Ngày 9/4/2017: Không Thể Tránh Hoạn Nạn

578

Gióp 6:1-7       

1 Gióp đáp lại rằng:
2 Ôi! Chớ gì nỗi buồn tôi nhắc cân cho đúng,
Và các tai nạn tôi để lên cân thăng bằng!
3 Vì hiện giờ nó nặng hơn cát biển;
Nên tại cớ ấy các lời tôi nói đại ra.
4 Bởi vì các tên của Đấng Toàn năng trúng nhằm tôi;
Tâm hồn tôi uống nọc độc của tên ấy;
Sự kinh khiếp của Đức Chúa Trời dàn trận nghịch cùng tôi.
5 Chớ thì con lừa rừng nào kêu la khi có cỏ?
Con bò nào rống khi có lương thảo?
6 Vật chi lạt lẽo, người ta nào ăn chẳng bỏ muối?
Còn trong tròng trắng trứng gà, đâu có mùi lai gì?
7 Vật gì linh hồn tôi từ chối đá đến,
Lại trở nên vật thực gớm ghê của tôi.
 

Câu gốc: “Hãy vui mừng trong sự trông cậy, nhịn nhục trong sự hoạn nạn, bền lòng mà cầu nguyện” (Rô-ma 12:12).

 

Câu hỏi suy ngẫm: Ông Gióp có chấp nhận lời khuyên của ông Ê-li-pha không, vì sao? Bạn áp dụng bài học này với một người đang gặp tai ương như thế nào?

 

Gióp chương 6 và 7 là lời ông Gióp đáp lại ông Ê-li-pha. Trong chương 4 và 5, ông Ê-li-pha cho rằng ông Gióp bị hoạn nạn là do phạm tội, nên ông khuyên ông Gióp phải biết rằng không ai công bình trước mặt Chúa, hãy ăn năn tội mình để tìm sự thương xót và tha thứ của Chúa. Lý lẽ của ông Ê-li-pha không hoàn toàn sai, nhưng khi áp dụng cho ông Gióp thì sai hoàn toàn vì trong trường hợp này ông Gióp không phạm tội cùng Chúa. Ông Ê-li-pha thiếu sự thấu hiểu để an ủi và giúp đỡ ông Gióp, và lời khuyên của ông quá bao quát, lý thuyết. Ông Gióp không thể áp dụng và cũng không chấp nhận được.

 

Ông Gióp nói rằng ông Ê-li-pha không thấu hiểu sự hoạn nạn, đau khổ của ông. Ông không đủ lời để bày tỏ nỗi đau buồn quá lớn của mình. Ông bảo rằng sầu khổ của ông nặng như cát biển, và đó là lý do ông “nói đại ra” (câu 2-3). Ông giải thích rằng ông không ngu muội như ông Ê-li-pha nghĩ về ông (5:2), nhưng ông nói như vậy vì nỗi đau ông phải chịu quá lớn. Ông bày tỏ nguyên do ông phải gánh chịu sự hoạn nạn là do Đấng Toàn năng đã bắn tên trúng ông, nọc độc của tên ấy làm ông đau khổ, và nỗi kinh hoàng của Chúa ập trên ông (câu 4). Ông Gióp khẳng định sự sầu khổ của ông là điều bình thường trong cuộc sống. Nếu con thú no đủ thì đâu cần kêu la, vật lạt lẽo thì người ta bỏ thêm muối là chuyện thường tình, hay tròng trắng trứng làm sao có hương vị (câu 5-6). Những nỗi đau đó đã làm cho ông ăn không còn thấy ngon, nuốt không muốn trôi (câu 7) Trong nguyên văn câu 7 được diễn tả rằng dù thức ăn ngon ông từng ưa thích, thì ông cũng không đụng đến và thấy nó trở nên gớm ghê vì ông đang chịu sự đau buồn quá lớn.

 

Chúa Giê-xu phán: “Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta” (Ma-thi-ơ 16:24). Con đường theo Chúa là con đường thập tự, con đường không thể tránh hoạn nạn. Sứ đồ Phao-lô khuyên hãy “nhịn nhục trong sự hoạn nạn” (Rô-ma 12:12) hay “khoe mình trong sự hoạn nạn” (Rô-ma 5:3) vì hoạn nạn sẽ giúp chúng ta trông cậy nơi Đấng Christ là Đấng chết thay và ban sự sống đời đời cho chúng ta. Hoạn nạn không chỉ giúp chúng ta ăn năn tội mình nhưng cũng giúp chúng ta rèn luyện đức tin để trưởng thành trong Chúa, hoặc Chúa dùng sự thử thách của chúng ta cho mục đích của Ngài. Nên chúng ta cần phải cầu nguyện, đặt lòng tin nơi Chúa trọn vẹn, và cũng phải có lời nói, việc làm cẩn thận khi đến với anh em mình trong cơn hoạn nạn của họ.

 

Bạn có đặt lòng tin trọn vẹn nơi Chúa trong mọi hoàn cảnh không?

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì Ngài là Đấng thành tín. Xin cho con luôn cẩn thận trong các việc làm, lời nói. Xin cho con yêu thương, cầu nguyện, giúp đỡ anh em con trong hoạn nạn của họ.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-xê-chi-ên 40.

Bài trướcHội Thao Thiếu Niên Cơ Đốc TP HCM 2017
Bài tiếp theoBan Dân Vận Trung Ương chúc mừng HTTLVN (MN) nhân dịp Lễ kỷ niệm Chúa Phục sinh