Giép-thê Hay Con Gái Của Giép-thê?

3434

HTTLVN.ORG – Khi nói đến hứa nguyện và hoàn nguyện, một số người thường nhắc đến gương của ông Giép-thê như một anh hùng, một gương mẫu của sự hoàn nguyện vì ông đã dâng con gái mình như lời ông đã hứa. Tuy nhiên, khi đọc kỹ phân đoạn Kinh Thánh Các Quan Xét 11:29-40, chúng ta thấy dường như không phải vậy.

Giép-thê Hứa Nguyện

Ông Giép-thê khẩn nguyện cùng Chúa: “Nếu Ngài phó dân Am-môn vào tay tôi, khi tôi thắng chúng nó trở về, hễ chi ở cửa nhà tôi đi ra đầu hết đặng đến đón rước tôi, thì nấy sẽ thuộc về Đức Chúa Trời, và tôi sẽ dâng nó làm của lễ thiêu.” Thật là một lời hứa đáng khen, lời hứa sẵn sàng dâng cho Chúa không tiếc chi cả. Tuy nhiên, trong trường hợp của ông Giép-thê, chúng ta cần phải xét lại lời hứa này. Hơn ai hết, ông biết trong nhà ông có những ai. Kinh Thánh cho biết vợ chồng ông chỉ có một đứa con duy nhất (Các Quan Xét 11:34), vậy ngoài vợ, con và tôi tớ thì ai sẽ ra trước nhất để đón ông khi thắng trận trở về? Dù ông là con của một kỹ nữ, dù đã từng sống với những du đảng, nhưng lẽ nào ông Giép-thê lại không biết được điều cơ bản nhất là không thể dâng một con người làm của lễ thiêu cho Đức Chúa Trời. Vì vậy có thể nói đây là một lời hứa hết sức bốc đồng, lời hứa trong lúc cao hứng thiếu suy xét, lời hứa không cần biết có đẹp lòng Đức Chúa Trời hay không. Chắc chắn đây không phải là một mẫu mực cho lời hứa để chúng ta noi theo được.

Giép-thê Hoàn Nguyện

Bây giờ chúng ta thử xem khi hứa rồi, ông hoàn nguyện như thế nào. Khi vừa thắng trận trở về, thấy con gái duy nhất của mình ra đón rước, ông đã xé áo mình mà than thở, mà tức tối, mà trách con đã làm rối trí ông. Các Quan Xét 11:35 cho biết: “Giép-thê vừa thấy nàng, liền xé áo mình mà rằng: Ớ con, than ôi! Con gây cho cha tức tối quá thay! Con thuộc vào số kẻ làm rối cha! Vì cha có mở miệng khấn nguyện cùng Đức Giê-hô-va, không thế nuốt lời.” Tại sao khi hứa thì mạnh mẽ không cần tính toán, sẵn sàng dâng bất cứ điều gì, mà bây giờ lại tức tối, than thở khi thấy con mình đi ra mừng đón? Phải chăng khi hứa thì hứa thật mạnh mẽ, nhưng khi phải trả sự hứa nguyện thì mới giật mình tại sao mình ngu dại quá, hứa gì mà nhiều thế, phải chi một con vật nào đi ra thì hơn không, đằng này lại là con gái độc nhất! Con đã làm rối trí cha, vì cha đã lỡ hứa rồi, không làm theo thì sợ Chúa phạt, còn làm theo thì mất con, không rối sao được. Hứa nguyện thì mạnh mẽ, hoàn nguyện thì tiếc nuối! Ở đây chúng ta thấy ông Giép-thê có điểm đáng khen là trong niềm vui thắng trận, ông vẫn không quên lời hứa của mình. Nhiều người trong chúng ta khi có nan đề thì cầu xin và hứa đủ điều, nhưng khi tai qua nạn khỏi thì lại quên mất. Tuy nhiên tinh thần hoàn nguyện của ông Giép-thê không phải là điều đáng học tập. Dĩ nhiên chúng ta cảm thông cho tình huống bất ngờ ngoài sự suy nghĩ của ông lúc đó, nhưng điều đáng nói ở đây là ông Giép-thê không cho chúng ta một gương tốt về tinh thần hứa nguyện và hoàn nguyện. Nếu ông có bằng lòng hoàn nguyện thì cũng vì sợ chứ không phải vì vui lòng, vì biết ơn. Hoàn nguyện vì chẳng đặng đừng chứ không phải với tinh thần tự nguyện.

Con Gái Ông Giép-thê Hoàn Nguyện

Khi nghe cha cho biết về sự hứa nguyện của mình, con gái ông Giép-thê đã thưa với cha: “Cha ôi, nếu cha có mở miệng khấn nguyện cùng Đức Giê-hô-va, xin hãy làm cho con y như lời ra khỏi miệng cha, vì bây giờ Đức Giê-hô-va đã báo thù kẻ cừu địch cha rồi, tức là dân Am-môn.” Qua lời nói của con gái ông Giép-thê, chúng ta thấy được sự tương phản về tinh thần hoàn nguyện giữa cô với cha nàng. Ông Giép-thê thì than thở, tức tối, rối trí, phải hoàn nguyện vì sợ, vì đã lỡ hứa; còn nàng thì ngược lại, sẵn lòng, khuyên cha hãy hoàn nguyện với tinh thần tự nguyện, không phải vì ép buộc mà làm. Lý do mà nàng khuyên cha phải hoàn nguyện là vì biết ơn Chúa đã làm cho mình, “vì bây giờ Đức Giê-hô-va đã báo thù kẻ cừu địch cha rồi, tức là dân Am-môn”, chứ không phải vì lỡ hứa. Quả thật, khi suy nghĩ đến những gì Chúa làm cho mình, chúng ta chỉ biết cúi đầu cảm tạ mà thôi. Vì biết ơn Chúa, chúng ta hoàn nguyện. Chúa muốn chúng ta hoàn nguyện bởi tấm lòng chứ không phải vì ép uổng. Thật ra những gì chúng ta hoàn nguyện chẳng đáng chi so với ơn Chúa đã làm cho chúng ta, vì vậy cho dù chúng ta đã hoàn trả xong những gì chúng ta đã hứa thì cũng không vì thế mà nghĩ rằng giữa tôi với Chúa “coi như huề”. Khi sợ mà hoàn nguyện thì chúng ta hoàn nguyện vì mình, nếu không thì sợ Chúa phạt, sợ tai họa… cho mình, chứ không phải vì Chúa. Chính tinh thần hoàn nguyện của con gái ông Giép-thê mới là một gương tốt đáng cho chúng ta học tập.

Giép-thê Đã Hoàn Nguyện Bằng Cách Nào?

Đây là một vấn đề mà Kinh Thánh vẫn còn khép lại. Có nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng ông Giép-thê giữ đúng lời hứa, giết con gái mình làm của lễ thiêu cho Chúa. Có ý kiến cho rằng ông Giép-thê dâng con gái bằng cách biệt riêng nàng làm nữ đồng trinh suốt đời căn cứ vào câu 37, nàng không khóc về sự chết mình nhưng khóc về sự đồng trinh của mình, và câu 39 nói nàng chẳng có biết người nam. Tất cả chỉ là suy đoán vì Kinh Thánh không nói rõ.

Tuy nhiên có một điều chúng ta có thể chắc chắn là căn cứ vào bản chất của Đức Chúa Trời, Ngài không thể nào nhậm một của lễ ngược lại với bản chất của Ngài. Cho dù ông Giép-thê hứa thiếu suy nghĩ và ông có quyết định thực thi lời hứa chăng nữa thì chắc chắn Đức Chúa Trời không thể để mặc cho ông Giép-thê phạm tội giết người vì sự sai lầm của ông được. Hai tháng quá đủ để ông Giép-thê suy nghĩ về sự sai lầm của mình. Hai tháng quá thừa để Đức Chúa Trời dạy dỗ ông Giép-thê. Chúng ta không biết chắc ông Giép-thê “làm cho nàng tùy theo lời khấn nguyện mình đã hứa” (câu 39) là làm như thế nào, nhưng tin rằng Đức Chúa Trời yêu thương, thánh khiết, khôn ngoan… chắc chắn Ngài có phương cách để ông Giép-thê hoàn nguyện nhưng không vi phạm bản chất của chính Ngài.

Soi Mặt Mình Trong Gương

Có người nói không sai rằng tín đồ Tin Lành là người hứa với Chúa nhiều nhất. Đúng vậy, chúng ta thử điểm lại xem trong cuộc đời theo Chúa, chúng ta đã từng hứa bao nhiêu lần. Khi quỳ gối tiếp nhận Chúa, chúng ta đã lặp lại lời hứa từ người hướng dẫn giúp cho chúng ta cầu nguyện mà chúng ta được nhắc nhở là phải lặp lại với cả tấm lòng mình, rằng con bằng lòng tiếp nhận Chúa Giê-xu vào lòng làm Chúa và làm chủ đời sống con, rằng con xin theo Chúa trọn đời con…. Đó là lời hứa đầu tiên trong cuộc đời của người theo Chúa.

Thứ hai là lời hứa khi nhận Thánh Lễ Báp-têm, con đồng chết con người cũ và đồng sống lại với con người mới với Chúa.

Thứ ba là lời hứa khi dự Thánh lễ Tiệc Thánh, rao truyền sự chết của Chúa cho tới khi Ngài đến.

Thứ tư là lời hứa trong lễ hôn phối, yêu nhau trọn đời cho dù hoàn cảnh có ra sao.

Thứ năm là lời hứa trong ngày dâng con, nuôi dạy con theo đường lối Chúa.

Thứ sáu là những lời hứa rải rác trong lời cầu nguyện của Cơ Đốc nhân, trong khi cầu nguyện chúng ta hứa rất nhiều, đặc biệt là khi chúng ta xin Chúa một điều gì đó, đại khái như xin Chúa cho con… thì con sẽ…

Thứ bảy là khi người khác cầu nguyện mà chúng ta đồng thanh A-men, tức chúng ta đồng ý với lời cầu nguyện của họ, như vậy chúng ta cũng cùng hứa với lời hứa của người đang cầu nguyện thay cho hội chúng.

Thứ tám là hứa sẽ cầu thay cho ai đó, hứa cầu nguyện cho một vấn đề nào đó, hứa dâng, hứa sẽ… Rồi lại hứa v.v… Nếu chịu khó nhớ lại thì quả thật chúng ta đã hứa với Chúa nhiều vô kể, hứa thoải mái! Cũng có thể hứa để được chuyện mình, hứa để coi như có gì đó trao đổi với Chúa chứ chẳng lẽ chỉ xin Chúa một chiều thôi sao! Hãy nhìn lại mình trong sự hứa nguyện để chúng ta không giống như trường hợp hứa nguyện của ông Giép-thê.

Hứa thì vậy, nhưng hoàn nguyện thì sao? Chúng ta đã trả sự hứa nguyện của mình như thế nào? Được bao nhiêu phần trăm? Còn nhớ để tiếp tục hoàn nguyện không? Có lẽ nhiều người giật mình vì hình như chúng ta hứa nguyện quá nhiều nhưng hoàn nguyện chẳng bao nhiêu! Nếu có hoàn nguyện, thì cách chúng ta hoàn nguyện, tinh thần hoàn nguyện giống ai, giống ông Giép-thê hay con gái của ông?

Chúng ta phải hoàn nguyện không phải vì sợ Chúa là một “ông thần khó tính”, nhưng vì lòng biết ơn Ngài về những gì đã làm cho chúng ta. Chúng ta phải hoàn nguyện vì chúng ta nhận biết Chúa là Đức Chúa Trời, là Đấng chúng ta không thể đùa giỡn và coi thường trong lời hứa được. Hoàn nguyện nói lên tinh thần chúng ta tôn trọng Ngài. Chúng ta phải hoàn nguyện vì Ngài là thành tín. Là con của Đấng Thành Tín, chúng ta không thể thất hứa.

Hãy cùng nhau đọc lại một vài câu trong Thi Thiên để soi mặt mình trong gương trước khi hứa với Chúa một điều gì đó hôm nay:

Thi Thiên 56:12: Lạy Đức Chúa Trời, điều tôi hứa nguyện cùng Chúa vẫn ở trên mình tôi; Tôi sẽ dâng của lễ thù ân cho Chúa.

Thi Thiên 76:11: Hãy hứa nguyện và trả xong cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi.

Thi Thiên 116:14: Tôi sẽ trả xong cho Đức Giê-hô-va các sự tôi hứa nguyện. Tại trước mặt cả dân sự Ngài.

Ánh Dương

Bài trướcBình Thuận: Chi Hội Tin Lành Phúc Âm 2 Khởi Công Xây Dựng Cơ Sở Cơ Đốc Giáo Dục
Bài tiếp theoPab Lwm Tus Nrhiav Tus Tswv – 28/9/2022