Kỷ luật trong yêu thương

2889

HTTLVN.ORG – Sự kỷ luật nhất quán bảo vệ gia đình vì nó tạo ra một môi trường hiền hoà giữa cha mẹ, con cái và anh chị em. Đừng để kỷ luật xong rồi lại cảm thấy hối hận. Và nếu bạn chưa thi hành sự kỷ luật nào, thì bây giờ hãy thảo luận với vợ/chồng mình về phương pháp mà bạn sẽ thi hành kỷ luật trong gia đình mình.


Nói về tầm quan trọng của sự kỷ luật đối với chuyện nuôi dạy con cái một cách hiệu quả, thì một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta cần nhớ là phải kỷ luật trong tình yêu.

Khi cha mẹ đã bày tỏ mong muốn của mình nhưng đứa con vẫn cư xử không đúng mực, thì đó là lúc phải thực thi các tiêu chuẩn đó bằng cách quyết định phương pháp trừng phạt nào là phù hợp và hiệu quả nhất.

Ở đây, chúng ta cần nhớ rằng kỷ luật không phải chỉ là hành động chúng ta làm với con cái mình nhưng là hành động chúng ta làm vì ích lợi cho chúng. Kỷ luật không phải là để chúng ta thỏa mãn cảm xúc hoặc nhu cầu báo trả của chúng ta.

Mục đích của sự kỷ luật là xây dựng cho con cái chúng ta biết tôn trọng thẩm quyền và tạo ra một sự kết nối về mặt lý trí giữa việc không vâng lời và sự không hài lòng.

Dưới đây là một số biện pháp kỷ luật hữu ích cho các bậc phụ huynh tham khảo:

Ngăn cấm: Không cho con chơi với một số bạn bè, một số hoạt động hay một số thú vui nhất định. Đối với trẻ nhỏ, hình thức này có thể được gọi là “hết giờ rồi” và không cho chơi hay xem nữa. Đối với những đứa trẻ lớn hơn, việc ngăn cấm, không cho chơi đồ chơi hoặc xem TV có thể kéo dài trong vài chục phút đến vài giờ. Đối với con cái đã đến tuổi thiếu niên thì việc ngăn cấm có thể là cả ngày hoặc thậm chí vài tuần. Mấu chốt trong biện pháp kỷ luật này là thiết lập một vài tham số và bám vào nó.

Làm một số công việc: Dựa theo năng lực của trẻ, cha mẹ có thể giao một số việc nhà như dọn rác, làm vệ sinh nhà hay sân vườn. Mặc dù vậy, hãy cẩn thận, đừng để trẻ nghĩ rằng làm việc nhà là một hình phạt vì nó sẽ ảnh hưởng không tốt khi trẻ đến tuổi trưởng thành.

Bồi hoàn/ăn năn: Trong tình huống khi một đứa trẻ làm tổn thương một đứa trẻ khác hoặc phạm một tội nào đó ngoài xã hội thì đây có thể là một biện pháp kỷ luật rất hiệu quả. Dạy một đứa trẻ biết nhận lỗi, xin tha thứ và hoàn lại những gì mình đã làm hư hỏng hoặc lấy mất là một bài học rất có giá trị.

Đánh đòn: Dù đây là một biện pháp gây tranh cãi và nhiều phụ huynh chọn không đưa nó vào trong các lựa chọn kỷ luật của mình, thì đây có thể xem là biện pháp kỷ luật nhanh chóng và hiệu quả, và là hình thức kỷ luật này được khuyên dùng nhất trong Kinh Thánh (Châm Ngôn 13:24; 22:15; 23: 13-14; 29:15).

Nếu bạn quyết định đánh đòn, thì phải thực hiện nó thật nghiêm túc. Hãy đánh đòn một cách hiền hoà nhưng phải có uy quyền, đánh đòn đủ mạnh để làm đau nhưng đừng quá mạnh gây tổn hại cho con. Đồng thời, sau khi đánh đòn, phải luôn bày tỏ tình cảm đối với con. Vợ chồng tôi luôn cầu nguyện cùng với các con sau khi chúng tôi kỷ luật chúng, xin Chúa ban phước cho chúng.

Khi bạn đã chọn một biện pháp kỷ luật, hãy cẩn thận với cách bạn sử dụng. Đầu tiên phải bình tĩnh. Phải kiểm soát cảm xúc của mình trước. Hãy quở trách, sửa trị con ở nơi riêng tư chứ không phải ở trước mặt bạn bè. Đừng bao giờ la mắng con và khiến chúng bị xấu hổ một cách công khai.

Ở nơi riêng tư, giải thích rằng chúng đã không vâng lời và phải chịu sự kỷ luật thích hợp. Hãy khẳng định với các con rằng bạn yêu chúng. Hãy giải thích cho các con hiểu bạn luôn tự hào về các con, nhưng bạn không thể cho phép chúng làm sai hoặc vi phạm những tiêu chuẩn của bạn.

Cuối cùng, những đứa trẻ được kỷ luật một cách thống nhất, trong phương cách yêu thương sẽ cảm thấy được chấp nhận và được an ninh. Sự kỷ luật nhất quán bảo vệ gia đình vì nó tạo ra một môi trường hiền hoà giữa cha mẹ, con cái và anh chị em. Đừng để kỷ luật xong rồi lại cảm thấy hối hận. Và nếu bạn chưa thi hành sự kỷ luật nào, thì bây giờ hãy thảo luận với vợ/chồng mình về phương pháp mà bạn sẽ thi hành kỷ luật trong gia đình mình.

Hồng Nhung dịch
Nguồn: MarriageToday

Bài trướcĐược Cảm Hóa – 22/6/2019
Bài tiếp theoXưng Tội và Ăn Năn – 23/6/2019