Ngài Là Ai? – 30/4/2018

3547

 

Xuất Ê-díp-tô Ký 3:11-14

11 Môi-se bèn thưa rằng: Tôi là ai, dám đi đến Pha-ra-ôn, đặng dắt dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô? 12 Đức Chúa Trời phán rằng: Ta sẽ ở cùng ngươi; nầy là điều làm dấu cho ngươi biết rằng ta đã sai ngươi đi: Khi ngươi dắt dân sự ra khỏi xứ Ê-díp-tô rồi, thì các ngươi sẽ phụng sự Đức Chúa Trời tại trên núi nầy.
13 Môi-se thưa cùng Đức Chúa Trời rằng: Nầy, tôi sẽ đi đến dân Y-sơ-ra-ên, nói cùng họ rằng: Đức Chúa Trời của tổ phụ các ngươi sai ta đến cùng các ngươi; nhưng nếu họ hỏi: Tên Ngài là chi? thì tôi nói với họ làm sao? 14 Đức Chúa Trời phán rằng: Ta là Đấng tự hữu hằng hữu ; rồi Ngài lại rằng: Hãy nói cho dân Y-sơ-ra-ên như vầy: Đấng tự hữu đã sai ta đến cùng các ngươi.

Câu gốc: “Đức Chúa Trời phán rằng: TA LÀ ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU” (câu 14a).

Câu hỏi suy ngẫm: Những câu ông Môi-se thưa với Chúa có ngụ ý gì? Những câu trả lời của Chúa có ý nghĩa gì với ông Môi-se, và với chúng ta ngày nay? Chúng ta học được những chân lý nào cho cuộc sống?

Trước lời kêu gọi của Chúa (câu 10), ông Môi-se thưa rằng: “Tôi là ai, dám đi đến Pha-ra-ôn đặng dắt dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô?” Đối với ông, đây là một sứ mệnh cao lớn vượt quá tầm với của mình. Ông chỉ là một gã chăn chiên thuê trên đất khách, không thế lực, địa vị hay tiền của. Hơn nữa, với Pha-ra-ôn, ông còn là một phạm nhân đang chạy trốn với tội danh giết người. Đức Chúa Trời không trả lời trực tiếp câu hỏi của ông Môi-se. Ngài không nói rằng “Ngươi đã được trang bị, có đủ tài năng để làm lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên,” nhưng Ngài đáp: “Ta sẽ ở cùng ngươi. Tất cả sức mạnh, sự khôn ngoan, sự tiếp trợ và quyền năng mà ông Môi-se cần đều có ở nơi Chúa. Ngài không bỏ ông cô đơn thực hiện nhiệm vụ với sức lực giới hạn của một con người. Chính Ngài đã phán: “Ta ngự xuống đặng cứu dân này khỏi tay người Ê-díp-tô, dẫn từ xứ ấy lên đến một xứ kia đẹp đẽ và rộng rãi” (câu 8).

Phần sau của lời Chúa phán trong câu 12 là một thách thức đức tin cho ông Môi-se: “này là điều làm dấu cho ngươi biết rằng ta đã sai ngươi đi: Khi ngươi dắt dân sự ra khỏi xứ Ê-díp-tô rồi, thì các ngươi sẽ phụng sự Đức Chúa Trời tại trên núi này. Dấu hiệu mà ông Môi-se nhận biết Chúa sai ông đi là ‘khi ông đã hoàn thành sứ mệnh dắt dân Chúa ra khỏi Ai Cập rồi!’ Có lẽ chúng ta nhiều lần muốn nhìn thấy dấu hiệu Chúa trước một công tác nào đó để yên lòng, nhưng Ngài muốn nhìn thấy đức tin của chúng ta. Khi Chúa gọi, chúng ta không cần bận tâm về những thất bại, vấp ngã trong quá khứ của chính mình nhưng cần bám chặt vào Ngài. Chúa luôn ban thêm ơn khi giao phó trọng trách cho chúng ta. Khi Chúa ở cùng, chúng ta sẽ có mọi điều cần có để thực hiện công việc mà mình không dám mơ ước tới.

Người Ai Cập thờ rất nhiều thần tượng nên ông Môi-se muốn biết rõ Danh Chúa để tuyển dân có thể nhận biết chính xác Đấng đã sai ông đến với họ. Chúa trả lời: “Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu”. Danh xưng của Chúa thể hiện bản chất của Ngài: tự nhiên mà có, là Đấng tạo hóa và bảo tồn vạn vật, không thay đổi và tồn tại mãi mãi. Chúa muốn người Y-sơ-ra-ên ngày trước và con dân Chúa ngày nay nhận biết Ngài là Đấng không lệ thuộc thời gian, không gian, và Ngài thành tín trong mọi lời hứa của Ngài. Vì thế, chúng ta phải nhìn biết Chúa khác biệt với mọi thần tượng và tin cậy hoàn toàn nơi Ngài.

Với bạn, Chúa là ai? Đáp ứng của bạn là gì?

Cảm tạ Chúa vì Ngài là nguồn sống, nguồn trông cậy đời đời của con. Xin cho con cảm nhận được sự hiện diện của Chúa, lắng nghe được tiếng phán của Ngài và nhìn thấy những công việc lạ lùng Chúa làm qua đời sống của con.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ma-thi-ơ 24.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcĐối Xử Với Người Nghèo – 29/4/2018
Bài tiếp theoĐịnh Nghĩa Tình Yêu – 1/5/2018