Chúa Gánh Tội Cho Loài Người

9599

“Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy: Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.” (Ê-sai 53:6)

Đối với người Việt chúng ta, khi nhắc đến từ “gánh” thì đây là hình ảnh vô cùng quen thuộc và gần gũi. Theo Từ điển Tiếng Việt: “Gánh” là động từ, có nghĩa là mang, chuyển (thường là vật nặng) bằng cách mắc vào hai đầu một cái đòn đặt trên vai, hoặc một nghĩa khác là nhận về mình việc khó khăn phải làm, hay cái nặng nề phải chịu.

Chủ đề chung Lễ Kỷ niệm Chúa Giê-xu Chịu Thương khó của HTTLVN năm nay là “Chúa Gánh Tội Cho Loài Người”, nương trên câu gốc Ê-sai 53:6 “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy: Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người”. Đức Chúa Giê-xu là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời, Ngài là Đức Chúa Trời, Đấng thánh khiết và hoàn toàn vô tội, nhưng Ngài đã vui lòng giáng sinh xuống trần gian ô tội nầy để gánh tội không chỉ cho một người, mà cho toàn thể nhân loại. Con người làm nhiều điều ác trước mặt Đức Chúa Trời và đáng bị hình phạt đời đời nơi hỏa ngục. Thế nhưng, Đức Chúa Giê-xu đã nhận lấy hình phạt trên chính Ngài ở vị trí của chúng ta, chính Ngài thay thế cho chúng ta cho những gì chúng ta đáng phải chịu.

Nhân dịp Lễ Kỷ niệm Chúa Giê-xu Chịu Thương khó năm nay, chúng ta cùng nhau suy niệm về tình yêu và công giá cứu chuộc của Chúa trên đời sống mỗi chúng ta để từ đó sống xứng đáng với Ngài.

 

THỰC TRẠNG CỦA NHÂN LOẠI

Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy:…” (Ê-sai 53:6a)

Kinh Thánh chép: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” (Sáng Thế Ký 1:1). Sau khi Đức Chúa Trời dựng nên vũ trụ, muôn loài vạn vật bằng lời phán thì Ngài dựng nên con người bằng cách lấy bụi đất nắn nên và hà sinh khí vào lỗ mũi (Sáng 2:7). Vì thế, con người là một tạo vật cao quý của Đức Chúa Trời. Chúa dựng nên con người với mục đích là để tương giao với Ngài và thờ phượng Ngài. Đức Chúa Trời dựng nên muôn loài vạn vật cho con người thụ hưởng, nhưng Chúa dựng nên con người cho chính Ngài.

Thế nhưng, vì nghe theo lời dẫn dụ của Sa-tan, tổ phụ của chúng ta là A-đam và Ê-va đã bất tuân mạng lệnh của Đức Chúa Trời mà ăn trái cấm – “cây biết điều thiện và điều ác” (Sáng Thế Ký 2:17), nên tội lỗi đã du nhập vào trong thế gian. Tội lỗi làm ảnh hưởng nghiêm trọng trên toàn thể nhân loại. Tội lỗi ví như căn bệnh ung thư của linh hồn con người. Kinh Thánh chép: “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23), và “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta.” (Rô-ma 6:23)

Đức Chúa Trời có mục đích và kế hoạch tốt đẹp cho cuộc đời mỗi chúng ta. Chúa muốn con người sống trong an vui và phước hạnh, nhưng nhân loại có cùng chung một nan đề, đó là: Tội lỗi. Tôi lỗi là hố sâu ngăn cách giữa con người với Đức Chúa Trời. Tội lỗi cần phải được tha thứ. Không có phương cách nào để tội nhân được tha thứ, ngoài dòng huyết vô tội của Đức Chúa Giê-xu đổ ra trên thập tự giá.

Ê-sai 53:6 chép: “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy: Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người”. Từ “chúng ta” chỉ về cả nhân loại, không nói riêng một nhóm người, một cộng đồng hay một dân tộc nào. Thật vậy, hết thảy chúng ta đều như “chiên đi lạc” vì bản chất tội lỗi của mình. Chúng ta luôn có xu hướng phạm tội và đi ngược lại với ý muốn Đức Chúa Trời. Khi chúng ta “đi lạc” và “ai theo đường nấy” thì chắc chắc chúng ta sẽ đi sai đường, lệch hướng, vì thế sẽ không thể đến đúng đích mà sẽ đi vào con đường dẫn đến sự chết.

Tất cả mọi người trên thế gian này đều là tội nhân, đáng bị hình phạt. Có người ý thức được điều đó nên ra sức tu thân tích đức, làm lành lánh dữ để chuộc lại tội lỗi, nhưng không thể nào được, vì tội trước chồng chất đã nhiều chưa có cách gì trả được, tội sau lại cứ gia thêm mãi lên. Một người dù cho dành cả cuộc đời làm công đức cũng không bao giờ đủ để đền cho những tội lỗi đã phạm. Phật cũng dạy rằng: “Nhất niệm sân si khởi, năng thiêu thiên vạn công đức chi lâm”, nghĩa là một ý nghĩ nóng giận nổi lên có khả năng thiêu hủy cả vạn rừng công đức. Như vậy, việc tu hành của con người là vô nghĩa. Người xưa đã nói thật đúng: “Chung thân hành thiện, thiện du bất túc. Nhứt nhật hành ác, ác tự hữu dư”, nghĩa là một đời làm lành, lành chưa đủ. Một ngày làm tội, tội có dư.

Bản chất của con người là tội. Cho nên, mọi việc công bình của con người như áo nhớp trước mặt Đức Chúa Trời (Ê-sai 64:6). Tội lỗi phải trả, không thể lấy công đức mà trả cho tội ác. Vậy chúng ta thấy rằng: Con người không thể tự cứu mình hoặc nhờ ai cứu thế được, duy chỉ có một con đường duy nhất để nhận sự cứu rỗi là qua Đức Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu phán: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6).

Điều quan trọng mỗi con người cần phải nhận biết thực trạng và nhu cầu tâm linh của chính mình. Hãy nhận biết mình là một tội nhân, vì tội nhân thì mới cần đến Cứu Chúa. Hãy nhận thức mình đang là những “chiên đi lạc”, cần mau kíp quay bước về Nhà Cha!

 

GIẢI PHÁP CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

“…Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.(Ê-sai 53:6b)

Trước thực trạng của nhân loại “thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy”, Đức Chúa Trời đã hoạch định một chương trình cứu rỗi diệu kỳ cho con người qua Con Độc Sanh của Ngài “…Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.

Câu hỏi đặt ra: Tại sao tội lỗi của cả nhân loại có thể chất trên một mình Đức Chúa Giê-xu? Hay tại sao Đức Chúa Giê-xu có thể gánh thay cho tội lỗi của toàn thể nhân loại?

Theo bối cảnh sách Tiên tri Ê-sai 53, dân Y-sơ-ra-ên mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, khốn khổ vì đã bội nghịch và xa cách Đức Chúa Trời, thế nhưng vì yêu thương họ, Chúa đã dùng nhiều tiên tri báo trước về Đấng Mê-si-a sẽ đến để giải cứu. Tiên tri Ê-sai đã cho biết những khổ nạn mà Ngài phải gánh chịu thay cho những tội nhân: “4 Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ. 5 Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh.” (Ê-sai 53:4-5)

Đức Chúa Giê-xu là Đấng hoàn toàn vô tội, nhưng Ngài vì tội lỗi của chúng ta mà chịu đau đớn, bị vết, bị thương, bị đòn roi, cùng mọi sự sỉ nhục như một tội nhân chỉ với mục đích để cứu chuộc nhân loại. Phi-líp 2:7 chép: “Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người”. Vì yêu thương nhân loại đang hư mất, Đức Chúa Giê-xu sẵn sàng từ bỏ Ngôi thiên đàng vinh hiển, bằng lòng chết thay tội cho chúng ta, để chúng ta được hòa thuận lại cùng Đức Chúa Trời. Đức Chúa Giê-xu chịu chết trên thập tự giá là giải pháp duy nhất để đưa tội nhân đến với Đức Chúa Trời. Lời Chúa trong II Cô-rinh-tô chép: “Ðức Chúa Trời đã làm cho Ðấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Ðấng đó mà được trở nên sự công bình của Ðức Chúa Trời.” (II Cô-rinh-tô 5:21)

Có một số người thắc mắc rằng: Loài người phạm tội, Chúa muốn tha thì tha, còn không tha thì phạt, sao phải khiến Đức Chúa Giê-xu chết thay trên thập tự giá? Câu trả lời là: Đức Chúa Trời vừa là Đấng yêu thương, nhưng cũng là Đấng công bình. Nếu vì loài người phạm tội mà hình phạt tất cả thì Ngài không có lòng yêu thương; ngược lại nếu tha thứ hết mọi người thì Ngài không công bình. Ngoài ra, Đức Chúa Trời là Đấng thánh khiết, nên người tội lỗi thì không thể đến gần Ngài, nếu chưa được tha thứ. Chúa phải gánh lấy tội lỗi và chết thay cho con người để Ngài cất bỏ tội lỗi và đưa con người đến với Đức Chúa Trời thánh khiết. Như vậy, sự chết của Đức Chúa Giê-xu đã làm phu phỉ trọn vẹn bản tánh công bình, yêu thương và thánh khiết của Đức Chúa Trời.

Đời xưa có câu chuyện kể rằng: Vua nước Hy Lạp trách mắng thái tử rằng: “Ta đã ra lệnh người nào trái luật mà hành dâm sẽ bị móc mắt. Nay con vi phạm lịnh ấy, nếu theo luật xử tội con thì ta không đành lòng, còn nếu vị tình riêng mà tha cho con thì ta còn ra lệnh cấm được ai nữa? Nếu con biết hối cải, ta sẽ tự móc một mắt mình thế cho con”. Vua bèn móc một con mắt của mình và truyền lệnh móc một con mắt của thái tử. Thái tử cảm tạ ơn cha và kể từ đó ông trở nên một minh quân. Đức Chúa Trời đối xử với nhân loại cũng như vậy. Điều cần làm của nhân loại là hãy mau ăn năn tội lỗi của mình và nhận sự cứu chuộc như vị thái tử trong câu chuyện trên.

Kết luận:

Theo luật pháp Môi-se, khi dân Y-sơ-ra-ên phạm tội, họ phải dâng chiên con làm sinh tế chuộc tội chết thay cho mình. Nhưng hiện nay, chúng ta đang sống trong thời kỳ ân điển, và chính Đấng Christ là Chiên Con của Đức Chúa Trời đã chịu chết thay cho tội lỗi của cả nhân loại. Vì thế, chúng ta không còn dâng chiên con nữa mà chỉ cần chúng ta đặt đức tin của mình nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu. Từ khi Chúa Giê-xu gánh thay tội cho chúng ta trên thập tự giá, hễ chúng ta tin nhận Ngài làm Cứu Chúa của đời sống mình, chúng ta sẽ được tha thứ và được làm hòa thuận lại với Đức Chúa Trời.

Sự chết của Chúa Giê-xu chỉ thật sự ý nghĩa khi mỗi chúng ta ý thức rằng tất cả những điều Chúa đã gánh chịu là vì chính mình. Cầu xin Chúa giúp mỗi chúng ta cảm biết được những điều Ngài phải gánh chịu vì chúng ta, để mỗi chúng ta luôn sống xứng đáng với tình yêu của Ngài, đồng thời trung tín rao truyền sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến!

Lê-vi

Bài trướcQuảng Ngãi: Hiệp Nguyện Giáo Phẩm Và Nhân Sự Tháng 04/2023
Bài tiếp theoKhối Thanh Niên: Trại Tĩnh Tâm “Điểm Hẹn” (30/03 – 01/04/2023)