Ngưỡng Cửa Hy Vọng

1211

Con yêu quý,

Mẹ vừa từ nhà dì Năm về thì thư con gửi mẹ đã nằm sẵn trên bàn. Mẹ đọc thư con trước khi nằm xuống nghỉ ngơi. Con cũng biết, mỗi lần có vấn đề lo lắng, bối rối mẹ lại tìm giấc ngủ. Mẹ vẫn thường tạ ơn Chúa ban cho mẹ giấc ngủ ngon lành, bình an. Mỗi người có cách giải quyết vấn đề của mình. Với mẹ, lo lắng mà ngồi phân tích tìm cách giải quyết thì mẹ bối rối hơn, nên thường mẹ thưa với Chúa: Vấn đề này làm con bối rối, con không biết làm sao, xin cho con giấc ngủ bình an và câu giải đáp khi con thức giấc. Sau giấc ngủ, mẹ tỉnh táo hơn để trình bày mọi việc cặn kẽ với Chúa và mẹ thấy nhẹ nhàng hơn khi suy nghĩ, phân tích vấn đề và tìm cách giải quyết cũng tốt hơn. Những việc nào mẹ phân tích rồi quyết định ngay, ít nhiều mẹ cũng hối tiếc về quyết định vội vàng của mình. Vì vậy, mẹ không trả lời thư con sau khi đọc như con yêu cầu, mà đến hôm nay mới viết cho con. Thời gian chờ đợi ích lợi cho cả con và mẹ, phải không?

Mỗi lần đọc thư con, mẹ luôn nhớ hình ảnh ngày xưa, khi con nũng nịu đòi gối đầu trên đùi mẹ, nghe mẹ đọc chuyện hay kể chuyện. Dù bây giờ con là người lãnh đạo trong sở làm, trong gia đình con là người vợ đảm đang, rồi đây con sẽ là người mẹ tuyệt vời đối với các con của con; với mẹ con vẫn là cô bé nũng nịu ngày nào. Điều đó cần cho tình cảm, sự gần gũi thân thương cả mẹ và con. Mẹ cảm tạ Chúa cho mẹ con mình luôn gần nhau, dù bây giờ cả không gian, lẫn thời gian mình đều xa lắm. Khoảng cách không tùy thuộc không gian, thời gian mà ở trong lòng người phải không con?

Sau đám cưới con, mẹ dự định thăm dì Năm, vì khá lâu hai chị em không gặp nhau. Mẹ chưa định được ngày, thì được điện thoại chị Ngọc mời mẹ đến chơi với gia đình chị, đồng thời dì Năm cũng gọi mẹ về chơi với dì và dì hy vọng anh chị Lộc – Ngọc nghe lời khuyên của mẹ trong việc xây dựng gia đình, vì cả hai đều thương và kính trọng mẹ, có lẽ mẹ trẻ hơn nên dễ gần gũi hơn.

Mẹ nghĩ vợ chồng nào thì cũng có ít nhiều xung đột, nhất là ở chung với cha mẹ vợ hay cha mẹ chồng. Anh chị Lộc – Ngọc nghe mẹ hơn dì Năm cũng dễ hiểu thôi, chị Ngọc là con một, chị lại mồ côi sớm, nên bao tình thương dì đổ hết vào chị, chiều chuộng chị hơi quá đáng, chị đòi hỏi nơi dì quen rồi; đây cũng là điều mình cần chú ý khi dạy dỗ, nuông chiều con cái. Dì Năm bảo vệ chị Ngọc tối đa, luôn muốn anh Lộc phải cưng chiều vợ ngay cả khi chị không đúng. Dù gì mẹ cũng “người ngoài cuộc” khách quan hơn dì. Ngày xưa, anh Lộc là học trò giỏi của mẹ, anh khá lười nhưng rất thông minh. Còn chị Ngọc, khi trường quận hết cấp 2, phải lên tỉnh học cấp 3, chị ở với gia đình mình. Chị Ngọc mồ côi sớm nên mẹ cũng thường bênh vực chị hơn các con…

Mẹ ra đi với niềm hân hoan gặp chị, gặp cháu. Người đón mẹ ở bến xe là anh Lộc. Mẹ khựng lại giây lát khi gặp người học trò lễ độ, cung kính ngày nào, mà không phải người cháu rể quý mến. Cái cảm giác nhạy bén của người đàn bà khiến mẹ thấy có gì đó không ổn trong anh hay gia đình anh. Trên đường về, anh chỉ trả lời vừa đủ những câu hỏi của mẹ về anh, về gia đình anh với sự dè dặt và lễ độ.

Dì Năm và chị Ngọc gặp mẹ với nước mắt lẫn tiếng cười. Dù vậy, mẹ cũng cảm nhận sự gượng gạo, cũng như sự thật đau lòng nào đó mà cả dì Năm và chị Ngọc ráng giấu mẹ, ẩn núp đâu đó. Chỉ có bé Ni và bé Na là vui trọn vẹn khi gặp “bà ngoại nhỏ” thôi. Gần hai tuần lễ mẹ yên lặng cầu nguyện, quan sát, nhận định… Mẹ biết hôn nhân của anh chị bể nhiều mảnh rồi, anh chị ráng tìm nhiều loại keo, băng dán, nhiều hình ảnh để dán lên bề mặt khiến nhiều người nhìn vào màu sắc rực rỡ đó tấm tắc khen đẹp, ấn tượng…

Lúc anh chị mới quen nhau, chị hay kể cho mẹ nghe về cuộc tình của hai người. Mẹ nhắc chị: Điểm căn bản của đời sống hôn nhân là sự thành thật, nhưng dì thấy dường như trong tình yêu của Lộc dành cho con thiếu điều đó. Điều quan trọng là Lộc có Đấng Sống ngự trị trong đời sống, hay Chúa chỉ là bức ảnh treo trên tường, hay một Chúa chết vẫn nằm trong phần mộ, không hay biết Lộc đang sống thế nào… Ngay lúc đang tìm hiểu nhau, một lần chị nhờ anh đem số tiền dành dụm của chị gửi cho một cô nhi viện mà chị đã hứa dâng giúp, anh dùng tiền đó bỏ vào quỹ của anh sẽ làm từ thiện, khi chị biết thì anh bảo quỹ từ thiện nào cũng là quỹ giúp người, anh không xin lỗi mà cũng chẳng trả lại. Lúc ấy, mẹ bảo ngay bây giờ mà anh gian dối như vậy thì về sau chị sẽ khổ hơn về những tội lỗi mà anh không hề biết ăn năn. Nhưng chị cả quyết, tình yêu chị dành cho anh từ từ sẽ thay đổi anh… Điều chị Ngọc nghĩ cũng là điều mà rất nhiều người nữ mình suy nghĩ. Khi suy nghĩ như vậy mình quên đi con người bất toàn của mình. Mình không tự thay đổi chính mình được thì làm sao thay đổi người khác? Chúng ta bị tội lỗi thống trị từ khi bà Ê-va hái trái cấm ăn và đưa cho chồng cùng ăn. Từ đó chúng ta thuộc cõi chết, nên những suy nghĩ, việc làm gian dối, áp bức người khác, đồng tính, ngay cả việc ly dị, xã hội ngày nay xem như đời sống bình thường… Đứng trước cái chết của một người, mình đâu thể nghĩ người đó đang sống bình thường phải không con? Ly dị là cái chết của một cuộc hôn nhân. Có những cuộc hôn nhân chết đã lâu mà không cần tờ giấy ly dị, người vợ hay người chồng đó sống hằng ngày cùng xác chết của hôn nhân với tất cả niềm cay đắng. Mẹ đồng ý với con nhìn vào hôn nhân ngày nay, mình thấy biết bao là rạn nứt, đổ bể dù bên ngoài được sơn son, phết phấn. Nhưng con à, sự chết có sức mạnh của nó, những gì bên ngoài đó, một ngày không xa sẽ rã nát. Cho đến khi chúng ta chịu quỳ dưới thập tự giá, chính nơi đó cánh cửa sẽ mở ra. Thập tự giá là ngưỡng cửa đưa con vào hy vọng sống, nơi sự sống sung mãn từ Đấng Sống sẽ làm cho hôn nhân con mỗi ngày tươi mới hơn…

Hai ngày trước khi mẹ trở về nhà mình, chị Ngọc hẹn ăn trưa với mẹ ở một quán khá xa nhà chị. Chung chung thì chị cho mẹ biết anh chị đang trong tiến trình ly dị, và chị vui vì có luật sư giỏi nên chị được giữ các con và anh phải chu cấp cho mẹ con chị đến khi các cháu đi làm. Chị khá buồn khi thấy mẹ không ‘chung vui’ với chị. Theo ý mẹ, một cuộc hôn nhân đưa đến ly dị thì dù người vợ hay người chồng được tất cả tài sản, hay giữ con… theo phán quyết của tòa án, đó là một cuộc hôn nhân thất bại và hậu quả không thể lường; không những trên hai nhân vật chính, mà ảnh hưởng sâu đậm cả đời con cái của họ. Sự ly dị đưa hôn nhân vào cõi chết chứ không phải lối thoát như anh Lộc hay chị Ngọc mơ tưởng. Không chỉ với hôn nhân hiện tại mà cả với hôn nhân họ sẽ sống sau đó.

Đang lúc mẹ và chị Ngọc nói chuyện, thì mẹ được điện thoại từ bệnh viện, giọng anh Lộc thều thào: “Cô đến ngay với con nghen cô”.

Mẹ đi vội và đưa theo chị Ngọc. Đến nơi, mẹ vào trước, nhìn vào mắt các y sĩ, nhìn anh Lộc, mẹ ngoắc chị Ngọc vào. Anh buông thỏng bàn tay vào bàn tay chị Ngọc đang muốn nắm giữ anh, nhưng trễ rồi! Anh chỉ thều thào: “Cầu xin Chúa tha tội con, Cô! Ngọc tha thứ…” Và anh Lộc ra đi khi câu nói chưa trọn, nên trên nét mặt thiếu đi sự bình an, thanh thản… Chị Ngọc sững sờ, điếng cả tâm can trước cái chết nhanh chóng, bất ngờ…

Hai tuần mẹ ở lại với chị Ngọc, với bé Ni, bé Na và dì Năm; mẹ hiểu vì những nỗi thương đau mà mình dành cho nhau đó, Chúa Giê-xu đã phải trả giá trên cây thập tự. Chỉ những dòng máu từ thập tự mới chữa lành được những tấm lòng tan vỡ này.

Con yêu, dù bây giờ các con mới bắt đầu những ngày tháng mật ngọt của hôn nhân; hãy cẩn trọng từng ngày tháng đi cùng nhau trong Đấng Sống. Qua ngưỡng cửa thập tự giá con sẽ được đưa vào cánh đồng ân sủng, nơi ấy hôn nhân con sẽ kết trái ngon ngọt cho con, cho con cháu con và những người quanh con. Chỉ trong Đấng Sống con mới tìm thấy hy vọng rạng rỡ của hôn nhân dù con vẫn phải đi qua những ngày tháng miệt mài, kiên trì xây dựng. Mẹ cũng tin rằng con thấy được câu trả lời cho người bạn đang muốn thoát ly hôn nhân bằng cuộc trốn chạy qua ly dị. Trong cõi chết không thể tìm được mầm sống con ạ.

Mỗi ngày, mẹ vẫn cầu nguyện cho các con đến bên thập tự giá, tại đó, những gian dối, áp bức, những lời lẽ cay đặng, nặng nề… phải được xưng nhận, rồi được cất đi, để các con thật sự biết giá trị của tình yêu hy sinh, đầu phục là gì; hầu con thấy được hy vọng trong hôn nhân của con nơi Đấng Sống.

Xin Chúa đi cùng, làm thăng hoa những ngày tháng hôn nhân của các con dù trời mưa bão hay lúc nắng ấm chan hòa.

Thương con vô cùng.

Mẹ

Ái Tâm

(BTMV 52 – Tháng 03/2016)

Bài viết này được trích đăng từ chuyên mục “Gia đình” của Bản Tin Mục Vụ. Để đọc thêm nhiều bài viết bổ ích khác, quý độc giả có thể đặt mua BTMV qua địa chỉ contact@httlvn.com hoặc số điện thoại của Phòng Truyền thông: 028.38.533.633

Bài trướcThơ: Nhà Tôi Ở Thiên Đàng
Bài tiếp theoKhước Từ Cơ Hội – 19/8/2020