hoặc hay biết gì về sự kiện của Lễ Ngũ Tuần? Do đó, khi nghiên cứu bối cảnh lịch sử, văn hóa, và tôn giáo của thành phố Ê-phê-sô thời xưa sẽ giúp thêm ánh sáng để có thể giải nghĩa mối liên hệ giữa việc say rượu và sự đầy dẫy trong Thánh Linh.

Theo C. L. Roger, có thể Phao-lô đề cập đến mối liên hệ này dựa trên bối cảnh đời sống tôn giáo và văn hóa của thế giới ông đang sống. Thời lúc bấy giờ, việc thờ lạy thần Dionysus hay Bacchus (thần rượu – the god of wine) được thiết lập và phổ biến trong hầu hết các thành phố lớn nơi Phao-lô rao giảng Phúc Âm. Toàn xứ Palestine và người Do Thái không thể thoát khỏi ảnh hưởng của việc thờ lạy thần Dionysus. Chính hoàng đế Antiochus Epiphanes bắt buộc người Do Thái phải thờ lạy Dionysus. Việc thờ lạy vị thần này thẩm thấu vào trong mọi tầng lớp của dân chúng và lan tràn khắp đế quốc La Mã. Riêng tại thành phố Ê-phê-sô, ngoài đền thờ để thờ thần Artemis (còn gọi là Diana) còn có đền thờ của thần Dionysus. Dâu, rượu, cây trường xuân là những biểu tượng liên quan mật thiết đến sự thờ phượng ngoại giáo này. Nói về rượu và uống rượu đã trở thành những câu nói thông thường của người dân trong thời bấy giờ. Khi thờ lạy thần Dionysus, người ta nhảy múa, ca hát, uống rượu và nhai lá cây trường xuân. Mục đích của việc uống rượu và ăn thịt sống của thú vật khi vào thờ phượng trong đền thờ là khiến cho người thờ phượng bị khích động và hứng thú do thần Dionysus nhập vào và điều khiển. Khi thần Dionysus chiếm hữu và kiểm soát, người thờ phượng sẽ làm theo ý muốn của thần mình thờ lạy, có khả năng nói tiên tri và làm nhiều điều khác nữa rất man dại và dâm dục tội lỗi.[3]

Phao-lô khuyên tín hữu Hội Thánh tại Ê-phê-sô phải chống trả lại lối sống tội lỗi như nét đặc thù văn hóa của họ: “Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng.” Danh từ “luông tuồng” có nghĩa là “không lành mạnh” hay “bất trị.” Đây là từ được dùng diễn tả một lối sống trụy lạc mang đến sự hủy hoại cho chính mình. Động từ “đầy dẫy” được dùng ở thể thụ động và mệnh lệnh cách. Thay vì để cho sự thờ phượng thần Dionysus ảnh hưởng và hủy hoại đời sống, bị điều khiển bởi rượu thì Cơ Đốc nhân phải “đầy dẫy trong Đức Thánh Linh.” Khi đó, họ sẽ thờ phượng Chúa và để cho Đấng Christ chiếm hữu và làm cho đầy dẫy. Thay vì bước vào trong các đền thờ ngoại giáo để thờ lạy và bị hãm hiếp bởi thần Dionysus để rồi say sưa, chìm ngập trong lối sống tội lỗi, Cơ Đốc nhân cần phải bước vào mối liên hiệp sống động và bước đi trong Đức Thánh Linh để kinh nghiệm sự đầy dẫy của Đấng Christ, hầu có thể biểu lộ những bông trái thánh thiện cho Ngài (Gal. 5:22).

Phao-lô cho biết những biểu hiện của một Hội Thánh hay cá nhân đầy dẫy Đấng Christ trong Thánh Linh như thế nào khi sử dụng một số động từ ở thể phân từ (participles) sau đây:

– Hãy lấy ca vịnh, thơ thánh (speaking);

– Bài hát thiêng liêng mà đối đáp cùng nhau (singing);

– Hết lòng hát mừng ngợi khen Chúa (making melody);

– Hãy thường thường nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta (giving thanks);

– Hãy kính sợ Đấng Christ mà vâng phục nhau (submitting).

Về phương diện ngữ pháp, các động từ trên được hiểu là phương tiện bởi đó Hội Thánh của Đức Chúa Trời có thể đạt đến sự đầy dẫy của Đấng Christ. Hội Thánh là đền thờ của Đức Chúa Trời, nhận sự đầy trọn của Đấng Christ trong Thánh Linh qua việc cộng đồng đức tin tận hiến chính mình cho Ngài bằng các hành động sau đây: (a) chia sẻ Lời của Đức Chúa Trời cho nhau; (b) ca ngợi Ngài bằng ca vịnh, thơ thánh, bài hát thiêng liêng; (c) nhân danh Chúa Giê-xu cảm tạ Đức Chúa Trời trong mọi sự; và (d) sống quan hệ và đối xử với nhau trong tinh thần vâng phục lẫn nhau. Không nơi nào trên trần gian này có thể biểu lộ sự hiện diện đầy trọn của Đấng Christ ngoài Hội Thánh, là Thân thể của Ngài. Nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra khi Hội Thánh tìm kiếm sự đầy dẫy trong Đức Thánh Linh. Amen!

MS Trần Trọng Nha (BTMV 29 – Tháng 05/2012)


Chú thích:

[1] C. E. Arnold, Ephesians: Power and Magic: The Concept of Power in Ephesians in Light of its Historical Setting (Cambridge: CUP, 1989), 83-85; P. T. O’Brien, The Letter to the Ephesians (PNTC; Leicester: Apollos, 1999), 149-50.

[2] Giới từ đi theo sau động từ “đầy dẫy” thông thường là ở thể genitive phải được dịch là “trong” thay vì “bởi” hay “với” (D. B. Wallace, Greek Grammar beyond the Basics: An Exegetical Syntax of the New Testament [Grand Rapids: Zondervan, 1996], 374).

[3] Cleon L. Rogers, Jr. “The Dionysian Background of Ephesians 5:18.” Bibliotheca Sacra (July-Sept 1979), 249-57.

Bài trướcTrong Đức Thánh Linh
Bài tiếp theoVun Bồi Hạnh Phúc Lứa Đôi – 1/6/2020