Gióp 21:27-34
27 Nầy, tôi biết ý tưởng các bạn,
Cùng các mưu kế các bạn toan dùng đặng tàn hại tôi.
28 Vì các bạn nói rằng: “Nhà kẻ cường bạo ở đâu?
Trại kẻ ác ở nơi nào?”
29 Chớ thì các bạn chẳng hề hỏi khách qua đường sao?
Há chẳng nhờ chứng cớ của họ mà nhìn biết rằng,
30 Trong ngày tai họa, kẻ hung ác được khỏi,
Và trong ngày thạnh nộ, nó được thoát?
31 Tại trước mặt hắn, ai dám trách hắn vì tánh hạnh hắn?
Ai sẽ báo ứng điều hắn đã làm?
32 Nó sẽ được đưa đến huyệt mả,
Và người ta sẽ canh giữ phần mộ nó.
33 Các cục đất của trũng lấy làm êm dịu cho nó;
Mọi người đều đi noi theo,
Và kẻ đi trước thì vô số.
34 Vậy, sao các bạn an ủi tôi vô ích dường ấy?
Vì những câu đáp của các bạn chỉ còn sự bất trung mà thôi.
Câu gốc: “Vậy, sao các bạn an ủi tôi vô ích dường ấy? Vì những câu đáp của các bạn chỉ còn sự bất trung mà thôi” (câu 34).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Gióp than phiền các bạn những điều gì? Lời các bạn khuyên có ích lợi gì cho ông không? Vì sao? Mục đích lời nói của bạn có hướng con cháu đến Chúa không?
Ông Gióp trách các bạn kết án ông bằng những lời dối trá xuất phát từ những ý tưởng và mưu kế tối tăm hòng làm hại đời ông (câu 27). Các bạn đã nói những lời hoàn toàn chủ quan, sai thực tế. Cụm từ “khách qua đường” trong câu 29 nói đến những lữ khách có cơ hội đi nhiều nơi, thấy được nhiều việc cụ thể. Ông Gióp hỏi các bạn tại sao không hỏi những người có kinh nghiệm và kiến thức để có chứng cớ cụ thể. Các bạn ông Gióp nói người và “nhà trại của kẻ ác sẽ chẳng còn” (8:22), “đương khi dư dật, nó sẽ bị cùng túng” (20:22), “tài sản nó sẽ bị trôi đi trong ngày thạnh nộ của Chúa” (20:28), nhưng trên thực tế vẫn có nhiều kẻ ác được thoát khỏi trong ngày tai họa và ngày thịnh nộ, họ được bình an qua đời với vô số người đưa tiễn họ (câu 30-33). Ông Gióp kết luận rằng các bạn dùng lời dối trá đã không an ủi được ông mà còn làm ông thêm mệt mỏi, đau lòng (câu 34). Những lời các bạn không đưa ông đến gần Chúa mà còn gây cho ông thêm bối rối.
Trong phân đoạn Kinh Thánh này, chúng ta cùng suy ngẫm về hình ảnh người cha qua ông Gióp. Chương 1 cho biết ông Gióp là người cha gương mẫu, sống ngay thẳng và kính sợ Chúa. Ông luôn dùng tiêu chuẩn của Chúa để dạy dỗ con cái, vì thế các con của ông có sự hòa thuận, yêu thương nhau. Bài học hôm nay dạy chúng ta một khía cạnh khác trong trách nhiệm của cha mẹ. Cha mẹ nên chia sẻ những kinh nghiệm thật cho con cái. Dù thành công hay thất bại, nhưng đó là những bài học quý giá cho con cái trên đường đời. Điều quan trọng nhất cha mẹ để lại cho con cái sau khi qua đời không phải là tiền của, danh vọng, mà là những bài học đức tin để hướng dẫn, dạy dỗ con cái biết và tin nhận Chúa Giê-xu là Cứu Chúa của đời mình. Chúa phán: “Nếu ai muốn theo Ta, thì phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo Ta… Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì?” (Ma-thi-ơ 16:24-26). Cha mẹ cần nói thật cho con cái biết con đường theo Chúa là con đường thập tự, có khi phải đi qua trũng bóng chết, nhưng có Chúa Thánh Linh – Đấng Yên Ủi luôn đi cùng, ban cho người theo Chúa đi trong sự bình an, vui thỏa. Con đường này không hứa hẹn một cuộc sống giàu sang, thịnh vượng trên thế gian, nhưng chắc chắn con đường này dẫn đến sự sống đời đời.
Bạn dạy dỗ, hướng dẫn con cái theo tiêu chuẩn nào? Bạn có thẳng thắn chia sẻ những thành công hay thất bại của mình cho con cái không?
Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì đã thương xót và cứu con. Xin Chúa Thánh Linh dạy con nói lời chân thật, bày tỏ sự cứu rỗi của Chúa cho con cháu và thế hệ mai sau.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Dân Số Ký 9.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org