Bước Đi Trong Sự Sáng

7061

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng quen thuộc với hình ảnh những người mẫu bước đi trên sàn catwalk điêu luyện và lôi cuốn dưới ánh đèn sân khấu rực rỡ. Đó là những khoảnh khắc mà các nam thanh nữ tú biểu diễn, trưng bày phần tốt đẹp nhất của họ, với ước mong khán giả dõi mắt theo và trầm trồ khen ngợi. Cũng có lẽ rằng khi ngắm nhìn những người mẫu này, không ít người trong chúng ta thầm mơ tưởng một ngày nào đó mình cũng sẽ được trình diễn dưới ánh sáng đầy hào nhoáng và vinh quang, khi mọi thứ chung quanh sẽ bị lu mờ và chỉ có chính mình là tiêu điểm nổi bật. Ắt hẳn đây là hình ảnh tương đồng rõ nét nhất để có thể miêu tả ẩn dụ “bước đi trong sự sáng” mà Sứ đồ Giăng nói đến trong thư I Giăng 1:5-10.

Tuy nhiên, liệu đời sống “bước đi trong sự sáng” của người tin Chúa có phải là một cuộc đời trình diễn những gì mà khán giả muốn nhìn thấy để được khen ngợi và ngưỡng mộ? Ánh sáng vật lý của ‘sân khấu’ chỉ có thể soi được những điều vật lý. Người ta có thể nghe, có thể thấy, có thể chứng kiến nét đẹp rạng ngời của người mẫu, những ca sĩ, hay những diễn viên khi họ ở trên sân khấu. Thế nhưng, liệu rời khỏi ‘sàn diễn’ rồi, cuộc đời thật phía sau ‘ánh đèn sân khấu’ của họ có còn được vây quanh bởi hào quang như thế nữa không? Ánh sáng soi dẫn cho và chiếu rạng từ người tin Chúa không phải là ánh sáng vật lý giới hạn. Nó cũng không phải là ánh sáng đạo đức theo tiêu chuẩn dễ đổi thay của loài người. Nó cũng không phải là ánh sáng chỉ cốt để người ta nhìn rồi trầm trồ khen ngợi. Nó là ánh sáng vĩnh cửu. Nó là ánh sáng của sự thật. Nó là ánh sáng đem lại sự sống. Nó là ánh sáng thanh tẩy. Đây là ánh sáng mà Giăng đã dạy người theo Chúa phải bước đi trong đó:

5Đây là sứ điệp chúng tôi đã nghe nơi Ngài và công bố cho anh em: Đức Chúa Trời là ánh sáng, trong Ngài không có bất cứ bóng tối nào. 6Nếu chúng ta nói mình được tương giao với Ngài mà vẫn bước đi trong bóng tối thì chúng ta nói dối và không làm theo chân lý. 7Nhưng nếu chúng ta bước đi trong ánh sáng, cũng như chính Ngài ở trong ánh sáng, thì chúng ta được tương giao với nhau, và huyết của Đức Chúa Jêsus, Con Ngài, tẩy sạch mọi tội của chúng ta. 8Nếu chúng ta nói mình không có tội thì chúng ta tự lừa dối mình, và chân lý không ở trong chúng ta. 9Còn nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín, công chính sẽ tha tội cho chúng ta và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều bất chính. 10Nhưng nếu chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội thì chúng ta cho Ngài là người nói dối, và lời Ngài không ở trong chúng ta. (I Gi 1:5-10, BTTHĐ)

  1. Ánh sáng vĩnh cửu

Khái niệm sáng – tối về phương diện đạo đức đã có trong triết học Hy Lạp và khá quen thuộc trong văn hoá loài người, nhưng Sứ đồ Giăng nhấn mạnh nguồn gốc thiên thượng của sứ điệp về ánh sáng: Điều ông tuyên bố không đến từ triết lý của con người mà từ chính Chúa Giê-xu, và ánh sáng mà Ngài truyền lại không phải là ánh sáng đạo đức của con người. Sứ điệp đó là: “Đức Chúa Trời là ánh sáng.”

Đức Chúa Trời là ánh sáng” (c.5). Đấng Sáng tạo và Bảo tồn vũ trụ không chỉ làm nên ánh sáng trong buổi sáng thế (Sáng 1:2), mà chính Ngài là ánh sáng tự hữu hằng hữu, Đức Chúa Trời của mọi thời đại từ trước vô cùng cho đến đời đời. Ngài là nguồn sáng vĩnh cửu, không biến cải, không bao giờ tắt. Ánh sáng bất biến đó luôn soi đường cho tạo vật của Ngài, cho bất cứ ai lạc bước trở về.

 “Trong Ngài không có bất cứ bóng tối nào,” (c.5), không có vệt tối nào mà ánh sáng của Ngài không bao phủ, soi chiếu. Đức Chúa Trời là ánh sáng toàn diện, toàn hảo tuyệt đối, đáng được tin cậy và trao phó cuộc đời trong ánh sáng đó. Khi đi trong bóng đêm ở miền thôn quê, hay khi bị cúp điện, chúng ta thường phó thác nhiệm vụ dẫn đường cho những người có đèn pin. Ánh đèn pin rất hữu dụng, nhưng cũng giới hạn, có khi khiến người đi theo bị sụp hố, vì đèn pin không soi được hết con đường. Ánh sáng của Chúa thì không như thế. Đó là ánh sáng toàn vẹn, luôn soi chiếu mọi con đường, mọi ngóc ngách, đảm bảo an toàn cho những ai tin cậy và bước đi.

Bước đi trong ánh sáng vĩnh cửu là đáp ứng với lòng tin nơi ánh sáng không biến đổi của Chúa giữa những “ánh sáng” đạo lý tạm bợ, dễ đổi thay của con người. Dù con người đã quay lưng và xa cách ánh sáng vĩnh cửu, Đức Chúa Trời đã chọn đến gần và ngự giữa con người qua Đấng nhập thể. Ít nhất ba lần trong Phúc âm Giăng, Chúa Giê-xu nói “Ta là sự sáng của thế gian,” để bất cứ ai tin theo Ngài “chẳng ở” và “chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống.” (Gi 8:12; 9:5; 12:46). Đức Chúa Trời có thể dùng những người của Ngài như Giăng Báp-tít làm “ngọn đèn thắp sáng” để con người “tạm vui hưởng” (Gi 5:35), nhưng chỉ có ánh sáng vĩnh cửu của Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu mới đem đến sự sống bất diệt. Ánh sáng vĩnh cửu đang tiếp tục được phản chiếu bởi Hội Thánh, những người đã thực sự tiếp nhận và bước đi trong ánh sáng đó.

  1. Ánh sáng của sự thật

Trong Ngài không có bất cứ bóng tối nào” (c.5) cũng hàm ý rằng Đức Chúa Trời là ánh sáng tuyệt đối chân thật, không chút dối trá hay mảy may tội lỗi nào được chấp nhận trong ánh sáng của Ngài. Trong các câu 6-10, sứ đồ Giăng cho thấy đi trong tối tăm là đi trong tình trạng thiếu sự thật hay chân lý. Ông miêu tả ba kiểu người không có ánh sáng của sự thật này.

Thứ nhất, người nói mình tương giao với Chúa mà thỏa hiệp với bóng tối, là người nói dối và không làm theo chân lý (c.6). Người này có thể tuyên xưng mình có mối tương giao với Nguồn Sáng, tạo ấn tượng với người chung quanh rằng mình rất ‘thuộc linh’, nhưng thật ra đang kín đáo sống trái ngược lại với chân lý mà Chúa đã bày tỏ. Người đi trong tối tăm vẫn có thể xây dựng hình ảnh đẹp, diện mạo sáng sủa, hào nhoáng trong các hoạt động tôn giáo, sinh hoạt nhà thờ, giống như ma quỷ có thể giả mạo làm thiên sứ sáng láng. Diện mạo đó có thể đánh lừa mắt loài người, nhưng không thể tránh bị phơi bày ra trong ánh sáng của sự thật.

Thứ hai, người nói mình không có tội là người tự lừa dối mình (c.8). Người này không chịu thừa nhận mà cố gắng che đậy, biện minh cho tội lỗi của mình. Nếu người thứ nhất tìm cách nói dối người chung quanh, thì người này tự huyễn hoặc bản thân rằng mình vẫn đi trong sự sáng (không có tội lỗi chi hết). Không có ánh sáng của sự thật, người này sống trong ảo tưởng mình không cần được biến đổi gì nữa, và do đó cứ đi trong bóng tối.

Thứ ba, người nói mình “chẳng từng phạm tội” là người cho rằng Đức Chúa Trời nói dối (c.10). Người này từ chối không chịu tin sự thật mà Lời Chúa đã tuyên bố rằng loài người đã phạm tội, không có ai công nghĩa, dẫu một người cũng không. Ánh sáng của sự thật không được tiếp nhận, nên người đó không thể nhận được ánh sáng của sự sống qua Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Người bước đi trong ánh sáng của sự thật là người không chỉ nói mà làm theo chân lý, tức là sống dưới năng quyền, tác động của Lời Chúa nhờ Thánh Linh, để chân lý biến đổi suy nghĩ, thái độ và hành vi của mình. Người đó có đời sống minh bạch, không có gì phải giấu giếm, bởi vì “ai làm theo chân lý thì đến với ánh sáng để các việc mình làm trong Đức Chúa Trời được thấy rõ” (Gi 3:21). Nhờ có chân lý, người đó nhận biết, thừa nhận và ăn năn ngay những tội lỗi của mình mà không bao biện, để được huyết Chúa tẩy sạch. Nhờ tôn trọng thẩm quyền của chân lý, thừa nhận mình là tội nhân cần sự cứu rỗi của Chúa, người đó đã tiếp nhận ánh sáng của sự sống.

  1. Ánh sáng của sự sống

Khi “nói mình được tương giao với Ngài” (c.6)chúng ta nhận thức Đức Chúa Trời là ánh sáng của sự sống, vì sự sống đời đời của một người bắt đầu khi mối tương giao của người đó với Đức Chúa Trời, vốn đã bị gãy đổ vì loài người phạm tội, được phục hồi. Trong ý nghĩa căn bản nhất, từ ngữ tương giao hay thông công (κοινωνία) hàm ý sự chia sẻ, tham gia, dự phần vào đời sống chung của ít nhất hai đối tượng.  Chúa là thần, là nguồn sáng thánh khiết, làm sao có thể chia sẻ đời sống chung với con người tội lỗi? Điều kiện tiên quyết để được tương giao cùng Chúa là đã tiếp nhận ánh sáng của sự sống, được tái sinh để có thể “dự phần bản tính của Đức Chúa Trời” (II Phi 1:4), tương thích với bản tính của Đức Chúa Trời và có thể dự phần đời sống chung cùng gia đình Đức Chúa Trời. Đó là mối thông công thiên thượng, vượt ranh giới không gian, thời gian, và sự khác biệt bản thể giữa Đức Chúa Trời và con người, nhờ sự liên hiệp giữa tín đồ với Đấng Thần Nhân bởi Thánh Linh. Mối thông công ấy được nuôi dưỡng khi người theo Chúa bước đi trong ánh sáng của sự sống nhờ sự tẩy sạch của “huyết của Đức Chúa Jesus, Con Ngài.”

Mối thông công thiên thượng đã bắt đầu trên trần gian trong gia đình của Ngài – Hội Thánh. Khi Giăng viết “chúng ta được tương giao với nhau” (c.7) tức là ông nói đến mối thông công của các tín hữu với các sứ đồ, và giữa các tín hữu với nhau, đã có từ những ngày đầu của Hội Thánh, khi “những người được cứu bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ và sự thông công” (Công 2:42). Người được tái sinh bởi đức tin nơi Đấng Christ cần được nuôi dưỡng bởi chân lý để có thể thông công với nhau và cùng nhau thông công với Chúa. Mối tương giao của người theo Chúa có nguồn gốc thiên thượng, làm cho mối liên hệ của tín hữu không phải là mối liên hệ xã hội của một câu lạc bộ tôn giáo, mà là một mối liên hệ được ràng buộc bởi chính sự sống thuộc linh được tiếp nhận từ Đức Chúa Trời thông qua Đấng Christ. Như cây tiếp nhận ánh sáng, quang hợp, lớn lên, phát triển các nhánh cành, ra hoa kết trái, thì sự sống của cộng đồng Cơ Đốc trong ánh sáng thiên thượng luôn có sự chuyển động, giao thoa, hoà hợp, tăng trưởng và kết quả. Người bước đi trong ánh sáng là người tiếp nhận sự sống thuộc linh từ nơi Chúa, quí trọng mối thông công thiên thượng với Chúa và mối thông công bằng hữu trong Chúa với nhau, để cùng nhau tăng trưởng và kết quả. Do vậy, cam kết chia sẻ đời sống chung dưới ánh sáng của chân lý phải là ưu tiên của Hội Thánh.

  1. Ánh sáng thanh tẩy

Ở trong mối thông công thiên thượng, chúng ta cũng ở trong ánh sáng đem đến sự thanh tẩy của Đức Chúa Trời, là ánh sáng chỉ ra mọi tội của chúng ta và đưa chúng ta vào dòng huyết của Chúa Giê-xu, Con Đức Chúa Trời, để được tẩy sạch mọi tội (c.7, 9). Dù đã tiếp nhận ánh sáng của sự sống, được tái sinh, sống trong mối tương giao thiên thượng, chúng ta vẫn còn sống trong hiện thực “vừa công chính vừa tội nhân” (Martin Luther).  Điều này được diễn đạt trong giáo lý về sự nên thánh thực nghiệm, tiếp diễn hằng ngày trong đời sống người theo Chúa. Từ “tẩy sạch” ở đây được viết ở thì hiện tại tiếp diễn, cho thấy một sự thanh tẩy diễn ra hằng ngày. Không phải chỉ thanh tẩy một lần, không phải chỉ ăn năn một lần, không phải chỉ cam kết một lần, cũng không phải đã đạt đến một địa vị nào đó rồi thì không còn cần đến thanh tẩy nữa. Thay vào đó, càng đi trong ánh sáng, người theo Chúa càng nhạy bén nhận ra những tội lỗi tinh vi, và mỗi ngày càng nhờ cậy huyết Chúa thanh tẩy để mình xứng hiệp với sự sáng.

Người theo Chúa bước đi trong ánh sáng không phải như người mẫu trên sàn diễn cố gắng trưng bày sự hoàn hảo, mà là người sống thật, là chứng nhân của ân sủng, sự thành tín và công bình của Chúa (c.9) – Đấng tha thứ tội, giải cứu khỏi tội, và ban năng lực để người ấy không còn bước đi hay chìm đắm trong tội lỗi. Ánh sáng của Chúa không đe dọa hay làm hại mà mời gọi người theo Ngài phơi bày con người thật của mình ra như bệnh nhân dưới ánh đèn và bàn tay lành nghề của bác sĩ đại tài, để được chữa lành và sống khỏe mạnh.

Đức Chúa Trời là nền tảng cho đời sống bước đi trong ánh sáng của người theo Ngài. Chính Ngài là ánh sáng vĩnh cửu, ánh sáng của sự thật, ánh sáng của sự sống và ánh sáng thanh tẩy. Nhờ ánh sáng đó, người theo Chúa vững tin bước ra khỏi chỗ nấp trong bóng tối mà đến cùng Ngài, để được vững an giữa đường đời gập ghềnh và mù tối, để thấy chân lý giữa những luận lý dối gian, để được sống giữa những vô vọng và chết chóc, và để được thanh tẩy khỏi những ô nhơ đời người. ‘Bước đi trong ánh sáng’ được bày tỏ trong đời sống học biết và làm theo chân lý. Việc học Kinh Thánh không chỉ để học Kinh Thánh, mà để Lời Chúa tác động, biến đổi đời sống mình. ‘Bước đi trong ánh sáng’ cũng là coi trọng và sống trong mối thông công thiên thượng, chân thành với Chúa và với nhau trong việc nuôi dưỡng đời sống thánh khiết.  ‘Bước đi trong ánh sáng’ cũng là sống thành thật trước Chúa, luôn nhờ Chúa dò xét để ăn năn và kinh nghiệm sự tha thứ và quyền năng biến đổi của Chúa mỗi ngày. Năng lực để người theo Chúa bước đi trong ánh sáng như vậy không gì khác hơn là chính Đức Chúa Trời, nguồn sáng vĩnh cửu.

 Karis Đỗ
(trích từ Bản Tin Mục Vụ)

Bài trướcQuảng Nam: Hiệp Nguyện Giáo Phẩm Tháng 09/2023
Bài tiếp theoĐắk Lắk: Huấn Luyện Trường Chúa Nhật Tại Khu Vực 3,4