Đêm Giáng Sinh Phước Hạnh.

1412

Chiều 24 rồi mà trời vẫn còn mưa như trút nước. Tiếng ào ào của nước chảy trên mái nhà làm ông Tuấn thấy xót cả ruột. Cả tuần nay, mưa tầm tả không một chút nghỉ ngơi, nhìn ra đất trời chỉ thấy một màu trắng xóa của nước. Gió mùa đông hình như cũng muốn cùng với những cơn mưa dầm dề, len lỏi vào từng góc nhà, từng đồ vật. Lạnh tê cóng cả người.

 

 

Ông Tuấn ngồi co ro trên ghế đẩu, nhìn trời mưa mà lòng buồn rười rượi. Cái xóm “bốn nhà” này đang chìm trong nước. Vậy là tối nay không thể đi đến nhà thờ dự lễ Giáng sinh được. Suốt cả tuần trước, cả nhà ông, ai cũng háo hức chuẩn bị cho buổi lễ Giáng sinh tối nay. Mấy đứa nhỏ đã tập hát cùng các ban Thanh thiếu niên trong Hội Thánh. Hai vợ chồng ông dù đã lớn tuổi, nhưng khi nhìn thấy vẻ mặt hớn hở của các con đang lo sắp xếp áo quần, giày dép cho ngày lễ sắp đến cũng cảm thấy vui lây. Theo dự định, tối nay, cả nhà ông và ba gia đình nữa, nói gọn lại là cả xóm, vì xóm chỉ có bốn nhà, cùng đi đến nhà thờ dự lễ. Đây cũng là dịp ông gặp lại nhiều bạn bè cũ trong Chúa, bởi có nhiều người, do nhiều lý do khác nhau, trong suốt cả năm chỉ đi nhà thờ vào dịp Giáng sinh. Bên cạnh nhà ông, nhà chú Bình cũng là gia đình tin Chúa lâu năm, nhưng đã yếu đuối. Ông cũng từng khuyên họ nhiều lần nhưng chẳng kết quả, cho đến vài hôm trước đây, vợ chồng chú Bình đã nhận lời với ông là sẽ đi nhà thờ vào tối 24 làm gia đình mừng vô kể. Ông thầm cảm tạ Chúa vì Ngài đã nhậm lời cầu nguyện của ông, còn thương xót một anh em của ông và đã cho họ quay trở lại cùng Hội Thánh. Ông đã chuẩn bị tất cả, sửa lại xe, dặn dò vợ và con cái luôn ở bên họ để họ khỏi bỡ ngỡ khi lâu ngày đi nhóm lại. Tất cả đã lên kế hoạch chu đáo, ông tự nhủ như vậy, nhưng bây giờ…

 

Ông lo lắng cũng phải vì đã 5 giờ chiều rồi mà trời vẫn chưa ngớt mưa. Cái xóm lẻ này bình thường thì không sao, những hễ trời mưa thì giống như một cái đảo nằm giữa biển khơi, bốn bề là nước, bởi vậy nhiều khi trời mưa lớn quá, mấy xe tải chạy trên đường quốc lộ ngang qua xóm cũng đành nằm chịu chết chờ nước rút mới đi tiếp được. Trong xóm này, ngoài nhà chú Bình ra còn có nhà cô Hòa, nhà chú Bảo. Cả hai đều mới đến ở đây ít lâu. Cũng vui, vì tuy chỉ có 4 gia đình nhưng cả 4 gia đình tin Chúa cả nên rất gần gũi với nhau. Gia đình cô Hòa thì chỉ có hai mẹ con, chồng chết sớm, con còn nhỏ, cô Hòa đang là giáo viên tại một trường Mầm non trong xã. Tội nghiệp, dù hoàn cảnh neo đơn như vậy nhưng cô bao giờ cũng hòa nhã với mọi người và rất sốt sắng đi nhóm lại. Sâu hơn trong xóm là nhà chú Bảo. Hai vợ chồng mới cưới nhau được 5 năm nhưng đã có hai đứa con. Chú Bảo đi làm thợ mộc, còn vợ thì ở nhà giữ con, vì bé sau mới 4 tháng, gia đình cũng rất kính sợ Chúa.

 

Trong xóm, ông Tuấn được xem như là người có thâm niên tin Chúa nhất: 15 năm. Tuy ông chẳng hiểu biết nhiều, nhưng nhờ thật thà và có lòng thương người, nên ông được mọi người xem như người cha, người anh trong xóm. Ông cảm thấy như mình có trách nhiệm lo về đời sống thuộc linh cho mọi người trong xóm, vì vậy gia đình nào có “sự cố” là ông có mặt ngay, dùng Lời Chúa, dùng kinh nghiệm sống để giúp họ gỡ rối từ từ cho đến khi cả nhà vui vẻ trở lại. Đối với chú Bình, chú Bảo, ông xem như hai đứa em trai, ông xem cô Hòa như em gái dù cô chỉ lớn hơn đứa con trai đầu của ông đang đi làm tại thành phố có 4, 5 tuổi, vì vậy nếu không nói quá thì cả bốn gia đình trong xóm như là gia đình thứ hai của ông vậy.

 

Cũng chính vì ông xem họ như gia đình thứ hai của ông nên bây giờ ông cứ ngồi lo lắng không yên. Thời tiết thế này thì không thể đi nhà thờ được. Đàn ông thì có thể lội nước, nhưng còn đàn bà và đám nhỏ… chắc không thể được; nhưng dù cho lội qua được thì chặng đường đến nhà thờ xa đến hơn hai chục cây số chứ chẳng chơi, đi làm sao nổi. Giáng sinh mà ở nhà thì buồn lắm… Con bé Hà ngồi trên bàn học nhìn ông, nheo mắt lại, làm như muốn cười với ông. Ông hỏi:

– Chi rứa con?

– Tối nay mình có đi nhà thờ được không hở ba?

– Không biết nữa. Trời mưa như ri, không biết làm răng.

– Ba nợ, răng mình không tổ chức lễ Giáng sinh tại nhà mình trớt đi.

– Nhà mình hả?

– Ờ! Nhà mình có cây Noel rồi. Tụi con tập hát rồi, tối ni thì hát lại mấy bài trong nhà thờ tập. Rứa cũng vui.

– Nhưng mà ai…

– Ba giảng đi, con thấy mỗi lần nhóm ở nhà mình, ba nói hay lắm..

– Bậy, ba răng mà giảng được. Mục sư mới giảng, ba chỉ là chia sẻ thôi.

– Ờ, mà ba chia sẻ chứ có răng đâu.

 

Nghe con nói, ông Tuấn ngẫm nghĩ cũng có lý. Nếu tối nay không nhóm ở nhà ông thì bỏ qua lễ Giáng sinh rất đáng tiếc. Điều đáng tiếc hơn nữa là chú Bình không có dịp nhóm lại. Tuy muốn vậy, nhưng ông cũng rất ngại, vì đây là lần đầu tiên và có lẽ cũng là lần duy nhất ông lại tổ chức như thế này. Chẳng biết rồi Hội Thánh có nói sao không, mục sư có rầy không vì ông không đi nhà thờ mà lại tổ chức nhóm ở nhà mình. Ông bàn với vợ, cũng may là bà đồng ý với ông. Vợ ông nói:

– Để tôi biểu thằng Quý, với con Hà trang trí lại cây Noel cho đẹp thêm. Ông ở nhà chuẩn bị cho bài giảng, ừ mà quên, bài chia sẻ đi. Tôi chạy qua nhà chú Bình, chú Bảo với cô Hòa mời họ nghe. Ai mà rảnh thì qua sớm dọn dẹp một tay cho vui, tiện thể để tôi mượn thêm mấy cái ghế nhựa chớ nhà mình đâu đủ ghế.

 

Bà nói xong là mặc áo mưa đi luôn. Ông Tuấn vô phòng, cầu nguyện với Chúa rồi lấy Kinh Thánh ra. Ông vẫn nhớ chủ đề Giáng sinh năm nay là “Đấng Thánh Lâm Phàm”, câu gốc trong 1 Ti-mô-thê đoạn 1 câu 15…

 

7 giờ tối, mặc dù trời vẫn chưa ngớt mưa, nhưng mọi người trong xóm đã có mặt đông đủ. Chú Bình trông có vẻ tự nhiên hơn vì biết tối nay nhóm không có  người lạ, cũng chỉ là anh em trong xóm cả. Chú Bảo nói giỡn:

– Thôi, qua Noel ni, để bác Tuấn làm mục sư, tôi làm thư ký, còn anh Bình làm tư hóa.

 

Cô Hòa lên tiếng:

– Còn em.

– Cô hả,… thôi, để cho cô làm Chi phái trưởng chi phái Xóm bốn nhà, được không? Cả nhà cười vang.

 

Ông Tuấn khẻ trách:

– Thôi mấy chú đừng giỡn tầm bậy. Cái ni là chẳng qua vì mình không đi nhóm được, giỡn rồi không khéo…

 

Tất cả, mỗi người mỗi việc. Gia đình chú Bình lo bày bàn ghế, bắt thêm ngọn đèn phía trước cho sáng nhà. Cu Quý cùng bé Hà đem giàn máy đĩa ra mở nhạc Giáng sinh lên làm mọi người thấy rất phấn khởi. Cô Hòa phụ với bà Tuấn làm cho xong món chè, xôi để liên hoan sau giờ nhóm. Chú Hòa thì lay hoay lo cắt chữ “Mừng Giáng sinh 2012”, “Merry Christmas” dán lên tấm màn xanh mượn của nhà cô Hòa làm phông cho buổi lễ. Ai nấy cũng vui vẻ, vì đây cũng là dịp để cả xóm gần gũi trò chuyện…

 

Ông Tuấn nhìn lại thấy hầu như mọi việc đều xong xuôi, ông bảo bé Hà:

– Con xuống nói mẹ với cô Hòa lên nhóm nghe. Tới giờ rồi.

 

Bà Tuấn cùng cô Hòa từ nhà dưới bước lên:

– Xong rồi đây, hai chị em tôi xong rồi!

 

Cả bốn gia đình, dưới sự hướng dẫn của ông Tuấn hát Thánh ca 54: Phước Cho Nhân Loại, Chúa Ta Ra Đời.

 

Thật ra ông Tuấn ban đầu rất run vì đây là lần đầu ông hướng dẫn nhóm không giống như những lần khác, nhưng rồi, dần dần ông cảm nhận được sự ấm cúng của không khí gia đình, khi tất cả tấm lòng mọi người đều cùng hướng về chuồng chiên máng cỏ năm xưa, nơi Hài Nhi Thánh ra đời… ông như say trong phút giây tuyệt vời này và không còn một chút sợ sệt nào nữa. Ông hát thật hết lòng, dùng câu Kinh thánh 1 Ti-mô-thê 1:15 chia sẻ với mọi người bằng tất cả những gì ông đã kinh nghiệm được trong 15 năm theo Chúa, bằng tất cả những gì ông cảm nhận được đó là điều mà Chúa đã dạy ông, ông nói với tất cả nhiệt tình… Và cho đến khi bài hát “Chúc mừng Giáng sinh” kết thúc, ông mới dám nhìn mọi người, ông thấy được được tất cả đang nhìn ông với ánh mắt trìu mến, ông biết những giây phút vừa qua thật là tuyệt vời và ông đã không làm họ thất vọng.

 

Bỗng ông nhìn xuống hàng ghế dưới cùng, sao lại có ba người nào ở đây. Ông nghĩ họ chắc ở Hội Thánh đến, nhưng hình như không phải, bởi vì tối nay Hội Thánh cũng nhóm, ai mà lại bỏ nhóm để đến đây. Thấy ông nhìn, họ gật đầu chào ông. Ông Tuấn bước đến hỏi nhỏ vợ:

– Nè! Chớ mấy người mô tới nhà mình rứa?

– Tôi cũng đâu có biết, đang nhóm thấy họ vào, tôi liền đi lấy ghế mời họ ngồi. Đang giờ nhóm nên không dám hỏi.

 

Ông Tuấn từ từ bước xuống. Ông cảm thấy hơi hồi hộp vì chẳng biết họ là ai. Khi thấy ông đến, một người nói ngay:

– Chào chú. Tụi con đi làm về ngang đây, trời mưa quá, đường ngập nước không thể đi tiếp, đành phải dừng lại, rồi nghe tiếng hát Thánh Ca trong nhà nên xin phép vào ngồi nghe luôn.

 

Đó là ba thanh niên trẻ, áo quần công nhân nhếch nhác, mặt mày lộ vẻ bơ phờ sau một ngày làm việc cực khổ về. Ông Tuấn cảm động hỏi thăm, biết họ chưa có gì trong bụng nên hối vợ dọn xôi chè đãi mọi người đồng thời cũng đem thêm cơm canh cho ba người khách trẻ. Buổi “tiệc Giáng sinh” không giống ai nhưng giữa tiếng mưa ào ạt như thác bên ngoài và cái lạnh ngày càng tăng, bao trùm “ốc đảo”, “xóm bốn nhà” và khách lạ đã “nồng nhiệt” thưởng thức cạn sạch tất cả những gì được bày ra trên bàn. Họ vừa ăn vừa nói chuyện trong tiếng nhạc Giáng sinh rộn rã. Với ông Tuấn, tiếng mưa không nghe buồn nữa mà đã trở nên vui hơn, rộn ràng hơn.

 

Gần nửa khuya, mưa tạm ngớt hột, mọi người định chuẩn bị ra về thì bỗng có thêm một điều ngạc nhiên, vui mừng đột ngột xảy ra. Một trong ba thanh niên trẻ đó đã xin được cầu nguyện để tiếp nhận Chúa. Thì ra suốt buổi ăn, anh đặt nhiều câu hỏi về đạo với ông Tuấn để cuối cùng bằng lòng tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của đời sống mình… Xóm bốn nhà lại một phen xúc động. Họ đứng chung quanh, ứa nước mắt nghe những lời cầu nguyện rụt rè của anh lặp lại sau ông Tuấn cho một lần tiếp nhận Hài Nhi Giê-xu giáng sinh vào chính tâm hồn mình.

 

Lòng ông Tuấn vui mừng không xiết kể. Chẳng ngờ trong đời ông lại có được một đêm Giáng sinh “độc đáo” đến vậy. Thì ra đúng như lời Kinh Thánh, nơi nào có đôi ba người nhóm họp lại, kêu cầu danh Chúa thì có Ngài ngự ở giữa. Thì ra bất cứ mái lá đơn sơ dột nát nào cũng có thể là một giáo đường đẹp đẽ, thiêng liêng, ấm cúng khi nơi đó có những tấm lòng tràn ngập Thánh Ca tôn thờ Chúa. Ông thầm cảm tạ Chúa vì Ngài hiểu được nỗi lòng của con cái Ngài tại cái “xóm bốn nhà” xa xôi này và đã cho họ có một đêm Giáng sinh thật phước hạnh. Vâng, một đêm Giáng sinh vô cùng phước hạnh.

 

Vũ Hướng Dương

 

Bài trướcTruyền Giảng Giáng Sinh Tại HT Phú Lãnh, Quảng Nam.
Bài tiếp theoBồi Linh Và Truyền Giảng Tin Lành Tỉnh Sóc Trăng.