Cứng Lòng – 28/6/2018

2818

 

Xuất Ê-díp-tô Ký 4:21-23

21 Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Khi trở về xứ Ê-díp-tô, hãy cẩn thận về các dấu lạ của ta đã giao nơi tay ngươi mà làm trước mặt Pha-ra-ôn; nhưng ta sẽ khiến người cứng lòng chẳng cho dân sự đi. 22 Vậy, ngươi phải tâu cùng Pha-ra-ôn rằng: Đức Giê-hô-va có phán như vầy: Y-sơ-ra-ên là con ta, tức trưởng nam ta, 23 nên ta có phán cùng ngươi rằng: Hãy cho con ta đi, để nó phụng sự ta, mà ngươi đã từ chối không cho nó đi. Nầy, ta sẽ giết con trai ngươi, là con trưởng nam của ngươi.

Câu gốc: “Hãy cho con ta đi, để nó phụng sự ta, mà ngươi đã từ chối không cho nó đi. Này, ta sẽ giết con trai ngươi, là con trưởng nam của ngươi” (câu 23b).

Câu hỏi suy ngẫm: Đức Giê-hô-va truyền cho Môi-se làm gì khi về Ê-díp-tô (câu 21-23)? Bạn hiểu như thế nào về việc Chúa khiến Pha-ra-ôn “cứng lòng”?

Đức Giê-hô-va dặn ông Môi-se phải cẩn thận làm dấu lạ cho đúng đối tượng là Pha-ra-ôn trong thời điểm Chúa muốn để quy vinh hiển cho Ngài; và phải nói với vua rằng dân Y-sơ-ra-ên là con trưởng nam của Chúa. Con trưởng nam có nhiều đặc ân hơn các người con khác: hưởng quyền kế tự, lãnh đạo họ tộc, nhận tài sản thừa kế nhiều hơn… Y-sơ-ra-ên có một vị trí đặc biệt trong chương trình của Đức Chúa Trời.

Câu 21 cho biết Chúa sẽ làm cho Pha-ra-ôn cứng lòng; sau đó trong câu 23, Ngài sẽ giết các con trưởng nam của Pha-ra-ôn vì sự cứng lòng. Tại sao như vậy? Ngay từ buổi đầu sáng thế, Chúa đã ban cho con người ý chí tự do để chọn lựa (Sáng Thế Ký 2:16). Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời là Đấng toàn quyền tể trị trên tạo vật của Ngài, Ngài có quyền thương xót ai hoặc làm cứng lòng ai tùy ý (Rô-ma 9:14-18). Trong Xuất Ê-díp-tô Ký từ chương 4 đến chương 13 có mười lần Đức Giê-hô-va làm vua Ai Cập cứng lòng. Tuy nhiên, Ngài không độc đoán, vì Ngài là Đấng công bình và yêu thương, Ngài đã ban cho Pha-ra-ôn có cơ hội ăn năn sau mỗi tai vạ, nhưng cũng trong chương 4-13, chúng ta thấy có mười lần chính vua Ai Cập quyết định cứng lòng vì tham lam. Vua biết rõ dân Y-sơ-ra-ên là nguồn lực lao động rẻ và nòng cốt trong đế quốc Ai Cập; nếu vua cho họ đi, quốc gia sẽ mất mối lợi rất lớn. Với ý chí tự do Chúa đã ban cho loài người, Pha-ra-ôn có toàn quyền quyết định cứng lòng hay làm theo lời Chúa phán qua ông Môi-se. Như vậy, Pha-ra-ôn phải chịu trách nhiệm về những quyết định chọn lựa của mình. Chúa toàn tri biết trước phản ứng của vua Ai Cập: “Vả, ta biết rằng dẫu lấy quyền lực ép buộc vua Ê-díp-tô, thì người cũng chẳng bao giờ cho các ngươi đi” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:19). Ngài biết trước tính ương ngạnh và cứng lòng của vua nên khi Pha-ra-ôn quyết định chọn cứng lòng thì Đức Chúa Trời để mặc cho ông cứng lòng. Đồng thời Ngài đã sử dụng lòng cứng cỏi đó để hoàn thành ý chỉ Ngài là đem dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi ách nô lệ của Ai Cập.

Từ khi tổ phụ của loài người sa ngã, thì sự cứng lòng, cố ý chống nghịch Chúa trở nên bản chất tự nhiên của con người. Chúa Giê-xu đã giáng sinh, chịu chết thay cho tội lỗi của nhân loại, mở ra con đường sống cho những ai quyết định tin nhận Ngài. Ngược lại, những người vẫn quyết định cứng lòng khi nghe Tin Lành thì Chúa không ép buộc họ. Chúa không muốn một ai chết mất (II Phi-e-rơ 3:9), nhưng mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về sự chọn lựa của mình.

Làm thế nào để bạn không bị cứng lòng?

Lạy Chúa, con cảm tạ Ngài đã thương xót con và cho con được làm con của Ngài. Xin ban cho con một tấm lòng mềm mại để trông cậy Chúa và vâng giữ điều răn của Ngài.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Dân Số Ký 20.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcThông Báo V/v: Truyền Hình Trực Tuyến Chương Trình Đại Hội Đồng Giáo Phẩm – Lần IX.
Bài tiếp theoLâm Đồng: Lễ Cung Hiến Nhà Thờ Tin Lành Đạ Bri