Khi Nào Hết Dịch Covid-19?

3141

HTTLVN.ORG – Đầu năm 2020, khi bước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, nhân loại hy vọng một tương lai đầy tốt lành sẽ đến. Nhưng nào ngờ dịch Vi-rút Corona bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) rồi lan nhanh khắp thế giới.

Tháng 3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu khi số ca mắc ngày càng tăng ở các quốc gia. Tính tới ngày 12/9/2021, dịch Covid-19 khiến hơn 225 triệu người mắc và hơn 4,6 triệu ca tử vong trên thế giới. Theo WHO, đại dịch sẽ được tuyên bố kết thúc khi mà “sự lây lan của dịch Covid-19 trên toàn thế giới dừng lại”.[1]

Nhưng câu hỏi lớn đặt ra là: “Khi nào hết dịch Covid-19…?” Đây cũng là câu hỏi của rất nhiều người đặt ra trong thời gian qua. Câu hỏi này được đặt ra cho các cấp lãnh đạo, các chuyên gia, ngành y tế… Câu hỏi này phản ánh sự mong chờ, hy vọng dịch bệnh sớm qua, sớm biến khỏi trái đất này để con người được sống bình an, tự do, vui thỏa như trước đây. Người thì mong mau hết dịch để đi làm trở lại; người mong mau hết dịch để có thể gặp lại những người thân yêu; các em học sinh mong mau hết dịch để được đến trường học; còn đối với Cơ Đốc nhân thì mong hết dịch để được đến nhà Chúa thờ phượng Ngài.

Nhưng câu hỏi sẽ là KHI NÀO? Ai có đủ khả năng để đưa ra một câu trả lời chắc chắn và chính xác? Đứng trước câu hỏi lớn này, Cơ Đốc nhân cần nhận biết và xác định ba điều quan trọng sau:

CON NGƯỜI KHÔNG AI BIẾT CHẮC

“Song ngày mai sẽ ra thế nào, anh em chẳng biết! Vì, sự sống của anh em là chi? Chẳng qua như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay ” (Gia cơ 4:14).

“Ngày mai” tức là tương lai của mỗi người, bao gồm mọi diễn biến và sự việc xảy đến trong tương lai của mỗi chúng ta. Tất cả đều không ai biết chắc. Nghĩa là con người có thể biết một phần, hoặc có thể phỏng đoán, dự báo… nhưng không thể biết chắc chắn. Nguyên nhân là vì con người rất hữu hạn về sự khôn ngoan, sự hiểu biết, và hữu hạn cả về số năm sống trên đất của đời mình.

Có một vị xưng là tiên tri ở châu Phi, trong một buổi truyền hình trực tuyến đã tuyên bố rằng: “Vi-rút corona, dịch lệ vi rút đáng sợ của thế giới sẽ chấm dứt vào ngày 27/03/2020”.[2] Sau ngày 27/03/2020, vi-rút corona chẳng những không biến mất mà nó còn hoành hành dữ tợn hơn, giết chết nhiều người hơn.

Bill Gates, nhà sáng lập tập đoàn Microsoft cũng nói lên suy đoán của mình trong cuộc phỏng vấn với tờ Gazeta Wyborcza (Ba Lan) và đài truyền hình TVN24 ngày 25/3/2021 rằng: “Đại dịch Covid-19 là một thảm kịch không thể tưởng tượng được”. “Tin tốt đẹp duy nhất là khả năng tiếp cận với Vắc-xin Covid-19 trên thế giới. Vào cuối năm 2022, về cơ bản chúng ta sẽ hoàn toàn trở lại bình thường”.[3] Đây cũng chỉ là một dự đoán của một con người. Mà là dự đoán thì có thể đúng, có thể sai, không gì đảm bảo là chắc chắn 100% được.

Tổ Chức Y Tế Thế Giới cũng đã đưa ra nhận định với Newsweek như sau: “Về việc đại dịch này sẽ kết thúc như thế nào, liệu nó sẽ kết thúc giống như dịch cúm với những đợt bùng phát nhỏ hay sẽ giống cảm lạnh thông thường ở những nơi nó trở thành bệnh đặc hữu (endemic): Chúng tôi không biết. Chúng tôi không biết sự lây lan của vi-rút SARS-CoV-2 sẽ diễn biến như thế nào. Rất nhiều điều sẽ phụ thuộc vào những hành động tập thể của chúng ta cũng như những công cụ tiềm năng, trong đó có vaccine”.[4]

Tóm lại, trong cái nhìn của Cơ Đốc nhân dựa trên Lời Chúa, chúng ta nhận thức bản chất của tương lai không ai biết chắc. Bởi vì cuộc đời là vô thường, tương lai thì vô định. Như Châm Ngôn 27:1 cũng dạy: “Chớ khoe khoang về ngày mai; vì con chẳng biết ngày mai sẽ sanh ra điều gì.

DUY CHỈ CÓ ĐỨC CHÚA TRỜI BIẾT CHẮC

Mục sư Charles Spurgeon nói rằng: “Có hai điều chắc chắc lớn lao về tương lai: Một là Đức Chúa Trời biết; hai là chúng ta không biết”. Thật vậy, Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Tri: Ngài biết tất cả mọi sự. Rô-ma 11:33 chép, “Ôi! sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được!

Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo muôn loài vạn vật và Ngài bày tỏ ơn Thần hựu, nghĩa là Ngài bảo tồn, giúp đỡ, ban ơn cho con người và tạo vật của Ngài. Vì thế, tất cả mọi điều xảy đến trên thế giới này nói chung và trong cuộc đời mỗi chúng ta nói riêng đều nằm trong kế hoạch toàn mỹ của Đức Chúa Trời. Điều này thần học gọi là “Nguyên chỉ”, nghĩa là ý định đời đời từ trước ban đầu của Chúa, mọi chương trình hoạch định và thực hiện đúng như vậy, không có bất cứ điều gì có thể phá hỏng chương trình của Ngài. Ê-sai 46:10 chép rằng: “Ta đã rao sự cuối cùng từ buổi đầu tiên, và đã nói từ thuở xưa những sự chưa làm nên. Ta phán rằng: Mưu của ta sẽ lập, và ta sẽ làm ra mọi sự ta đẹp ý.”

Trong cơn đại dịch Covid-19, có người đặt ra câu hỏi cho các Đầy tớ Chúa: “Vi-rút corona này từ đâu mà có?” Là con cái Chúa, phản ứng của mỗi chúng ta phải khác với người thế gian trong cơn đại dịch này. Hơn ai hết, chúng ta cần bình tĩnh, đừng hoang mang trước mọi hoàn cảnh. Chúng ta không cần thiết phải xác định dịch bệnh này đến từ đâu. Nhưng chúng ta cần biết chắc chắn một điều là: Đức Chúa Trời cho phép.

Hãy nhớ rằng: Đức Chúa Trời đã ấn định mọi sự theo chương trình của Ngài. Phúc Âm Ma-thi-ơ ký thuật trong chương 24 cho chúng ta biết những biến cố trước ngày Chúa Giê-xu Christ tái lâm. Những điều đó chắc chắn sẽ xảy ra và đang từng bước được ứng nghiệm: “Phàm sự gì có thì tiết; mọi việc dưới trời có kỳ định” (Truyền Đạo 3:1).

Khi học về cuộc đời của Gióp, chúng ta thật được khích lệ khi đối diện với nghịch cảnh. Ông bị tai họa liên hoàn đến nỗi mất tất cả. Trong hoàn cảnh đau thương của mình, ông đã ước ao: “Ôi! Ước gì tôi được như buổi trước, như trong các ngày mà Đức Chúa Trời gìn giữ tôi” (Gióp 29:2). Và rồi, Chúa đã cho ông từng bước kinh nghiệm Chúa trong những đau thương của cuộc đời mình. Ông nói: “Khi Ngài ban cho bình an, ai sẽ làm cho rối loạn? Khi Ngài ẩn mắt mình, ai có thể thấy Ngài? Ngài làm như vậy hoặc cho dân tộc nào, hoặc cho người nào” (Gióp 34:29).

Là con cái của Chúa, chúng ta cũng phải chịu sự hoạn nạn trong thế gian này, nhưng chúng ta biết chắc rằng Đức Chúa Trời yêu thương và có chương trình tốt nhất cho Hội Thánh và từng con cái của Ngài. Vì thế, sống trong cơn đại dịch này, mỗi tôi con Chúa cần luôn nhớ: Đức Chúa Trời là Đấng Toàn năng – Toàn tri – Toàn tại, nên không có gì nằm ngoài tầm kiểm soát của Ngài.

NẾU KHÔNG HẾT DỊCH COVID-19, THÌ ĐỨC TIN CHÚNG TA THẾ NÀO?

Tất cả tôi con Chúa khắp nơi đã và đang hiệp lòng cầu nguyện cho đại dịch Covid-19 qua đi. Nhưng thực tế nó đã bùng phát lần thứ tư ở Việt Nam. Toàn xã hội đã tìm đủ mọi phương cách để ngăn chặn sự lây lan của cơn dịch này, nhưng rồi chúng ta cũng chỉ biết khích lệ nhau bằng hai từ “cố gắng”, vì không ai có thể đảm bảo dịch bệnh có thể được chặn đứng hoàn toàn và mình được miễn nhiễm khỏi vi-rút này.

Vấn đề nằm ở chỗ không phải là con cái Chúa thiếu đức tin khi cho rằng dịch bệnh sẽ không bao giờ hết, nhưng là liệu chúng ta có đủ đức tin để sống chung với cơn dịch này không? Và giả thuyết đặt ra: Nếu hoàn cảnh có trở nên tồi tệ hơn, hoặc người bị nhiễm Covid-19 chính là chúng ta hoặc người thân chúng ta, thì đức tin nơi Chúa như thế nào?

Ngày nay, nhiều người đặt niềm tin vào lời hứa của y học khi mọi người trên thế giới đều được tiêm vắc-xin. Chúng ta vô cùng biết ơn những người đã sáng chế ra vắc-xin, cũng như sự giúp đỡ của các nhân viên y tế và sẵn sàng đón nhận những liệu pháp này. Tuy nhiên, ngay cả khi toàn thế giới được tiêm chủng đầy đủ, thì cũng không ai đảm bảo mình sẽ được an toàn tuyệt đối 100%.

Theo nhận định của một số chuyên gia thì đại dịch này có thể kết thúc nhưng vẫn sẽ có những ca mắc Covid-19 mới. Trong một viễn cảnh của tương lai, Covid-19 có thể được đưa vào tầm kiểm soát tại một khu vực nhất định nhưng ở khu vực khác thì chưa. Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO nhận định: “Thế giới đã mất khả năng xóa sổ Covid-19 ngay từ đầu”. Các nhà khoa học và các chuyên gia y tế cũng cho rằng Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu, đồng nghĩa với việc vi-rút sẽ không bao giờ biến mất và vẫn tiếp tục lây lan. WHO cho rằng khi một vi-rút gây bệnh trở thành bệnh đặc hữu, chúng ta sẽ không còn chứng kiến mức độ tử vong và số ca bệnh nặng như hiện nay bởi nhờ các công cụ và phương pháp điều trị phù hợp, thế giới có thể kiểm soát và sống chung với các bệnh đặc hữu.[5]

Ngày càng nhiều quốc gia cho rằng, chúng ta không thể sống mãi trong phong tỏa và cần vượt qua sự ám ảnh về mục tiêu không Covid, đồng thời biến vi-rút trở thành “kẻ sống chung” ít đe dọa hơn trên hành tinh này.[6]

Đối với Cơ Đốc nhân, vấn đề không phải là khi nào sẽ hết dịch, nhưng vấn đề là đức tin của chúng ta như thế nào trong cơn đại dịch này. Nếu Chúa muốn chúng ta sống chung với Covid-19 này đến ngày Chúa tái lâm thì sao? Ước mong rằng mỗi chúng ta vẫn tin cậy nơi Ngài. Bởi vì, chúng ta nhận biết ý định và đường lối của Chúa luôn là tốt nhất. Ê-sai 55: 8-9 chép, “Đức Giê-hô-va phán: Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.”

Toàn thế giới đang mong chờ sự kết thúc của đại dịch Covid-19. Chúng ta cùng hiệp lòng cầu nguyện cho dịch bệnh sớm được ngăn chặn sự lây lan để cuộc sống của nhân loại được trở lại bình thường. Chúng ta tin rằng: Nếu Chúa muốn thì cơn dịch này sẽ được dẹp khỏi hành tinh chúng ta. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cầu nguyện xin Chúa thêm sức và tiếp trợ nếu dịch bệnh vẫn còn phải kéo dài, thậm chí là phải sống chung với nó. Đặc biệt, hãy cầu xin Chúa thêm đức tin để dầu trong hoàn cảnh nào, mỗi chúng ta vẫn vững lòng theo Chúa cho đến cuối cùng.

Chúng ta đừng chỉ cầu mong ngày hết dịch rồi ngồi đó u sầu khi dịch bệnh cứ kéo dài nhưng hãy sống ý nghĩa từng ngày trong cơn đại dịch này, bày tỏ đức tin trọn vẹn nơi Chúa ngay cả trong nghịch cảnh, nhận biết sự sống và chết của mình đều thuộc về Chúa. “Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy nên chúng ta hoặc sống hoặc chết, đều thuộc về Chúa cả” (Rô-ma 14:8).

CTV. TĐ. Sử Đức Nguyên

 Chú thích:

[1] https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/khi-nao-dai-dich-covid-19-ket-thuc-890125.vov
[2]https://www.thisdaylive.com/index.php/2020/03/12/tb-joshua-predicts-coronavirus-will-end-march-27/
[3]https://thanhnien.vn/the-gioi/ti-phu-bill-gates-du-bao-khi-nao-the-gioi-het-dai-dich-covid-19-1359118.html
[4] https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/khi-nao-dai-dich-covid-19-ket-thuc-890125.vov
[5] https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/khi-nao-dai-dich-covid-19-ket-thuc-890125.vov
[6]https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/vi-sao-khong-the-xoa-so-covid-19-va-cac-nuoc-dang-song-chung-voi-virus-nhu-the-nao-887431.vov

Bài trướcQuảng Nam: Hiệp Nguyện Giáo Phẩm Tháng 10/2021 Tại Nhà Thờ Tiên Phước Và Quế Xuân
Bài tiếp theoKlei Kđeh Tluh Dưi Ksiêm Răng – 9/10/2021