Lòng Thương Xót Lớn – 13/4/2018

2977

 

Nê-hê-mi 9:28-31

28 Nhưng khi chúng được an tịnh, bèn khởi làm lại điều ác trước mặt Chúa; vì vậy, Chúa bỏ chúng vào tay kẻ thù nghịch để quản hạt chúng; song khi chúng trở lại, kêu cầu cùng Chúa, thì Chúa từ trên trời nghe đến, và vì lòng thương xót Chúa, nên giải cứu chúng nhiều lần. 29 Chúa cũng làm chứng nghịch cùng chúng, để dẫn dắt chúng trở lại luật pháp của Ngài. Dầu vậy, chúng cư xử cách kiêu ngạo không nghe các điều răn Chúa, phạm đến luật lệ của Chúa, là luật lệ nếu người nào vâng làm theo, tất sẽ được sống; chúng ở chấp nhứt, cứng cổ mình, và không khứng nghe theo. 30 Chúa dung thứ chúng nhiều năm, và cậy Thần linh và các tiên tri của Chúa mà làm chứng nghịch cùng chúng; nhưng chúng không lắng tai nghe, nên Chúa phó chúng vào tay dân tộc của các xứ. 31 Song, vì lòng thương xót lớn lao của Chúa, Chúa không có tận diệt chúng, cũng không lìa bỏ chúng; vì Chúa vốn là Đức Chúa Trời hay thương xót và nhân từ. 

Câu gốc: “Song, vì lòng thương xót lớn lao của Chúa, Chúa không có tận diệt chúng, cũng không lìa bỏ chúng; vì Chúa vốn là Đức Chúa Trời hay thương xót và nhân từ” (câu 31).

Câu hỏi suy ngẫm: Trong phân đoạn này, có mấy lần tổ phụ dân Y-sơ-ra-ên phản nghịch cùng Chúa? Hậu quả của những lần phản nghịch đó là gì? Khi tổ phụ dân Y-sơ-ra-ên ăn năn quay lại cùng Chúa, Ngài đã đối đãi với họ ra sao? Bạn nhìn thấy Chúa là Đấng như thế nào trên cuộc đời mình?

Phân đoạn Kinh Thánh này là một điệp khúc buồn dai dẳng trong dòng lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên. Không buồn sao được khi lúc nào Chúa cũng dùng tình yêu lớn và sự bao dung quảng đại đối với tổ phụ dân Y-sơ-ra-ên, nhưng ngược lại, tổ phụ họ thường xuyên dùng sự bất tuân, cứng đầu và chống nghịch để đáp lại với Ngài. Biết bao lần tổ phụ dân Y-sơ-ra-ên không vâng theo luật pháp của Chúa, thờ ơ trước những lời cảnh báo của tiên tri Ngài, thậm chí là nhẫn tâm giết cả những tiên tri ấy. Họ coi thường sự quở phạt của Chúa, miệt mài đi theo ý riêng của lòng mình, đắm chìm trong tội lỗi. Đến nỗi lòng Chúa phải quặn thắt mà phó họ vào tay những dân ngoại bang. Cho đến khi tổ phụ dân Y-sơ-ra-ên bị kẻ thù hà hiếp, phải rơi vào sự cùng cực không lối thoát, thì họ mới nhớ đến Chúa và kêu cầu cùng Ngài, Đấng mà bấy lâu nay họ đã nhiều lần từ bỏ. Nếu như điệp khúc buồn của tổ phụ dân Y-sơ-ra-ên này làm chúng ta không khỏi ngao ngán mỗi lần đọc đến, thì sự thương xót vô tận mà Chúa dành cho tổ phụ của họ là điều khiến chúng ta không thể nào thấu hiểu được. Chúng ta chỉ có thể cảm tạ Chúa bởi lòng thương xót vượt quá mọi suy tưởng của loài người mà Ngài luôn dành cho những ai ăn năn quay về cùng Ngài.

Từ kinh nghiệm đau thương của tổ phụ dân Y-sơ-ra-ên, chúng ta nhận ra một điều, nếu chúng ta quay lưng khỏi lời dạy của Chúa, thì chúng ta không cách nào có thể đi theo đường lối và ý muốn của Chúa. Lời Chúa là kim chỉ nam giúp chúng ta định hướng đi đúng đắn trong thiên lộ lịch trình của mình. Dẫu biết là thế, nhưng cũng khó tránh khỏi những lúc chúng ta chểnh mảng hay không cưỡng lại được những thứ hấp dẫn khác xung quanh mà xa cách Ngài. Hãy nhớ, lòng thương xót của Chúa vượt quá trí óc con người có thể thấu hiểu. Chỉ cần chúng ta quyết định ăn năn và quay về với Ngài, thì Ngài dang rộng cánh tay đón tiếp chúng ta. Nhưng chúng ta cũng không được quên rằng, đừng vì ỷ lại vào lòng thương xót lớn của Chúa mà cứ chìm đắm trong tội lỗi. Bởi cái giá phải trả cho cuộc sống xa cách Chúa là lớn khôn lường.

Có tội lỗi nào mà bạn cứ phạm đi phạm lại mà chưa từ bỏ được? Hãy trình dâng tội lỗi ấy lên cho Chúa và trải nghiệm ơn thương xót của Ngài.

Lạy Chúa, con cảm ơn Ngài vì cớ lòng thương xót vô biên của Ngài dành cho loài người và chính con. Xin tha thứ cho những vi phạm của đời sống con, và gìn giữ bước chân con luôn đi trong đường lối của Ngài.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ma-thi-ơ 7.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Của Cụ Bà NGUYỄN THỊ BÔNG
Bài tiếp theoLễ Khởi Công Xây Dựng Nhà Thờ Tin Lành Cư Huê – Đăk Lăk