Gieo Trồng và Gặt Hái

1255

“Hãy biết rõ điều đó, hễ ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo nhiều thì gặt nhiều” (II Cô-rinh-tô 9:6)

Việt Nam thuộc vùng nhiệt đới, vào mùa hè có rất nhiều loại trái cây ngon mà các quốc gia khác ít tìm thấy. Những người Việt xa quê hương rất khao khát được về nước để thỏa thích thưởng thức các trái cây ngon ngọt và đa dạng mùi vị.

Để có những cây cho quả ăn, không phải dễ, không nhanh ra hoa đơm trái như những loại cây khác. Phải mất sáu đến bảy năm mới cho những trái chín ngon ngọt. Cây càng về già, trái càng nhiều và to, ngon hơn nếu đất tốt và chăm sóc kỹ.

Tôi lại nhớ đến bờ dậu tre được trồng xung quanh rãnh đất dọc theo con lạch ở quê ngoại tôi. Các hàng dâm bụt thì nứt lộc ra hoa thật nhanh, nhưng khi dâm trồng các bụi tre thì chẳng thấy gì, chẳng có một dấu hiệu nào về sự sống. Có lần tôi thắc mắc: ”Tại sao ngoại không bứt bỏ và trồng cây khác?”. Nhưng ngoại nói rằng: ”Không cháu ơi, nó vẫn đang sống đấy chứ!” Thật ra, đối với cây tre, nó phát triển phần rễ trước, khi rễ đã đủ nhiều, vững chắc, thì tre mới lên “mụt măng”, lên thân và lá!

Ông tôi hoàn toàn đúng, khoảng 6, 7 năm sau, dọc bờ lạch xanh rì những hàng tre um tùm! Cảm tạ Chúa đã tạo dựng thiên nhiên cách diệu kỳ! Chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp cũng cho chúng ta thấy sự riêng biệt của mỗi loại cây về cách ươm trồng, chăm sóc…!

Nhìn lại những năm hầu việc Chúa, công tác mở mang Hội Thánh, công tác truyền giảng được đặt làm tiêu chí cho tất cả mọi người sau thời gian tập trung tổ chức, huấn luyện nhân sự. Có những Điểm Nhóm vừa được khai sinh, đã gặp thách thức, bị nhiều trở ngại… Nhưng nhờ ơn Chúa, điều chi Đức Chúa Trời đã gieo, thì Ngài sẽ sai phái người chăm sóc và Ngài hằng nuôi dưỡng để lớn lên. Không phải một Điểm Nhóm vừa mới thành lập, tự nhiên trở thành Chi Hội một cách nhanh chóng, nhưng phải trải qua bao thế hệ nhân sự, nỗ lực chăm sóc, gây dựng, nhất là bởi sự bảo vệ của Cha Toàn Năng mà Hội của những người được chuộc bằng huyết vô tội của Ngài mới được vững vàng và phát triển! Có những Điểm Nhóm bắt đầu chỉ một vài người, họ yếu ớt, nghèo nàn, khốn khổ về nhiều mặt. Nhưng nhờ sự chuyên cần, chăm sóc, năng vun tưới và nhất là sự cầu nguyện của cộng đồng dân Chúa mà dần dần các Điểm Nhóm ấy phát triển và trở thành những Chi Hội! Kinh Thánh chép: “Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên. Người trồng, kẻ tưới, đều không ra gì, song Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên” ( I Cô-rinh-tô 3:6,7).

Dầu rời Hội Thánh nhiều năm, nhưng chúng tôi vẫn luôn cầu nguyện và dõi theo các sinh hoạt của con cái Chúa tại các Điểm Nhóm  mình từng hầu việc Chúa trước đây. Thỉnh thoảng, chúng tôi gọi điện khích lệ các nhân sự trong công tác gây dựng, chăm sóc. Có niềm vui nào lớn hơn khi thấy đời sống tâm linh của từng con cái Chúa lớn lên, trưởng thành. Dù vậy, cũng có lắm khi nản chí muốn buông bỏ khi thấy những nơi mình từng cưu mang, nặng lòng mà không hề phát triển. Nhưng bài học về ươm trồng cây tre của ngoại tôi, đã khích lệ tôi lúc mệt mỏi, ngả lòng, nhờ vậy, chúng tôi đã vượt qua được những chặng đường đầy thử thách, chông gai. Tôi nhớ đến một Điểm Nhóm ở vùng sâu, tín hữu nơi ấy là những người khốn khó về kinh tế, thiếu thốn nhiều phương diện. Đa phần họ kiếm sống từng ngày, không đất ruộng, ở trong những cái chòi tạm bợ bên dòng sông nhỏ Trương Phụng Xuân. Họ không có nghề nghiệp ổn định vì không có cái “chữ”, không chuyên môn! Mỗi ngày, họ chỉ biết hái rau rừng, lượm ve chai, ai thuê mướn công việc lặt vặt thì làm, kẻ thì nhận bánh bán rong… Ban đầu, chúng tôi vào thăm viếng hằng tuần. Không lần nào mà không chứng kiến những cuộc cãi vã, rượt đánh nhau… chỉ vì cuộc sống thiếu thốn và không có kế hoạch làm ăn, dành dụm! Họ rất trung tín nhóm lại, nhưng dường như họ chẳng chú tâm, chẳng nhớ điều gì Kinh Thánh dạy. Họ chỉ háo hức sau buổi nhóm sẽ nhận quà, có những bữa ăn thông công nhẹ… Một số người cầm ngược quyển Kinh Thánh và cứ lật lui lật tới… dù các anh chị hướng dẫn cho biết số trang, cho biết tên sách…! Tôi hỏi thì ai nấy đều nói đã từng biết đọc, nhưng thật sự không phải vậy! Họ hoàn toàn chưa biết đọc! Chúng tôi khích lệ họ: ”Quý ông bà đã từng biết đọc, nhưng vì xa cái chữ lâu quá nên bây giờ hãy ôn lại. Tại sao chúng ta phải ôn lại chữ Việt? Vì Đấng đã yêu chúng ta có gởi cho chúng ta một bức thơ rất tuyệt vời! Bức thơ đó viết bằng chữ Quốc Ngữ (tức chữ tiếng Việt). Bức thơ đó đã đem đến nhiều sự thay đổi và nhiều phước hạnh cho những ai chịu đọc nó!” Thế là hơn 6 tháng, mỗi tuần hơn một tiếng đồng hồ để chúng tôi có thể dạy họ học. Bắt đầu bằng 26 chữ cái, các dấu thanh, rồi ghép từ đơn, từ ghép… Dần dần, qua sự chăm sóc, giúp đỡ của nhân sự Hội Thánh, đời sống thuộc linh của họ như cây tre, đã đâm rễ nhiều ra, ngày càng hiểu biết Lời. Họ tham gia trả lời những câu thảo luận, đố Kinh Thánh, không còn là con đỏ thuộc linh trong Chúa nữa.

Gần đây, tôi nhận được clip phỏng vấn của đầy tớ Chúa đến thăm Điểm Nhóm, tường thuật lại về lý do nhờ đâu mà một số con cái Chúa, từ việc không biết chữ nay đã đọc được Kinh Thánh. Họ vui mừng mách lại công khó mà các nhân sự Hội Thánh đã gieo ra! Vâng, nếu không gieo thì không gặt! Gieo ít gặt ít, gieo nhiều gặt nhiều. Công tác của người gieo giống sẽ là sự vui mừng khôn xiết khi gặt hái được thành quả ngọt ngào. Trong Chúa, người gieo, người tưới đều bằng nhau, đều là công tác dự phần trong sự hầu việc Ngài, điều quý giá nhất là được Đức Chúa Trời làm lớn lên, Lời Chúa là Lời Hằng Sống, Lời làm lớn lên và làm ích lợi cho công việc Chúa mỗi ngày!

Việc gieo trồng Phúc Âm của Chúa không mang về luống công, song một ngày nào đó sẽ gặt hái mỹ mãn cho công việc nhà Ngài!

Đầy tớ gái,

Bài trướcThừa Thiên Huế: Hiệp Nguyện Tháng 6/2023
Bài tiếp theoTp. Hồ Chí Minh: Huấn Luyện Đặc Trách Và Ban Điều Hành Thanh Niên Tháng 6/2023