Cánh Đồng Truyền Giáo Của Những Người Mẹ

4237

Khi nói đến truyền giáo, người ta thường nghĩ đến hình ảnh những con người sẵn sàng bước ra khỏi chốn yên bình (là gia đình, quê hương, những gì thân thuộc, v.v…) và đi đến một nơi nào đó xa xôi, nghèo khổ hay kém tiện nghi hơn nơi họ đang sống, để chia sẻ Phúc Âm của Chúa Giê-xu. Điều này không sai. Nhưng nếu hiểu theo nghĩa rộng, thì còn có một cánh đồng truyền giáo khác ở sát bên cạnh chúng ta mà chẳng mấy ai nhận ra. Phúc Âm vẫn cần được rao giảng trong cánh đồng truyền giáo này, nhưng ít ai khích lệ hay quan tâm chia sẻ nỗi khó nhọc của nhà truyền giáo trên cánh đồng ấy. Cánh đồng truyền giáo đó chính là gia đình, và vị giáo sĩ vất vả ấy chính là người mẹ.

Tác giả bài viết bên dưới là mẹ của bảy người con. Bà muốn khích lệ các bà mẹ Cơ Đốc đừng nghĩ rằng những công việc hằng ngày mình làm cho gia đình, cho con cái là việc của đời này. Đừng cho rằng những việc nhàm chán đầy mệt mỏi phải làm hằng ngày cho những đứa con chẳng có giá trị gì đối với Chúa. Thay vào đó, hãy xem gia đình chính là cánh đồng truyền giáo đầu tiên được Chúa sai đến. Hãy hết lòng chăm sóc và nuôi dạy con cái mình trong đường lối Chúa để chúng nó trở thành những con người tin kính và rồi mai này đến lượt chúng nó, sẽ tạo ra một thế hệ tin kính tiếp nối.

Gia đình: nơi khai sinh công tác truyền giáo

Nếu bạn là một người nữ Cơ Đốc yêu mến Chúa thì hẳn Phúc Âm quan trọng đối với bạn. Thật dễ nản lòng khi nghĩ rằng những việc bạn đang làm chẳng quan trọng gì cho lắm. Nếu thật sự đang làm việc gì đó cho Đấng Christ thì bạn phải ở ngoài kia, hay ở đâu đó, chứ không phải ở trong nhà. Ngay cả khi bạn có cái nhìn rộng hơn về vai trò của mình trong vương quốc của Chúa, thì bạn cũng dễ dàng quên mất điều đó khi nhìn thấy đống vớ tất lộn xộn, khi bị cơn ốm nghén hành hạ hay đứng trước đống chén bát chưa rửa. Bạn sẽ bắt đầu thấy mình là người kém giá trị nhất trong Hội thánh.

Có nhiều cách người mẹ cần học biết về vai trò của chính mình, để không chán nản và thấy mình tầm thường, mà sẽ nhìn thấy ngôi nhà của mình chính là nơi khai sinh công tác truyền giáo.

Trọng tâm của Phúc Âm là sự hy sinh, và có lẽ không có nghề nghiệp nào trên đời này phải hy sinh nhiều như khi làm mẹ. Làm mẹ là cơ hội tuyệt vời để sống theo Phúc Âm. Jim Elliot có câu nói nổi tiếng: “Người biết từ bỏ điều mình không thể giữ để có được điều mình không thể mất thì không phải là người ngốc nghếch.” Làm mẹ cho bạn cơ hội hy sinh những điều bạn không thể giữ vì những người bạn không thể để mất. Họ là những linh hồn có giá trị đời đời, họ là con cái bạn, là cánh đồng truyền giáo của bạn.

Đức Tin Khiến Của Dâng Nhỏ Trở Nên Lớn

Nếu bạn giống tôi, có thể bạn đang suy nghĩ: “Tôi đã từng từ bỏ những gì cho chúng nhỉ? Công việc bàn giấy ư? Thì giờ đi tập thể dục? Phải tiêu tiền nhiều hơn?  Vóc dáng của tuổi hai mươi? Hay giấc ngủ?” Dường như chẳng có gì nhiều nếu so với công việc của một số giáo sĩ lớn, những người đã dâng cuộc đời cho Phúc Âm.

Hãy nghĩ đến việc cho năm nghìn người ăn khi các môn đồ đi ra gom góp thức ăn có sẵn. Chẳng có gì nhiều. Chỉ vài ổ bánh mì. Vài con cá. Hãy nghĩ đến người phụ nữ lấy mấy con cá ra đưa cho một môn đồ. Hẳn là một phần dâng ít ỏi lắm. Nhưng điều quan trọng không phải là những ổ bánh hay mấy con cá to cỡ nào lúc chúng được trao cho các môn đồ, mà là chúng được dâng vào tay ai. Trong tay của Chúa, phần dâng đó là đủ rồi. Và còn hơn thế nữa. Có cả phần dư thừa. Khi được dâng bằng đức tin, thì ngay cả của dâng nhỏ bé cũng trở nên to lớn.

Hãy nhìn những đứa con đức tin của bạn, hãy xem bao nhiêu người sẽ được chăm sóc thuộc linh bởi những đứa con mà bạn đang chăm sóc ngày hôm nay. Con bạn sẽ biết được bao nhiêu người trong cuộc đời chúng? Những gương mặt đang ngồi quanh chiếc bàn giờ này đại diện cho bao nhiêu đứa cháu trong tương lai?

Nhận Lãnh Điều Bạn Không Thể Mất

Vậy thì, nếu những người mẹ được đặt ở vị trí chiến lược để tạo ảnh hưởng truyền giáo mạnh mẽ như thế, thì tại sao chúng ta thấy kết quả nhận được lại quá ít ỏi? Tôi nghĩ câu trả lời thật đơn giản: tội lỗi. Bất mãn, sự nhỏ nhen, ích kỷ và oán giận. Cơ Đốc nhân thường cảm thấy phải ngượng ngùng về những điều mình có mới là thái độ đúng. Chúng ta nghe câu trích ở trên của Jim Elliot và nghĩ rằng chúng ta cần bán nhà để đi đến một nơi nào đó cần nghe Phúc Âm.

Nhưng tôi muốn thách thức bạn hãy nhìn vấn đề theo một cách khác. Từ bỏ điều bạn không thể giữ không có nghĩa là bỏ nhà cửa hay công việc để có thể đi phục vụ ở chỗ nào đó khác. Mà có nghĩa là từ bỏ chính mình. Hy sinh chính mình. Xả thân ngay tại đây và ngay bây giờ.

Hãy vui vẻ lau nước mũi lần thứ mười lăm trong ngày hôm nay. Hãy dọn lại bữa cơm chiều cho những người không thích ăn đậu xanh. Hãy cười to khi kế hoạch của bạn bị phá ngang vì đứa con đang nôn ói. Hãy hy sinh bản thân vì những con người ở đây với bạn, những người khiến bạn bực mình, những người cản trở công việc của bạn, những người lấy đi của bạn quá nhiều thời gian đến nỗi bạn không thể đọc tiếp bài viết này được nữa.

Hãy hãnh diện về họ. Hãy hy sinh cho họ. Hãy nhận lấy điều bạn không thể đánh mất trong họ.

Nuôi Nhiều Người Bằng Của Dâng Ít

Thật dễ nghĩ rằng bạn yêu thương những đứa trẻ mồ côi ở bên kia địa cầu, nhưng nếu bạn dành thời gian ở nhà mà oán giận về những đòi hỏi của con cái thì bạn chẳng có lòng yêu thương đâu. Bạn không thể vừa yêu mến Phúc Âm, vừa khó chịu với cuộc sống của mình. Bạn sẽ không bao giờ tạo được sự khác biệt ở đó nếu bạn không thể bình an ở đây. Bạn không thể hướng lòng về truyền giáo nếu bạn không hướng lòng về những con người ở xung quanh bạn. Tình yêu thật dành cho Phúc Âm thì tuôn tràn và chi phối mọi thứ. Tình yêu ấy sẽ ở trong mọi điều bạn làm, cho dù nó buồn tẻ, đơn giản hay cứ lặp đi lặp lại.

Đức Chúa Trời yêu những của dâng nhỏ bé: được dâng với đức tin, thì đĩa bánh mì bơ đậu phộng với mứt trái cây cũng sẽ nuôi được cả nghìn người. Khi được dâng với đức tin, những món quà vào buổi sáng Giáng sinh sẽ đem lại niềm vui cho nhiều đứa trẻ hơn bạn tưởng. Khi làm với lòng biết ơn, công việc nhà chỉ là khởi đầu. Đống đồ dơ khi được đem giặt mỗi ngày với tinh thần vị tha, sẽ được Chúa dùng để mặc cho nhiều người. Đừng nghĩ rằng những việc bạn làm chẳng quan trọng. Trong tay Chúa, nó sẽ được bẻ ra, bẻ ra và bẻ ra nữa cho đến khi tất cả những ai cần đều được ăn và được no nê – và dẫu thế, vẫn còn dư lại.

Theo Motherhood as a Mission Field
Tác giả: Rachel Jankovic
Biên dịch: Khuê Trần

Bài trướcSau Chiến Thắng Quân A-ma-léc – 28/3/2020 
Bài tiếp theoSự Khôn Ngoan Bày Tỏ Về Đức Chúa Trời – 29/3/2020